Cô giáo truyền cảm hứng từ đồ dùng dạy học tự chế

.

ĐNO - Trong danh sách 20 thầy, cô giáo Đà Nẵng nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017, cô Bùi Thị Thư (Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) số 1) là người duy nhất không công tác trong hệ các trường phổ thông. Với đôi tay sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, 22 năm qua, cô đã truyền cảm hứng với môn Toán cho nhiều lứa học trò có hoàn cảnh đặc biệt.

Những món “đồ chơi” kỳ diệu

Với đôi tay sáng tạo và tấm lòng yêu nghề, cô Thư đã giúp nhiều thế hệ học trò yêu thích và học giỏi môn toán
Với đôi tay sáng tạo và tấm lòng yêu nghề, cô Thư đã giúp nhiều thế hệ học trò yêu thích và học giỏi môn Toán

Bảy giờ tối, căn nhà nhỏ của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Thư sáng ánh đèn ấm áp. Bên chiếc bàn nhỏ cạnh bếp, cô Thư ngồi xem lại bài giảng cho ngày hôm sau.

Ngôi nhà giản dị nhưng có nhiều “vật trang trí” thật lạ. Trên bức tường phía sau chỗ cô Thư ngồi treo một bản Tam giác Pascal bằng gỗ. Một bức tường khác treo mô hình vòng tròn lượng giác. Còn trên chiếc đàn piano, thay cho lọ hoa trang trí là ba khối hình học không gian được làm từ sắt và gỗ.

Đây chỉ là một phần trong “bộ sưu tập” dụng cụ dạy học mà cô Thư cùng chồng (là thầy giáo Phan Thanh Thuận, giáo viên môn Toán Trường THPT Tôn Thất Tùng) đã mày mò tự làm trong suốt 20 năm qua.

Những thanh sắt, khối gỗ tưởng vô tri nhưng lại là bảo bối giúp cô đưa các học sinh tại TTGDTX số 1 vượt qua nỗi “ác mộng” môn Toán, thậm chí nhiều em còn đoạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, giải Toán trên máy tính cầm tay cấp thành phố…

Bắt đầu dạy tại TTGDTX Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của TTGDTX số 1) từ năm 1995, cô Thư hiểu rõ đặc điểm của các học sinh GDTX là thường có những hoàn cảnh đặc biệt, mặt bằng kiến thức không đồng đều. “Nếu như giảng bài cho học sinh hệ phổ thông chỉ cần một tiết học, thì giảng cho học sinh hệ GDTX có khi mất đến 2-3 tiết. Nhiều em ngoài đi học còn phải đi làm, không có nhiều thời gian cho việc tự học. Vì vậy, mình muốn làm sao cho các em nắm chắc bài ngay khi ở trên lớp,” cô Thư tâm sự.

Quả thực, những món “đồ chơi” Toán học của vợ chồng cô Thư rất dễ khiến nhiều người bỗng nhiên có hứng thú với môn Toán. Đang trò chuyện thì “máu nghề nghiệp” nổi lên, cô Thư chỉ vào một khung lập phương, bên trong lồng một khối tứ diện làm bằng gỗ đã được đánh vecni cẩn thận rồi hỏi:

“Làm sao để biết tỷ lệ thể tích giữa hai khối này?”. “Học sinh” bị hỏi bất ngờ, bèn “lục lọi” trí nhớ về hình học không gian thời phổ thông để khỏi bị bắt bí.

Cô cười vui vẻ bảo: "Lời giải thực ra rất đơn giản, chỉ cần tìm cách làm thế nào để đưa khối tứ diện ra ngoài, học sinh sẽ nhận thấy cạnh của khối tứ diện vừa khít đường chéo mặt của khối lập phương, từ đó áp dụng công thức tính thể tích để suy ra tỷ lệ".

“Đây là một bài toán không dễ trong sách bài tập, nhưng nhờ có mô hình này, học sinh lại xem như một trò chơi và nhớ “cách chơi” rất lâu,” cô Thư nói.

Điều đặc biệt là những mô hình này đều do vợ chồng cô Thư sáng tạo dựa trên kinh nghiệm và tự tay làm nên. Trong hơn 20 năm, nhiều lần thầy và cô bỏ ngày cuối tuần hay ngay cả giấc ngủ hiếm hoi để đi tìm những thanh gỗ, giấy bìa, rồi mày mò tự đục đẽo, lắp ghép. “Có đồ dùng dạy học, không chỉ học sinh học nhanh hơn mà bản thân mình cũng đỡ phải giải thích quá nhiều, đỡ “khổ” hơn hẳn,” cô Thư cười nói.

Cô Thư và món “đồ chơi” giúp ghi nhớ công thức tính thể tích. Ảnh: PHONG LAN
Cô Thư và món “đồ chơi” giúp ghi nhớ công thức tính thể tích. Ảnh: PHONG LAN

Tinh thần trách nhiệm không cho phép “xuề xòa”

Tuổi thơ của cô Thư gắn liền với xóm lao động nghèo. Năm lớp 12, cô nữ sinh Trường THPT Phan Chu Trinh quyết tâm dồn thời gian cho việc học hành với ước mong thi đỗ vào trường đại học mình thích. Mỗi chiều đi học về, sau khi phụ cha mẹ xách nước cơm về nuôi bầy heo, cô lại cầm tập vở sang nhà bạn cùng học.

Kỳ thi năm đó, cô đỗ vào khoa Toán Trường Đại học Sư Phạm Huế. Đây cũng là nơi nhen nhóm cho mối tình giữa cô và người chồng tương lai của mình. Ra trường vào những năm đất nước đang trong thời kỳ bao cấp, cô được phân về dạy tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ), để rồi 9 năm sau, cô lại được chuyển về TTGDTX tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Nhớ lại những ngày đầu về thành phố, cô bảo: “Bỡ ngỡ lắm, bởi các em học hệ GDTX khác so với các em học hệ phổ thông. Nhưng mình cũng chỉ mất vài tuần để làm quen và hiểu được cần phải làm gì”. Cô xây dựng phương pháp giải Toán theo từng bước cho học sinh dễ nắm. Đối với mỗi bài toán, cô giữ nguyên câu hỏi rồi thay số liệu 3-4 lần, “bắt” các em làm đi làm lại cho nhớ.

Phương pháp “nồi đồng cối đá” của cô Thư lại có hiệu quả. Hơn 20 năm giảng dạy tại TTGDTX số 1, cô đã bồi dưỡng nhiều đội tuyển tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán thành phố, trong đó có gần 40 lượt học sinh đoạt giải. “Rất nhiều em có tiềm năng, nhưng vì hoàn cảnh mà không thể theo học ở các trường phổ thông. Những em này khi được giúp đỡ phù hợp đều có thể học rất tốt”, cô Thư nói.

Ngoài dạy Toán, cô Thư còn là một giáo viên chủ nhiệm “mát tay” có tiếng của TTGDTX số 1. Thầy Đinh Lương Y, Phó Giám đốc TTGDTX số 1 cho hay: “Những lớp có nhiều học sinh cá biệt thường được phân cho cô Thư, bởi cô có cách làm gì đó rất đặc biệt khiến các em ngoan hơn, nhiều em ra trường rồi vẫn còn yêu quý và biết ơn cô.”

Hỏi cô “cách làm đặc biệt” là gì, cô chỉ cười bảo, phải hiểu học trò để vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn tùy lúc. Cô còn nghĩ ra cách lồng ghép những bài học cuộc sống vào… bài toán, như đưa ra câu hỏi về vận tốc và quãng đường để “nhắc” học trò đừng chạy xe ẩu, dùng bài toán tọa độ để dạy các em về lãnh hải quê hương…

Hơn 30 năm đi dạy, cô Thư đã đạt rất nhiều danh hiệu như Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi, các giải về thiết kế bài giảng, làm đồ dùng dạy học. Nhưng đối với cô, món quà quý nhất chính là sự thành công của học trò.

Đôi mắt cô sáng bừng khi kể về D. -  một cậu học sinh giỏi Toán nhưng lại chọn đi theo nghề văn, về Q. – cô gái mồ côi cha mẹ vừa học, vừa làm và giành liên tiếp hai giải nhất học sinh giỏi Toán của thành phố. Cô cười hạnh phúc khi kể về lần họp lớp nhân kỷ niệm 20 năm ra trường của một trong những khóa đầu tiên cô dạy tại TTGDTX Quảng Nam – Đà Nẵng rồi tâm sự, nhiều em bây giờ vẫn còn giữ liên lạc với cô qua facebook, lấy vợ lấy chồng, sinh con đều kể cho cô nghe. “Giống y như thời mình còn đang dạy tụi nó vậy đó,” cô nói…

PHONG LAN
 

;
.
.
.
.
.