.

NSND Tường Vy: "Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có sự bình an"

.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dãy Trường Sơn hùng vĩ không chỉ in dấu chân của những chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà còn lưu dấu hình ảnh những nghệ sĩ mặc áo lính, trong đó có NSND Tường Vy.

Với những ca khúc “đóng đinh” như “Tiếng đàn Ta-lư” (Huy Thục), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp), “Bóng cây Kơ-nia” (Phan Thanh Nam)… sắc màu trong âm nhạc của Tường Vy đã góp phần làm nên bản sắc rất riêng của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Bà là niềm tự hào của nhiều nghệ sĩ mặc áo lính đương thời.

NSND Tường Vy và các em trong Trung tâm nghệ thuật tình thương thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1994). Ảnh tư liệu.
NSND Tường Vy và các em trong Trung tâm nghệ thuật tình thương thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1994). Ảnh tư liệu.

Đã là Bộ đội Cụ Hồ thì sao có thể xa rời màu áo xanh chiến sĩ, sao có thể không quen thuộc với những cánh rừng, những bờ suối, những con đường hành quân trải đầy bom đạn. Sân khấu mà người nghệ sĩ ấy từng biểu diễn cũng mang đậm hơi thở của thời đại: Đó những mui xe chụm lại, là hang đá ẩn sâu trong rừng, là những chiếc khăn dù căng tạm…

Năm 1968, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị từ Quảng Bình trở ra gặp một tiểu đoàn đặc công đặc biệt tinh nhuệ đi vào tại bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Khi hai đoàn tránh xe nhau, các chiến sĩ đặc công hô to: “A, Tổng cục Chính trị đây rồi! Có Tường Vy không?” - bên này đáp: “Có”. Thế là họ kéo Tường Vy đứng lên mui xe rồi cùng hòa nhịp “Tiếng đàn Ta-lư” rộn vang cả một vùng.

Tiếng hát Tường Vy còn đem về nhiều huy chương vàng cho đoàn Việt Nam trong những dịp liên hoan thanh niên thế giới tổ chức tại Bun-ga-ri, CHDC Đức… Khi nghe bạn bè năm châu hô lớn: “Giáp, Giáp, Hồ Chí Minh”, bà lại bồi hồi hạnh phúc mà tự dặn lòng mình: “Đấy là người ta khen Việt Nam chứ không phải khen Tường Vy đâu nhé!”.

Mong ước ban đầu của Tường Vy thật giản đơn như chính lứa tuổi 16 của cô khi đó, là vào quân y để chữa bệnh, cứu người. Khi cán bộ tuyển quân hỏi: “Người nhỏ bé, chỉ hơn 36kg chút xíu, sao đi bộ đội được?”, Tường Vy nhớ ngày trước các chú bộ đội đóng quân ở nhà rất thích nghe “Sông Lô”, “Ngày mùa” của Văn Cao do mình thể hiện nên nhanh nhẹn đáp lại: “Nhưng em có giọng hát hay, có thể hát cho thương binh nghe được mà”.

Rồi cô biểu diễn luôn một bài khiến người tuyển quân mỉm cười tiếp nhận ngay. Tháng 7-1954, Tường Vy “tòng quân” ở Quảng Ngãi, cuối năm đó thì tập kết ra Bắc, vào Quân y viện 108. Đúng như lời hứa, tiếng hát trong sáng của Tường Vy đã thấm sâu vào tâm hồn các thương bệnh binh, xoa dịu vết thương, khơi dậy niềm lạc quan sống nơi họ. Không ít chiến sĩ nói lại với bà: “Cô hát nữa đi, nghe cô hát chúng tôi như nhận một liều thuốc quý vậy”.

Vô tình giọng ca ấy lọt vào “mắt xanh” của Đại tá Võ Hồng Cương, Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Nghe lời ông, Tường Vy “đầu quân” cho Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (1956) vì “vào văn công cũng là phục vụ cho bộ đội cơ mà” - đại tá nói. Cứ thế, bằng sức bền bỉ trong rèn luyện cùng với sự động viên của mọi người, hạt giống nhỏ ngày nào đã được ươm mầm, vun xới, tưới tắm để trở thành một “bóng cả” trong làng nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Một trong những nhân cách lớn có ảnh hưởng sâu đậm trong sự nghiệp âm nhạc của Tường Vy là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là nghệ sĩ của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, bà vinh dự được nhiều lần hát cho Bác Hồ nghe. Bác cũng rất yêu quý giọng hát Tường Vy. Một lần, Bác cho gọi Tường Vy vào xem một bộ phim nói về một cô gái giàu nghị lực, vượt lên nghèo khó để thành nghệ sĩ nhân dân của Triều Tiên. Lời nói tế nhị của Người không dạy mà như dạy làm bà nhớ mãi: “Cháu thích phim này không?” – Tường Vy lễ phép đáp lại: “Dạ, thưa Bác có ạ”.

Bác lại nói: “Đấy, người ta phấn đấu giỏi nhỉ?”. Một lần khác, khi đang biểu diễn cho Bác Hồ nghe, Bác gọi Tường Vy đến bên và nói: “Năm 1957, Bác sang Triều Tiên nghe người ta hát “Tình bằng có cái trống cơm” tuy không sõi tiếng nhưng thấy rất gần gũi, cảm động. Cháu nên học các bài dân ca nước ngoài, hát chuẩn càng tốt, nếu không hát rõ lời bằng họ thì họ cũng sẽ rất vui”.

Làm theo lời Bác dạy, Tường Vy miệt mài tìm đến thư viện, các Đại sứ quán nhờ dịch lời, cách phát âm để học dân ca của một số nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Bà còn nhớ lời khen tặng của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Lào): “Cháu hát hay như người Lào, hay hơn người Lào”.

Để khẳng định mình trong lao động, người ta vẫn duy trì một chân lý: Có cái riêng nghĩa là tồn tại. Trong lao động nghệ thuật, cá tính của người nghệ sĩ lại càng là một đòi hỏi trực diện, rõ nét. Tường Vy để lại dấu ấn trong lòng khán giả bởi cách hát riêng không giống ai. Ca khúc “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp) là một ví dụ điển hình cho dòng chảy sáng tạo của Tường Vy.

Bằng cách khéo léo đưa kỹ thuật thanh nhạc “Staccato” vào trong một tứ của bài hát: “Chim hót không hay bằng tiếng hát em…”, Tường Vy như đem khán giả đến gần hơn với khung cảnh núi rừng nguyên sơ, sống động với hình ảnh cô gái vót chông đánh Mỹ trong tiếng chim hót líu lo... Cũng vì thế, bài hát trở nên phong phú hơn, có sức sống theo thời gian.

Năm 1967, hơn 2000 cánh tay chiến sĩ trong hang đá Na Cay (Lào) vẫy gọi, yêu cầu Tường Vy hát lại ngay sau khi bà vừa biểu diễn xong bài “Cô gái vót chông”. Đoàn trưởng Lương Ngọc Trác bắt tay người đồng nghiệp trẻ chúc mừng: “Nghe em nói hát thêm đoạn này, ban đầu anh hơi lo “Tây quá”. Thì ra là Tây Nguyên chứ không phải nguyên Tây nhỉ!”.

Có thể nhận thấy ở người nghệ sĩ này một sự nhạy bén tuyệt vời với cái mới, bà quan điểm: “Người làm nghệ thuật muốn tôn trọng khán giả thì phải sáng tạo không ngừng, phải trân trọng quá khứ nhưng biết tiếp thu cái mới”. Do đó tuổi trẻ của Tường Vy là tuổi trẻ của khát khao học tập không ngừng để tìm cái mới. Bà chú ý phương pháp giảng dạy riêng của các chuyên gia Triều Tiên, Trung Quốc, Nga. Khi sang Bun-ga-ri làm nghiên cứu sinh sau đại học, bà thường chú trọng xem các đoàn quốc tế biểu diễn để học hỏi.

Không chỉ có một kỹ thuật hát tinh tế, người nghe nhớ đến Tường Vy bởi một giọng hát sâu đằm mà chỉ khi được trò chuyện, được tiếp xúc gần người ta mới hiểu được cái nồng nàn, trĩu nặng tình cảm ấy hẳn có được từ một tâm hồn dễ rung cảm trước con người, trước cảnh đời. Từ thuở thiếu thời, cô bé Tường Vy đã biết thao thức khi nghe những điệu hò khoan kéo lưới tha thiết của những người Huế tha hương trên con sông Tam Kỳ, Quảng Nam quê mình: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm”.

Và cũng ít ai biết rằng, phía sau ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ ấy trở về, lặng lẽ với nỗi niềm dằng dặc xa người thân 21 năm trời kể từ lúc tập kết ra Bắc (1954) cho đến khi đất nước thống nhất (1975). Nỗi xa cách quê hương dường như đã làm giọng hát của Tường Vy có chiều sâu hơn. Bà kể rằng luôn nhớ thương mẹ trong hơn hai mươi năm ấy, thấy cụ già nào giống mẹ là đi theo để nhìn, để mong ngóng, để gần hơn ngày được gặp lại mẹ.

Chính vì vậy mà những câu hát trong bài “Bóng cây Kơ-nia”: “Buổi chiều mẹ lên rẫy, thấy bóng cây Kơ-nia. Bóng tròn che lưng mẹ, về nhớ anh mẹ khóc” trở nên sâu lắng hơn mỗi khi Tường Vy cất tiếng hay có một sự đồng điệu lạ kỳ trong lời ca và nỗi khắc khoải, nhớ mong, khát khao trở về của Tường Vy khi thể hiện “Xa khơi”: “Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ… Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ…”.

Tiếng hát ấy, tâm hồn ấy đã chạm đến rung cảm sâu kín của những trái tim bên kia bờ Thái Bình Dương. Tại Hội nghị sinh viên - thanh niên Mỹ La-tinh (1972) tổ chức ở Chi-lê, một vị bác sĩ đã tìm đến chia sẻ với bà: “Chúng tôi được tuyên truyền nhạc Việt Nam hiếu chiến, kích động, nhưng hôm nay nghe chị hát bài này tôi thấy rất sâu lắng, đầy tình người chứ không như người ta nói. Tôi khâm phục Việt Nam”.

Bằng tài năng, ý chí, bằng tâm hồn nhạy cảm, bằng cảm nhận sâu sắc với tình yêu quê hương, Tường Vy đã đạt đến sự tròn trịa trong sự nghiệp âm nhạc song ngược lại, tất cả những thứ đó lại không có ý nghĩa trong việc tạo dựng một hạnh phúc riêng. Nhưng một lần nữa, chính trái tim đồng cảm với đời đã giúp bà tìm được sự cân bằng trong cuộc sống.

Bà nói về những trẻ em là con cháu các cựu chiến binh bị khuyết tật vì nhiễm chất độc da cam vẫn ngày ngày được bà dạy hát tại Trung tâm nghệ thuật tình thương do bà xây dựng từ năm 1992 như nói về nỗi lòng của mình: “Không có ai bất hạnh cả. Con người phải tự biết tìm lấy hạnh phúc cho mình một cách mạnh mẽ và tích cực nhất”.

Tuổi trẻ cũng qua đi, những tháng năm biểu diễn sôi nổi cũng qua đi, ở độ tuổi 75, người nghệ sĩ ấy muốn được bên cạnh các em nhỏ thiệt thòi như A-viết-nin, Hà Chương… trong ngôi nhà chỉ có tiếng đàn, tiếng hát của trẻ thơ và chờ đợi ngày con cháu của bà đang hoạt động âm nhạc bên Mỹ trở về đoàn tụ, như niềm tin bà hằng ấp ủ: “Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có sự bình an”.

Tường Vi (sinh ngày 19 tháng 8 năm 1938, tại Tam Kỳ, Quảng Nam) là một nữ ca sĩ Việt Nam. Bà hát thành công ca khúc cách mạng như Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư, Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam). Hiện bà là giám đốc của ba Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, chuyên giúp đỡ và dạy dỗ những trẻ em bị khuyết tật.

Theo QĐND

;
.
.
.
.
.