Những con đường Đà Nẵng

Điện Biên Phủ - tuyến đường huyết mạch

14:45, 20/01/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Người ta nhận ra diện mạo của Đà Nẵng trẻ trung, năng động và một thành phố đang trên đà phát triển từ những con đường như: Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn… Nhưng, sẽ thật thiếu sót khi không kể đến một con đường mà sự đổi thay của nó dễ làm cho những người con xa xứ mới trở về bị choáng ngợp, đó là đường Điện Biên Phủ.

Bùng binh Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương là nút giao thông lớn nhất trên đường Điện Biên Phủ với hàng ngàn lượt xe cộ qua lại mỗi ngày.
Bùng binh Điện Biên Phủ - Lê Độ - Nguyễn Tri Phương là nút giao thông lớn nhất trên đường Điện Biên Phủ.

Hoàn thành 2,7km đường chỉ trong một năm

Nói về con đường Điện Biên Phủ trước đây, ông N.V. Khanh (SN 1970, hộ dân sinh sống trên đường Điện Biên Phủ) đáp gọn: “Một trời một vực so với bây giờ!”. Theo lời ông Khanh kể thì đường Điện Biên Phủ trước kia khá hẹp với một làn đường chỉ chừng 15m kể cả phần vỉa hè, cây xanh ít, nhà cửa san sát nhau nhưng không được khang trang như bây giờ.

Đặc biệt, khu vực Bến xe liên tỉnh Đà Nẵng (đối diện Khách sạn Thanh Long ngày nay) là nơi tập trung đủ ngành nghề, loại hình kinh doanh như: nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở massage, nhà hàng, quán ăn, lực lượng xe ôm, xích lô rất đông nên khá phức tạp.

“Thỉnh thoảng tôi thầm nghĩ nếu không có “cuộc cách mạng” thay da đổi thịt cho đường Điện Biên Phủ thì quận Thanh Khê làm chi được như bây giờ. Mấy người có hỏi nhà tôi ở đâu, tôi nói đường Điện Biên Phủ thì có đến 9/10 người “phán”: nhà hái ra tiền. Nói ra thì có vẻ nghe “kinh tế” quá nhưng đúng chứ có sai mô” - ông Khanh thẳng thắn nói bằng chất giọng “rặt” chất Quảng Nam.

Làn đường rộng, thoáng góp phần thúc đẩy việc kinh doanh của các trung tâm mua sắm, siêu thị trên tuyến đường Điện Biên Phủ được thuận lợi hơn.
Làn đường rộng, thoáng góp phần thúc đẩy việc kinh doanh của các trung tâm mua sắm, siêu thị trên tuyến đường Điện Biên Phủ.

Có thể nói, đường Điện Biên Phủ là một trong những con đường hiếm hoi trên địa bàn thành phố hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng trong thời gian kỷ lục: 1 năm cho 2,7km đường từ bùng binh đầu đường Lê Độ đến ngã ba Huế.

Phải nói thêm rằng, để triển khai dự án này, có đến 1.072 hộ dân nằm trong diện giải tỏa; trong đó, có 441 hộ giải tỏa một phần và 631 hộ giải tỏa “trắng”. Một dự án tạo con đường huyết mạch của thành phố, “đụng chạm” đến quyền lợi của từng đó hộ hẳn nhiên việc triển khai chẳng dễ dàng.

Ấy vậy mà, chỉ một năm sau, ngày 29-3-2005, dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ ra 30m đã hoàn thành đúng dịp 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, một kết quả khiến những người trong cuộc cũng phải bất ngờ vì tốc độ nhanh kỷ lục.

Ngã tư Điện Biên Phủ- Hà Huy Tập
Ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập

Tuyến đường “xương cá” huyết mạch

Nằm ở phía Tây Bắc Đà Nẵng, đường Điện Biên Phủ hôm nay là một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố khi đây là trục đường chính dẫn thẳng đến khu vực trung tâm với điểm đầu là ngã ba Huế, điểm cuối là đường Lê Duẩn.

Đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ phía Bắc thành phố là tuyến đường “xương cá” bởi sự giao thoa với nhiều tuyến đường quan trọng khác. Từ đường Điện Biên Phủ rẽ qua đường Nguyễn Tri Phương, đi khoảng độ 3km là đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Hoặc rẽ theo hướng ngược lại, theo đường Lê Độ hướng về đường Nguyễn Tất Thành.

Đường Điện Biên Phủ nối với đường Lê Duẩn - phố thời trang lớn nhất thành phố cũng là nơi dẫn đến cây cầu quay Sông Hàn. Đường Điện Biên Phủ nối với đường Lý Thái Tổ - Hùng Vương sẽ dẫn thẳng đến Siêu thị Big C, Chợ Cồn - trung tâm thương mại sầm uất và lâu đời nhất mà người dân Đà Nẵng vẫn hằng tự hào.

Màu xanh mát mắt của hàng dừa làm dịu đi sự oi bức, ồn ào của phố thị và là một trong những điểm nhấn nổi bật của con đường Điện Biên Phủ.
Màu xanh mát mắt của hàng dừa là một trong những điểm nhấn của đường Điện Biên Phủ.

Thêm vào đó, đây là nút giao thông có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều, thành phần dòng xe phức tạp. Ngoài lượng xe máy, đường Điện Biên Phủ còn là tuyến đường lưu thông của các loại xe buýt, xe đường dài Bắc-Nam.

Đường Điện Biên Phủ không có những địa danh, những đặc điểm trở thành “đặc sản” có thể gọi thành tên như "đường cà-phê" Lê Lợi, đường của bar Bạch Đằng hay phố thời trang Lê Duẩn... Với chiều dài 3 km, mặt cắt ngang rộng 48 mét gồm 4 làn đường mỗi bên, đường Điện Biên Phủ “ôm” trong mình tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống thường nhật của con người.

Từ địa điểm vui chơi như Công viên 29-3, Không gian xưa, khu mua sắm như Siêu thị Coopmart, Siêu thị điện máy Đức Lâm, Viettronimex…, có cả gần chục ngân hàng đến các cửa hàng tạp hóa, cơ khí, nội thất, vật liệu xây dựng,… Chỉ cần đi từ đầu đường đến cuối đường, người ta có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần phải đi đâu xa.

Trong niềm tự hào của người dân quận Thanh Khê hôm nay, không thể không nhắc đến Tượng đài Mẹ Dũng Sỹ Thanh Khê nằm ngay giao lộ Điện Biên Phủ - Dũng Sỹ Thanh Khê - Huỳnh Ngọc Huệ. Đã 47 năm trôi qua kể từ đêm 23-12-1968, nhưng hình ảnh Mẹ Nhu can trường, dám đương đầu với quân địch tới cùng để bảo vệ những người lính cách mạng chưa khi nào nguôi ngoai trong lòng người dân Thanh Khê nói riêng và nhân dân Đà Nẵng nói chung.

Để rồi bất cứ dịp lễ lớn nhỏ nào, người ta cũng thấy các cấp chính quyền từ thành phố đến địa phương lập bàn thờ và dâng hương trang trọng tại Tượng đài. Đó không chỉ là một nghĩa cử tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của Mẹ Nhu mà còn là sự nhắc nhớ các thế hệ mai sau về một quá khứ hào hùng của thành phố.

Tượng đài Mẹ Dũng Sỹ Thanh Khê- dấu ấn nổi bật nhất của con đường Điện Biên Phủ.
Tượng đài Mẹ Dũng Sỹ Thanh Khê - dấu ấn nổi bật nhất của con đường Điện Biên Phủ.

Cùng với Tượng đài Mẹ Dũng Sỹ Thanh Khê, trong tương lai không xa, nối liền với đại lộ Điện Biên Phủ sẽ sớm có thêm một dấu ấn mới - nút giao thông cầu vượt ngã ba Huế. Được khởi công từ cuối tháng 9-2013, đến nay, công trình đã hoàn thành gần 90% với cam kết đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015).

Nằm ở phía Tây-Bắc thành phố, nút giao thông ngã ba Huế nằm trên địa phận của cả ba quận là Thanh Khê - Cẩm Lệ - Liên Chiểu và là ngã ba giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường Điện Biên Phủ và tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Việc hình thành nút giao thông này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông mà còn tạo ra cảnh quan, điểm nhấn kiến trúc cho cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

Nút giao thông ngã ba Huế nhìn từ đường Điện Biên Phủ
Nút giao thông cầu vượt ngã ba Huế nhìn từ đường Điện Biên Phủ

Tròn 10 năm khánh thành và đưa vào sử dụng, cho dù hôm nay hay mãi về sau, có lẽ, đường Điện Biên Phủ sẽ mãi ghi dấu trong tim người dân Đà Nẵng về một cuộc đổi thay ngoạn mục được làm nên từ sự đồng sức, đồng lòng của người dân và chính quyền thành phố. Nhìn đường Điện Biên Phủ hôm nay với những tòa nhà cao tầng san sát nhau, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đại lộ này sẽ ngày càng phát triển trong tương lai để khẳng định được tầm vóc, sứ mệnh của mình.

Bài, ảnh: Bình An

.