Tấm lòng thơm thảo của người cựu chiến binh

.

ĐNO - Hình ảnh giản dị, cần mẫn, chịu thương chịu khó, hết lòng vì người bệnh tâm thần của ông Võ Văn Đức (75 tuổi), Phó chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu và phụ trách Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần đã trở nên gần gũi, thân thương tự bao giờ với không chỉ cán bộ y tế, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mà còn với bà con tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Văn Đức, Phó chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu và phụ trách Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần nhận nhu yếu phẩm để nấu ăn cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Ông Võ Văn Đức, Phó chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu nhận nhu yếu phẩm để nấu ăn cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Sau thời gian công tác tại Trường Đảng Đà Nẵng, nay là Trường Chính trị thành phố, ông Đức nghỉ chế độ, làm thợ mộc và tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Phát huy tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” của người cựu chiến binh, nên tuy tuổi cao nhưng ông Đức lại rất tích cực hoạt động xã hội và được bà con nhân dân xem là tấm gương sáng bởi ông đã không quản ngại mở lớp dạy học cho trẻ em nghèo không có điều kiện học thêm, rồi mượn hội trường ở khu dân cư, đi vận động giáo viên tham gia giảng dạy miễn phí.

Không dừng lại ở đó, ông còn đi vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để đưa những trường hợp không may tử vong do tai nạn giao thông để về quê an táng.

Với sự tận tâm, vì lợi ích của cộng đồng, năm 2021, ông Đức được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu và phụ trách Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần.

Để đảm bảo hỗ trợ bữa ăn cho người bệnh được chu đáo, đẩy đủ dinh dưỡng, hằng ngày ông Đức phải dậy sớm để thu xếp công việc cá nhân và gia đình, 5 giờ 30 đi xe máy đến các chợ, ai cho gì lấy nấy, chở về Bệnh viện Tâm thần nấu phục vụ bệnh nhân.

Chị Trần Thị Thành, bán rau, củ tại chợ Hòa Khánh, nói vui rằng buổi chợ nào chị muốn cho thực phẩm, sẽ nhấc máy gọi chú Đức đến chợ chở về.

“Chú Đức với chị em tiểu thương chúng tôi như người nhà, chú hiểu chúng tôi bán buôn bận bịu nên lúc nào cũng sẵn lòng chạy tới chợ chở đồ về bếp”, chị Thành chia sẻ.

Cũng như chị Thành, ở góc bên kia chợ Hòa Khánh, chị Nguyễn Thị Thương cũng thường xuyên gửi tặng cà tím, su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây… cho bếp ăn từ thiện.

Nhiều hôm, trời mưa gió tầm tã, một mình ông Đức chạy ngược, chạy xuôi từ chợ Hòa Khánh lên chợ Nam Ô nhận thịt, cá, rau, củ. Không ít bà con tiểu thương ở chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô nhìn người đàn ông lớn tuổi, dáng cao gầy, tóc lấm tấm muối tiêu chất lên xe máy nào thịt, cá, rau củ đã không khỏi ái ngại, lo lắng. Họ lo bởi lẽ ông tuổi cao, sức khỏe có phần suy giảm do khi tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn và phải chở hàng nặng, cồng kềnh.

Tuy thế, ông Đức lại thấy vui vì được bà con quý mến và vui hơn nữa là ông lại có thêm những chuyến hàng chở đầy lương thực, thực phẩm để nấu những bữa ăn ngon cho người bệnh tâm thần.

Chia sẻ về cơ duyên đưa ông đến với bếp ăn phục vụ bệnh nhân tâm thần, ông Đức tâm sự: “Thời điểm năm 2016, tôi nhiều lần cùng đoàn thiện nguyện mang thức ăn đến phục vụ miễn phí cho bệnh nhân lưu trú ở bệnh viện tâm thần. Tôi thấy bệnh nhân ở đây quá khó khăn, thức ăn mang tới, từ bánh mì, mì tôm… họ chỉ ăn một nửa, một nửa để dành. Từ đó, tôi đề xuất với lãnh đạo Hội Từ thiện thành phố xây dựng Bếp ăn từ thiện ngay trong bệnh viện để phục vụ miễn phí cho bệnh nhân tốt hơn”.

Qua đó, từ tháng 11-2016, Bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố vận hành ra đời trên cơ sở xã hội hóa 100%.

Hiện nay, bếp ăn do ông Đức quản lý, phụ trách việc tiếp nhận nguồn thực phẩm phục vụ hằng ngày cho bệnh nhân. Tại bếp, ngoài nữ nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được sư thầy Thích Thông Quang ở chùa Liên Trì hỗ trợ kinh phí 3,5 triệu đồng/tháng, số còn lại đa phần là phục vụ thiện nguyện.

Sau 8 năm, điều khiến những người trực tiếp vận hành bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng như ông Đức tự hào, là chưa khi nào “tắt bếp”. Đều đặn ngày hai bữa, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, bếp chuẩn bị 80-100 suất ăn cho hàng chục bệnh nhân, theo tinh thần “hạnh phúc là cho đi”.

Hành trình yêu thương của ông Đức và nhiều người nữa sẽ còn dài mãi để mang đến những bữa ăn ấm ấp nghĩa tình, góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật cho người bệnh tâm thần và nhân lên những nghĩa cử đẹp nơi “nhà thương Hòa Khánh”.

THIÊN HÀ

;
;
.
.
.
.
.