Lạm phát năm 2024 kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép

.

Năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với 2023. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với 2023. Ảnh minh họa: Hạ Mây
Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với 2023. Ảnh minh họa: Hạ Mây

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 5 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT từ ngày 17.11.2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17.10.2024 của Bộ Y tế.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, lạm phát năm 2024 đã được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024.

"Để ổn định kinh tế vĩ mô, thành công trong việc kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong năm 2024 như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.

Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.

Điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường một cách thận trọng. Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng được Chính phủ tiếp tục thực hiện trong năm 2024" - bà Hương cho biết.

Đặc biệt, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, những chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả đã góp phần kiểm soát lạm phát.

Theo laodong.vn

;
;
.
.
.
.
.