ĐNO - Những khó khăn, mệt mỏi, có lúc muốn chùn bước, muốn dừng lại những công việc không tên nhưng mỗi lần nghe tiếng kêu cứu của người dân trong một vụ tai nạn giao thông hay tiếng rên đau đớn của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng lại khoác áo blouse trắng lên đường.
Bác sĩ Hồng (thứ ba, phải sang) và đồng nghiệp gặp gỡ bác sĩ Hoa Kỳ trên tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ khi cập cảng Đà Nẵng. |
Vào nghề với niềm say mê và nhiệt huyết, gần 30 năm khoác áo blouse trắng, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố chưa một ngày được nghỉ phép, chưa có cái Tết năm nào được đón giao thừa quây quần bên gia đình.
Khi tiếng còi cấp cứu 155 vang lên trên các đường phố, bác sĩ Hồng cùng đội ngũ y, bác sĩ có mặt để kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”.
Vực dậy Trung tâm Cấp cứu 115
Hẹn gặp vào một buổi chiều cuối hè, khi nắng Đà thành buông thõng những tia cuối cùng kết thúc ngày, đường phố tấp nập xe cộ buổi tan tầm công sở nhưng bác sĩ Hồng vẫn chưa xong công việc. Dường như với người phụ nữ ấy, hạnh phúc khi trở về nhà sau giờ tan sở để chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình đã trôi vào quên lãng từ lâu bởi công việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 không lúc nào ngưng nghỉ.
Bao năm gắn bó với Trung tâm, Bác sĩ Hồng luôn làm việc như một con thoi thoăn thắt trên khung cửi, có khi chính đồng nghiệp cũng thắc mắc vì sao chị lại làm những công việc “Ăm cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mà cấp trên không giao nhiệm vụ.
Trong suy nghĩ của bác sĩ Hồng, cứu người luôn là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu nên bất cứ việc gì liên quan đến tính mạng của người dân, chị không bao giờ từ chối. Câu chuyện bác sĩ Hồng kể cho chúng tôi nghe hiện lên ký ức từ những ngày đầu tiên chị chập chững bước vào nghề.
Sau khi tốt nghiệp ngành y khoa, năm 1990, bác sĩ Hồng xin về làm việc tại Khoa Hồi cức cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng. Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường dù có thành tích học tập tốt lại “rất dị ứng” với khoa cấp cứu nhưng bác sĩ Hồng xin về đây để nhanh chóng tiếp cận với công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
“Hồi đó khoa cấp cứu không chuyên biệt như bây giờ mà tổng hợp cả nội, nhi, sản nên số lượng bệnh nhân rất đông. Có lần xe cấp cứu đẩy vào 5-6 người bị bỏng, lúc ấy sợ xanh mặt nhưng vì cả khoa chỉ có 2 bác sĩ trực, không nhờ được ai nên tôi phải lăn xả vào cấp cứu cho bệnh nhân. Làm riết rồi cũng quen, nỗi sợ qua đi, có khi được chính người nhà bệnh nhân gửi thư tay cảm ơn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và trân trọng nghề mà mình đã dấn thân”, bác sĩ Hồng chia sẻ.
5 năm làm việc không lương tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Hồng chưa bao giờ từ chối một ca bệnh khó nào, thậm chí có nhiều khi chị ở lại trực đêm tại bệnh viện cả tuần lễ không về nhà. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao chị lại gắn bó với một công việc không lương, không trợ cấp suốt 5 năm dài đằng đẵng, bác sĩ Hồng cười tươi cho biết, đó là khoảng thời gian quý báu nhất trong hơn 30 năm tuổi nghề vì chị được tiếp cận với công việc chuyên môn, được học hỏi kinh nghiệm từ đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng, được gần gũi với bệnh nhân trong lúc nguy cấp nhất. Đó là 5 năm quý giá giúp chị tích lũy được kiến thức y khoa tổng hợp cả nội, sản, nhi để phát huy năng lực của mình ở Trung tâm Cấp cứu 115.
Năm 1995, bác sĩ Hồng được điều chuyển về công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố. Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm, bác sĩ Hồng không thể nào quên được những tháng ngày khó khăn khi cơ sở vật chất nơi đây rất nghèo nàn, chỉ bảo đảm công tác sơ cấp cứu giản đơn.
Những ngày đầu làm việc tại Trung tâm (thực chất chỉ là một trạm cấp cứu nhỏ), cả Trung tâm chỉ có “tài sản” duy nhất là một thùng thuốc nhỏ với những loại thuốc cấp cứu các bệnh thông thường. Từ một bác sĩ ở bệnh viện lớn được phân công về công tác tại một trạm cấp cứu nhỏ, nhiều lúc bác sĩ Hồng nản chí, muốn bỏ tất cả để xin làm việc tại bệnh viện tư.
“Hồi đó, mỗi khi có điện thoại gọi cấp cứu, xách thùng thuốc ra xe, tôi không phát huy được tay nghề của mình vì thực chất lúc đó Trạm Cấp cứu 115 chỉ làm công tác sơ cứu giản đơn. Nhiều lúc rất chán nản nhưng niềm thôi thúc phải làm sao vực dậy Trạm Cấp cứu 115 khiến tôi không thể từ bỏ nơi này.
Đồng lương thấp với không biết bao nhiêu gian nan, cực khổ, nếu không có tình yêu nghề chắc tôi không thể nào gắn bó với Trung tâm đến tận bây giờ”, bác sĩ Hồng trải lòng.
Là thế hệ y, bác sĩ làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115 từ những ngày khó khăn nhất, bác sĩ Hồng có rất nhiều kỷ niệm, những tình huống “cười ra nước mắt” với không biết bao nhiêu ca cấp cứu gặp bất trắc giữa chừng. Đó là những lúc chiếc xe cấp cứu “cà tàng” (mà bác sĩ Hồng gọi vui là xe cấp cứu “vừa đi vừa đẩy”) bị hư dọc đường, bác sĩ Hồng cùng với một y sĩ phải thuê xích lô chở đến địa điểm người dân gặp tai nạn. Hay những lần cấp cứu trên địa bàn huyện Hòa Vang, hồi đó đường sá đi lại khó khăn, bác sĩ Hồng phải thuê xe thồ chở vào tận thôn mới tiếp cận được bệnh nhân.
Có thời điểm phải “ăn dầm nằm dề” cả tuần lễ ở vùng rốn lũ, hằng ngày cùng các lực lượng chức năng của thành phố di chuyển trên những chiếc ghe để cấp cứu, tuyên truyền cho người dân công tác phòng chống dịch bệnh, người lả đi vì mưa gió nhưng chị chưa bao giờ mở miệng than một lời.
Hay có năm Đà Nẵng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão mạnh, các ngành chức năng cấm ô-tô chạy ra đường nhưng tiếng còi xe cấp cứu vẫn vang lên inh ỏi trên những cung đường mà người dân cần sự giúp đỡ.
“Hồi đó, thấy mình thiệt liều. Đi cấp cứu giữa cơn bão, có chị y tá lo lắng hỏi “Lỡ đi ra bão gió lúc này mà chết thì biết làm sao?”, tôi cũng giật mình”, bác sĩ Hồng cười.
Chính những lần “nhiệt tình”, không ngại khó khăn để đến với bệnh nhân nên người dân thành phố ngày càng tin tưởng gọi số 115 khi gặp tai nạn, nhờ đó hoạt động của Trung tâm Cấp cứu 155 ngày càng sôi nổi hơn.
Để vực dậy Trung tâm Cấp cứu 115, bác sĩ Hồng đã lên ý tưởng xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới cấp cứu thành phố” với mô hình ban đầu chỉ có 2 trạm cấp cứu vệ tinh ở quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn. Đề án này được bác sĩ Hồng “thai nghén” từ nhiều năm, nhất những lần vất vả đi cấp cứu ở những nơi xa mà khi đến nơi không cứu được bệnh nhân qua nguy kịch, người bác sĩ ấy đã trăn trở rất nhiều.
Đề án này được lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 rất hoan nghênh, báo cáo lãnh đạo ngành y tế cho thực hiện và phát huy được hiệu quả bước đầu. Hiện Trung tâm Cấp cứu 115 được xem là có mạng lưới tiên tiến nhất cả nước, được các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế… học tập mô hình.
Với 13 chiếc xe cứu thương được trang bị cơ sở vật chất hiện đại như một bệnh viện thu nhỏ cùng 6 trạm cấp cứu vệ tinh ở 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115 không chỉ làm công tác sơ cứu giản đơn như những ngày đầu nữa mà còn trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân tại chỗ.
Trung tâm hiện nay còn đảm nhiệm việc đào tạo sơ cấp cứu cho đội ngũ y, bác sĩ ở Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, Trung tâm được xem là “nhân vật” không thể thiếu, phục vụ công tác hậu cần trong các sự kiện, lễ hội lớn mà thành phố đăng cai tổ chức như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG 5), Cuộc thi Ironman 70.3, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) và sắp tới đây là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 …
Cứu ngư dân trên biển Hoàng Sa
Khi tiếng máy điện đàm phòng trực Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố kêu tít tít “Có ngư dân cần trợ giúp trên biển”, vừa nhận thông tin, bác sĩ Hồng vội “nối máy” với Đài thông tin duyên hải miền Trung. Nhiều năm qua rồi, không ít ngư dân miền Trung đã quen với tiếng nói ân cần, dịu dàng của bác sĩ Hồng qua đài ICOM hướng dẫn họ cách sơ cứu ban đầu khi gặp tai nạn lao động hoặc đau ốm đột xuất trên biển.
Bác sĩ Hồng cho biết, ngoài trợ giúp qua đài ICOM, tính đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 còn gắn bó với những ca cấp cứu cho ngư dân trên biển đã gần 10 năm. Thực chất ban đầu, công tác cấp cứu trên biển không có văn bản nào của ngành y tế giao nhiệm vụ nhưng bác sĩ Hồng vẫn hăng hái làm.
“Gọi cấp cứu trên bờ thì dễ, còn ở mênh mông ngoài biển khơi thì khi bị tai nạn, người dân không biết kêu ai. Xuất phát từ suy nghĩ đó cho nên Trung tâm đã cùng với lực lượng biên phòng, cảnh sát, hải quân phối hợp để thực hiện những ca cấp cứu trên biển”, bác sĩ Hồng nói.
Nhớ lần đầu tiên theo tàu biên phòng ra cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn lao động, khi tiếp cận được tàu cá cũng là lúc chị cảm thấy lả người đi vì say sóng. Nhưng khi nhìn thấy gương mặt đau đớn của bác ngư dân, bác sĩ Hồng cố gượng cơn say sóng, đeo tai nghe để khám bệnh và chữa trị cho họ.
Chị kể, những lần đầu tiên cấp cứu trên biển, có khi phải chuẩn bị sẵn một cái thau để nôn, nôn xong rồi lại băng bó vết thương, băng vết thương được nửa chừng lại nôn… Sau những lần ấy nôn thốc nôn tháo ấy, bác sĩ Hồng tự dặn mình sẽ không bao giờ theo tàu ra cấp cứu trên biển nữa nhưng khi trở về nhà, sóng gió đã qua, chị lại quên lời tự dặn mình.
Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC), phần lớn những sự cố xảy ra trên biển như tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo… đều liên quan đến y tế. Trong gần 10 năm phối hợp với Danang MRCC, Trung tâm cấp cứu 115 đã làm tốt công tác sơ cấp cứu cho ngư dân trên biển, giúp họ qua được những cơn nguy kịch. “Là người gắn bó lâu năm với công tác cấp cứu trên biển, có những lúc theo tàu ra biển khơi giữa thời tiết rất xấu nhưng bác sĩ Hồng vẫn xông xáo và nhiệt tình. Đây là tấm gương điển hình cho đội ngũ y, bác sĩ của các trung tâm cấp cứu không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả nước noi theo”, ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Danang MRCC cho biết.
Theo ông Nguyên đánh giá, hiện nay công tác cấp cứu trên biển thì chỉ có ở Đà Nẵng mới thực hiện tốt và là mô hình tốt nhất cả nước. Không chỉ cứu nạn, bác sĩ Hồng còn đề xuất với Sở Y tế thành phố hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp dạy sơ cấp cứu cho ngư dân. Đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Cấp cứu 115 mở 8 lớp học sơ cấp cứu, thu hút trên 200 ngư dân tham gia.
Giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng 2016” nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam được tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua vinh danh đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, không dành cho cấp lãnh đạo.
Nhưng bác sĩ Hồng là trường hợp duy nhất thuộc cấp lãnh đạo nhận được giải thưởng này. Dù hạnh phúc gia đình không được tròn trịa, bác sĩ Hồng cho rằng, đó không phải là hi sinh tình riêng vì công việc chung mà là vì tình yêu nghề đã thôi thúc cháy bỏng trong tim chị, ngay từ những ngày đầu tiên khoác tấm áo blouse trắng cho đến tận bây giờ.
LÊ VY