Năm nay là một cái Tết đáng nhớ đối với bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Đội trưởng Đội chống Covid-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Từ khi có dịch, chị gửi 2 con, trong đó con út mới được hơn 6 tháng, còn bú sữa mẹ, cho hàng xóm trông coi. Phần lớn thời gian chị dành cho công việc phòng, chống dịch. “Trong trường hợp có ca bệnh dương tính với Covid-19 thì mình cũng tự cách ly, xa con, xa gia đình 14 ngày để theo dõi nên mọi thứ cứ chuẩn bị sẵn sàng”, chị Dương kể.
Mệnh lệnh của trái tim các y bác sĩ dường như không cho phép mình sợ hãi trước dịch bệnh. Nhưng đó chỉ là sự lừa dối cảm xúc, bởi sau lưng họ còn có gia đình, bạn bè, người thân.
Nói về điều này, bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ trần tình, việc đầu tiên khi có thông tin phòng, chống dịch Covid-19 là anh phải giải thích, trấn an người nhà, bạn bè, hàng xóm, bởi họ biết anh là một trong những bác sĩ tuyến đầu ở Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. May mắn là đến thời điểm này Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19 nhưng đối với các nhân viên y tế, họ đã sẵn sàng tâm lý tự cách ly bản thân với mọi người trong trường hợp xuất hiện bệnh nhân dương tính. Bởi theo họ, đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng tiếp xúc hàng ngày với người nghi nhiễm Covid-19 thì nguy cơ lây bệnh đôi khi chỉ bằng một hơi thở mạnh lúc thăm khám, điều trị.
“Ngay cả chế độ bảo vệ cho bản thân cũng phải nghiêm ngặt hơn bình thường. Khi thăm khám người nghi nhiễm Covid-19 thì phải mặc đồ chống dịch vào rồi đi khám, sau đó phải thay áo quần, găng tay, mắt kính rồi mới tắm rửa và mặc đồ sạch lại. Tần suất khám không cố định, có ngày 5 lần, ngày 10 lần, thậm chí hơn. Nếu khám 5 lần thì tắm 5 lần, khám 10 lần thì tắm 10 lần. Không nhiễm bệnh thì cũng rất dễ nhiễm cảm lạnh vì tắm quá nhiều”, bác sĩ Thọ cười.
Là Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng liên tục đổ chuông suốt thời gian qua. Có hàng chục cuộc gọi đến mỗi ngày từ người lạ chỉ để được xác minh thông tin, tư vấn, hỏi thăm, báo thông tin, cảnh báo…
Kể từ ngày 14-1, thời điểm tiếp nhận người nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên, Bệnh viện Đà Nẵng đã thành lập 4 đội phòng, chống dịch với sự tham gia của các bác sĩ y học nhiệt đới, đa khoa, xét nghiệm, X-quang… Trong trường hợp có ca dương tính thì 4 đội phòng, chống dịch sẽ ráp lại thành một ê-kíp với khoảng hơn 20 bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết sẽ tăng cường thêm các bác sĩ chuyên khoa để kịp thời tiếp nhận, xử lý trường hợp nghi nhiễm.
“Tết vừa qua là giai đoạn quá căng thẳng, vừa điều trị người nghi nhiễm theo chuyên môn của bệnh viên, vừa phải lo chăm sóc cho hơn 60 lượt người ra vào theo dõi, cách ly bệnh khi có các biểu hiện sốt, ho và lịch sử dịch tễ từng tiếp xúc với người ở Vũ Hán hoặc khách nước ngoài nghi nhiễm. Thông thường, các bác sĩ không nghỉ Tết mà chia theo ca trực. Riêng năm nay, lịch trực dày đặc hơn”, bác sĩ Trung cho biết.
Tính đến thời điểm này, có hơn 32 người nước ngoài được các cơ sở y tế tiếp nhận do nghi nhiễm Covid-19. Trong số đó, có du khách đang đi du lịch thì phải vào đây nằm. “Họ liên tục nắm tay mình và hỏi thăm như cầu xin, rằng bao giờ thì sẽ ổn định sức khỏe, bao giờ thì được trở về nước? Đặt mình vào hoàn cảnh ấy, bỗng dưng bị cách ly ở một nơi xa xôi, không người thân thích chúng tôi chỉ còn cách chia sẻ, giúp đỡ hết mình để họ sớm bình phục và ổn định tâm lý”, bác sĩ Trung tâm sự.
Những ngày giữa tháng 2, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng đã bớt chút bộn rộn, căng thẳng kể từ khi khu cách ly đặc biệt ở nơi này được thiết lập và kích hoạt hơn 1 tháng trước. Lần giở cuốn nhật ký ghi lại danh sách tiếp nhận những người nghi nhiễm Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ, một trong những người tham gia trực chiến từ trước trong và sau Tết Nguyên đán, vẫn không quên được cảm giác lúc đó.
“Mình từng tham gia các đợt phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước đó như SARS, Mer-CoV nên luôn có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, nhưng vẫn không thoát khỏi những lo lắng mà chỉ người trong cuộc, ngay thời điểm đó mới thấu hiểu và cảm nhận được”, bác sĩ Thọ nói.
Ngày 14-1, ekip trực của bác sĩ Thọ tiếp nhận một người Trung Quốc bị sốt do nghi nhiễm Covid-19. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được Đà Nẵng phát hiện, tiếp nhận và cách ly theo dõi, điều trị theo quy trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tầng 4 của Khoa Y học nhiệt đới được cách ly, thiết lập theo hướng 1 chiều để thu dung điều trị theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Đội ngũ nhân viên y tế được trang bị bảo hộ từ áo quần, giày, dép, khẩu trang, mũ, kính mắt, thậm chí cả… điện thoại di động! Không khí khẩn trương, căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt, bước chân bởi một loại dịch bệnh mới xuất hiện, lại là bệnh truyền nhiễm thì không ai có thể lường hết mức độ nguy hiểm của nó.
“Ấn tượng đối với trường hợp đầu tiên nghi nhiễm Covid-19 đó là người đàn ông cao to lực lưỡng, liên tục lớn tiếng quát nạt, bất hợp tác với nhân viên y tế. Khi chúng tôi khám, tiến hành lấy máu thì anh ấy không cho và yêu cầu phải gặp bằng được Lãnh sự quán nước mình. Bệnh viện phải liên hệ, nhân viên Lãnh sự quán vào giải thích thì anh ta mới hợp tác”, bác sĩ Thọ chia sẻ.
Hàng chục người sau đó liên tục được Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, trong đó có những người nước ngoài. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và nhất là tâm lý hoang mang, lo lắng khiến môi trường điều trị luôn căng thẳng. Các nhân viên y tế ngoài việc tập trung chuyên môn điều trị còn là điểm tựa tinh thần, tập trung tư vấn, trấn anh người bệnh, giúp họ vượt qua “cơn bão” từ bên ngoài và chính trong lòng mình.
Từ mồng 3 Tết Nguyên đán (27-1), 100% cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã được huy động đột xuất để tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Là bệnh viện chuyên khoa, đảm nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm hô hấp trước đó, nay Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gánh vác một nhiệm vụ hết sức quan trọng: trở thành nơi tiếp nhận, thu dung các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để sẻ chia gánh nặng cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chỉ ngắn gọn: “Đây là nhiệm vụ phải làm”! Tuy nhiên, chính bản thân ông cũng nhận thấy những khó khăn, vất vả mà mình và các nhân viên sẽ trải qua. Toàn bộ khoa Nội 2, Nội 3 được thiết lập để đón nhận người nghi nhiễm Covid-19, bệnh viện thành lập các đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để ứng phó với tình hình. Nhóm sử dụng tài khoản zalo mang tên “Cùng nhau phòng, chống nCoV” được thành lập với gần 20 thành viên là các nhân viên y tế chủ lực, để cùng nhau trao đổi công tác chuyên môn, nghiệp vụ, lịch trực và diễn biến của các trường hợp cách ly theo dõi. Ngoài ra, các trường hợp sau khi tiếp nhận vào đây cũng được kết nối liên lạc với các nhân viên y tế qua hệ thống zalo để tiện trao đổi và đề xuất các yêu cầu.
“Người được cách ly theo dõi nhắn tin qua zalo là cần uống sữa, có lúc thì yêu cầu mua bún giò nhưng phải là giò nạc, dầu gội đầu nhưng phải mua đúng dầu yêu cầu, rồi mua cơm gà nhưng phải gà đùi. Các nhân viên y tế đúng kíp trực phải hồi đáp, đồng thời chạy đi mua cho bằng được những thứ họ yêu cầu. Tin nhắn nhận mọi thời điểm, thậm chí có lúc 12 giờ đêm nhưng chúng tôi đã quán triệt là phải đáp ứng hết. Bởi có người vào đây luôn mang cảm giác như bị bắt buộc vậy nên tâm lý rất không thoải mái”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Đà Nẵng đang làm tốt công tác phòng, chống Covid-19. Chưa bao giờ đội ngũ nhân viên y tế được huy động và tập trung cao độ như hiện nay. “Một vấn đề chúng tôi cần kiểm soát kỹ và thực hành tốt đó chính là loại bỏ tâm lý bị kỳ thị trong suy nghĩ của người dân và chính những người được cách ly để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm. Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan khó kiểm soát, chính những người nghi nhiễm cũng là nạn nhân và hơn ai hết, những nhân viên y tế ngoài công tác chuyên môn cần làm tốt cầu nối giúp ổn định tâm lý và chỗ dựa tinh thần cho họ”, bà Yến cho biết.
“Không ai bị bỏ lại phía sau” – câu nói mà nhiều nhân viên y tế vẫn thường nói về những người bệnh của mình, nhất là những người liên quan đến Covid-19. Và để làm được điều đó, họ phải là những người xông lên phía trước. Ở đó có đầy những hiểm nguy, bất trắc, đầy sự nghi ngại, xa lánh của bao người dành cho mình. Nhưng đọng lại đằng sau tất cả chính là nụ cười, niềm tin dành cho họ - những blouse trắng trong “tâm bão” Covid-19.