Hết mình với công tác hiến máu tình nguyện

.

ĐNO - Ông Đoàn Văn Hòa, Phó ban Phong trào Hội Chữ thập đỏ thành phố, được những người hiến máu tình nguyện gọi là “ông Hòa máu nóng”, bởi ông là một trong những người tiên phong xây dựng và phát triển mạnh mẽ phong trào hiến máu tình nguyện ở thành phố.

Ông Đoàn Văn Hòa trong một lần vận động hiến máu tình nguyện.
Ông Đoàn Văn Hòa trong một lần vận động hiến máu tình nguyện.

Xuất phát từ công việc thiện nguyện và sự nhiệt huyết, biết sống vì cộng đồng của thanh niên cùng truyền thống "lá lành đùm lá rách" từ gia đình, ông Hòa đã có những suy nghĩ và việc làm rất thiết thực, mang nhiều ý nghĩa để giúp đỡ xã hội.

Ông Hòa tâm sự, lần đầu ông đi hiến máu tình nguyện tại Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1993. Ở thời điểm đó, nhận thấy lượng máu lưu trữ ở các bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm, nên ông bắt đầu vận động người dân hiến máu tình nguyện.

"Những ngày đầu, việc vận động người đi hiến máu rất khó khăn vì họ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi phải đi từng ngóc ngách phường, xã, đến các doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, trường đại học để vận động hiến máu tình nguyện …", ông Hòa nhớ lại và cho biết.

Trong một chuyến công tác tại Bệnh viện Ung bướu, gặp ông ở khu C, chúng tôi bất ngờ sau nhiều năm gặp lại. Bất ngờ bởi lẽ, nay ông Hòa đã ngoài 50 tuổi nhưng vóc dáng nhanh nhẹn như thanh niên.

Sau một hồi trò chuyện, ông Hòa chìa ra mảnh giấy ghi đầy số điện thoại của các tình nguyện viên quan trọng trong những tình huống hiến máu khẩn cấp. Ông bảo, phải ghi sẵn ra giấy và kẹp vào điện thoại để khi cần thiết lấy ra gọi cho nhanh, đỡ tốn thời gian, bởi có nhiều trường hợp cần tiếp máu khẩn cấp, nhất là máu hiếm hay lúc đêm mà tìm trong điện thoại thì bất tiện, người bệnh không thể chờ được lâu.

Trong lúc trò chuyện, chuông điện thoại của ông reo liên tục, những cuộc gọi cắt ngang cuộc trò chuyện giữa tôi và ông. "Tôi vừa chỉ dẫn các tình nguyện viên đến địa điểm hiến máu tại bệnh viện", ông nở nụ cười hiền hòa rồi nói tiếp: "Đối với những bệnh nhân, những giọt máu là hy vọng nên điện thoại của tôi lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động để điều hành việc hiến máu…".

Khi được hỏi tình huống nào làm ông nhớ nhất trong hơn 30 năm làm công việc có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh cần tiếp máu, không đợi lâu, ông Hòa nói ngay, đó là sự cố lật tàu E1 tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào năm 2005.

Trong sự cố ấy, các nạn nhân được đưa về Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu. Lúc đó, bệnh viện không có đủ đơn vị máu để cung cấp cho bệnh nhân, ông đã trực tiếp liên hệ với các tình nguyện viên có nhiều nhóm máu khác nhau để kịp thời ứng cứu. Lúc ấy, điện thoại của ông hoạt động dường như hết “công suất” để huy động hết những “ngân hàng máu nóng” mà ông biết.

Không chỉ thực hiện công việc có liên quan đến công tác hiến máu tình nguyện ở thành phố Đà Nẵng, đã nhiều lần ông Hòa tự thuê xe, tìm người có nhóm máu phù hợp ở Đà Nẵng để "chi viện" cho các bệnh viện tại Huế.

“Việc hiến máu không chỉ dừng lại ở một địa phương mà cần được lan tỏa và hỗ trợ những địa phương khác khi cần thiết, bởi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết,là vốn quý nhất”, ông Hòa cho biết thêm.

MINH AN

;
;
.
.
.
.
.