15 năm 'canh giấc ngàn thu' cho đồng đội

.

ĐNO - Về Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nhiều người không khỏi bất ngờ bởi sự khang trang, xanh - sạch - đẹp của nơi này. Để có được điều đó, không chỉ đến từ sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền xã trong công tác đền ơn đáp nghĩa mà còn là những đóng góp thầm lặng của cựu chiến binh Phạm Viết Tình (SN 1954, thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến).

thắp hương
Những dịp Tết hay ngày Thương binh - Liệt sĩ, công việc của ông Tình tất bật hơn khi chăm sóc nghĩa trang.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến có diện tích 2ha. Đây là nơi yên nghỉ của 1.176 phần mộ liệt sĩ, trong đó có cả liệt sĩ chưa xác định thông tin. Tại đây, có những phần mộ là người thân, người đồng đội đã từng kề vai sát cánh cùng ông Tình trên những chiến trường xưa. Năm 2009, ông Tình bắt đầu nhận công việc quản trang.

Mỗi ngày, ông quét dọn nghĩa trang sạch sẽ, chăm sóc, tưới nước cho hoa, cây xanh trong khuôn viên; thay cát lư hương; tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ khi họ đến đây thăm viếng... Ngày 14 và 30 âm lịch hằng tháng, ông cùng đoàn viên thanh niên và hội cựu chiến binh xã dâng hương cho những liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang.

Vào dịp Tết hay ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông Tình tất bật hơn cho công việc chăm sóc mộ phần, tiếp đón thân nhân, người dân đến thăm viếng nghĩa trang, tri ân những anh hùng liệt sĩ. Với những ngôi mộ vô danh, không người thân thăm viếng, ông xem các anh như những người thân và luôn chăm sóc chu đáo.

Nói về lý do gắn bó với công việc, ông xúc động trải lòng: “Những người thân và đồng đội của tôi đã ngã xuống khi chưa một ngày được hưởng ấm no, hạnh phúc. Nhưng tôi may mắn còn sống. Vì vậy, làm được gì cho họ thì tôi sẽ làm. Hy vọng việc giữ nghĩa trang luôn khang trang, sạch đẹp sẽ là niềm an ủi không chỉ riêng với người đã ngã xuống mà còn là với thân nhân của họ”.

Ông Tình
Ông Tình quét dọn lá cây - một trong những công việc hằng ngày của ông tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).

Công việc quản trang nghe có vẻ đơn giản nhưng theo anh Nguyễn Văn Hiền, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (xã Hòa Tiến), để thực hiện hiệu quả và gắn bó xuyên suốt trong 15 năm, ngoài sự tận tụy, tận tâm với công việc, còn là nghĩa tình đồng đội, lòng biết ơn của ông Tình với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.   

“Với điều kiện đất cát, để trồng được cây đã là khó, để cây phát triển tốt lại càng khó hơn. Nhưng những năm qua, chú Tình đã làm được và làm rất hiệu quả. Thân nhân gia đình liệt sĩ lúc đến viếng hương đều cảm thấy an lòng khi thấy nơi yên nghỉ của người thân mình luôn trong trạng thái khang trang, sạch đẹp”, anh Hiền cho biết.

Nhìn những hàng cây xanh tốt được cắt tỉa cẩn thận. Nhìn những chiếc lá non căng tràn sức sống và những bông hoa đang rực rỡ khoe sắc, tỏa hương trong khuôn viên nghĩa trang cũng đủ để thấy được, người chăm sóc đã có tâm vun vén chúng thế nào. Việc làm của ông Tình không chỉ giúp mang lại cảnh quan đẹp, thanh bình cho nghĩa trang mà còn để nơi này vơi bớt phần lạnh lẽo.

Theo anh Hiền, mỗi năm, xã đều có những chuyến đi điều dưỡng vài ngày dành cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, có nhiều lần, ông Tình không tham gia vì lo lắng cây cối tại nghĩa trang sẽ héo úa nếu không được chăm sóc mỗi ngày. 

“Khi mình đã nhận công việc thì phải có trách nhiệm với nó. Tôi vui và cảm thấy may mắn, tự hào khi mình được chăm sóc nơi yên nghỉ của những người đã có công với đất nước”, vừa quét dọn nghĩa trang, ông Tình vừa chia sẻ.

Ngoài ông Tình, bà Đặng Thị Hà (SN 1954, vợ ông) cũng tham gia vào công việc này. Bà Hà cho biết, việc chăm sóc nghĩa trang mang lại cho bà niềm vui tuổi già và vơi đi phần nào nỗi nhớ, nỗi đau với những người đồng đội đã mãi mãi không trở về.

Hiện nay, mức trợ cấp cho vợ chồng ông Tình khi đảm nhận công việc quản trang là 3,5 triệu đồng/tháng/2 người.

Nghĩa trang
Nhờ được chăm sóc chu đáo nên nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) luôn khang trang, sạch đẹp.

Với những đóng góp của mình, ông Tình được nhận bằng khen của thành phố về công tác quản trang. Ở tuổi 70, ông cho biết, có nhiều điều bản thân muốn thực hiện nhưng mong muốn lớn nhất vẫn là sức khỏe để gắn bó với công việc này lâu hơn nữa, để có thể chăm sóc chu đáo cho các anh hùng liệt sĩ đã vì nước quên thân.

15 năm làm công tác quản trang, chưa bao giờ, ông tình thiếu trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc. Ông xem việc chăm sóc “giấc ngủ ngàn thu” của các anh hùng, liệt sĩ như một sự tri ân, báo đáp, tỏ lòng tôn kính với những người đã xả thân vì độc lập dân tộc. Ông hy vọng thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn ghi nhớ công lao của thế hệ cha ông ngày trước.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.