Hiệu quả từ mô hình 'đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch'

.

ĐNO - “Đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch” là một trong những hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường sống mà Đoàn phường An Khê, quận Thanh Khê phát động. Chương trình đã mang lại hiệu quả kép trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Phiên chợ “Đổi tác thải nhựa lấy thực thẩm sạch” của Đoàn phường An Khê.
Phiên chợ “Đổi tác thải nhựa lấy thực phẩm sạch” của Đoàn phường An Khê.

Hình ảnh người dân địa phương mang rác thải nhựa đi lấy thực phẩm vào sáng ngày Chủ nhật cuối cùng hằng quý tại Nhà văn hóa cộng đồng Đông Xuân, do Đoàn phường An Khê tổ chức đã trở nên quen thuộc.

Vừa nhận song những bó rau xanh mơn mởn và một số nhu yếu phẩm sau khi cân và bàn giao số chai lọ, giấy carton cho đoàn viên tham gia tổ chức phiên chợ, bà Nguyễn Thị Ngãi, trú tổ 63, phường An Khê hồ hởi chia sẻ, bà đã được cán bộ phường cũng như khu dân cư thường xuyên tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa cũng như việc đổi rác thải nhựa lấy thực phẩm nên bà cùng các con cháu để dồn chai lọ, giấy… để đến ngày mang đi đổi.

“Việc làm của các cháu đoàn thanh niên rất tốt, một phần giúp cho bà con có được thực phẩm sạch để sử dụng mà không phải bỏ tiền ra mua, một phần giảm được lượng rác thải nhựa do các gia đình bỏ ra để góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương”, bà Ngãi cho biết thêm.

"Bảng giá" được ban tổ chức viết lên tấm bìa các tông cũ, treo phiếu trước các gian hàng để người dân và đoàn viên, thanh niên thuận tiện mua bán, trao đổi. Chỉ vài phút sau khi mở hàng, người dân địa phương nhiệt tình xách túi lớn, túi nhỏ đựng đầy lon bia, giấy vụn, thùng giấy... đi chợ.

Những loại rau, củ, quả tươi ngon và một số nhu yếu phẩm khác để thực hiện trao đổi trong phiên chợ do Đoàn phường vận động tiểu thương ở chợ đầu mối Hòa Cường ủng hộ.

Để kịp thời gian, từ 5 giờ sáng, một nhóm tình nguyện viên đã có mặt ở chợ để lựa chọn, vận chuyển rau, củ, quả về và sắp xếp ngay ngắn trên các kệ hàng.

Khi bà con nhân dân mang rác thải nhựa đến, đoàn viên, thanh niên luôn tay giúp bà con đếm lon, cân giấy vụn, nhựa... để quy đổi ra số lượng rau, củ, quả. Một nhóm khác giúp người dân lựa hàng hóa, cho vào túi xách, giấy gói, túi sinh học... để mang về.

Điểm đặc biệt ở phiên chợ này đó là phương thức thanh toán không phải bằng tiền mặt, chuyển khoản, quét mã QR mà là bằng rác. Các loại rác thải nhựa, rác tài nguyên, pin... đều có thể dùng để trao đổi hàng hóa.

Mô hình “Đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch” được Đoàn phường An Khê bắt đầu triển khai từ năm 2023, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn.

Em Phan Nguyễn Bảo Trân, trú tổ 53, phường An Khê cho biết: “Ở trường, cháu cũng thường xuyên được các thầy cô giáo tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa đến cuộc sống cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. các anh chị đoàn viên ở phường cũng hay tuyên truyền, vận động các gia đình phân loại rác thải và để dành mang đi đổi thực phẩm. Cháu thấy như vậy là rất tốt. Nhà cháu đã thực hiện phân loại từ lâu và thực hiện đổi rác thải lấy thực phẩm nhiều lần”.

Bí thư Đoàn phường An Khê, Phan Trần Hải Giang cho biết, dù mới được triển khai nhưng mô hình "Đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch" nhưng Đoàn phường đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bà con thu gom các loại rác nhựa, rác tài nguyên trong quá trình sinh hoạt trong gia đình, trong khu dân cư để dành đổi thực phẩm. Mô hình đã mang lại hiệu quả kép đó là vừa giúp bà con nâng cao nhận thức về tác hại của việc xả rác ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa, đồng thời giúp bà con có nguồn thực phẩm sạch để sử dụng mà không tốn tiền.

"Trước đây, Đoàn phường cũng tổ chức hiệu quả nhiều phiên chợ đổi rác lấy quà. Qua những lần tổ chức, khảo sát nhu cầu thiết thực của người dân, chúng tôi mới sáng kiến ra mô hình đổi rác lấy thực phẩm, đó là nhu cầu thiết yếu hằng ngày nên số lượng người dân tham gia rất đông", anh Giang cho biết thêm.

Bình quân sau mỗi phiên chợ "Đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch", Đoàn phường An Khê thu về hàng ngàn chai lọ, lon bia các loại, hàng chục kg giấy, hàng trăm viên pin đã qua sử dụng…

Nguồn rác thải nhựa sau các phiên chợ sẽ được Đoàn phường bán, tạo nguồn thu để thực hiện các hoạt động công tác xã hội như “Góc học tập cho em”, sách vở, dụng cụ học tập khác… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Theo đó, trong gần 2 năm qua, Đoàn phường đã tặng 2 “Góc học tập cho em”, sách vở… trị giá gần 8 triệu đồng.

Có thể nói mô hình "Đổi rác nhựa lấy thực phẩm sạch" do Đoàn phường An Khê tổ chức là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương, từ đó giúp hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Mô hình đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ làm giảm thiểu việc vứt rác thải nhựa ra môi trường mà còn phát động phong trào sống xanh, sống có trách nhiệm trong cộng đồng.

MAI HẠ

;
;
.
.
.
.
.