Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh dịch vụ du lịch

.

Để tăng tiện ích cho khách hàng và tạo hiệu quả kinh doanh, các cơ sở dịch vụ du lịch, nhất là cơ sở có quy mô vừa và nhỏ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về đặt chỗ, thanh toán, quảng bá điểm đến, sản phẩm…

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quảng bá hình ảnh thông qua ứng dụng QR, thiết bị điện tử tại các hội nghị, triển lãm. Ảnh: NGỌC HÀ
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quảng bá hình ảnh thông qua ứng dụng QR, thiết bị điện tử tại các hội nghị, triển lãm. Ảnh: NGỌC HÀ

Thay đổi, thích ứng

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc điều hành khách sạn Biển Vàng (quận Sơn Trà) cho biết, sau Covid-19, nhu cầu và sử dụng dịch vụ du lịch của du khách thay đổi rất nhiều. Với xu thế công nghệ thông tin được phổ cập, khách hàng đã lựa chọn, tiếp cận dịch vụ online, từ đó, khách sạn cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bà Trinh chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh dịch vụ du lịch mang lại nhiều tiện ích. Dễ thấy nhất là sự tương tác giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý nhà nước minh bạch hơn; quản lý nhân sự chủ yếu trên phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

“Đặc biệt, doanh nghiệp tiếp cận khách hàng thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, khách hàng check-in hay check-out mất nhiều thời gian, thậm chí vào mùa cao điểm, khách phải chờ 30-45 phút mới xong thủ tục. Còn bây giờ, khách hàng check-in chưa đến 1 phút. Khách sạn còn có công cụ quét mã tích hợp phần mềm gồm thông tin khách hàng, thời gian “in - out”, giá tiền, yêu cầu của khách… nên dễ dàng trong công tác quản lý, đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng”, bà Trinh nói.

Tương tự, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về sự tiện lợi và trải nghiệm hiện đại, Việt An Group và các cơ sở dịch vụ thành viên An Spa, Sơn Trà Marina và Du thuyền Aphrodite không ngừng nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt An Group Nguyễn Thanh Tâm cho hay, đơn vị xây dựng một nền tảng đặt lịch trực tuyến, cho phép khách hàng dễ dàng đặt hẹn và thanh toán qua các kênh online.

Việt An Group còn đầu tư mạnh vào việc xây dựng và phát triển các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và TikTok; thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, video về các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái của Việt An Group cũng như những ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. “Việc chuyển đổi số đã giúp Việt An Group tiếp cận được với lượng lớn khách hàng tiềm năng, nhất là giới trẻ. Nhờ đó, chúng tôi đã tăng cường được độ nhận diện thương hiệu và tạo dựng lòng tin với khách hàng. Kết quả là doanh số của Việt An Group đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Khách hàng cũng bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ đặt lịch tiện lợi và những thông tin hữu ích được chia sẻ trên các kênh mạng xã hội”, ông Tâm chia sẻ.

Cần đẩy mạnh tiện ích công nghệ số

Theo TS. Nguyễn Phong Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Neurond AI, các nền tảng trực tuyến và công cụ tiếp thị số cho phép các doanh nghiệp du lịch tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường toàn cầu. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ có thể cạnh tranh công bằng và tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà không phải đầu tư quá lớn. Việc ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành du lịch đem lại nhiều tiện ích nổi bật. Chẳng hạn trong chăm sóc khách hàng, chatbox chăm sóc khách hàng hoạt động 24/7, phân tích phản hồi của khách hàng, hỗ trợ đặt phòng và thanh toán; đối với tư vấn bán hàng, AI sẽ dự đoán nhu cầu của khách hàng, xây dựng các chương trình khách hàng trung thành; đối với marketing, AI sẽ tạo nội dung tự động: blog, mạng xã hội, tối ưu hóa quảng cáo…

Ông Nguyễn Văn Cảm, Trưởng nhóm quan hệ đối tác VNPAY khu vực miền Trung cho rằng, chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán số và số hóa các quy trình khác trong ngành du lịch sẽ mang đến nhiều lợi ích quan trọng như nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường khả năng thu hút khách hàng và mở rộng thị trường. Khi doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số toàn diện, từ hợp đồng điện tử, chữ ký số đến các phương thức thanh toán đa dạng như thẻ thanh toán quốc tế và mã QR nội địa, khách hàng sẽ có một hành trình trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt. Các doanh nghiệp du lịch có thể hợp tác cùng các nền tảng OTA (đại lý cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến) để khách hàng toàn cầu có thể dễ dàng đặt phòng khách sạn, lựa chọn dịch vụ du lịch và thanh toán trực tuyến.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng đề xuất ngành chức năng cần có chiến lược đối với cung cấp các ứng dụng khai thác triệt để dịch vụ du lịch của thành phố như ứng dụng du lịch thông minh dành riêng cho điểm đến, ứng dụng giới thiệu ẩm thực, văn hóa. Theo ông Tùng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là cơ sở có quy mô vừa và nhỏ thời gian qua đã chuyển đổi số mạnh mẽ. Vấn đề là cần cung cấp các ứng dụng để tạo điều kiện cho họ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, nâng cao hiệu quả kinh doanh, khai thác có hiệu quả các nguồn khách.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.