15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng - điểm sáng cải cách hành chính - Bài 3: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

.

Từ khi thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đà Nẵng đã có sự bứt phá ngoạn mục trong công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Đặc biệt, việc triển khai đánh giá, xếp hạng CCHC đã tạo ra khí thế thi đua giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố trong công tác CCHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ bộ phận “một cửa” (bên phải) tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục cấp “sổ đỏ”.
Cán bộ bộ phận “một cửa” (bên phải) tại Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục cấp “sổ đỏ”.

Vì chất lượng, không vì thứ hạng

Ông Võ Công Chánh, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, chỉ số CCHC (gọi tắt là PAR Index) là công cụ quan trọng đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương.

Khi PAR Index bắt đầu được triển khai, Đà Nẵng luôn tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao điểm số và xếp hạng của mình so các địa phương khác và với chính mình những năm trước. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là đánh giá, xếp hạng để tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhóm (cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; nhóm sở, ban, ngành và nhóm quận, huyện) để nâng cao hơn chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ vì thứ hạng.

Đà Nẵng là địa phương tự xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng CCHC hằng năm sớm nhất cả nước. Việc Bộ Nội vụ công bố PAR Index hằng năm từ năm 2012 có sự đóng góp về kinh nghiệm đánh giá, xếp hạng CCHC của Đà Nẵng đã làm trước đó.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, năm 2017 là năm thứ 10 liên tiếp UBND thành phố triển khai chủ trương đánh giá, xếp hạng về CCHC. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những năm triển khai trước đó, việc triển khai Quyết định số 1898/QĐ-UBND của UBND thành phố đã được tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao; thể hiện sự quan tâm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các nội dung về CCHC.

Việc kết hợp các nội dung đánh giá về CCHC, văn thư lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong cùng một đợt đánh giá đã góp phần tiết kiệm thời gian cho đơn vị. Ngoài ra, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiến hành điều tra, khảo sát cũng góp phần giảm thiểu chi phí hành chính.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, dẫu có bước chuyển mình vượt bậc, liên tục đứng đầu cả nước về PAR Index, tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt hướng đến đưa Đà Nẵng không chỉ xếp hạng trong tốp đầu của cả nước về CCHC mà tất cả các chỉ số PAR Index phải luôn đạt ở vị trí xếp hạng cao.

Và để đạt được điều này, thành phố sẽ tiếp tục đưa ra hàng loạt giải pháp; trong đó tập trung tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; có giải pháp hữu hiệu, những sáng kiến CCHC mang tính đột phá để vận dụng, áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao.

Thành phố quan tâm bổ sung nguồn lực cho công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của đội ngũ CBCCVC; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát, công bố kết quả giải quyết TTHC; đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Rút ngắn khoảng cách chênh lệch vị thứ

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, trong năm 2017, kết quả CCHC của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố đều thuộc nhóm rất tốt và tốt. Trong đó, đơn vị có điểm số tốt nhất với 98,5 điểm (bao gồm điểm thưởng), đơn vị thấp nhất là 83,8 điểm.

Điểm bình quân của các cơ quan thuộc khối là 90,9 điểm. Nếu như trước đây, điểm chênh lệch của đơn vị dẫn đầu so với đơn vị xếp cuối có thể lên đến hơn 30 điểm, thì đánh giá năm 2017, khoảng cách này được rút ngắn chỉ còn 14,7 điểm.

“Thông qua việc đánh giá, xếp hạng CCHC hằng năm, các đơn vị đều rút kinh nghiệm và chỉ đạo cải thiện tốt những hạn chế so với các năm trước. Điểm mạnh của các đơn vị thuộc khối này là công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp”, ông Đồng nhấn mạnh.

Điểm nổi bật nhất trong công tác CCHC ở Đà Nẵng trong năm 2017 là có 100% cơ quan hành chính từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, vận hành thông suốt hệ thống quản lý và xử lý văn bản trên môi trường mạng..., tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC.

Điển hình là Cục Hải quan thành phố xây dựng hệ thống quản lý việc cấp giấy phép nhập khẩu ô-tô, xe máy theo hình thức quà biếu tặng; phần mềm theo dõi, quản lý tờ khai đưa hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; phần mềm quản lý tờ khai hủy.

Bảo hiểm Xã hội thành phố áp dụng phần mềm quản lý quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; giải pháp thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực phục vụ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, duy trì tỷ lệ thẻ bảo hiểm y tế đáo hạn trên địa bàn huyện để nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân...

Ngoài ra, tất cả các quận, huyện đều chú trọng xây dựng, ban hành các đề án liên thông, liên kết, đồng thời tiếp tục thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, thực hiện công tác CCHC, những năm qua, quận Thanh Khê đã chỉ đạo quyết liệt cũng như đầu tư thỏa đáng về kinh phí, trang thiết bị cho công tác CCHC, góp phần bứt phá về thứ hạng CCHC.

Theo ông Tĩnh, nếu năm 2016, quận Thanh Khê là địa phương thuộc nhóm khá, thì năm 2017 đã vươn lên dẫn đầu với kết quả xếp loại rất tốt. Để có được thứ hạng này, song song với việc triển khai áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến, quận Thanh Khê tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC; đặc biệt tất cả các phường trên địa bàn quận cũng xây dựng và đưa vào áp dụng phần mềm KIOSK, tích hợp nhiều tiện tích như: tra cứu TTHC, tra cứu hồ sơ đang giải quyết, khảo sát mức độ hài lòng trực tuyến, tra cứu lịch làm việc của lãnh đạo UBND quận…

Theo đánh giá của Sở Nội vụ thành phố, trong năm 2017, UBND các quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, đầu tư thỏa đáng cho công tác CCHC, kết quả đánh giá có 1 quận đạt mức điểm xếp loại rất tốt và 6 quận, huyện còn lại đạt mức điểm xếp loại tốt.

Sự nỗ lực của khối quận, huyện thể hiện rõ nét nhất qua công tác chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền CCHC. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện đã duy trì các hình thức tuyên truyền thu hút người dân như: xây dựng “Điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn mới kiểu mẫu” tại nhà văn hóa thôn; xây dựng mô hình “Điểm lồng ghép hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” tại cụm các xã; phát huy sự tham gia của hội, đoàn thể trong công tác CCHC, nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên tại thôn; mở rộng kênh tương tác giữa tổ chức, công dân và chính quyền thông qua mạng xã hội Facebook; in ấn các tờ rơi, bìa kẹp hồ sơ...

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.