Thuận Phước, phường đầu biển cuối sông. Nằm ở phía bắc quận Hải Châu, Thuận Phước có diện tích xấp xỉ 1km2. Đông giáp sông Hàn, tây giáp phường Thanh Bình, nam giáp đường Đống Đa, bắc giáp vịnh Đà Nẵng. Dân số 4.416 hộ với 19.011 nhân khẩu (số liệu năm 2016). Trước năm 1975, gọi là phường Thiệu Bình - một vùng đất chủ yếu ao đầm, cồn cát.
Nguồn gốc người dân nơi đây phần lớn là đồng bào theo đạo Công giáo từ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh di cư vào từ năm 1954. Phường có hai nhà thờ Công giáo là Thanh Đức (hợp nhất của hai nhà thờ Thanh Bồ và Đức Lợi) và nhà thờ Ngọc Quang tại Đa Phước. Ngôi chùa Thuận Châu được bà con Phật tử xây dựng từ năm 1959. Vì thế, hầu hết người dân trên địa bàn phường theo đạo Công giáo và Phật giáo; có khu dân cư Thanh Bồ, Đức Lợi 90-100% là đồng bào Công giáo.
Đường Như Nguyệt (chụp 20-10-2016). |
Địa danh Thiệu Bình thời chế độ cũ đến sau ngày giải phóng năm 1975 được nhân dân thay thế bằng tên gọi phường Thuận Phước (được ghép từ hai địa danh đầu và cuối phường là Thuận Lập và Đa Phước) - một cái tên hợp với lòng người. Tên thì đã thay đổi, nhưng từ năm 1975 đến năm 1997, Thuận Phước chưa đổi thay bao nhiêu, nhất là về hạ tầng.
Cực chẳng đã có việc, bước chân theo đường Đống Đa về hướng đông bắc, càng đi, người ta càng cảm thấy ớn với một bến cá nhếch nhác, luôn phảng phất mùi tanh nồng của mực khô, mùi khó chịu của mắm ruốc, hồ đầm chứa nước thải hôi thối liên kết nhau; lục bình, lau sậy mọc kín; ô nhiễm triền miên. Vào những khu dân cư ổ chuột, đường đất, không có điện, không có nước, không có nhà vệ sinh.
Tại khu bãi ngang Đa Phước, các hộ dân sống trong bãi dương, lau sậy um tùm, không kể mùa nắng hay mưa, cứ xẩm tối, thôi thì cơ man nào là muỗi. Thời đó nói đến Thuận Phước là nói đến phường ngập nước, phường ô nhiễm, phường nghèo ven biển và cũng là phường có nhiều loại tội phạm trú ngụ.
Năm 1997, sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Thuận Phước là một trong những phường của thành phố Đà Nẵng thực hiện các chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị, tái định cư. Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị bước đầu ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống, thói quen của người dân. Công trình đầu tiên là vận động giáo dân di dời nghĩa địa khu vực Thanh Bồ. Xây dựng Trường THCS Lê Thánh Tôn, 3 dãy nhà 3 tầng, với 19 phòng học, đủ cho 665 em học sinh.
Nhưng phải chờ đợi thêm 3 năm nữa, Thuận Phước mới đột phá thay da đổi thịt: năm 2000, dự án đường Liên Chiểu - Thuận Phước khởi động; vận động di dời, giải tỏa hơn 400 hộ dân, hiến đất để xây dựng con đường mang tên ngày thành lập Đảng: đường 3 Tháng 2.
Cải tạo, san lấp khu bãi dương, hồ đầm khu vực Đa Phước, thành lập 2 khu dân cư mới: Tân Phước và Bình Phước; có 8 chung cư 3 tầng với 1.338 hộ dân; xây dựng Trường tiểu học Võ thị Sáu, 3 dãy nhà, 2 tầng với 24 phòng học, đủ cho 840 em học sinh và Trường mầm non Bình Minh. Năm 2004, vận động hơn 450 hộ dân di dời để xây dựng cây cầu dây võng nổi tiếng vượt sông Hàn: cầu Thuận Phước - khánh thành năm 2008.
Để thực hiện dự án này, một nửa giáo dân giáo xứ Ngọc Quang phải dời đi nơi khác. Năm 2006, vận động 500 tiểu thương, ngư dân di dời chợ bến cá, cảng cá và Công ty xuất khẩu thủy sản Thuận Phước sang phường Thọ Quang, quận Sơn Trà; để đến năm 2009, thực hiện công cuộc lấn sông Hàn, xây dựng con đường đẹp, rộng thênh thang chạy dọc sông mang tên đường Như Nguyệt.
Năm 2005, tiến hành san lấp hồ Đầm Rong 1, đến năm 2009 lấp hồ Đầm Rong 2, năm 2010 lấp hồ âu thuyền, xây dựng công trình ngăn triều chống ngập, cống hộp thoát nước thải, nối dài ra sông Bạch Đằng, chấm dứt sự ô nhiễm môi trường hơn 50 năm trên địa bàn phường, thay vào đó là các khu vui chơi, công viên.
Năm 2012, di dời 33 hộ dân khu tập thể cảng tại điểm nút giao thông đường 3 Tháng 2 - Trần Phú - Đống Đa. Năm 2013, vận động nhân dân chỉnh trang nốt con đường Thanh Thủy nối dài (nay là đường Xuân Tâm) khang trang đến cổng nhà thờ Ngọc Quang nối vào đường Xuân Diệu…
Chừng ấy chưa đủ mà còn phải nói đến việc nhân dân chung sức, chung lòng hiến đất, di dời tường rào, cổng ngõ để chỉnh trang nâng cấp bê-tông hóa toàn bộ kiệt ngang, ngõ hẻm, bắt nước sạch… Thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã vận động trên 400 hộ dân hiến tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường Hàn Mặc Tử, Mai Lão Bạng, Đống Đa và các đường kiệt, hẻm trong khu dân cư, huy động nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng, đến nay 100% các đường kiệt, hẻm đã được bê-tông hóa và có điện chiếu sáng.
Đặc biệt, hiện nay về Thuận Phước, không còn mùi tanh nồng của khô mực, mùi khó chịu của ruốc, trả lại được không khí trong lành cho người dân và du khách. Để có được điều đó, không phải là thuận buồm xuôi gió, khi mà chủ trương di dời toàn bộ nghề chế biến hải sản ra khỏi Thuận Phước đã động chạm đến cuộc sống của nhiều hộ dân; những cuộc họp kéo dài, thậm chí có ý kiến gay gắt. Bà con đã qua bao trăn trở: “bỏ nghề! làm gì để sống?”, “dời thì dời đi đâu để thuận lợi cho việc làm ăn?”… Những câu hỏi như vậy, đều phải giải thích một cách thấu đáo giữa cái được và cái phải đổi thay. Băn khoăn, nhưng khi lòng dân đã hiểu, đồng thuận thì sẽ quyết tâm từ bỏ, hy sinh, chuyển đổi nghề chế biến hải sản tại chỗ nuôi sống bao thế hệ, để đổi đời cho con cháu.
Cùng với đó, từ năm 1997 đến năm 2016, từ nguồn nhân dân phường đóng góp và các nguồn do cấp trên hỗ trợ đã xây dựng mới, toàn phường tiến hành sửa chữa 568 căn nhà cho hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; xóa 100% nhà tạm, với số tiền gần 4,7 tỷ đồng. Năm 2011, xóa mù chữ đến người cuối cùng ở độ tuổi 36-45 tuổi… Thuận Phước không còn người dân vạn đò sống chênh vênh trên sông nước.
Với một khối công việc đồ sộ như vậy, hoàn thành được, ngoài sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ các cấp, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận, các hội đoàn thể, không thể không nhắc tới nhân tố đồng thuận của người dân, mà đồng bào giáo dân Thuận Phước đồng hành, đóng góp công sức, trí tuệ, hy sinh để phường có diện mạo như ngày hôm nay.
Nhớ lại, khi dự án mở con đường 3 Tháng 2 đi qua địa phận nhà thờ Thanh Đức, nhiều ngôi nhà của bà con giáo dân phải di dời, không phải không có những băn khoăn, hoặc những vấn đề đặt ra, rất cụ thể, mà dự án chưa tính tới.
Nhưng rồi sự thiệt - hơn đều được khỏa lấp bằng sự đồng thuận, vì cha xứ lúc bấy giờ là Linh mục Đặng Đình Canh, cùng bà con giáo dân, luôn tin vào phía trước, phường sẽ đẹp hơn, quận sẽ đẹp hơn, thành phố sẽ khang trang hơn và chính chúng ta sẽ được hưởng lợi cả trực tiếp và gián tiếp.
Nhà thờ Thanh Đức vui vẻ hiến hàng nghìn mét vuông đất, dời tượng Đức Mẹ để nhường đất phục vụ công trình đường 3 Tháng 2, mặc dù diện tích nhà thờ phải thu hẹp lại gần 1/3 diện tích so với ban đầu. Gần 200 giáo dân là Công giáo, Phật giáo tham gia tổ trưởng dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể trở thành lực lượng hùng hậu, luôn gương mẫu trong công tác giải tỏa và đi đầu trong mọi phong trào của địa phương.
Vì sự phát triển của phường nhà, hàng trăm bà con giáo dân phải chịu bao thiệt thòi, không thể đo đếm được, rời nơi mà gia đình cha ông đã gắn bó gần 50 năm, nhưng vẫn vui vẻ, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, để đến nơi ở mới.
Khu vui chơi đã thay thế đầm rong ô nhiễm (chụp 20-10-2016). |
Ông Hồ Nhàn ở tổ 32a - một giáo dân Thiên chúa giáo của giáo xứ Ngọc Quang, cho biết: Gia đình tôi trước đây sống trong kiệt hẻm, năm 2001, tôi được Nhà nước cho di dời về nơi ở mới này: mặt tiền đường Cao Xuân Dục. Nơi đây, hồ đầm ô nhiễm lâu đời, thành phố đã xử lý, nay nhà cửa khang trang, trước nhà là công viên, cây xanh, thật là mát mẻ.
Thành phố luôn lo cho cuộc sống mọi người dân, giáo dân chúng tôi luôn được tự do sinh hoạt tôn giáo, kính Chúa yêu nước, thật là bình đẳng. Nhân các ngày lễ, chính quyền, các giáo phái khác đến nhà thờ, tặng hoa lẫn nhau. Có việc lên phường, gặp các cô, các chú vui vẻ, hướng dẫn thủ tục hành chính, nhanh, gọn, không bao giờ gây trở ngại gì cho người dân. Cuộc sống thật ấm no, thanh bình, an lành, hạnh phúc. Ông cười, năm nay bước sang tuổi 95, chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống sướng như bây chừ!
Đại đức - Tỳ kheo Thích Khánh Chơn, trụ trì chùa Thuận Châu, cũng là một công dân, luôn từ bi, an lạc, đồng lòng với lãnh đạo địa phương. Ông là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thuận Phước nhiều khóa, hiện đang là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, là một tỳ kheo thực hiện sống tốt đời, đẹp đạo.
Không thể nói hết bao nhiêu công sức, trí tuệ ông dành cho việc vận động hàng chục tỷ đồng xây dựng lại ngôi chùa mới, khang trang, tô đẹp thêm cho danh hiệu thành phố đáng sống. Hằng năm, ông tích cực làm việc thiện; đóng góp hàng chục triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo của phường; sửa chữa nhà, hỗ trợ hàng nghìn suất quà, gạo cho người nghèo, học sinh nghèo; hỗ trợ đồng bào bị bão lũ…
Nhà chùa còn hoan hỷ hiến đất khi mở rộng đường Đống Đa. Nói về ấn tượng 20 năm qua, ông nhắn nhủ và tâm đắc, vui mừng về những thành quả của chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” trong hiện thực cuộc sống. Ông cảm thấy mãn nguyện về sự phát triển, đổi thay kỳ diệu của thành phố nói chung và phường nhà nói riêng, trong đó bà con phật tử có cuộc sống an lạc thật sự. Ông tự hào là công dân thành phố Đà Nẵng, nay đang tiếp tục triển khai chương trình “Thành phố 4 an”. Những nội dung như vậy những giáo dân thật sự thấy an lòng, chung sức thực hiện.
Hằng ngày, chúng ta ngỡ ngàng chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt của Thuận Phước, nói chi người đi xa 20 năm, nay có dịp trở về, chắc chắn ngỡ như mình đang ở trong mơ, không thể mường tượng nổi sự đổi thay kỳ diệu cả về cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân nơi đây.
Bài viết này là một lời tri ân, gửi tới những người đã vì sự phát triển của mảnh đất này và không quên công sức, sự đóng góp và cả những hy sinh không tính toán thiệt hơn của họ.
Thuận Phước đã làm tốt công tác dân vận; trong đó có công tác tôn giáo, nên địa phương đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của người dân nói chung cũng như bà con giáo dân. Gần 20 năm qua địa phương chưa có trường hợp nào khiếu kiện gay gắt đông người, vượt cấp.
Sự đồng thuận, hòa quyện đời và đạo tạo nên sức mạnh của lòng dân, bài học muôn thưở cho bao thành công.
Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thị Thuận trải lòng: Chưa phải mọi việc đã hoàn thiện; Thuận Phước còn nhiều việc phải làm ở phía trước: những khu đất vàng bỏ trống đầy cỏ dại, những công trình kéo dài ngổn ngang, chung cư xuống cấp, hộ nghèo, mức sống của người dân còn nhiều trăn trở… đang đặt ra cho lãnh đạo các cấp trong đó có lãnh đạo phường một tầm nhìn mới cho Thuận Phước trong tương lai.
Lời bình Trong 20 năm qua, Đà Nẵng như một đại công trường, ngày nào cũng có tiếng máy xúc, máy nổ. Cũng chừng ấy thời gian, trên 120.000 hộ dân thành phố phải di dời, giải tỏa để phục vụ cho công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng. Chẳng có nơi nào trên cả nước khi phải di dời, giải tỏa số hộ dân lớn như vậy nhưng lại có sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Dân đồng tình ủng hộ, dân hiến đất mở đường, dân góp tiền xây cầu... Điều này càng thấm thía hơn khi đọc “Thuận Phước – hòa quyện đời và đạo” của Phạm Công Lương. Câu chuyện về một phường đầu biển cuối sông, với hầu hết người dân theo đạo Công giáo và Phật giáo, trong vô vàn khó khăn, nhưng với sự đồng thuận của dân, sự hòa quyện giữa đời và đạo, vì cái chung của địa phương, của thành phố, đã tạo nên một Thuận Phước “thay đổi kỳ diệu cả về cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân” như hôm nay. Là câu chuyện sinh động về phường Thuận Phước, về những con người, những sự kiện, số liệu cụ thể, nhưng ở trong đó, chúng ta có thể thấy ngay được nó cũng là hình ảnh của biết bao nhiêu phường khác, một nhân tố bên trong và là một hình dáng thu nhỏ của Đà Nẵng bấy lâu nay – có được lòng dân có thể làm được tất cả. Có lẽ vì vậy, nói sự đồng thuận của lòng dân là một trong những dấu ấn lớn nhất của Đà Nẵng và cũng là một trong những bài học sâu sắc nhất cho thành công của thành phố. Nhà báo Đà Nam |
PHẠM CÔNG LƯƠNG