Phóng sự- ký sự

Sơn Trà trong hồi ức của người Bí thư đầu tiên

08:11, 03/01/2017 (GMT+7)

“Sơn Trà hôm nay rộng ra, cao lên, bề thế, hồng hào sắc diện” là cảm nhận của vị Bí thư Quận ủy đầu tiên của quận Sơn Trà, ông Hoàng Thanh Thụy. Từ tâm thế hôm nay, nhìn về những ngày đầu mới thành lập quận, trong ký ức của ông Thụy, Sơn Trà 20 năm về trước ngổn ngang những âu lo...

Sơn Trà phố xá nghênh ngang. 						            Ảnh: ĐẶNG NỞ
Sơn Trà phố xá nghênh ngang. Ảnh: ĐẶNG NỞ

1. Tôi gặp ông Thụy trong những ngày cuối năm 2016. Sau phút hồi tưởng, ông bảo thời điểm này 20 năm về trước, nhiều chuyện dông dài mà cũng lắm nỗi niềm. Thời điểm đó, ông là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Đà Nẵng (cũ).

Ông kể: “Khắp thành phố cứ xôn xao chuyện sắp chia tách tỉnh, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Nhưng tôi cứ say sưa bám bục với các lớp bồi dưỡng chính trị, quán triệt nghị quyết, chuyện thời sự trong nước và quốc tế. Chẳng biết, chẳng nghĩ việc mình sẽ làm Bí thư Quận ủy Sơn Trà.

Thế rồi, khi quyết định chính thức đưa ra, tôi chấp hành. Cũng chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên, như là một nhiệm vụ chính trị được cấp trên tin tưởng, giao phó. Về Sơn Trà, với tôi, thực ra là cuộc trở về “đất quen, người cũ”, như lời của một vị lãnh đạo thành phố khi đó nói: “Anh về Sơn Trà là phù hợp, vì anh nắm rõ từng ngõ ngách, quen biết hết cán bộ ở Sơn Trà và cả người dân ở đó nữa. Anh hãy cố gắng”.

Ông là tù chính trị biệt giam ở Phú Quốc. Năm 1975, ông về công tác tuyên huấn tại quận Ba. Hồi đó, quận Ba gồm cả phường Mỹ An và Khuê Mỹ (nay thuộc Ngũ Hành Sơn). Năm 1976, quận Ba giải thể, các phường đều trực thuộc thành phố.

Ông Thụy đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Trong ký ức của ông Thụy, 20 năm sau ngày giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng, Sơn Trà vẫn không thay đổi gì nhiều. Vẫn những đụn cát trắng, những lùm cây dại, những chùm gai lưỡi long, hàng rào kẽm gai, trụ sắt vắng vẻ, tiêu điều, thứ “di sản” của thành phố giặc chiếm đóng còn sót lại nhan nhản ở Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ, Mỹ An... Những khu nhà lợp tôn tạm bợ, thấp lè tè trên cát trắng nóng ran; những xóm nhà chồ của dân vạn chài ven sông rách nát, tối tăm, bẩn thỉu kéo dọc từ Nại Hiên Đông qua An Hải Bắc, An Hải Tây lên đến cầu Đen.

Những đứa trẻ đầu tóc vàng hoe, nhem nhuốc mặt mày, tối ngày đi hôi cá. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội rất phức tạp, là địa bàn trọng điểm bất an của thành phố. 20 năm trước, Sơn Trà có quá nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội, từ đói nghèo, thất học, dịch bệnh, dân số gia tăng nhanh, an ninh trật tự xã hội phức tạp... Vấn đề nào cũng “nóng”.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ mới được hình thành lại quá bất cập so với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ. “Có thể thấy khó khăn ấy thế này, hồi đó Sơn Trà ký với Trường Chính trị thành phố hợp đồng về các lớp đào tạo dành riêng cho Sơn Trà, suốt mấy khóa liền như thế.

Khi thành lập quận, gần như chỉ mới có các cán bộ cấp trưởng phòng, đầu ngành. Thế rồi, cứ làm việc, phát hiện, bổ nhiệm, bố trí, đề bạt, đào tạo để hoàn thiện dần. Cái ban đầu luôn khó khăn, dần qua, đi vào ổn định”, ông Thụy kể.

Cơ sở vật chất gần như chưa có gì. “Ngay trụ sở làm việc không có, phải mượn tạm nhà của đồng chí Phạm Văn Yên, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận làm trụ sở Quận ủy; trụ sở UBND quận mượn tạm tại Trường Chính trị thành phố. Một số phòng, ban phải mượn hoặc thuê nhà dân để lấy chỗ làm việc. Tháng 6-1997, lại di dời về làm việc tại Hợp tác xã Tự Cường, phường An Hải Đông. Phải đến năm 1999 mới chính thức có nơi làm việc ổn định như hiện nay.

Nhắc lại nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị Bí thư Quận ủy, ông Thụy bảo không phải là họp ra mắt Quận ủy lâm thời, mà là dự cuộc họp của ngành Công an quận dịp giáp Tết. Tại đây, phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông đã “bắt” Trưởng Công an quận, lúc đó là ông Đinh Trường Sơn, hứa phải lo cái Tết đầu tiên của nhân dân quận Sơn Trà thật an bình. Bản thân ông suốt ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để hỏi thăm, động viên nhân dân đón Tết, cũng là màn “ra mắt” - như cách nói của ông với nhân dân quận nhà.

Trước bối cảnh Sơn Trà ngập tràn những khó khăn, thiếu thốn, từ tỷ lệ hộ nghèo vào tốp đầu của thành phố, tình trạng sinh con đông đến mức báo động, thất học triền miên... hiện hữu như một bức tranh xám màu, nhiệm vụ cơ bản, thường trực của cán bộ lúc đó hầu như chỉ lo đi nắm tình hình, thống kê hộ đói nghèo để có phương án hỗ trợ người dân qua hoạn nạn.

Mang danh là thành phố, nhưng Đà Nẵng trước lúc chia tách chỉ ngang cấp huyện, với những tàn tích cũ còn đậm nét. Sơn Trà lại là “vùng trũng” của thành phố ấy với câu “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”... Điều đó cứ thế ám ảnh, xoáy sâu vào tâm trí người dân, vào lớp cán bộ lãnh đạo như một nỗi đau, một áp lực phải vượt qua, vươn lên để bằng chị bằng em trong nay mai.

“Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ quận xác định rõ, phải lao vào điểm “nóng” để giải quyết tức thời những khó khăn trước mắt”, ông Thụy nói. Nhanh chóng xóa “giặc đói” để giải quyết căn cơ của mọi bất ổn xã hội. Tăng cường xóa nạn mù chữ và thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình. Đây là những vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết của Quận ủy và HĐND lúc đó, để thấy được mức độ quan trọng và tính cấp thiết. Nhà nhà đi học, người người theo học.

Cả Sơn Trà như một trường học lớn, từ các buổi bình dân học vụ đến hệ thống trường lớp được khởi dựng, nâng cấp, hoạt động suốt ngày đêm. Toàn quận lúc đó có 2 trường phổ thông trung học, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 6 trường THCS, 8 trường mẫu giáo. Những trường bị hư hỏng, xuống cấp được nhanh chóng sửa chữa lại. Một lực lượng cộng tác viên giáo dục và dân số hùng hậu, nhiệt tình từ khắp nơi đổ về giúp đỡ cho Sơn Trà.

“Phải luôn nhớ, biết ơn những cộng tác viên giáo dục, dân số lúc đó. Họ là những chiến sĩ thầm lặng cống hiến tự nguyện cho Sơn Trà những buổi đầu thành lập”, ông Thụy hồi tưởng. Sơn Trà sau những ngày ngủ yên mụ mị, như bừng lên khỏi cơn mê.

Mỗi đêm, cán bộ là Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận phải thay nhau trực ở các lớp học để giữ học sinh. Cuối buổi ghi sổ, báo cáo, điểm danh ai đi học, ai nghỉ, phải đến nhà vận động, kêu gọi đi học đầy đủ. Cán bộ dân số thì “chui vào cả trong buồng người ta để tuyên truyền, vận động, để bị chửi này nọ vẫn không nản lòng”. Những cái tên đã gắn bó với công tác giáo dục những ngày đầu ở Sơn Trà như Trưởng phòng Giáo dục quận Nguyễn Trường, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Huỳnh Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Quốc Linh...

Câu chuyện cảm động về vị Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Lê Viết Hoàng cùng với ông Thụy đi xin đồng chí Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố, mảnh đất Bệnh viện Lao Sơn Trà (đang có kế hoạch bàn giao cho đơn vị khác) để làm trụ sở khi Trung tâm chưa có chỗ làm việc, không có chỗ dạy học dù tạm bợ.

“Tôi nhớ hôm đó là sáng chủ nhật, tôi cùng anh Hoàng đến gặp trực tiếp anh Thanh tại nhà riêng. Từ câu chuyện xã giao ban đầu, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề luôn. Sau khi biết tâm nguyện của anh em tôi, anh Thanh bảo rằng: “Ngày chủ nhật không ở nhà nghỉ, mà cả Bí thư và Giám đốc Trung tâm cùng đến xin đất cho giáo dục. Cái đó (Bệnh viện Lao) dành cho chỗ khác rồi. Nhưng tôi phải giải quyết cho các ông thôi, biết răng chừ”. Như mở cờ trong bụng, anh Hoàng đã thủ sẵn đơn, đưa anh Thanh ký luôn khiến anh ấy cũng ngạc nhiên và cười”, ông Thụy kể.

Cũng nói về giáo dục, ông Thụy cho biết: Hồi đó, Quận ủy Sơn Trà đã có một chỉ thị về xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong trường học. Có lẽ đây là văn bản đầu tiên của Quận ủy về xây dựng Đảng ở Sơn Trà kết hợp cùng giáo dục. Chỉ thị yêu cầu trong thời gian ngắn, tất cả các trường học trong quận đều có tổ chức Đảng và phát triển được đảng viên hằng năm. Chỉ thị được triển khai và đem lại những kết quả ban đầu đầy khích lệ.

2. Kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Sơn Trà đã đi vào guồng máy ổn định về mọi mặt. Ông Thụy chuyển đơn vị khác. Thời gian ngắn ngủi ấy, qua hồi ức của ông đã đưa tôi theo những thước phim quay chậm về một Sơn Trà những ngày đầu thành lập, mà tôi cứ tưởng như kéo dài cả thế kỷ. Đằng đẵng, miên man trong ngổn ngang đói nghèo, lạc hậu, trong xốc xới chỉnh trang đô thị.

Sơn Trà 3 năm ấy như cơn đau đẻ kéo dài, chuyển mình trở dạ để thoát ra khỏi tổ kén hỗn mang đầy những vấn nạn. Sau cơn trở mình lịch sử, sau bước khởi đà mang tính tiền đề, những khả năng và triển vọng mới hé mở ra.

Những viên gạch đầu tiên được đặt vững chắc để có được Sơn Trà như ngày hôm nay trẻ trung, hiện đại. Thành quả những năm đầu xây dựng Sơn Trà ấy, ông Thụy chỉ khiêm tốn nhưng không kém phần tự hào, rằng Sơn Trà đã dần khẳng định được vị thế, tầm vóc của mình so với các địa phương khác, không còn là mảnh đất hoang vu, cách trở nữa.

“Có được Sơn Trà như hôm nay, để biết nhìn lại buổi ban đầu thành lập đầy gian khó, vất vả. Nhắc chuyện cũ, để thấy thương, biết ơn, ghi nhận công lao to lớn của anh em đồng chí lúc đó như anh Thái Nguyên, Chủ tịch UBND quận, anh Hoàng Hưng, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy, anh Trần Đình Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận... đã lăn lộn với công việc, phong trào, nay không còn nữa. Trong tâm khảm chúng ta, sẽ hiểu được các đồng chí ấy vui biết chừng nào với thành quả hôm nay bắt đầu từ những nền móng ban đầu”.

Trong lời tâm sự của người Bí thư đầu tiên ấy với tôi, vẫn còn đau đáu với mảnh đất ông coi là quê hương thứ hai của mình. “Tôi luôn dành cho Sơn Trà tình yêu lớn nhất. Tôi gắn bó với mảnh đất này như số phận, như định mệnh. Thấy Sơn Trà phát triển như hôm nay, tôi mừng lắm. Cán bộ trẻ bây giờ được học hành, đào tạo bài bản, có tri thức, nhiệt huyết, năng lực dồi dào. Cần phát huy hơn nữa tinh thần anh hùng cách mạng của mảnh đất Khu Đông- Sông Đà - Quận Ba anh hùng để ngày càng phát triển. Mong Sơn Trà tiếp tục phát huy, làm đậm nét hơn, nâng lên một tầm cao mới”, ông Thụy nói.

Ông mong muốn, lãnh đạo, cán bộ, nhân dân Sơn Trà hôm nay và mai sau mỗi bước đi tới cần nhìn lại, không nên tự bằng lòng với những gì đã đạt, phải thấy mong muốn của cấp trên, kỳ vọng của nhân dân trong quận đối với  Đảng bộ, chính quyền quận. Vẫn còn những bộn bề phía trước nhiều gian khó, thách thức, để đưa Sơn Trà cao lên, rộng ra, xứng đáng là quận trọng điểm về du lịch, đáng sống trong thành phố đáng sống.

Sơn Trà, tháng 11-2016

Sơn Trà đi lên trong nghèo khó và bề bộn. Hai mươi năm trước, dù cách trung tâm thành phố một dòng sông, nhưng Sơn Trà vẫn phải chịu “thân phận” quê nghèo xơ xác. Những ngày đầu tái lập, Sơn Trà như chìm trong  khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ cán bộ mỏng, trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cơ quan công quyền hầu như chưa có gì.

Tôi nhớ khi còn tỉnh QN-ĐN, năm nào cũng vậy, cứ trước mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh có nhiều cuộc họp bàn cách hỗ trợ ngư dân giấy dầu, tấm lợp Fibroximang, dây thép để lợp và chằng chống nhà cửa; hỗ trợ gạo, dầu, muối... cho hàng trăm hộ nhà chồ sống bấp bênh dọc hữu ngạn sông Hàn.

Có lẽ vì cái khó ngày mới chia tách và không khí hồ hỡi, vui mừng những năm đầu Đà Nẵng trực thuộc Trung ương thôi thúc nhân dân, đội ngũ cán bộ quận Sơn Trà phải lăn xả vào công việc tái thiết quê hương. Sự nỗ lực đó được đền đáp, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ ngày tái lập quận, Sơn Trà đã thay da đổi thịt. Diện mạo đô thị được thành hình, đời sống nhân dân, nhất là khu vực nhà chồ thay đổi cơ bản. Đến nay, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Sơn Trà trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng.

Bài viết có nhiều chi tiết hay, thu hút người đọc, nhưng rất tiếc tác giả chỉ dừng lại ở bề nổi, “tố khổ” hơn là đi sâu phản ánh suy nghĩ, cách làm của lãnh đạo, nhân dân Sơn Trà. Người đọc chưa thấy được những khao khát cháy bỏng, chất anh hùng ca trong những tháng ngày gian khó.

Nhà báo QUÝ LÂM


TRỌNG HUY

.