.

Đột phá từ khai thác quỹ đất

.

Nếu được hỏi, qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự kiện (chủ trương, công việc) nào là ấn tượng nhất (tiêu biểu) của Đà Nẵng. Không do dự, tôi sẽ trả lời ngay đó là chủ trương khai thác quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Đường 30 Tháng 4 là sự hội tụ của công tác quy hoạch đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất để đầu tư phát triển ở Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đường 30 Tháng 4 là sự hội tụ của công tác quy hoạch đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất để đầu tư phát triển ở Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nhưng muốn diễn giải sáng tỏ vấn đề này, xin được thưa trước đôi điều về lịch sử.

Chúng ta đều biết, Đà Nẵng được cai quản như một thành phố nhượng địa của thực dân Pháp từ năm 1888, trước đó chưa bao giờ Đà Nẵng là một đơn vị hành chính. Nhưng cho đến 1954, khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, Đà Nẵng vẫn là một thành phố nhỏ, phát triển chậm, với vài chục con phố ở bờ tây cửa Hàn, không có những cơ sở công nghiệp lớn như Nam Định, Hòn Gai, Bến Thủy, Biên Hòa. Đó là do chính sách khai thác thuộc địa của Pháp và do chiến tranh.

Từ khi Mỹ nhảy vào can thiệp, rồi trực tiếp xâm lược Việt Nam, Đà Nẵng rõ ràng có sự phát triển nhanh, nhưng không phải là một quá trình đô thị hóa bình thường, có người gọi là “cưỡng bức đô thị hóa”. Thực hiện chiến lược phản cách mạng toàn cầu của thời chiến tranh lạnh, Mỹ đã biến Đà Nẵng thành một căn cứ liên hiệp hải - lục - không quân khổng lồ, một trại tập trung khổng lồ, một xã hội tiêu thụ. Đà Nẵng có lúc lên đến hơn 1 triệu dân ở khu vực nội thành, phần lớn là nông dân Quảng Nam và các tỉnh miền Trung - nạn nhân của chiến tranh hủy diệt, bị xúc tác vào thành phố. Thành phố gần như không có sản xuất, tất cả sống bám vào guồng máy chiến tranh.

Sau ngày toàn thắng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng đã phát huy truyền thống vẻ vang, chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng đất nước, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương to đẹp đàng hoàng hơn, lập nên những thành tựu lớn lao trên mảnh đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Công trình đại thủy nông Phú Ninh, nhà máy thủy điện Duy Sơn, con số 50 vạn tấn lương thực năm 1979, những chiếc khăn bông 29-3, những đôi dép nhựa, những chiếc lốp cao su Đà Nẵng, những chiếc máy ươm tơ là những điểm son của Quảng Nam-Đà Nẵng thời kỳ này.

Nhưng cho đến năm 1996, dù công cuộc đổi mới được triển khai đã 10 năm, nhưng ở Đà Nẵng vẫn chưa có chuyển động đáng kể. Thành phố vẫn như ngủ quên trong tù túng, trì trệ vì những ảnh hưởng sâu nặng của cơ chế bao cấp và sự trói buộc của cơ chế thành phố trực thuộc tỉnh. Cố Bí thư Thành ủy (cũ) Nguyễn Thành Long chua cay ví von “Với cơ chế này Đà Nẵng là võ sĩ múa gậy gầm giường”; còn Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thì thường so sánh : “Dù hai thành phố đều là hai thành phố cảng có tiềm lực kinh tế như nhau nhưng kinh phí của Đà Nẵng cũng không bằng kinh phí của công ty vệ sinh Hải Phòng”. Cơ chế này là chiếc áo giáp sắt chật chội gò ép một cơ thể lực lưỡng của một thành phố như Đà Nẵng.

Trong bối cảnh ấy, một thành phố năng lực kinh tế sản xuất có hạn, những nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố cũng rất hạn chế, không có mấy hy vọng vào chuyện xin – cho từ Trung ương, Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ đâu là cả một bài toán phức tạp.

Nhưng công cuộc đổi mới đã đưa cả nước ra khỏi khủng hoảng, những thành tựu đã được khẳng định và xu thế là không thể đảo ngược. Đây là những thuận lợi cơ bản cho sự phát triển của Đà Nẵng. Sự kiện thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đã cho Đà Nẵng nhiều quyền tự chủ, tự quyết định, đã cởi trói cho Đà Nẵng.

Những người lãnh đạo Đà Nẵng thời kỳ này với tất cả năng động, sáng tạo đã thấy rõ cơ hội lớn đã mở ra cho Đà Nẵng và may mắn thay họ là những người đầy bản lĩnh đã có những quyết định đúng đắn thực sự sáng suốt trong lựa chọn xác định khâu đột phát: khai thác quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Ai cũng biết muốn xây dựng một thành phố trước hết phải xây dựng cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cơ sở hạ tầng sẽ bảo đảm cuộc sống cho người dân và có sức thu hút các nhà đầu tư. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nói chung xây dựng thành phố phải theo một quy hoạch khoa học vì nhiều nguyên nhân quy hoạch thành phố trước đây quá yếu kém, có thể nói nhiều khu vực không có quy hoạch,  nên vừa phải xây dựng quy hoạch, vừa phải chỉnh trang đô thị để xử lý những chỗ nhếch nhác lộn xộn, không chỉ vì cho thành phố đẹp hơn mà vì cuộc sống của người dân ở đây được cải thiện, tiện ích hơn, văn minh hơn.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị là công việc to lớn cần có rất nhiều tiền và do đụng chạm đến nơi sinh sống, đến cuộc đời của hàng ngàn hàng vạn con người nên nhất thiết phải được lòng dân, phải có sự đồng thuận của nhân dân.

Lấy đâu ra tiền để mưu đại sự, mới chia tách lúc này thành phố bộn bề bao nhiêu việc phải làm, việc nào cũng đòi hỏi phải có tiền.

Xin Trung ương thì dứt khoát là không được rồi, ngân sách của Chính phủ cũng đang thiếu trước hụt sau. Bây giờ nếu cần thì có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Ngày ấy thành phố mới chào đời, ai biết anh nếp tẻ thế nào mà cho vay. Chỉ có một cách hữu hiệu là khai thác quỹ đất.

Đất, vốn là tài nguyên hết sức có giá trị, Mác từng nói đất là Mẹ, lao động là Cha. Đất đai + Lao động = Của cải. Đất đô thị còn có giá hơn nhiều lần, nhất là đất đã có đủ cơ sở hạ tầng, đất ở vùng có triển vọng hoạt động kinh tế sôi nổi, nhiều người sẽ tìm đến làm ăn khởi nghiệp. Ngày trước, đất ở ven biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) được bán theo “mét tới”, nghĩa là chỉ tính giá theo chiều dài của mặt tiền, còn vào sâu bao nhiêu tùy từng nơi và có thể tùy ý người mua. Bây giờ nhiều đại gia ở Đà Nẵng, muốn có miếng đất ở đây kinh doanh phải mua gom nhiều lô của những đại gia Hà Nội. Họ đã từng tìm mua cách đây 10 - 15 năm, nay có lãi khủng.

Việc đề ra một giá đất và cả sự chênh lệch giữa giá đất thu hồi và đất tái định cư được người dân tích cực chấp thuận khi họ hiểu ra giá đất sẽ tăng cao khi có hạ tầng và ở trong vùng kinh tế phát triển mạnh. Giá này cũng làm cho thị trường bất động sản vận hành thông suốt, không quá nóng dẫn đến vỡ bong bóng, cũng không đông cứng lại. Một kết quả đã đến như mong đợi là với giá đất như thế thành phố có nguồn lực để  bảo đảm xây dựng hạ tầng và vẫn còn có một khoản khá như Bí thư Nguyễn Bá Thanh thường nói “lưng vốn vẫn còn và có thể chi cho việc này việc kia”, nhất là chi cho an sinh xã hội - một lĩnh vực không thể nói có bao nhiêu là đủ.

Như thế là khai thác quỹ đất đã đạt nhiều mục tiêu. Trước hết dù phải giải tỏa di dời, người dân vẫn được đảm bảo có nhà đất, có chỗ ở; không ai vì thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị mà phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Những tiện ích, những điều kiện sống ở nơi tái định cư nói chung là hơn ở chốn cũ. Mọi người cảm thấy công việc lớn lao này không chỉ tạo ra bộ mặt mới và sự phát triển của thành phố mà còn tạo ra những cơ hội làm ăn, thăng tiến của nhiều người.

Và từ khai thác quỹ đất thành phố còn có nguồn lực dồi dào để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Nếu gần cả trăm năm cai trị người Pháp chỉ làm ở thành phố nhượng địa Đà Nẵng một cây cầu mang tên tướng Đờ-lát (De Lattre de Tassigny) và người Mỹ kể cả thời can thiệp và xâm lược 20 năm cũng chỉ xây dựng một cây cầu Trịnh Minh Thế phục vụ chiến tranh (hai cầu này lại nằm sát nhau), thì chỉ trong vòng 10 năm thành phố đã xây dựng nhiều cầu qua sông Hàn; trong đó nhiều cây cầu ngoài hiệu quả giao thông vận tải, phát triển hài hòa giữa hai vùng giữa đông - tây sông Hàn, tạo điều kiện cho du lịch bừng nở, thì nhiều cây cầu còn là những công trình nghệ thuật, là biểu tượng cho thành phố thời kỳ đổi mới.

Cũng trong một thời gian chưa đầy 10 năm, các bệnh viện lớn của thành phố đều được xây mới ở những mặt bằng rộng rãi hơn, kiến trúc quy mô hơn, công năng tốt hơn với những thiết bị hiện đại hơn. Thành phố lại xây dựng mới ba bệnh viện lớn: Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Phụ nữ. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng vẫn ở chỗ cũ nhưng cũng xem như được xây dựng mới với những khối nhà cao tầng và những thiết bị hiện đại nhất khu vực (và cả nước), bên cạnh đó một trung tâm tim mạch sắp xây xong sẽ đưa vào hoạt động nay mai.

Có được thành tựu này không chỉ nhờ công của định giá đất mà còn có cả việc phân lô (bán nền). Có người trách làm như thế là băm nát thành phố. Chúng ta đều biết, một thành phố tân tiến hiện đại phải có kiến trúc các cao ốc và căn hộ biệt thự sang trọng, xen vào đó là các công viên, công trình công cộng hoành tráng; thành phố đẹp như mơ ấy không phù hợp với những người dân chỉ có khả năng mua những mảnh đất nhỏ trên dưới 100m2 xây nhà cấp bốn hoặc đổ một hai tấm. Chúng ta đứng trước sự lựa chọn và chắc là phải chọn cái mà dân cần. Còn chuyện chỉnh trang phá đi làm lại các thế hệ sau sẽ có cách xử lý. Bây giờ tiền (đền bù) có ít lại chưa hết tâm lý dị ứng với ở nhà chung cư (di sản của một thời bao cấp chung cư nhếch nhác) thì phân lô nhỏ bán nền là tốt hơn cả.

Lại có người trách thành phố loại một chi mà để nhiều khu vực có đường 5,5m. Thưa rằng ai cũng biết, cũng muốn cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng nếu đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại thì hết tiền làm việc khác. Chúng ta phải làm việc di dời giải tỏa hơn 100.000 hộ (40% số dân toàn thành phố) trong một thời gian ngắn và chỉ với 4 chữ “khai thác quỹ đất”. Chúng ta không được phép làm theo cái ta muốn mà phải làm theo cách nào có lợi cho dân thực hiện an dân.

Những lúc đi qua những con phố nhỏ, đường 5,5m, thấy mặt tiền mỗi nhà một vẻ cũng nhôm kính sáng loáng với những ban-công có chậu hoa tươi, giàn dây leo  xanh, chỗ này là tiệm cà-phê mấy bác hưu trí ngồi đánh cờ đọc báo bàn thế sự, chỗ kia mấy bà nội trợ ngồi nơi quán bún nói với nhau về làm thế nào để tránh được thực phẩm bẩn, mà thấy ấm lòng.

Chúng ta biết bằng lòng với những gì đang có và chúng ta cũng hiểu rằng đó chỉ là những gì của cuộc sống ở mức thu nhập trung bình thấp. Còn bao nhiêu công việc ở phía trước để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.

Còn có biết bao nhiêu chuyện về triển khai chủ trương khai thác quỹ đất như việc có thêm lô phụ (cùng với lô chính), đã phù hợp với hoàn cảnh với nhiều gia đình đáp ứng nguyện vọng của người dân. Những hộ có đất bị thu hồi khá nhiều lại là gia đình có đông con, nhiều người sắp lập gia đình ra ở riêng được thêm một hoặc hai lô phụ, vị trí có thể kém đắc địa so với lô chính và giá cũng cứng hơn nhưng được như thế là quá tốt là một nhân tố cơ bản để nhiều đôi lứa yên bề gia thất.

Rồi có thể kể thêm thành phố còn có những chính sách tín dụng ưu đãi với những hộ phải di dời giải tỏa mà chưa có điều kiện trả tiền đất định cư hay tiền cất nhà. Và cả việc thành phố hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ đã bàn giao đất thu hồi mà chậm bàn giao đất tái định cư.

Và chủ trương lớn này thực hiện thành công là (chính là) nhờ trong khi triển khai người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ đã luôn sát dân, lắng nghe dân.

Chắc chắn là nếu có một cuộc bình chọn thì Bí thư Nguyễn Bá Thanh là người vô địch về tiếp dân, đối thoại với dân; từ đó ông hiểu và cảm thông với những tâm tư, cảnh ngộ của người dân. Tôi thường thấy những người dân đã gặp ông, trò chuyện với ông dù là phải đến sớm chờ gặp ông ở nhà riêng hay ở các cuộc tiếp dân có thông báo lịch đều ra về với sự hài lòng. Họ biết rằng cái mà họ có được là sự cố gắng cao nhất của ông, của chính quyền. Họ chấp nhận chia sẻ với ông.

Khai thác quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng là một chủ trương vừa đạt được mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị (có thể tính bằng vật thể) vừa tạo ra nguồn lực dồi dào để thực hiện mục tiêu ấy, vừa là một trường học thực tế xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ, xây dựng con người. Có thể nói đó là 3, 4 hay là 5 trong một.

Tôi cũng biết rằng chủ trương này và kết quả mà nó xác định trong thực tế không phải là mười phân vẹn mười. Nhưng cuộc sống là như thế. Hơn 100.000 hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa mà chỉ có vài mươi vụ khiếu kiện đình đám, ai cũng bảo hơn cả mong đợi. Một số cán bộ dự án, một số cò đất gây ra chuyện này chuyện kia, có trường hợp bị tố giác xử lý, có trường hợp có người dân biết đấy nhưng chưa bị đụng tới, âu cũng là một tình huống không có gì bất thường trong bối cảnh chung.

Đáng trân trọng nhất là tâm thức người dân, ý thức trách nhiệm công dân của người Đà Nẵng có chuyển động sâu sắc cũng có thể nói là đột phá. Họ thấy mình, cuộc đời số phận mình gắn với những chuyển động của thành phố, họ đóng góp vào sự phát triển và họ thụ hưởng thành quả (dù chỉ là bước đầu), từ đó họ yêu thành phố này hơn, họ có niềm tự hào của một công dân thành phố đáng sống.
Chúng ta luôn nói cái được lớn nhất của Đà Nẵng 20 năm qua là được lòng dân, là nhờ chúng ta thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” tạo ra sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Với những đánh giá chủ trương khai thác quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị - dù chỉ là bước đầu và mong rằng có sự đánh giá khoa học sâu sắc toàn diện hơn, chúng ta thấy muốn được như vậy trước hết phải có những chủ trương đúng đắn thực sự vì lợi ích của nhân dân và phải được tiến hành với cách làm vì dân.

Nhân dân ta bao giờ và ở đâu cũng rất tốt, rất yêu nước, gắn bó với cộng đồng, giàu tình nghĩa, trọng đạo lý. Họ có được cuốn vào và trở thành chủ thể của đời sống thành phố là do chính sách của chúng ta, cách làm của chúng ta có thực sự vì dân hay không.

Trong chiến tranh cứu nước, dân ta triệu người như một “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Họ cắn răng lại “nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh tan giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Ngày nay, nhà cửa đất đai của họ, với họ không chỉ là nơi họ ở mà là nơi thờ phụng tổ tiên nhớ về nguồn cội, là hồn cốt của một gia đình, một dòng tộc, là sinh kế của bao thế hệ. Nhưng như dân gian có câu “nói phải củ cải cũng nghe”. Khi cán bộ nói, nói sao cho dân hiểu và nhất là trong cách làm cán bộ phải thể hiện được tinh thần vì dân thì họ sẽ là động lực cho những việc lớn lao mạnh mẽ không ngờ.

Chủ trương đúng là điều tối cần thiết nhưng phải có một đội ngũ với một người đứng đầu có cách làm đúng thì chủ trương này mới đi vào cuộc sống. Còn nếu một đội ngũ (phần lớn) cán bộ được người dân nhận xét “nói một đằng làm một ngả”, “nói vậy mà không phải vậy” thì khó đạt kết quả đó. Đất đai là tài nguyên không tái tạo được, quỹ đất của một thành phố, một quốc gia không phải là vô tận. Nhưng bài học về khai thác quỹ đất thì còn mãi với những chủ trương chính sách công việc còn rất nhiều ở phía trước.

Với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, độc giả Đà Nẵng quá quen thuộc với nhiều bài viết sắc sảo về thời chống Mỹ, về văn hóa, về tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc… Ông cũng có rất nhiều bài viết ấn tượng về thành phố trong thời kỳ đổi mới. Đọc bài Đột phá từ khai thác quỹ đất nhiều lần, cái chất Nguyễn Đình An, mạch lạc, khúc chiết, sâu sắc không thể lẫn với ai được, dù mấy năm nữa ông bước sang tuổi 90. Mở đầu tác phẩm, tác giả  khẳng định, khai thác quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là chủ trương ấn tượng nhất của Đà Nẵng qua 20 năm xây dựng và phát triển. Qua nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với chúng tôi về con đường phát triển của thành phố, ông đã bày tỏ nhận định này và được nhiều người đồng tình, chia sẻ.

Qua bài viết, tôi hiểu hơn chủ trương “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” mà Đà Nẵng lựa chọn. Cùng chính sách, cùng khát khao khai thác tiềm năng đất đai, nhưng Đà Nẵng làm thành công, nó trở thành động lực phát triển, còn nhiều nơi khác thì không. Vấn đề là xác định mục đích và cách thức thực hiện. Tác giả đã lý giải được cách làm đó thỏa mãn được lợi ích thành phố; chủ trương đó sẽ làm thay đổi cuộc sống người dân. Ông đã chứng minh được cách đi đó phù hợp với một thành phố vừa được cởi chiếc áo cũ chật ních, thiếu thốn trăm bề để tiến lên phía trước. Thực tế hai mươi năm qua, “cô gái lọ lem” Đà Nẵng đã trở thành người cô gái mơn mởn sức xuân, xinh đẹp và cuốn hút.

Không dừng lại ở đó, ông muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp lớn lao hơn, từ lựa chọn cách đi, thực tiễn cuộc kiến thiết đã tạo được tiếng nói chung giữa Đảng và dân, tạo ra được sản phẩm quý giá: sự đồng thuận xã hội.

Nhà báo Quý Lâm

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.