Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Nhằm đạt mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tập trung nguồn lực để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Giao dịch hành chính tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. TRONG ẢNH: Giao dịch hành chính tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC PHÚ

Ngày 1-7-2021, thành phố Đà Nẵng chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP. Ngay sau đó, ngày 19-11-2021, UBND thành phố ban hành Đề án số 7796/ĐA-UBND về phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2026.

Đề án ra đời trên quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thành ủy, HĐND thành phố là phân cấp mạnh công tác quản lý cho các sở, các quận, huyện; đặc biệt là ủy quyền tối đa những thẩm quyền của UBND thành phố, của Chủ tịch UBND thành phố cho các sở, UBND các quận, huyện nhằm giúp công tác điều hành, quản lý được thông suốt, nâng cao tính chủ động cho các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Song song với quá trình phân cấp, ủy quyền cũng đặt ra cho lãnh đạo UBND thành phố những trách nhiệm cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều kết quả tích cực

Việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng theo chủ trương, kế hoạch và các mục tiêu đề ra, đảm bảo tiến độ và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực:

Về phân cấp quản lý đã hoàn thành 16/18 nội dung trên 5 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Đề án số 7796/ĐA-UBND, gồm: phân cấp tổ chức bộ máy, nhân sự (hoàn thành 6/6 nội dung); phân cấp đầu tư (hoàn thành 3/3 nội dung); phân cấp quản lý đô thị (hoàn thành 5/6 nội dung phân cấp); phân cấp tài chính - ngân sách (hoàn thành 2/2 nội dung); 2 nội dung đang thực hiện: phân cấp cho UBND quận, huyện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý; phân cấp về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các nội dung phân cấp rà soát, bổ sung, gồm 2 nội dung: về quy hoạch xây dựng (HĐND thành phố có Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 phân cấp thẩm quyền quyết định nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố); HĐND thành phố đã giao UBND thành phố bổ sung nội dung phân cấp về quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của UBND thành phố theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội cho UBND quận, huyện thực hiện, giao UBND thành phố lập thủ tục trình HĐND thành phố thông qua trước khi tổ chức thực hiện.

Về ủy quyền, các sở, ban, ngành, địa phương đã tham mưu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 73/73 nội dung theo đề án. Bên cạnh đó, căn cứ nguyên tắc, mục tiêu ủy quyền và tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số cơ quan, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố có văn bản ủy quyền trên các lĩnh vực khác: 10 nội dung ủy quyền thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ, tổ chức nhân lực, công thương, lao động, y tế…

Gắn phân cấp, ủy quyền với phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

UBND thành phố đã đổi mới cơ chế giám sát, hậu kiểm đi liền với phân cấp thẩm quyền quản lý Nhà nước theo hướng:

Báo cáo, thông tin công khai và cập nhật các quy định phân cấp, ủy quyền đến Thành ủy, HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; các quận ủy, huyện ủy và Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quận, huyện để bảo đảm công tác giám sát toàn diện, liên tục; từng sở, ngành tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện theo quy định.

Trên từng lĩnh vực phân cấp, ủy quyền phải ban hành cơ chế, quy chế giám sát, kiểm tra, hậu kiểm và tổ chức thực hiện theo kế hoạch, định kỳ và kiểm tra đột xuất; quy định cụ thể thời gian sơ kết, tổng kết của từng nội dung phân cấp, ủy quyền quản lý. Cơ quan, đơn vị nhận phân cấp, ủy quyền chịu trách nhiệm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; đồng thời, các sở, ngành (cơ quan tham mưu, tổng hợp giúp UBND thành phố) thực hiện đầy đủ, liên tục, thường xuyên, trách nhiệm giám sát, cập nhật, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực quản lý; chịu trách nhiệm đối với những vướng mắc mà cơ quan, đơn vị nhận phân cấp, ủy quyền đã báo cáo, xin ý kiến nhưng không phản hồi, hướng dẫn điều chỉnh kịp thời.

Cùng với việc đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, phường, xã cần xây dựng cơ chế rà soát, tự kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, định kỳ và đột xuất đối với các nội dung được phân cấp, ủy quyền quản lý nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định, các chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà UBND thành phố cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện như: Đối với một số nội dung phân cấp, do quy định của pháp luật chuyên ngành, cần phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương (về đầu tư, đất đai) và thực hiện quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên thời gian tham mưu ban hành quyết định quy phạm về phân cấp dài hơn so với dự kiến. Một số nội dung đã được quy định cụ thể tại đề án nhưng một số sở, ngành vẫn chậm triển khai (lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tháng 12-2022 mới tham mưu quyết định ủy quyền).

Riêng đối với phân cấp quản lý đô thị có một số vấn đề phát sinh, khó khăn: công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: tùy thuộc vào cơ quan trình thẩm định, công trình trình thẩm định thường tập trung vào một thời điểm nhất định làm khối lượng công việc tăng đột biến.

Công tác quản lý trật tự xây dựng đã phân cấp cho quận, huyện, phường, xã theo báo cáo của Sở Xây dựng là đầy đủ và toàn diện; tuy nhiên, thực trạng cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các đội kiểm tra quy tắc đô thị có trình độ chuyên môn về xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng công hoặc cao đẳng xây dựng ...) chưa bảo đảm. Các nội dung phân cấp về đầu tư về cơ bản không làm điều chỉnh, phát sinh vị trí việc làm tại các quận, huyện nhưng cần có thời gian, lộ trình để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức hiện có đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.

Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2026, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tích cực thực hiện các giải pháp về cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ nhân lực và chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ có tính chất hỗ trợ sang đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị ngoài công lập (sử dụng kiêm nhiệm nguồn lực tại đội kiểm tra quy tắc đô thị, ban quản lý dự án) để hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, nghiêm túc kết quả hơn 1 năm triển khai Đề án số 7796/ĐA-UBND và những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND thành phố đã đề ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian đến:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung phân cấp, ủy quyền mới phù hợp với quy định và thực tiễn. Thứ hai, hoàn thành các nội dung tại Đề án số 7796/ĐA-UBND (2 nội dung phân cấp còn lại); tiếp tục rà soát, báo cáo thường xuyên để bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật. Thứ ba, về phân cấp giữa UBND quận, huyện đối với UBND phường, xã, một số quận, huyện kiến nghị UBND thành phố xem xét, có chính sách hỗ trợ đối với công chức phường khi thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền (về kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng…). UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ và các ngành liên quan lưu ý trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Thứ tư, đối với một số kiến nghị liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng, đô thị, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, để UBND thành phố báo cáo Thành ủy kiến nghị để các bộ, ngành Trung ương có cơ chế hoặc thí điểm thực hiện. Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong quá trình phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước. PCTNTC luôn được Thành ủy, UBND thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thì trách nhiệm của UBND thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quyền lực nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực càng phải được nêu cao, tăng cường.

Bên cạnh việc đổi mới công tác kiểm tra, giám sát việc phân cấp, ủy quyền quản lý trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, với phương châm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, UBND thành phố thường xuyên, liên tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước về công tác PCTNTC; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ban chỉ đạo các cấp về PCTNTC; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCTN năm 2018; quán triệt sâu rộng Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; triển khai thực hiện tốt các nội dung đã đề ra tại Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 31-1-2023 về công tác PCTNTC năm 2023; tiếp tục tổ chức đánh giá công tác PCTNTC cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về PCTNTC, đặc biệt tăng cường công tác công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học trong quản lý; thực hiện tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và công tác PCTNTC; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các đơn tố cáo, phản ánh, báo cáo liên quan đến các hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Yêu cầu mỗi sở, ngành tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện theo quy định.

Trên từng lĩnh vực phân cấp, ủy quyền phải ban hành cơ chế, quy chế giám sát, kiểm tra, hậu kiểm và tổ chức thực hiện theo kế hoạch, định kỳ và kiểm tra đột xuất; UBND các quận, huyện, phường, xã ban hành cơ chế rà soát, tự kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, định kỳ và đột xuất đối với các nội dung được phân cấp, ủy quyền quản lý nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Với những kết quả đã đạt được ban đầu, có thể đánh giá công tác triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng đã thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra. Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã góp phần tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, thủ tục hành chính được cắt giảm hơn so với trước, thời gian triển khai kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý đô thị; tăng tính chủ động trong hoạt động điều hành của chính quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước; việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực gắn với các cơ chế nhằm kiểm soát quyền lực được giao; vai trò, hiệu quả của HĐND thành phố ngày càng được nâng cao trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền đô thị; tăng cường trách nhiệm, vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và phát huy dân chủ.

LÊ TRUNG CHINH
Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND thành phố,
Chủ tịch UBND thành phố

;
;
.
.
.
.
.