ĐNO - Nằm “lạc” trên tuyến đường Quang Trung - một trong những tuyến phố đông đúc, nhộn nhịp nhất thành phố, tủ bánh mỳ miễn phí ngày qua ngày vẫn lặng lẽ đứng, sẵn sàng gửi bánh cho những người đang cần đến mình.
Tủ bánh mỳ miễn phí dành cho người nghèo trên đường Quang Trung. Ảnh: HẢI ÂU |
Người có ý tưởng lập tủ bánh mỳ từ thiện này là gia đình chị Trần Thị Bình Phương (trú tại 130 Quang Trung). “Gia đình tôi gốc Huế, vào Đà Nẵng lập nghiệp mấy chục năm nay. Sống trên mảnh đất lành này, chúng tôi yên ổn làm ăn, trên dưới thuận hòa. Sinh thời, me (mẹ - PV) tôi đã phát tâm muốn làm việc gì đó để san sẻ bớt khó khăn với những người lao động nghèo. Khi me mất tròn năm thì anh chị em trong nhà bàn nhau lập tủ bánh mỳ miễn phí này”, chị Phương nói.
Đều đặn từ 6 giờ sáng mỗi ngày, ba chị em nhà chị Phương thay phiên nhau đến lò lấy bánh mỳ, sắp xếp gọn gàng vào tủ. Trung bình, mỗi ngày 50 ổ. Bất kể ngày nắng hay mưa bão, tủ bánh mỳ vẫn được đẩy ra góc nhỏ này, làm tròn nhiệm vụ của nó.
Cô nhân viên tiệm thuê áo quần Phương Trần, cũng là người coi ngó tủ mỳ nói vui: “1 năm, tủ bánh mỳ chỉ được “nghỉ việc” 2 ngày là 30, và mồng một Tết Nguyên đán thôi! Những ngày lễ, nếu rơi vào chủ nhật, ngoài bánh mỳ, chị Phương còn nấu thêm xôi để người nghèo được đổi món”.
“Tôi hợp đồng với một cơ sở sản xuất bánh mỳ trong thành phố để mua bánh mỳ bảo đảm chất lượng, giúp người lao động đủ no. Ban đầu, chủ cơ sở bỏ giá 4.000 đồng/chiếc. Sau, họ biết tôi làm tủ bánh mỳ miễn phí nên đã lấy giá gốc chỉ 2.500 đồng/chiếc. Thực tình, từ khi “dấn thân” vào con đường từ thiện này đến nay, tôi thấy người nghèo khó cũng nhiều, mà người tốt cũng nhiều không kém”, chị Phương nói.
Giữa phố xá ngược xuôi, tủ bánh mì miễn phí - mỗi người một ổ của gia đình chị Phương như một lời động viên chân thành và ấm áp nhất cho những con người xa quê đang mưu sinh trên mảnh đất Đà Nẵng.
Chị Phương bảo, từ ngày mở tủ bánh mỳ này, chị “nhận” nhiều hơn “cho”. Đó là những em học sinh dành dụm tiền ăn sáng, mang đến gửi "cô Phương" 50.000 đồng, 100.000 đồng mua thêm bánh mỳ cho người nghèo.
“Ngày nào chúng tôi cũng bỏ vào tủ 50 ổ. Nhưng nếu có đóng góp của mạnh thường quân thì mua lên 70, 100 ổ… Ban đầu lập tủ bánh mỳ ngay tại trường THCS Nguyễn Huệ, ai cũng lo học sinh còn nhỏ dại không hiểu sẽ đến phá. Không ngờ, các em rất có ý thức. Đến nay, tủ bánh mỳ đã tìm được nhiều “bạn đồng hành” để có thể duy trì bữa ăn cho người nghèo, cơ nhỡ”, chị Phương chia sẻ.
Vào ngày lễ, tủ bánh mỳ còn có thêm xôi để người nghèo được đổi món. Ảnh: HẢI ÂU |
Đến 9 giờ mỗi sáng, thùng bánh mỳ đã vơi đi phân nửa. “Khách” của tủ bánh mỳ là những cô/chú bán vé số, xe thồ, công nhân vệ sinh hoặc người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng. Cầm chặt ổ mỳ vừa lấy trong tay, cẩn thận bỏ vào chiếc bao ni-lông mang theo sẵn, ông Hồ Chí (trú đường Hải Phòng, chạy xe thồ) thật thà bảo:
“Hôm qua tôi ăn rồi, nay mang về cho bà ăn (vợ ông-PV). Bà bị xương khớp không đi lại được. Tôi chạy xe thồ, mà thồ hàng thôi, chớ chiếc xe cúp cà tàng ni thồ người dễ chi người ta đi. Cuộc sống chừ khó lắm, cái chi cũng đắt đỏ, với những người lao động nghèo như tôi thì một bữa sáng như ri là điều rất quý. Bánh mỳ ngọt đó chớ không phải bánh mỳ không đâu”.
Nghe ông Chí nói, chúng tôi mới để ý, tủ bánh mỳ này nhìn bề ngoài không khác những tủ mỳ miễn phí ở Sài Gòn, Hà Nội… nhưng khác ở chỗ, bánh mỳ ở đây là bánh mỳ ngọt, thơm phức mùi bơ sữa. Có được ổ bánh mỳ như thế để lót dạ vào buổi sáng có thể giúp những người lao động nghèo tiếp tục mưu sinh, có thêm sức khoẻ để rong ruổi trên khắp các nẻo đường.
Đến lấy ổ mỳ khi đã quá trưa, cô Nguyễn Thị Huệ (bán vé số, người Tiên Phước, Quảng Nam) trải lòng, cô biết tủ bánh mỳ này qua sự “giới thiệu” của những người cùng cảnh ngộ. Mỗi tuần, cô đến lấy bánh mỳ 3 đến 4 lần, còn “để dành cho người khác”. Với cô, mỗi ổ bánh mỳ không nhiều nhặn ở chất dinh dưỡng hay giá tiền, mà nó khiến cô ấm áp hơn trong cuộc sống mưu sinh nơi đất khách.
Cùng với những con người tốt bụng khác, chị Phương và gia đình đang làm nên những điều tử tế và nhân văn cho thành phố Đà Nẵng.
HẢI ÂU