Năm 1986, bằng số tiền dành dụm và gia đình hỗ trợ, vợ chồng tôi mua được một căn nhà cấp 4 ở đường Thanh Hải, Đà Nẵng, diện tích gần 100m2 lợp tôn cũ; nhưng đối với chúng tôi sau hơn 40 năm, được ra ở riêng cũng cảm thấy thoải mái, hạnh phúc lắm rồi.
Đường Thanh Hải được thảm nhựa và mở rộng từ năm 2002 theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: DUY HẢI |
Kỷ niệm đầu tiên của năm ở nhà mới là mấy ngày sau đó trời đổ mưa liên tục, đến đêm dột cả nhà phải huy động vải mưa, xô, chậu để hứng nước nhưng cũng không hết, mệt quá ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau vừa đặt chân xuống giường, nước đã tràn vào nhà lúc nào không biết, nhìn đống đồ đạc nổi lềnh bềnh, hai vợ chồng ngán ngẩm nhìn nhau không biết nói gì.
Khu dân cư Tân Lập trên đường Thanh Hải và phía dọc biển Thanh Bình của phường Thanh Bình, quận Hải Châu có hơn 300 hộ, chia thành 3 tổ dân phố số 4, 5 và 6. Gia đình tôi thuộc tổ 6 do bác An làm tổ trưởng, đa phần là công chức và người lao động nghèo. Đường Thanh Hải rộng 4m, dài hơn 1km nhưng lại có ba đoạn khác nhau, đầu đường đá cấp phối, giữa là đường đất và cuối đường là cát trắng giáp với bãi biển. Gần 30 hộ nằm trên đoạn đường đất luôn phải chịu cảnh mưa nhỏ đã lầy, mưa lớn thì ngập, trời nắng thì bụi.
Đã có lần tôi trực tiếp đến Báo Đà Nẵng phản ánh về tình trạng con đường để kiến nghị lên lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết, sau khi nghe trình bày anh phóng viên nói:
- Đường Thanh Hải à, tôi sẽ viết nhưng ông ở đường đó là vinh hạnh lắm, người ta hay nói đó là “Đường Phó Chủ tịch ” mà!
- Sao lại là “Đường Phó Chủ tịch”, tôi thắc mắc.
- Ông cứ về tìm hiểu đi!
Rời tòa soạn Báo Đà Nẵng, tôi đến gặp bác tổ trưởng dân phố hỏi vì sao đường Thanh Hải là “Đường Phó Chủ tịch”?
- Anh mới đến nên không biết, họ gọi “Đường Phó Chủ tịch” là đúng rồi, vì cả Đà Nẵng chỉ có đường Thanh Hải có ba Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đang ở, đó là các ông Lê Đào, Nguyễn Minh và Nguyễn Đức Bốn.
Tối hôm đó tới nhà ông Nguyễn Đức Bốn, tôi nói về nguyện vọng của người dân ở đoạn đường Thanh Hải.
Ông Bốn nói:
- Chuyện của bà con phản ánh mình biết rồi, kỳ nào họp ủy ban cũng đưa ra nhưng do chưa có kinh phí, vả lại nhiều nơi còn khó hơn nên chưa giải quyết được phải chờ thôi.
Tôi quay về, tiếp tục gặp hai Phó Chủ tịch tỉnh còn lại nhưng các ông cũng có ý kiến tương tự nên đành chịu.
Rồi thời gian cứ trôi đi, từ năm 1986 đến năm 2002, con đường trước nhà được mang tên “Đường Phó Chủ tịch” vẫn như cũ, kiến nghị nhiều lần nhưng lúc nào cũng được trả lời: Chờ!
Không còn cách nào khác, hằng năm các hộ góp tiền lại mua mấy xe giá hạ để đổ xuống đường nhưng không hết ngập. Năm 1999, tại Nhà hát Trưng Vương có triển lãm về quy hoạch thành phố, xây dựng con đường ven biển Thanh Bình từ Thuận Phước lên Xuân Thiều, trong quy hoạch có giải tỏa một phần của đường Thanh Hải.
Vào một ngày cuối năm 2000, các hộ gia đình đều nhận được giấy mời họp của Ban Quản lý dự án quốc lộ 1A và Liên Chiểu-Thuận Phước về việc di dời, giải tỏa để xây dựng đường ven biển. Tại cuộc họp có hơn 200 hộ của khu dân cư Tân Lập tham dự, vị đại diện Ban Quản lý nêu rõ:
- Thành phố xây dựng đường ven biển, các hộ dân ở đây đều bị ảnh hưởng, vì vậy chúng tôi xin được nêu lên một số chính sách trong việc đền bù giải tỏa theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đó là: Đối với các hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sẽ được bồi thường nhà, đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu theo quy định của Nhà nước. Đối với các hộ bị thu hồi một phần diện tích đất sẽ không bồi thường về đất; chỉ bồi thường nhà ở, vật kiến trúc trên đất do đất còn lại được nâng giá trị sau khi dự án hoàn thành. Đối với các hộ có diện tích còn lại ít, nếu có đề nghị giải tỏa đi hẳn thì thực hiện giải tỏa và áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định, không để lại diện tích quá nhỏ. Thành phố thực hiện bồi thường bằng đất cho các hộ dân tái định cư, trong thời gian chuyển đổi tái định cư, người dân được chính quyền hỗ trợ một cách tốt nhất để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Sau hội nghị, Ban sẽ cử cán bộ cùng với bà con tiến hành kiểm định để xác định giá đền bù.
Khi nghe vị đại diện Ban quản lý phát biểu, đa số các hộ đều đồng tình với chủ trương trên, còn lại 30 hộ chưa nhất trí. Đặc biệt hộ Trần Thanh L. ở đường Thanh Hải (cũ) phản ứng hết sức gay gắt. Ông nói:
- Chủ trương trên là vi phạm Luật Đất đai, thu hồi đất vì lý do quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội, chứ không thể lấy đất của dân đền bù thấp, lại đi bán lại giá cao…
Khi ông L. vừa nói xong, thì hai ông Phạm Văn B. và Nguyễn Văn Đ. cũng ở đường Thanh Hải, nói theo:
- Thành phố vi phạm Luật Đất đai sẽ kiện ra Chính phủ, ai đi thì đi còn chúng tôi cương quyết không đi.
Khi nghe các ông có ý kiến không đồng tình với chủ trương trên, một số bà con đã phản đối quyết liệt và đề nghị các hộ nên ủng hộ chủ trương của thành phố. Bà Mai Thị Kim Đỉnh ở 64 Thanh Hải hỏi vị đại diện:
- Nếu thực hiện chủ trương trên, thì đường Thanh Hải có được nâng cấp không?
Đại diện trả lời:
- Đường Thanh Hải không những được nâng cấp, mà còn thảm nhựa rộng 6m, vỉa hè mỗi bên 3m có hệ thống cống thoát nước. Các hộ ở mặt đường sẽ dời vào khoảng 1-2m. Việc dời đồng hồ điện, nước sẽ do Ban dự án thực hiện, bà con không phải bỏ ra các khoản chi phí.
Bà Đỉnh nói tiếp:
- Nếu thế thì tôi đồng ý, chứ hàng chục năm nay khổ quá rồi, cứ lầy lội miết. Bà con có đồng ý với tôi không?
- Đồng ý!
Hàng trăm cánh tay giơ lên đồng tình với bà Đỉnh.
Sau cuộc họp, Ban quản lý cử cán bộ kết hợp với các tổ trưởng khu dân cư đi vận động các hộ chưa nhất trí và phân tích rõ những lợi ích về việc thực hiện chủ trương. Với những ưu điểm được đưa ra, sau hơn ba tháng làm việc, gần ba mươi hộ đã thống nhất. Việc tiến hành kiểm định và chốt giá đền bù cho hơn 200 hộ dân đã được hoàn thành và nhất trí, ký nhận tiền, riêng các ông L., B., Đ. vẫn cương quyết không chấp nhận.
Ban quản lý lại tiếp tục kiên trì thuyết phục nhiều lần với gia đình nhưng không có kết quả. Lần cuối cùng có Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh tham dự cùng với ba hộ và đại diện của ban, tổ dân phố. Lý do của ba hộ không đồng ý là họ nói chủ trương của thành phố là vi phạm Luật Đất đai do Quốc hội thông qua.
Trong cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh phân tích những cái lợi của việc thực hiện chủ trương của thành phố, quyền lợi của các hộ dân đều được hưởng như nhau cũng giống như ba ông Phó Chủ tịch tỉnh, không có ưu tiên cho trường hợp nào.
Ngay nhà của ba ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng bị giải tỏa và họ đều thực hiện theo quy định của chủ trương đề ra. Đối với các ông L., B. và Đ đều được bố trí đất trên đường Nguyễn Tất Thành. Cuộc họp kéo dài đến gần 1 giờ sáng hôm sau nhưng các ông vẫn không ký biên bản và dọa sẽ kiện ra Trung ương, cuối cùng Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh tuyên bố nếu các ông không đồng ý thì sẽ tiến hành cưỡng chế.
Năm 2001, sau lễ khởi công đường ven biển, UBND thành phố thực hiện cưỡng chế đối với gia đình ông L. Ngay sau khi nhà ông L. bị cưỡng chế thì hai ông B. và Đ. đã lên Ban quản lý nhận tiền đền bù
Ông Hồ Văn An năm nay đã bước qua tuổi 81, làm tổ trưởng tổ dân phố kể từ năm 1975 đến tận 2011. Hơn 35 năm gắn bó với khu dân cư Tân Lập, ông được UBND thành phố tặng bằng khen vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, ghi nhận những công lao đóng góp của ông đối với khu dân cư.
Khi được hỏi về chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và những thay đổi ở “Đường Phó Chủ tịch”, ông quay lại hỏi tôi:
- Anh hỏi thật à?
- Sao bác nói vậy?
- Vì anh ở trong tổ mà không thấy ư, sao còn hỏi? Khi đường được thảm nhưạ, cả ba ông Phó Chủ tịch đều có mặt, bà con mang nước, bánh ra mời công nhân làm đường.
Còn ông Nguyễn Đức Bốn thì nói với bà con: Gọi là “Đường Phó Chủ tịch” mà gần 20 năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà con phản ánh nhiều lần về con đường ngập lầy mà tụi mình không làm được, nghĩ lại cũng buồn. Thế mà khi có chủ trương của thành phố bà con đã giao 1.500m2 để mở đường mà không nhận đền bù, nay đã trở thành con đường nhựa phẳng lì, đi miết không chán. Nếu không có chủ trương trên thì không biết bao giờ đường Thanh Hải mới như ngày nay.
Từ năm 2002, khi “Đường Phó Chủ tịch” được nâng cấp, 100% các hộ dân đều sửa chữa lại nhà cửa, trong đó có 90% hộ xây nhà 2 - 3 tầng thật sự khang trang.
- Trường hợp của ông L., bác nghĩ sao?
- À, chuyện đó đâu mà không có hả anh! Khi mà cái gì mới được đưa ra cũng phải trải qua nhiều khó khăn, có người chưa hiểu thì phản ứng, nhưng khi hiểu rồi thì họ phải thực hiện, tất cả cũng chỉ vì cái chung, cái lợi cho dân.
Bà Nguyễn Thị Liên hiện đang ở tại 95 Nguyễn Tất Thành, trước đây là đoạn cuối của đường Thanh Hải, nhưng sau giải tỏa thành mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành. Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, mới 16 tuổi, bà Liên vào làm việc tại Xí nghiệp Thảm len Thanh Sơn.
Đầu năm 2003, chồng bà là công nhân bị bệnh qua đời, để lại cho bà hai đứa con và mẹ già. Năm 2003, vì sức khỏe yếu nên bà phải nghỉ hưu non, với lương hằng tháng 1,4 triệu đồng mà phải chi tiêu cho cả gia đình, trở thành hộ nghèo của tổ.
Trong lúc bà mở quán bán cà-phê quanh xóm kiếm vài đồng nuôi mẹ và con, thì đứa con trai lớn bị bệnh dài ngày, bỏ học rồi theo bạn bè lêu lổng nghiện ma túy, tập trung lên Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 cai nghiện được hai năm thì về nhà; gánh nặng về thuốc men chữa trị cho con lại đè lên vai bà Liên.
Với chính sách hỗ trợ cho người nghèo, bà Liên viết đơn xin vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn, dần dần gia đình đã thoát nghèo vào năm 2012. Năm 2013, bằng số tiền cóp nhặt và vay thêm, bà Liên xây dựng được căn nhà 3 tầng khang trang.
Giờ đây với quán cà-phê, tuy thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp cho bà ổn định cuộc sống, thoát nghèo và có tiền trả nợ. Cùng với gia đình bà Liên, cuộc sống của người dân trên đường Thanh Hải được cải thiện, từ 6 hộ nghèo năm 2005 thì năm 2012 còn 3 hộ và năm 2015 đã xóa được hộ nghèo.
Chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại Đà Nẵng được đa số người dân đồng tình ủng hộ, thành quả đạt được từ chủ trương trên không ai có thể phủ nhận. Cái được của chủ trương không sao kể hết: Hơn 120.000 hộ dân đã di dời và tái định cư, người dân Đà Nẵng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đường sá được mở rộng, các cầu, khu dân cư mới, khu thương mại, bệnh viện được xây dựng, kinh tế giữa các vùng được phát triển nhanh chóng, đời sống của người dân được tăng lên. Đây là kết quả đạt được trong việc vận động sự đóng góp của nhân dân trong chủ trương xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trong những cái được đó, vẫn có cái mất mà người phải chịu đựng là người dân khi bị tác động từ những dự án: Bị thu hồi hơn 5 - 6 năm vẫn chưa có đất tái định cư để ổn định cuộc sống, trong lúc tại các ban dự án ở Đà Nẵng có lúc còn thừa cả ngàn lô đất là việc mà chính quyền cần phải làm rõ để trả lời cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực cử tri còn bức xúc, đó là quy hoạch đô thị chưa hợp lý, ô nhiễm môi trường và an toàn giao thông, tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ gia tăng.
Ông Nguyễn Hữu Nghị sống trên đường Thanh Hải từ năm 1969, hiện ở 143 Nguyễn Tất Thành tâm sự: Nhờ có chủ trương của thành phố, các hộ dân ven biển đường Thanh Hải không còn cảnh lo sợ khi mưa bão sóng biển tràn vào đánh sập nhà nữa.
Song ông lại trăn trở trước tình trạng bà con ngư dân ở dọc biển Thanh Bình tuy đã “an cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”, nhiều hộ dân vẫn còn sống bấp bênh. Bởi vì ngư dân quanh năm sống nhờ vào biển, mặc dầu có vất vả hơn nghề khác nhưng vẫn có cái ăn và con cái của họ vẫn được tới trường học tập, giờ đây phải chuyển đổi ngành nghề thì họ chẳng biết làm gì…
Đào tạo nghề chỉ ở lớp trẻ, còn người lớn ở độ tuổi 50-60 làm sao học nghề được. Người được đền bù với số tiền có thể là lớn, mua lại lô đất, làm nhà, sắm xe… còn lại không biết xoay xở ra sao, trong lúc đó quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển, tệ nạn ma túy, cờ bạc có nguy cơ bùng phát… Đến lúc đó thì nhà cũng không còn nữa.
Vì vậy, ông đề nghị thành phố nên gắn việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giải tỏa di dời, chỉnh trang đô thị và các chương trình về an sinh xã hội; tổ chức sơ kết, tổng kết để tìm ra cái được nhằm nhân rộng và chưa được để khắc phục. Nếu chỉ thực hiện mà không tổ chức rút kinh nghiệm thì làm sao có cơ sở để đưa ra các chủ trương sau tốt hơn, phù hợp lòng dân hơn..
Ngày nay, tuyến “Đường Phó Chủ tịch” năm xưa được nâng cấp thành “Đường không rác” và “Tuyến đường văn minh đô thị”, góp phần vào việc thay đổi diện mạo của thành phố sau 20 năm đổi mới.
Trong công cuộc đổi mới để xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống” chúng ta luôn nhớ đến những lời dạy của Bác: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì thế, cần xây dựng chính quyền thành phố vì dân, phụng sự dân, tạo điều kiện để người dân sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Dân gian nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, ở đường Thanh Hải không phải một mà đến 3 người là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nhưng dân trên con đường này chẳng “nhờ” được gì. Con đường xuống cấp, lầy lội khi mùa mưa về, bụi bặm khi trời khô ráo, nhưng nhiều năm trời vẫn chưa đầu tư với lý do đơn giản: nhiều nơi trên địa bàn thành phố còn khó khăn hơn. Dù không nhiều lời, nhưng tác giả bài viết khắc họa được hình ảnh các vị lãnh đạo địa phương ở trên tuyến đường này luôn đặt lợi ích toàn cục, của nhân dân lên trên lợi ích bản thân mình trong công cuộc tái thiết thành phố quê hương. Chính sự hành xử của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng góp phần tạo ra giá trị bền vững Đà Nẵng dấu ấn 20 năm đổi mới – sự đồng thuận xã hội. Với tác phẩm “Từ chuyện “Đường Phó Chủ tịch...”, tác giả còn gửi đến bạn đọc một thực tế sinh động: Không phải cuộc chỉnh trang đô thị nào cũng mang màu hồng. Để có con đường khang trang như hôm nay, thành phố phải vượt qua trở ngại từ một số cá nhân, gia đình. Qua nhiều lần tuyên truyền, giải thích và thậm chí phải sử dụng biện pháp hành chính, dự án nâng cấp tuyến đường Thanh Hải cũng tới đích. Sớm hôm đi về trên con đường thênh thang, sạch đẹp, lòng dân thêm phấn chấn. Cuộc sống người dân được cải thiện nhiều, cơ hội làm ăn cũng được mở ra cùng với sự phát triển chung của thành phố. Đọc đến cuối bài mới thấy hết tấm lòng của những vị Phó Chủ tịch, “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, họ không giành lấy phần thuận cho mình, không vun vén cho cá nhân, không giành sự ưu tiên đầu tư đường vào nhà mình, họ lo cho các vùng nghèo khó, khắc đến lượt, thành phố sẽ làm cho mình. Trân trọng lắm thay. Nhà báo Quý Lâm |
DUY HẢI