.

Đà Nẵng – nghĩ và nhìn từ xa

.

1.

Mới 7 giờ sáng, mọi người đã tập trung khá đông đủ tại hội trường để thăm hỏi, chúc mừng năm mới, để đọc cho nhau nghe bài thơ khai bút đầu xuân vừa viết vội… Trên các dãy bàn kê sẵn nào bánh, mứt, kẹo, trà… những người xa quê với mái tóc ngả bạc đến sớm hơn đã túm tụm nói chuyện năm cũ.

Lát nữa đây khi buổi họp đồng hương hằng năm bắt đầu, lãnh đạo thành phố sẽ thông tin về những thành quả sau 365 ngày qua. Đó là một trong những nội dung chính buổi gặp mặt đầu năm của bà con đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội.

Xa quê, nghe những thông tin về thành tựu Đà Nẵng đang dựng xây từng ngày, không ai không trông mong cùng với niềm vui, xao động, ngập tràn hạnh phúc. Không cứ bà con đồng hương mà những người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khi trò chuyện về Đà Nẵng đều dành những tình cảm tốt đẹp, thân thiện về đất và người quê hương. Đây là điều hiếm thấy của hơn 20 năm về trước.

Ngôi nhà của cố Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến tại Hà Nội.
Ngôi nhà của cố Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến tại Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Đẩu - Trưởng Ban liên lạc đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, ở vùng đất phương Nam cũng vậy, mọi người đều nhìn nhận Đà Nẵng là một thay đổi lớn, là điểm du lịch không thể không đến, như “Đà Nẵng gọi ta như mẹ gọi con. Như người yêu gọi người yêu xa cách”. Và, không cứ du lịch, đây còn là địa chỉ của đầu tư, làm ăn, đi lại, kể cả học hành và khám, chữa bệnh không thể không chọn lựa.

Giáo sư, Viện sĩ Trương Công Phú, nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển, là người con của quê hương Hòa Vang đang sinh sống tại Hà Nội cho rằng: Thời ông còn làm cho quỹ này, có thông tin gì tốt về các chủ trương cho vay của Nhà nước dưới dạng ưu đãi ông đều tư vấn, giới thiệu cho Đà Nẵng. Cố nhiên tất cả đều chánh danh, ngôn thuận.

Giờ đây, song song với các nguồn lực khác, nếu thống kê đầy đủ dòng chảy tài chính từ hai đầu Tổ quốc hằng năm đầu tư (dưới dạng tư nhân thôi) đổ vào Đà Nẵng dưới các hình thức khác nhau thì đó cũng là con số lớn. Đây là nguồn lực dồi dào bền vững góp phần làm nên một diện mạo Đà Nẵng như hôm nay.

Điều quan trọng nữa, từ hai đầu Tổ quốc và cả nước là sự động viên lớn lao, là những tràng vỗ tay khích lệ cho Đà Nẵng mạnh dạn chuyển đổi từng ngày. Nguồn lực tinh thần ấy phải chăng là điểm tựa, là tiếng kèn giục giã cho Đà Nẵng quyết chí đi lên bằng nội lực của chính mình.

Họ và chính họ chứ không ai khác cùng với gần một triệu người dân Đà Nẵng là lực lượng “cổ động viên” đông đảo, nhiệt thành của một “đội bóng” mà đội đó chính là các cấp lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng. Trong nhiều trường hợp, trong những thời điểm cụ thể, họ bày tỏ, góp ý cho thành phố bằng chính trái tim của mình. Trong đó có nhiều hiến kế hay, có giá trị, không thể cân, đong, đo, đếm được. Theo các quan điểm triết học, họ là quần chúng với đủ thành phần khác nhau, mà quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong đó phải kể đến sự đóng góp kiến thức của tầng lớp trí thức, những nhà quản lý, khoa học, kỹ trị...

2.

Giờ đây, sau 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ghi nhận của những người dân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các công ty du lịch trong cả nước nhiều người thích về Đà Nẵng rong chơi bởi ngoài yếu tố sạch, đẹp, đường đi lối lại thông thoáng, có biển bốn mùa trong vắt phải kể đến sự thân thiện, hiếu khách, chân chất như hạt lúa hạt gạo của người Đà Nẵng, nhất là những người trực tiếp làm các nghề dịch vụ.

Dường như trong chiều sâu của những người làm nghề này, ngoài sự tận tâm với công việc (bởi kinh doanh là vậy) còn có một tấm lòng phụng sự vì quê hương, vì Đà Nẵng. Vậy nên, không thể nhất thời hồ đồ, kinh doanh theo kiểu chộp giật “chín tháng mài dao, ba tháng chém” như những hiện tượng xảy ra ở nhiều nơi khác. Đây được xem là một thành tựu - thành tựu vô hình của thành phố, là lực hút, vẫy gọi, góp phần níu chân khách gần xa.

Mới đây, tại một hội nghị về phát triển ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam tổ chức tại thành phố cổ Hội An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh về nội dung này. Đại ý, các tỉnh, thành phố muốn phát triển dịch vụ du lịch trước hết phải có con người du lịch, dịch vụ. Vậy nên, nếu có đầy đủ hạ tầng, mở thêm nhiều loại hình du lịch bao nhiêu đi nữa mà thiếu vắng cái tâm con người trong dịch vụ sẽ không mang lại nhiều kết quả.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương - quê Đô Lương, Nghệ An trò chuyện rằng, có dịp, nhất là vào mùa hè, gia đình ông thường đi nghỉ mát ở Đà Nẵng bởi như ông nói luôn tìm thấy nơi đây nhiều chất thơ. Ông kể, cách đây hơn 20 năm, cụ thể ngày 9 tháng 10 năm 1994, trong một chiều trở lại chiến trường xưa Đà Nẵng, ông thấy thành phố đìu hiu quá, tức cảnh làm một bài thơ gửi đăng trên báo Văn nghệ. Bài thơ là cả tâm sự buồn. Bài thơ có tên: Thao thức Quảng Nam. Sau khi bài thơ này đăng đã gây rắc rối không đáng có cho ông vào thời điểm bấy giờ, bởi ai đó đã gọi đến Tòa soạn báo, đến Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng ông là thành phần phản động.

- Bài thơ ấy anh còn nhớ không ?

- Lâu quá rồi chỉ còn nhớ mấy câu đầu:

Mười chín năm hong hóng về Đà Nẵng.
Đèn đóm sông Hàn tù mù màu nước lũ.
Tôi chẳng thể mang đi
Tôi chẳng để lại gì
Ngoài một Sơn Trà, Tiên Sa cô đơn...
Quảng Nam ơi người thao thức nỗi chi
Mà trời li bì vậy
Và biển nữa
Biển dường như chán ngấy
Sóng nôn nao lành lạnh trốn xa bờ

Đại ý như vậy.

Cuối năm, trời Hà Nội chuyển mùa thấy rõ, những hàng cây rực rỡ các màu hoa ven đường hôm nào, phần nhiều là hoa bằng lăng nay đều rụng lá, lộ ra những cành nhánh khẳng khiu để rồi không lâu nữa sẽ hé những chồi non đón chào một mùa xuân mới. Chúng tôi rủ nhau đạp xe dạo phố. Đây Cửa Bắc – giáp sông Hồng của thành Thăng Long xưa.

Lịch sử có viết, nếu những kẻ nhận nhiệm vụ đi đàm phán nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị khi Pháp gửi tối hậu thư vào năm 1885 không bỏ trốn ở Cống Mọc (Đồng Nhân) thì thành Thăng Long không hẳn thất thủ sớm và Tổng đốc Hoàng Diệu sẽ không kết thúc cuộc đời mình bằng tuẫn tiết theo thành. Đây là đường Phùng Hưng với cơ man nhà cũ, một thời vàng son còn lại, từng là nơi ở của nhà chí sĩ yêu nước Phan Thanh.

Đây là phố Hàm Long, theo nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa - người con Đà Nẵng, là nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam đã từng ở đây. Còn đây là nhà của cụ Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước đó là trụ sở cơ quan giám sát thực hiện đình chiến hiệp định Giơ-ne-vơ.

3.

Vào một ngày như vậy, chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại nhà riêng của ông trên đường Đặng Thai Mai, cạnh hồ Tây, xung quanh đề tài Đà Nẵng ngày đó và bây giờ.

Ông nói, thời ông làm Bí thư thành phố Đà Nẵng ngắn quá, chưa làm được gì nhiều. Tuy vậy, trong thời gian này ông luôn ủng hộ mạnh mẽ những cách làm mới, quyết liệt nhằm xây dựng, chỉnh trang hạ tầng, đô thị. Bây giờ khi đã nghỉ hưu, tham gia hoạt động tại Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung (một tổ chức phi chính phủ), ông tâm tình luôn mang bên mình một trách nhiệm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Trung và cả nước, có sức lan tỏa trong toàn vùng.

Chúng tôi nghĩ, ông nói vậy thôi chứ đối với một người con quê hương nhiều năm giữ trọng trách lớn về hoạch định các chính sách quốc gia, trực tiếp hay gián tiếp, ông có nhiều công lao góp sức cùng quê hương, cùng thành phố Đà Nẵng. Có người cho rằng, cuộc họp Bộ Chính trị cách đây gần 20 năm, từ đó ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố có vai trò tham mưu lớn lao của ông. Từ cơ chế đặc thù ấy, thành phố Đà Nẵng càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Những người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng khác như bà Nguyễn Thị Bình, ông Hoàng Minh Thắng, ông Nguyễn Văn Chi, ông Mai Thúc Lân, ông Trương Quang Được, ông Nguyễn Đức Hạt, hay bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Việt Nam... mà tôi có dịp trò chuyện từ Hà Nội vẫn luôn thao thức dõi theo những bước tiến của thành phố Đà Nẵng với những lo loan, khích lệ và chia sẻ. Họ buồn khi thành phố có những thông tin không vui.

Họ vui khi Đà Nẵng có thêm dự án đầu tư mới, danh sách đặt tên đường ngày một dài ra, khi được các tổ chức trong và ngoài nước bầu chọn, vinh danh. Trong số ấy nay có người theo thời gian đã ra đi nhưng tấm lòng của họ đối với quê hương là lưu mãi.

Đã có người nói, nhìn về hai mươi năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương là nhìn về hiện thực sinh động với những câu chuyện dài để thuật lại những gì có thật là chưa đủ, kể cả những câu chuyện mang sức màu huyền thoại như “ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem” mà còn thuật lại những gì sẽ có và phải có.

Trong câu chuyện với ông Phan Diễn, ông tâm sự ông có 3 điều ước về thành phố Đà Nẵng trong tương lai và tin rằng sẽ làm được. Đó là thành phố đẹp nhất nước. Đó là thành phố đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội, đặc sắc về du lịch, dịch vụ gắn với môi trường hiền hòa. Đó là thành phố có bộ máy chính quyền toàn tâm, toàn lực vì công chính, thật sự của dân, do dân và vì dân.

Đây cũng là mơ ước của nhiều bà con xa quê khi nghĩ và nhìn về Đà Nẵng.

Hơn 10 năm trước, trong một lần về thăm quê, Hồ Phú Hội ghé Tòa soạn Báo Đà Nẵng. Cũng như nhiều người con quê hương, anh đến Báo Đà Nẵng để tìm hiểu tình hình thành phố, thông tin cho chúng tôi về tình hình hoạt động của Hội đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội. Từ những cuộc gặp gỡ này, chúng tôi trở nên thân thiết.

Nhiều năm qua, Báo Đà Nẵng đăng tải nhiều bài viết của anh về những người con quê hương đang công tác, làm ăn tại Hà Nội. Hưởng ứng cuộc thi Phóng sự-Ký sự Đà Nẵng-dấu ấn 20 năm đổi mới, Hồ Phú Hội gửi cho tòa soạn  bài viết: “Đà Nẵng – nghĩ và nhìn từ xa”.

Thực tế ngoài đời cũng như bài viết, Hồ Phú Hội là sợi dây kết nối giữa các thành viên Hội đồng hương Đà Nẵng (và chắc là cả Quảng Nam nữa) tại Hà Nội. Bài viết đã phản ánh được tình cảm thắm thiết của những người con quê hương luôn hướng về quê cha đất tổ với một tình cảm thiêng liêng. Mỗi người, tùy hoàn cảnh của mình, đều thiết thực đóng góp cho thành phố phát triển. Với bài viết, Hồ Phú Hội muốn gửi đến bạn đọc, một trong nhiều dấu ấn Đà Nẵng 20 năm đổi mới, đó là nguồn lực từ những người con xa quê. đó có thể là lời động viên, là vốn đầu tư, là những ý kiến góp ý về đường hướng, những quyết sách đó cũng là một trong những động lực phát triển.

Có lẽ, đó là thành công của tác phẩm này.

Nhà báo QUÝ LÂM

HỒ PHÚ HỘI

;
.
.
.
.
.