Lan tỏa tình yêu Đà Nẵng

.

ĐNO - Họ đến từ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam nhưng có cùng điểm chung là lòng yêu mến Đà Nẵng. Và họ đã cùng nhau chia sẻ những điều tốt đẹp, về văn hoá, những điểm đến và về con người nhằm lan toả trên mạng xã hội, để ngày càng có thêm nhiều người biết, hiểu và yêu Đà Nẵng hơn nữa.

.
Trương Đình Quang, quê ở Quảng Bình (phải) trò chuyện với nhân vật trong kênh “Đà Nẵng – những điều muốn nói”.

Vốn là người dẫn chương trình cho hơn 21 kênh truyền hình và 4 kênh radio FM ở Hà Nội, Trương Đình Quang, quê ở Quảng Bình quyết định giảm bớt công việc của mình và dành nhiều thời gian cho cộng đồng và anh đã chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân.

Ở Đà Nẵng, anh làm truyền thông và dạy khoá học luyện giọng, tư duy giao tiếp, dẫn chương trình và thành lập ra Trung tâm SoulVoice Academy (đường Hùng Vương, quận Thanh Khê), thu hút nhiều học viên tham gia. Tuy khá bận rộn với công việc, anh Quang vẫn dành nhiều thời gian cho cộng đồng, cho mạng xã hội. Và trang facebook “Đà Nẵng – những điều muốn nói” của anh ra đời như thế.

Ở đó, những câu chuyện về tình người, những cảnh đẹp về vùng đất Đà Nẵng được tái hiện sinh động qua những câu chuyện kể, những thước phim truyền hình. Đó có thể là câu chuyện của anh Đặng Minh Tài - chủ quầy hàng thủ công tại chợ đêm Sơn Trà vẫn lặng lẽ, miệt mài với công việc, làm hài lòng du khách, góp sức nhỏ bé để tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt khách phương xa. “Đà Nẵng là thành phố đáng sống, thành phố du lịch. Bởi vậy, mình đã chọn Đà Nẵng là nơi sinh sống với mong muốn đưa những sản phẩm đậm nét truyền thống như: nón lá, tinh dầu thiên nhiên… đến với du khách”, anh Tài chia sẻ.

Đó còn là câu chuyện của anh Phương, với câu chuyện về nghị lực sống, vượt lên những khó khăn, sai lầm để trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Hay đó là câu chuyện của cậu học trò Phạm Đáng (học sinh lớp 10/9, Trường THPT Phan Thành Tài) với ước mơ giản đơn là trở thành thợ hớt tóc để nuôi sống bản thân, phụ giúp cha mẹ. Từ khi sinh ra, Đáng đã ốm yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố bị tai nạn không có khả năng lao động, một mình mẹ sớm hôm tảo tần bằng công việc bán đồ ăn sáng: Bánh mì, xôi, nước đậu....

Và một Đà Nẵng yên bình và đầy cảm xúc đã hiện ra trên trang facebook “Đà Nẵng – những điều muốn nói” khi đưa khán giả quay về với cụm Di tích tín ngưỡng làng Nam Ô, quận Liên Chiểu. Nơi đây là vùng đất được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, biển cả bao la, Nam Ô được xem là nơi có phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc địa phương.

Chương trình còn đưa người xem đến với chiếc giếng độc lạ ở làng chài Nam Ô. Nơi đây hiện vẫn còn sử dụng những giếng nước ngọt được xây dựng đúng theo kiến trúc Chăm. Thành giếng vuông, bên trong lót gỗ, có hoa văn trang trí, tuy đã phủ nhiều rêu phong theo thời gian nhưng nước luôn đầy ắp và mát mẻ.

Một bạn trẻ tên Chí Thắng đã có bình luận về trang facebook “Đà Nẵng – những điều muốn nói”: “…Cho đi không chỉ là tiền tài, mà còn là một tấm gương. Cảm ơn em và chương trình đã chia sẻ một đời sống chân thật và diệu kỳ…”. Hoặc là lời nhận xét của bạn Đặng Thị Thu Hiền: “… Mình đã được nghe hết câu chuyện mà nhân vật chia sẻ thật có ý nghĩa. Mong chương trình xuyên chia sẻ thêm nhiều câu chuyện nhân vật ý nghĩa nữa nhé…”.Tất cả những hoạt động của ekip phát triển được là nhờ vào sự nhiệt huyết của đam mê đến từ các bạn trẻ đang học tập và làm việc tại nơi đay.

Anh Trương Đình Quang cho biết, những lời nhận xét, động viên của các anh, chị, cô chú trên mạng xã hội đã tiếp thêm động lực để cả nhóm có thể làm ra được nhiều thước phim chân thật, sống động về vùng đất, con người Đà Nẵng thân thiện, hiền hoà, mến khách cùng những câu chuyện truyền cảm hứng, nghị lực sống để giúp mọi người có thêm niềm tin, yêu vào cuộc sống.

L. NAM - B. LÂM

;
;
.
.
.
.
.