Hành động đẹp vì môi trường sống thân thiện

.

ĐNO - Đường Hà Mục (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) dường như “xanh” hơn trong những trưa hè nắng gắt. Dọc vỉa hè trước mỗi căn nhà đều có một chiếc giỏ đựng rác lạ mắt với dòng chữ “Chi hội Nông dân khu dân cư 19 vì môi trường thân thiện”. 

Cụ ông Đoàn Túc đang đan giỏ rác từ dây ni-lông phế liệu.
Ông Đoàn Túc đang đan giỏ rác từ dây ni-lông phế liệu.

Những chiếc giỏ đựng rác ấy là sản phẩm của ông Đoàn Túc (SN 1950), hội viên Chi hội Nông dân khu dân cư 19. Người dân tại đây đã quen với hình ảnh người đàn ông có nước da ngăm ngồi đan giỏ bên vệ đường, quen với những giỏ rác đủ màu xanh - vàng - xám đã trở thành “thương hiệu” của khu phố.

Trò chuyện với người viết, ai cũng khen ông Túc “già rồi mà vẫn siêng”, siêng vì ông làm một lúc hai nghề - vừa may mui nệm vừa đan giỏ, siêng vì tuần nào cũng thấy ông đạp xe đi xin từng bó sợi ni-lông về chất thành đống trong nhà. Có người thấy ông chở nhiều bó sợi sau xe thì đùa vui: "Bác Túc buôn chai bao!", ông quay lại trả lời thật thà: "Không, tui đan giỏ!".  

Câu chuyện về người đan giỏ “già rồi mà vẫn siêng” bắt đầu từ năm 2015. Lúc ấy, bà con tại khu dân cư số 19, trong đó có ông Túc, tích cực kêu gọi nhau chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng khu phố xanh-sạch-đẹp, văn hóa-văn mình, hưởng ứng "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" của thành phố.

Mặc dù đã có tuổi, cụ Túc vẫn còn rất nhanh nhẹn. Đôi tay của cụ vẫn thoăn thoắt đan giỏ suốt 3 năm qua.
Mặc dù tuổi đã cao, ông Túc vẫn còn rất nhanh nhẹn. Đôi tay của ông vẫn thoăn thoắt đan giỏ suốt 3 năm qua.

“Lúc trước, khu dân cư số 19 chưa được sạch đẹp. Mỗi nhà sử dụng một loại dụng cụ đựng rác, nhà thì thùng xốp, nhà dùng thùng các-tông hay bao tải…, nhìn rất nhếch nhác. Có nhiều nhà lại dùng thùng hoặc xô nhựa không có nắp, nước mưa đọng lại, phát sinh ruồi, muỗi… Vì vậy, khu dân cư cần có một dụng cụ đựng rác bảo đảm vệ sinh môi trường, mấy cô chú công nhân vệ sinh cũng tiện thu dọn ”, ông Túc kể lại.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông Túc nhận thấy dây ni-lông phế thải mà các cơ sở bán vật liệu xây dựng sử dụng có độ bền cao, thường được dùng để đóng gói gạch men. Các điểm thu mua phế liệu cũng không quá chuộng loại dây này. Trong khi loại dây này nếu mua mới lại có giá thành hơn 100.000 đồng/sợi.

Từ đó, ông Túc nảy ra ý tưởng tận dụng dây ni-lông phế thải để đan giỏ chứa rác. Sẵn có “vốn” nghề đan từ trước, dần dần ông tạo ra những chiếc giỏ rác có chiều cao 0,4 - 0,5m, đường kính 0,4m. Với mỗi chiếc giỏ, ông Túc bán rẻ cho bà con trong khu phố với giá 30.000 đồng. Cứ như vậy suốt 3 năm qua, hàng nghìn chiếc giỏ rác bằng sợi ni-lông nhuộm màu được ra đời từ bàn tay của ông Túc, đến với bà con trong khu dân cư và các khu lân cận.

Điều đặc biệt là trong số hàng ngàn chiếc giỏ ấy có hơn một phần ba số giỏ được ông Túc tặng miễn phí cho những hộ gia đình khó khăn. Nhiều người ngại không nhận, ông lại âm thầm chở những chiếc giỏ rác đặt trước cổng nhà họ, như một món quà nhỏ với ước mong mọi người cùng góp sức giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp.

Những chiếc giỏ rác của cụ Túc  tại Khu dân cư số 19, phường Hòa Thọ Đông.
Những chiếc giỏ rác của ông Túc.

Ông Nguyễn Văn Mười (ở khu dân cư 19) cho biết: “Gia đình tôi sử dụng giỏ rác của do ông Túc làm từ 3 năm nay. Giỏ rất bền, chịu mưa, chịu nắng tốt, lại bảo đảm tính thẩm mỹ cho khu phố. Mỗi giỏ phải mất gần nửa ngày ngồi đan, vậy mà ông bán rẻ chỉ có 30.000 đồng”.

Bên cạnh việc đan giỏ rác từ dây ni-lông, ông Túc đang sử dụng loại dây này để tạo nên những chiếc chiếu nhựa tái chế. Những chiếc chiếu và giỏ rác của ông nằm trong mô hình bảo vệ môi trường kiểu mới mà Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đang thí điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trang-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông, việc sử dụng giỏ rác từ dây ni-lông là hình thức mới, phù hợp để giữ gìn môi trường, tái chế được vật liệu phế thải, thay thế các loại thùng rác nhếch nhác, cũ kỹ, góp phần giúp khu phố trở nên tươm tất hơn.

“Hiện nay, Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông đã có kế hoạch vận động người dân trên địa bàn phường cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ thí điểm mô hình bảo vệ môi trường tại khu dân cư 19, sau đó nhân rộng ra các khu vực khác trên địa bàn phường”, bà Trang cho biết.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

 

;
.
.
.
.
.