Nỗ lực giúp đỡ, nâng cao đời sống tinh thần người bệnh

.

ĐNO - Dù không khoác áo blouse trắng nhưng những nhân viên thuộc Tổ Công tác xã hội (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) lại có thể góp phần chữa lành nỗi đau về mặt tinh thần, giúp người bệnh có thêm hy vọng để kéo dài sự sống.

Những nhân viên CTXH cùng đại diện Ban giám đốc tặng hoa tri ân những tấm lòng vàng.
Những nhân viên công tác xã hội (áo trắng, từ trái qua) cùng lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (đầu tiên, từ phải qua) tặng hoa và tấm lòng vàng cho đại diện nhà hảo tâm đã đồng hành cùng bệnh viện.

Cầu nối cho bệnh nhân khó khăn

Giữa năm 2023, chồng bà Trần Thị Xuân (SN 1953, trú tại xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) mắc bệnh ung thư túi mật, dù được điều trị nhưng căn bệnh ngày càng diễn biến nặng, đến nay đã di căn qua các cơ quan khác.

Từ chỗ đủ ăn, vợ chồng bà Xuân sinh cảnh nghèo khó vì bệnh tật. Dù được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh 100% nhưng vợ chồng bà vẫn cần tiền để mua thêm những loại thuốc cần thiết cho quá trình chữa bệnh, lo chi phí đi lại và những phí sinh hoạt khác.

Trước tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn của bà, Tổ Công tác xã hội (CTXH) đã nhanh chóng xác minh hoàn cảnh và liên hệ với các nhà hảo tâm để vận động hỗ trợ tài chính cho vợ chồng bà Xuân. Sau hai đợt hỗ trợ, vợ chồng bà nhận được 6 triệu đồng, chưa kể những khoản hỗ trợ nhỏ mỗi khi có đoàn thiện nguyện đến thăm.  

“Vợ chồng tôi lớn tuổi, có biết làm giấy tờ gì đâu. Từ lúc nhập viện đến nay cũng may có nhân viên CTXH nhẹ nhàng, tận tình giúp đỡ chúng tôi. Họ hướng dẫn làm hồ sơ nhập viện. Khi biết hoàn cảnh của mình, họ kết nối, giúp mình được nhận tiền hỗ trợ. Số tiền này đến ngay lúc chúng tôi khốn khó nhất, là nguồn động viên to lớn để vợ chồng tôi chiến đấu với bệnh tật”, bà Xuân nghẹn ngào.

Không chỉ vợ chồng bà Xuân, từ năm 2014 đến nay, Tổ CTXH trở thành cầu nối giữa nhà hảo tâm với người bệnh, từ đó, hàng nghìn trường hợp khó khăn khác đã được giúp đỡ.

Những nhân viên CTXH trở thành cầu nối giữa những nhà hảo tâm và người bệnh.
Nhân viên công tác xã hội trở thành cầu nối giữa những nhà hảo tâm và người bệnh.

Để bảo đảm tính chính xác, đúng người, đúng hoàn cảnh, Tổ Công tác xã hội sau khi tiếp nhận hoàn cảnh của bệnh nhân tiến hành xác minh với địa phương, nơi bệnh nhân sinh sống. Sau đó, nhân viên của tổ sẽ liên hệ với các nhà hảo tâm, tìm kiếm sự hỗ trợ cho bệnh nhân.

Nhiều năm phụ trách công việc này, chị Trần Thị Nghĩa, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, không chỉ là trách nhiệm công việc, việc giúp người bệnh có được nguồn hỗ trợ còn xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân và người nhà họ.

“Việc kết nối, hỗ trợ bệnh nhân luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Áp lực là có nhưng nhìn thấy bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời, tiếp tục cơ hội được sống thì dù sự mệt mỏi cũng nhường chỗ cho niềm hạnh phúc, vui thay cho người bệnh”, chị Nghĩa chia sẻ.

Ngoài làm cầu nối hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, các nhân viên công tác xã hội còn là cầu nối để bệnh nhân khó khăn được về nhà trên những chuyến xe 0 đồng.

Họ làm việc không kể thời gian, dù đang lúc nghỉ trưa hay ngoài giờ làm việc, mỗi khi có trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, họ đều sẵn sàng tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho người bệnh.  

Bên cạnh đó, để duy trì mạng lưới các nhà hảo tâm, trong quá trính làm việc, các nhân viên công tác xã hội phải luôn giữ được sự nhiệt tình, chu đáo và năng nổ trong công tác đón tiếp, tổ chức chương trình, minh bạch trong các khoản thu chi.

Những sáng kiến vì người bệnh

Năm 2022, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tổ Công tác xã hội đã sáng kiến “Không gian đọc sách xanh” được bố trí tại 10 khoa của bệnh viện. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng và được Sở Y tế công nhận.

Không gian đọc bao gồm tủ sách, cây cảnh, ghế ngồi. Nguồn sách đến từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, của các y, bác sĩ trong bệnh viện. Nội dung sách được kiểm soát đầu vào với những câu chuyện tích cực, hướng người đọc đến những giá trị tốt đẹp. Nguồn sách được kêu gọi thường xuyên để làm mới hơn, phong phú hơn nội dung đọc.

“Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, không gian đọc sách đã tạo sự gần gũi, cảm giác dễ chịu, tâm lý thoải mái trong quá trình bệnh nhân và người nhà điều trị bệnh, giúp họ vơi bớt phần nào nỗi đau của bệnh tật”, chị Nguyễn Thị Thanh Trà, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội nói.

Không gian đọc sách được đặt tại
Không gian đọc sách được đặt tại mỗi khoa là nơi giúp người bệnh và người nhà của họ tạm quên đi nỗi đau bệnh tật.

Theo chị Trà, sau khi truyền hoá chất, do tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân ung thư thường bị buồn nôn. Trước thực trạng này, Tổ Công tác xã hội đang thực hiện thí điểm dự án “Sweet home” đặt tại Khoa Phụ khoa. Dự án cung cấp kẹo miễn phí để hỗ trợ bệnh nhân giảm tác dụng phụ trong điều trị, đồng thời thể hiện sự đồng hành, động viên của bệnh viện dành cho người bệnh.

Hơn 10 năm nay, mỗi ngày, mô hình Bếp ăn từ thiện trong bệnh viện được Tổ Công tác xã hội Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng duy trì đều đặn, cung cấp các suất ăn miễn phí ba bữa cho bệnh nhân khó khăn. Các suất ăn luôn được bảo đảm về mặt dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mô hình này, Tổ Công tác xã hội thực hiện vai trò kết nối, kêu gọi nguồn lực từ những mạnh thường quân, nhà tài trợ.

Bên cạnh các mô hình, sáng kiến, để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người bệnh và người nhà của họ, Tổ Công tác xã hội thường xuyên phối hợp với các nhà hảo tâm, CLB trên địa bàn thành phố tổ chức những chương trình ý nghĩa vào các dịp lễ, Tết,…Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà họ.

Theo chị Trà, trong thời gian đến, Tổ Công tác xã hội sẽ nỗ lực để có thêm nhiều mô hình, sáng kiến hay nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Đồng thời, Tổ cũng mong muốn các hoạt động từ thiện tại bệnh viện sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa trong cộng đồng để giúp đỡ bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần.

Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3, gửi lời đến những bạn trẻ đang mong muốn theo nghề, chị Trà và chị Nghĩa đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để có thể theo đuổi nghề vẫn là tình thương người, yêu nghề và có trách nhiệm với nghề. Đồng thời, các bạn trẻ cần trau dồi những kỹ năng cần thiết khác như: giao tiếp, xử lý vấn đề, làm việc nhóm và được được đào tạo những kiến thức cần thiết về nghề.

Dù không trực tiếp điều trị bệnh nhưng những nhân viên Công tác xã hội tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vẫn đang hằng ngày góp phần chữa lành nỗi đau về tinh thần, san sẻ những khó khăn về vật chất, giúp người bệnh và thân nhân được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật, giữ lấy hy vọng được sống, được khỏe mạnh.

“Hạnh phúc của những người làm công tác xã hội như chúng tôi là có thể hỗ trợ bệnh nhân kịp thời và tốt nhất. Bệnh nhân xuất viện mạnh khỏe là món quà quý giá nhất mà chúng tôi mong muốn nhận được”, chị Trà chia sẻ.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.