.

Nhặt chuyện sông Hàn

.

Nhiều nhà tư vấn thiết kế quy hoạch, kiến trúc quốc tế khi tiếp cận sông Hàn đều thốt lên “đây là báu vật” và hiện dòng sông đang lưu giữ những điểm nhấn kiến trúc đô thị thành phố. Dòng sông ấy như một dải lụa vắt trên bờ vai người thiếu nữ đang xuân, bao đời gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người Đà Nẵng. Dòng sông cũng là chứng nhân của những đổi thay ở thành phố trẻ trung và đầy năng động, đang từng ngày phát triển. Dòng sông của những cây cầu và đang thắp lên khát vọng mới về tương lai của thành phố.

Một ý tưởng thiết kế cảnh quan cho sông Hàn trong tương lai. 			    Ảnh: TRIỆU TÙNG
Một ý tưởng thiết kế cảnh quan cho sông Hàn trong tương lai. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Năm 2000, cầu Sông Hàn được khánh thành đưa vào sử dụng nhưng ít ai biết chiếc cầu đã xuất hiện ở đồ án quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị Đà Nẵng từ năm… 1992.

Nhưng trước đó, cơ hội để phát triển thành phố Đà Nẵng được chạm đến khi ngày 5-5-1990, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) nay là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132 về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị.

Chớp thời cơ để đô thị Đà Nẵng vốn đang bị gò bó là một thành phố trực thuộc tỉnh bứt phá đi lên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ đã mời Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Việt Nam vào lập quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng.

Tham gia đoàn công tác ngày đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhớ lại: “Tháng 3-1991, tôi vào Đà Nẵng lần thứ tư và lần này tôi với tư cách trưởng đoàn của đoàn cán bộ Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Việt Nam của Bộ Xây dựng vào kết hợp với tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng làm quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng để trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tại Quyết định 604 ngày 20-12-1993.

Quy hoạch chung Đà Nẵng năm 1993 rồi các đồ án quy hoạch năm 2002 và 2013 là ba cột mốc quy hoạch đã được chính quyền thực hiện triệt để nghiêm túc. Trên cơ sở quy hoạch chung này, nhiều quy hoạch chi tiết, nhiều dự án xây dựng đã được triển khai để đưa vào hiện thực. Đó là các dự án đường quanh vịnh Đà Nẵng từ Liên Chiểu đến Thuận Phước, dự án hai bên bờ sông Hàn, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, các công trình được xây dựng như biểu tượng của thành phố như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn, cầu Rồng…

KTS Trần Ngọc Chính nhìn nhận: “Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông làm điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Trong khi tại Việt Nam, những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả”. Dấu ấn trong phát triển đô thị Đà Nẵng là hành động cống hiến của người dân và lãnh đạo chính quyền thành phố.

Chia sẻ của KTS Trần Ngọc Chính làm tôi quay về ký ức với vị “kiến trúc sư trưởng” - cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh. Nghề nghiệp cho phép tôi tham dự các cuộc họp của Hội đồng Quy hoạch-kiến trúc thành phố. Suốt một thời gian dài, hoạt động của “hội đồng đặc biệt” này mà cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh không chỉ với vai trò là người đứng đầu mà còn là vị “kiến trúc sư trưởng”.

Nhớ lại, để có nhịp quay cầu Sông Hàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ phải sắp xếp công việc, trực tiếp ra nước ngoài để cùng nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị làm công tác nghiệm thu. Nhờ vậy mà công trình đã đáp ứng được tiến độ, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-2000. Cầu Sông Hàn nối nhịp đôi bờ đã làm người Đà Nẵng quên lãng câu ca dao bao đời in đậm:

“Đứng bên ni Hàn, ngó bên tê Hà Thân, nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân, ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang…”

Với dự án cầu Rồng là chuỗi các thông tin phản biện được mổ xẻ và tiếp thu để chiếc cầu trở thành điểm nhấn kiến trúc đặc sắc trên dòng sông Hàn. Được mời tham gia ý tưởng thiết kế đầu rồng cho cầu Rồng, nhà điêu khắc nổi tiếng người Đà Nẵng Phạm Văn Hạng, đã gặp ngay sự phản biện của Bí thư Nguyễn Bá Thanh: “Bác làm đầu rồng mà tôi nhìn răng mà giống đầu gà ri!”. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, trong 12 con giáp thì chỉ có con rồng là chưa ai thấy; vì thế mà rồng thời Lý khác rồng thời Trần, rồng thời Trần lại khác rồng thời Nguyễn.

Ông đề nghị nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, nhưng “không cần phải rồng hiện đại chi hết, cứ rồng Việt Nam qua các triều đại, rồng nào đẹp nhất, phù hợp với tâm thức người Việt Nam nhất thì lựa chọn”. Cuối cùng rồng đá thời Lý được lựa chọn hình mẫu triển khai thực hiện. Hồi đó, quan điểm của người đứng đầu thành phố là rồng từ biển bay vào và đầu rồng sẽ đặt phía bờ tây sông Hàn. Tuy nhiên, trong ý tưởng thiết kế của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thì muốn rồng có cặp.

Một đầu rồng hướng về phía sân bay Đà Nẵng để mở lòng đón khách, còn đầu rồng hướng về phía biển là để vươn ra với năm châu, bốn bể. Nhưng Bí thư Nguyễn Bá Thanh bác ý tưởng này với lý do: “Rồng bay mà xoay lưng lại với nhau thì làm sao còn là rồng? Không khéo người ta lại nói chưa chi đã mất đoàn kết, anh lên núi, anh xuống biển”; đồng thời ông cho rằng đầu rồng phải hướng về phía bờ: “Rồng phải từ biển bay vô, uốn lượn trên sông Hàn, phun nước tạo thành mưa, rồi lại bay ra biển, chứ không lẽ rồng từ trên núi xuống. Cho nên đặt con rồng từ biển đi vào cũng bình thường thôi!”.

Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng lúc bấy giờ cho hay, theo thiết kế, việc đặt đầu rồng ở bờ đông sẽ phù hợp hơn, mang tư thế rồng vươn lên bay ra biển lớn, còn nếu đặt ở bờ tây thì không khéo rồng sẽ đi... chúi xuống! Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng lên tiếng bảo vệ quan điểm đầu rồng phải hướng ra biển.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh lo ngại nếu đặt đầu rồng ở phía bờ đông thì khi phun lửa sẽ khó hấp dẫn khách du lịch bằng đặt ở bờ tây. Tuy nhiên, hai ông Nguyễn Ngọc Tuấn và Đặng Việt Dũng vẫn giữ ý kiến rồng phải từ trong bờ bay ra biển và cho biết ở phía bờ đông có không gian rộng rãi để du khách tập trung xem rồng phun lửa... Cả hội trường xôn xao bàn tán. Bí thư Thanh vẫn đặt lại câu hỏi: “Vấn đề là con rồng này ở đâu bay ra? Có phải tự nhiên ở trên núi Trường Sơn xuống không?”. Sau thêm nhiều phút tranh luận mà vẫn không “khuất phục” nổi hai cán bộ cấp dưới nên đầu rồng chốt lại giờ cuối được đặt ở bờ đông như ngày nay.

Cũng với cầu Rồng, đơn vị tư vấn và thi công hệ thống chiếu sáng mỹ thuật rất hiện đại nhưng quá hiện đại và tốn của với giải pháp rồng phun lửa. Đơn vị này đưa ra giải pháp phun khí gas để đốt lửa. “Chơi sang kiểu ni, tiền mua gas không ai chịu thấu đâu” - Bí thư Nguyễn Bá Thanh gợi ý tư vấn thiết kế: Các anh có xem múa lân rằm Trung thu ở quê không. Người múa chỉ cần ngụm búng dầu hỏa phun ra dưới mồi lửa là biến thành ngọn lửa đầy huyền hoặc. Phun lửa ở cầu Rồng chỉ cần làm như rứa là vui rồi. Có rồng phun lửa nhưng có ý kiến nêu rồng phun lửa là để “trấn yểm ngoại xâm”, phun nước là để dân chúng được “an lành thịnh vượng” nên rồng sông Hàn thay nhau phun nước, phun lửa.

Đến cầu Trần Thị Lý, ý tưởng đầu tư ban đầu có sàn vọng cảnh nhưng về sau tính toán ở mức độ an toàn công trình nên bỏ hạng mục công trình này. Điểm nhấn độc đáo của cây cầu này là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông, nghiêng 120 về phía sau. Bên trong trụ tháp có thang máy đưa du khách lên sàn vọng cảnh rộng 40m2 trên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh toàn thành phố.

Giám đốc Sở Giao thông vận tại Đặng Việt Dũng lúc đó giải thích với trình độ, công nghệ quản lý của chúng ta hiện nay thì không dễ bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa du khách lên cao gần 150m trên cầu nên thôi thi công sàn vọng cảnh. Đón nhận thông tin này, Bí thư Nguyễn Bá Thanh đồng ý cắt bỏ nhưng ai ai cũng cảm nhận trong ông có một sự tiếc nuối.

Ấn tượng về vị “kiến trúc sư trưởng” Nguyễn Bá Thanh về những chiếc cầu mới bắt qua dòng sông quê hương càng đậm nét hơn khi ông lưu giữ được ký ức của sông Hàn. Ông đã quyết định giữ lại cây cầu thép Nguyễn Văn Trỗi cũ kỹ để biến nó thành cây cầu dành cho người đi bộ. Ý tưởng đó đã làm nức lòng người dân Đà Nẵng, bởi chứng nhân của một thời lửa khói ấy đã được giữ gìn, tôn tạo...

Chiếc cầu ký ức một thuở không chỉ hiện hữu trên phim tài liệu về một Đà Nẵng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, giải phóng thành phố vào ngày 29-3-1975 mà còn hiện hữu giữ đô thị hôm nay. Nhưng đối với những người lớn tuổi ở thành phố này thì cây cầu đã quá đỗi thân quen, như là một phần máu thịt của họ.

Bí thư Nguyễn Bá Thanh luôn quyết đoán trong việc quyết định nhiều công trình đầu tư phát triển quan trọng ở thành phố nhưng ông cũng dễ dàng chấp nhận cái đúng từ cấp dưới tham mưu như việc đặt đầu rồng của cầu Rồng ở phía bờ đông.

Sau này ông cũng lắng nghe tâm nguyện của giới trí thức, nghệ sĩ… khi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thổ lộ với ông: “Đến lúc già, nếu được tôi xin tình nguyện làm người giữ cầu, trông coi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi này. Khi ấy cây cầu sẽ được tôn tạo là nơi để trưng bày, là sân khấu ánh sáng, hòa nhạc, cây cảnh, giải khát, nơi bày bán hàng đá Non Nước, nơi bày biện mộc Kim Bồng... Cầu sẽ là nơi hội ngộ, hò hẹn, cầu nghệ thuật, cầu ánh sáng... sẽ là nơi hát hò khoan đối đáp, nơi hát bài chòi... Thi vị làm sao khi cây cầu đi bộ này luôn được thay đổi như một sự vận động không ngừng của sự phát triển, góp phần tô điểm đô thị. Có thể mời chính nhà sản xuất chiếc cầu quay lại đây gắn biển cho cây cầu và cùng với thành phố bảo dưỡng nó. Kỷ vật chiến tranh biến thành điểm nhấn hòa bình, tại sao không?”.

KTS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tâm sự: Anh Thanh quá xứng đáng là vị kiến trúc sư trưởng của thành phố mình. Những định hướng, gợi mở đề bài với những ý tưởng quy hoạch có tầm nhìn xa đã làm nên những thành tựu trong phát triển đô thị này. Thành công của quy hoạch đô thị  khi có được tầm nhìn quy hoạch và quy hoạch phải đi trước. Những khiếm khuyết về quy hoạch hiện nay là do quy hoạch ngắn hạn, đi song hành với đầu tư phát triển.

Dọc sông Hàn với các cây cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng và Trần Thị Lý đã đưa sông Hàn thành tổ hợp kiến trúc “toàn cầu” và dấu ấn của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh thể hiện trên từng việc nhỏ để đạt được mục tiêu lớn trong phát triển đô thị Đà Nẵng. Thành quả trong phát triển đô thị Đà Nẵng suốt 20 năm qua có được là người Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ luôn có khát vọng, biến khát vọng thành hành động.

Kế thừa nhiệt huyết của người lãnh đạo tiền nhiệm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ: “Mỗi cái chạm nhẹ vào dòng sông Hàn là chạm đến trái tim. Với sông Hàn là tài sản thiên nhiên quý giá, nên việc tiếp cận quản lý, quy hoạch và đầu tư phát triển phải được tôn trọng, gìn giữ, chớ phí phạm để sau này không phải hối tiếc và cũng không có cơ hội để sửa chữa”.

Một thông tin vui đến với giới kỹ sư, kiến trúc sư và nhân dân thành phố khi tại kỳ họp cuối năm 2016 của HĐND thành phố khóa IX, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết chính quyền thành phố tái thành lập Hội đồng Quy hoach - Kiến trúc. Đây là sự kế thừa của những ý tưởng sáng tạo trong phát triển thành phố và kỳ vọng vào một thế hệ cán bộ lãnh đạo mới ở thành phố về vị trí người thuyền trưởng, người kiến trúc sư trưởng kiến tạo và phát triển đô thị Đà Nẵng bước sang giai đoạn mới.

Những chuyện tác giả nhặt được từ hàng chục năm quy hoạch, kiến thiết sông Hàn được kết nối thành một ký sự mạch lạc, lôi cuốn. Những câu chuyện tác giả coi là nhỏ nhưng nó chứa một thông điệp lớn lao, đó là thái độ ứng xử của thành phố đối với “báu vật sông Hàn” - dòng sông như một dải lụa vắt trên bờ vai người thiếu nữ đang xuân. Đẹp và trữ tình lắm lắm.

Những câu chuyện chỉ xoay quanh một chủ đề, ứng xử của thành phố với sông Hàn mà cụ thể là thái độ, cách ứng xử của kiến trúc sư trưởng Nguyễn Bá Thanh đối với sông Hàn thông qua các công trình xây dựng trên sông. Kiến trúc sư trưởng Nguyễn Bá Thanh là người quyết đoán, đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn. Cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước... tất cả đều có dấu ấn của ông.

Mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp khác nhau như bản tính của ông, luôn nói và làm khác hơn, không lặp lại mình một cách dễ dãi, sáo mòn. Chúng ta biết đến ông là người có “thần kinh thép”, nhưng chúng ta biết đến ông là người luôn cầu thị, đa đoan. Người kiến trúc sư trưởng đã ứng xử như thế nào với ý kiến cấp dưới của mình, ứng xử với kỷ vật sông Hàn- cầu Nguyễn Văn Trỗi, để Đà Nẵng có những công trình qua sông Hàn “để đời”, đó là những thông tin đắt giá mà tác giả mang lại cho độc giả.

Nhà báo QUÝ LÂM

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.