Khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang

.

Tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang do thiếu nước tưới, hoặc đã được quy hoạch, thu hồi để phục vụ các dự án đô thị hóa song chậm triển khai dẫn đến đất thu hồi bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.

Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang hiện là địa phương có nhiều nguồn quỹ đất nông nghiệp bị hoang hóa, cần cải tạo để sản xuất.  Ảnh: XUÂN SƠN
Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang hiện là địa phương có nhiều nguồn quỹ đất nông nghiệp bị hoang hóa, cần cải tạo để sản xuất. Ảnh: XUÂN SƠN

Đất lúa bị ảnh hưởng dự án

Hơn 110.000m2 diện tích đất trồng lúa trên địa bàn phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) gần 20 năm qua không sản xuất được do bồi lấp, ngập úng và thiếu nguồn nước, thuộc các dự án Trung tâm Công nghệ sinh học và cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật thuộc xứ đồng Đông Phước và xứ Đồng Triền - bàu Gia Thượng, dự án đường nối từ Tôn Đản - Lê Trọng Tấn đi quốc lộ 14B (giai đoạn 2) thuộc xứ đồng Nghi An và xứ đồng Đông Phước.

Ông Ngô Viết Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát cho biết, đây là phần diện tích đất trồng lúa mỗi năm một hoặc hai vụ, hiện nay đã bị phá bờ, thoát nước chậm nên dân không muốn làm, sợ chuột cắn phá. Vừa qua, Hội Nông dân khảo sát ý kiến của gần 150 hộ dân thống nhất với chủ trương thu hồi đất để triển khai các dự án và đề nghị tiến hành thu hồi sớm để chuyển đổi cây trồng, đồng thời đề nghị chủ đầu tư các dự án sau khi nhận bàn giao mặt bằng cần sớm san lấp mặt bằng vì hiện nay đường giao thông chia cắt, mưa là ngập úng cục bộ.

“Mới đây Phòng Kinh tế quận đưa ra các phương án sử dụng đất, trong đó chọn khu vực Phước Tường rộng 8ha thuộc tổ 31, 32, giao cho cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất trồng rau, hoa hoặc nấm. Tuy nhiên, người dân không mặn mà gì vì khu vực này cây cỏ um tùm, họ muốn đầu tư cũng không đủ nguồn lực để cải tạo đất”, ông Tuấn cho hay.

Toàn quận Cẩm Lệ hiện có hơn 168.500m2 đất lúa không sử dụng. Trong đó ngoài phường Hòa Phát, phường Hòa Thọ Đông có 6.022m2, phường Hòa Thọ Tây có 52.217,3m2, đều là đất đã bị bồi lấp, thiếu nước và ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến 286 hộ dân. Trên địa bàn huyện Hòa Vang, tổng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được 51,64ha, trong đó có 2,8ha có khả năng khôi phục sản xuất; 29 khu đất với diện tích 48,84ha không có khả năng khôi phục sản xuất bao gồm 17,77ha đã có chủ trương lập quy hoạch và 31,07ha chưa có chủ trương quy hoạch.

Vườn rau thủy canh của anh Hồ Như Liệu, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ rộng 2.000m2, vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng, mỗi năm lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là phần diện tích anh Liệu thuê lại của quận Cẩm Lệ để sản xuất trên diện tích đất bỏ hoang nhiều năm.  Ảnh: HOÀNG NHUNG
Vườn rau thủy canh của anh Hồ Như Liệu, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ rộng 2.000m2, vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng, mỗi năm lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là phần diện tích anh Liệu thuê lại của quận Cẩm Lệ để sản xuất trên diện tích đất bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bỏ hoang

Phần đất lúa bỏ hoang trên địa bàn quận Cẩm Lệ tập trung ở khu vực phường Hòa Thọ Tây và phường Hòa Phát, là các cánh đồng nhỏ xen kẽ giữa đồi núi thấp. Diện tích đất lúa bị ảnh hưởng các dự án đang thi công trên địa bàn quận năm 2023 được thành phố hỗ trợ hơn 13,79ha, còn lại không sản xuất được.

Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, nguyên nhân bỏ hoang đất lúa hiện nay do ảnh hưởng quy hoạch, các dự án chậm triển khai, không có hệ thống tưới tiêu nên nhiều cánh đồng ngập úng về mùa mưa, cơ cấu lao động tham gia sản xuất nông nghiệp hiện nay đa phần là người lớn tuổi. Bên cạnh đó, mức thu nhập từ sản xuất lúa đem lại thấp nên nhân dân bỏ đất hoang không sản xuất. Quận đang xây dựng phương án để chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả sang các loại hình sản xuất khác có hiệu quả cao hơn và xây dựng các mô hình nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch.

Ông Hậu cho rằng, để sử dụng hiệu quả quỹ đất, quận đang xây dựng một số mô hình nông nghiệp đô thị, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu quy hoạch lại nông nghiệp đô thị, thực hiện một cách đồng bộ, nhằm tối ưu hóa sử dụng đất đai, phát triển nông nghiệp bền vững và tạo ra giá trị kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi các khu vực đất lúa kém hiệu quả thành các vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Như chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái, hoặc phát triển mô hình trồng hoa ngắn ngày.

Với 31,43ha đất sản xuất lúa bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả trên 7 xứ đồng ở hai phường Hòa Phát và Hòa Thọ Tây, quận dự kiến chuyển sang trồng rau thủy canh hướng hữu cơ trong nhà kính, trồng nấm, các loại hoa màu và một số loại cây ngắn ngày. Để thực hiện các mục tiêu trên, cần cung cấp vốn vay ưu đãi cho nông dân, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và hỗ trợ chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện có 121,88ha đất nông nghiệp khác không sản xuất do nhiều nguyên nhân. UBND thành phố đã thống nhất hủy bỏ 44 đồ án quy hoạch và sơ đồ ranh giới sử dụng đất. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục rà soát lấy ý kiến về việc hủy 6 đồ án quy hoạch và sơ đồ ranh giới sử dụng đất; đồng thời tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung điều chỉnh hoặc hủy bỏ và tổ chức lấy ý kiến theo quy định. Huyện đã khảo sát các diện tích đất hoang hóa, phát động phong trào khôi phục đất nông nghiệp bỏ hoang. Trong đó, thử nghiệm chuyển đổi trồng, nuôi một số cây trồng, vật nuôi trên các diện tích đất hoang được khảo sát có thể khôi phục.

“Hằng năm, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án đều có hỗ trợ vụ mùa. Tuy nhiên, diện tích bị ảnh hưởng bởi các dự án nếu bỏ hoang rất lãng phí. Đến nay, thông qua hội nông dân các xã, huyện vận động người dân lựa chọn các mô hình sản xuất như nuôi ốc bươu đen, trồng hoa sen, súng…”, ông Khoa cho biết thêm. Đến nay huyện Hòa Vang đã khôi phục sản xuất được hơn một phần diện tích đất lúa bỏ hoang, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ dân.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.