.

Đường Nguyễn Tất Thành dang tay ôm biển vào lòng

.

ĐNĐT - Nếu ai đó ví von rằng, con đường Nguyễn Tất Thành nối Liên Chiểu - Thuận Phước như một cánh tay nối dài, ngày đêm ôm ấp sóng biển dập dìu, tạo nên một cảnh tượng yên bình tại thành phố đầu biển cuối sông này quả không sai.

Đường Nguyễn Tất Thành góp phần giải quyết vấn đề giao thông của thành phố.
Đường Nguyễn Tất Thành được xem là một trong những tuyến đường ven biển đẹp, hiện đại, khang trang.

Năm 2003, đúng vào dịp kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, UBND thành phố đã chính thức thông xe và đưa vào sử dụng đường Nguyễn Tất Thành.

Con đường dài hơn 12km với mặt cắt ngang 45m này được đầu tư với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ giải quyết vấn đề giao thông khi nối liền trung tâm thành phố với các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, trở thành tuyến đường ven biển nối liền hai di sản Huế - Hội An, mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch mà còn làm thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống cho người dân sinh sống ở khu vực nằm trải dài trên triền cát trắng từ cầu Thuận Phước lên tới khu vực Nam Ô. Sau hơn một thập niên đưa vào sử dụng, con đường Nguyễn Tất Thành đã trở nên thân thuộc và đang khẳng định vai trò không thể thay thế của mình.

Suốt mấy năm nay, hầu như chiều nào ông Nguyễn Văn Bính (75 tuổi, trú phường Xuân Hà) cũng chọn vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành làm nơi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Trong kí ức của lão ngư đã gắn phần lớn đời mình với biển cả, hình ảnh con đường Nguyễn Tất Thành trước kia chỉ là bãi cát trắng trải dài, nhà cửa san sát, chen chúc nhau và liên tục hứng từng đợt gió biển thổi lên, mang cát trắng bay vào khắp hiên nhà, ngõ phố.

“Ngày trước hoang vu lắm, sau lưng chỉ có biển, muốn đi đâu phải chạy ra đường chính Trần Cao Vân. Rác thải sinh hoạt người ta cứ ném thẳng ra biển rồi bị sóng đánh tấp ngược vào bờ nhếch nhác vô cùng”, ông Bính nhớ lại…

Đà Nẵng là nơi thu mua, chế biến hải sản có quy mô lớn tại khu vực miền Trung. Đến Đà Nẵng, du khách không thể không thưởng thức những món hải sản tươi ngon, hấp dẫn với giá cả hợp lý. Và sẽ không quá khi gọi đường Nguyễn Tất Thành là “phố hải sản” với hàng loạt nhà hàng, quán ăn hải sản luôn sẵn sàng phục vụ du khách.

Một số nhà hàng như Cây Dừa, Hai DZồ, Ngọc Minh... với thực đơn hấp dẫn, phong phú là lựa chọn của nhiều thực khách khi muốn thưởng thức những món hải sản tươi ngon. Ngược lên khu vực quận Liên Chiểu, những quán hàng bình dân cũng mọc lên san sát, phục vụ nhu cầu của giới sinh viên, công nhân và người lao động bình dân. Thưởng thức hải sản tươi sống, chất lượng trong làn gió mang theo vị biển thổi vào sẽ phần nào giúp thực khách quên đi những mệt mỏi, buồn phiền và xô bồ của cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, hệ thống lưu trú với nhiều khách sạn đủ thứ hạng như Hòa Bình, Sáu Sài Gòn, Hoa Lan… trở thành điểm nghỉ chân rất thuận tiện và lí tưởng.

Trở thành nơi hẹn hò, tập thể dục lí tưởng của mọi người.
Đường Nguyễn Tất Thành với vỉa hè rộng, thoáng, nằm sát bên bờ biển nên trở thành địa điểm dạo chơi, tập thể dục thể thao hằng ngày của người dân.

Con đường Nguyễn Tất Thành cũng gắn với niềm vui, nước mắt và những mất mát không thể bù đắp của ngư dân nơi đây, nhất là tai họa sau cơn bão Xangsane vào năm 2006. Chiếc thuyền đá được dựng lên ở bờ biển tại phường Xuân Hà như một điểm nhấn trên đường bọc lấy bờ biển này. Nó không chỉ là nơi tưởng niệm những người đã vĩnh viễn nằm lại ở biển khơi mà còn thể hiện sức mạnh, sự bền bỉ và can trường của ngư dân nơi đây khi nghiệp biển đã ăn sâu trong máu thịt của họ.

Những ngày đặc biệt trong năm, ngư dân địa phương lại tổ chức các buổi lễ ngay tại chiếc thuyền đá này, cùng cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng để mỗi chuyến biển trở về, tôm cá đều đầy ghe, lộc biển mang theo ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.

Hơn 1 năm qua, khi dự án Nút giao thông khác mức ngã ba Huế triển khai xây dựng, đường Nguyễn Tất Thành như một cánh tay không thể thay thế để nối mạch vận tải của thành phố. Những đoàn xe nối đuôi nhau chạy bon bon ven biển, xen giữa hàng phi lao vi vu gió rít như hình ảnh biểu trưng về sức sống bền bỉ của thành phố trẻ năng động này.

Mùa hè, khi ráng chiều đỏ rực cuối ngày khuất dần xuống dãy Trường Sơn cũng lúc là người dân, du khách đổ về đường Nguyễn Tất Thành. Bãi biển trải dài với hàng loạt tiện ích như bãi đánh bóng chuyền, bóng đá, bãi tắm công cộng…, đủ để hàng ngàn người cùng thỏa sức vùng vẫy trong làn nước biển xanh trong.

Những chiếc thuyền thúng cuối ngày vừa tấp vội vào bờ mang theo bao nhiêu tôm cá còn giãy đành đạch là sự lựa chọn không thể hấp dẫn hơn cho bữa tối tươi ngon của mọi gia đình. Phía trên vỉa hè, hệ thống bờ kè kiên cố, hàng ghế đá được lắp đặt ngay ngắn trở thành điểm hóng mát, hẹn hò khá lí tưởng của nhiều đôi trai gái. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà rảo bước nhịp điệu theo tiếng nhạc chiều đâu đó vang lên như chính âm thanh về cuộc sống bình yên, hạnh phúc của hàng ngàn gia đình trải dọc theo con đường ven biển này.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.