Lặng thầm nhân viên cứu hộ bãi biển

.

ĐNO - Ði dọc bãi biển trên địa bàn quận Thanh Khê nói riêng, thành phố nói chung, người dân và du khách không khó để nhận ra các nhân viên cứu hộ thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Công việc của họ là bảo đảm an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển.

           Anh Nguyễn Văn Xuân cùng đồng nghiệp của mình luôn tập trung quan sát để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tắm biển tại bãi biển Xuân Hà.
Anh Nguyễn Văn Xuân cùng đồng nghiệp của mình luôn tập trung quan sát để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tắm biển tại bãi biển Xuân Hà.

Cứu hộ trên biển là nghề đặc biệt, bởi bất cứ ai đến với công việc này cũng phải trải qua thử thách với những con sóng dữ. Đà Nẵng đang vào mùa du lịch, du khách và người dân tắm biển càng đông, các thành viên trong đội cứu hộ càng thêm vất vả.

Ngày nào cũng vậy, tại bãi biển Xuân Hà, quận Thanh Khê, từ 4 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút và từ 15 giờ - 20 giờ là khoảng thời gian tập trung cho công việc của Tổ Cứu hộ số 13. Trong trang phục áo vàng quần đỏ, họ khởi đầu công việc lúc hừng đông bằng cách bơi ra khơi cắm cờ tại những vùng nước sâu, vùng có ao xoáy, sau đó trở vào bờ đứng trông chừng cho khách tắm biển.

Suốt quá trình giám sát, nếu phát hiện trường hợp tắm biển vượt ra khỏi vùng an toàn thì họ thổi còi cảnh báo để người dân trở lại vào bờ. Vào mùa du lịch cao điểm, lượng người tắm biển tăng đột biến, họ phải trực suốt 10 tiếng có khi 12 tiếng mỗi ngày để đảm bảo an toàn tuyệt đối tại biển Xuân Hà.

Ngoài ra, để hạn chế tối đa những rủi ro, tổ cứu hộ luôn tạo ra những vùng tắm an toàn theo ngày, theo giờ và theo từng “con nước” nhằm đem lại sự an toàn và yên tâm cho du khách.

Anh Trần Mạnh Ninh (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mình cảm thấy rất an tâm bởi sự có mặt của lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng, mình và gia đình có thể yên tâm, tự do tận hưởng mùa hè dưới làn nước mát mà không gặp nguy hiểm gì”.

Anh Đặng Văn Sỹ, thành viên Tổ Cứu hộ số 13, chia sẻ: “Tôi làm công việc cứu hộ này gần 5 năm nay, dù thời tiết mưa hay nắng chúng tôi vẫn túc trực. Với tôi và các anh em trong tổ, đây không chỉ đơn thuần là nghề để sống, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Biển rộng, người đông, với người thường thì chắc chắn sẽ bị rối mắt, nhưng chúng tôi vẫn luôn quan sát để phát hiện những bất thường, kịp thời xử lý”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Xuân, Tổ trưởng Tổ Cứu hộ số 13 chia sẻ, “Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là cách đây hơn 1 tháng, lúc đó khoảng 7 giờ 10 phút sáng, mặt biển vẫn yên lặng bình thường, đột nhiên có người hô hoán ở dưới biển, tôi cùng đồng đội bơi ra cứu được nữ du khách vào bờ. Bằng những biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm, tôi và các anh em trong tổ đã kịp sơ cứu và đảm bảo an toàn cho du khách”.

Anh Xuân không nhớ bản thân và các đồng nghiệp đã cứu được bao nhiêu người, nhưng các anh coi nghề cứu nạn là bảo vệ sinh mạng của con người.

Ngoài kỹ năng cứu nạn, phản ứng nhanh và bơi giỏi, nhân viên cứu hộ phải thật bình tĩnh xử lý tình huống khi tiếp cận người bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng của mình và cứu được người bị nạn. Vì khi có tai nạn đuối nước, nạn nhân thường mất bình tĩnh, nếu tiếp cận không chuẩn, nhân viên cứu nạn sẽ bị nạn nhân ôm chặt và cả hai sẽ bị nhấn chìm.

Có 6 năm kinh nghiệm với nghề cứu hộ, anh Nguyễn Văn Anh chia sẻ: “Mùa này nắng đẹp nên cuối tuần biển rất đông khách, đặc biệt là vào dịp thành phố tổ chức thi bắn pháo hoa. Giữa biển người mênh mông, tôi phải tập trung tinh thần cao độ để nhận biết ai có nguy cơ gặp nguy hiểm mà cảnh báo hoặc ứng cứu kịp thời. Trong quá trình làm việc, tổ chúng tôi đã cứu được rất nhiều người bị sóng cuốn. Mỗi lần cứu được một người, chúng tôi đều rất vui mừng và tự hào. Tuy nhiên, cũng có những lần chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn và nguy cơ cao”.

Sau khoảng thời gian cao điểm vào hai buổi sáng, chiều cần tập trung toàn bộ, các thành viên trong tổ luân phiên canh giữ vào khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Chị Trần Thị Nhật Hạ, trú phường Hòa Khê cho biết, vào mùa hè, chiều nào chị cùng 2 con của mình cũng đi tắm biển ở bãi biển Xuân Hà. Chị luôn căn dặn các con phải cẩn thận và thực hiện tốt sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

“Có lực lượng cứu hộ sẽ giúp cho người tắm biển yên tâm hơn, nhưng trên hết mình phải cẩn thận, tắm trong khu vực đã được quy định. Mong sao người dân và du khách khi tắm biển cần thực hiện tốt sự hướng dẫn của các anh cứu hộ để được an toàn”, chị Nhật Hạ chia sẻ thêm. 

Thành viên của tổ đều là những người làm việc hết trách nhiệm và nhanh nhạy xử lý rất nhiều tình huống xảy ra trên bãi biển mà các anh được giao quản lý dài hơn 1 cây số, từ đường Tôn Thất Đạm đến đường Hà Khê.

Với công việc đặc thù, túc trực ngoài trời, điều đầu tiên và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm và chấp hành nội quy của đơn vị, không bao giờ được phép mất tập trung. Bảo vệ an toàn cho người dân, du khách cũng là góp phần làm đẹp hơn cho hình ảnh thành phố du lịch Đà Nẵng.

Biển Thanh Khê là biển du lịch, vậy nên các anh luôn tâm niệm mình cũng như một hướng dẫn viên, phải thật sự yêu nghề mới ở lại đến bây giờ.

“Để làm tốt công việc này, các thành viên của tổ phải luôn rèn luyện thể lực và kỹ năng bơi lội, thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác của người dân, du khách khi tắm biển để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, anh Xuân chia sẻ thêm.  

ÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.