Tìm lại ánh sáng cuộc đời

.

Hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, không có việc làm, không có định hướng và mục tiêu rõ ràng cho tương lai…, đó là quá khứ của những người tham gia cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Tại đây, học viên dần nhận ra giá trị cuộc sống và quyết tâm điều trị dứt cơn nghiện, với mong muốn sớm trở về cùng gia đình và làm lại cuộc đời.

Học viên tham gia lao động, sản xuất để rèn thể lực.
Học viên tham gia lao động, sản xuất để rèn thể lực.

Cơ sở xã hội Bầu Bàng (CSXHBB) nằm ngay dưới chân dãy núi Cà Nhông. Những người phải tập trung cai nghiện tại đây mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đa phần đều xuất phát từ sự lầm lỡ. Có người vào đây lần đầu, nhưng cũng có người vào đến 8 lần. Hành trình cai nghiện thật không đơn giản nếu không đủ ý chí và quyết tâm.

Sa ngã, lầm lỡ

Hai lần vào trung tâm, L.T.V (27 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã có ý thức cai nghiện tốt và ước mong sau khi rời CSXHBB sẽ được gia đình, xã hội đón nhận. V. học hết lớp 10 và nghỉ học, bắt đầu chơi ma túy đá từ năm 2010. Gia đình không hay biết nên cho V. đi học nghề đầu bếp. Đang học dở dang, V. được đưa đi cai nghiện, sau đó tái nghiện. Năm 2014, V. lại được đưa vào CSXHBB cho đến nay và lần này, với sự cảm hóa của các cán bộ Trung tâm. V. thật sự nhận thức được mình phải từ bỏ “nàng tiên nâu” để làm lại cuộc đời. V. bày tỏ quyết tâm cai nghiện thành công, sau đó sẽ tiếp tục học nghề đầu bếp để kiếm sống, chứ không để gia đình lo lắng, đau buồn nữa.

Với T.M.T (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu), dù chỉ vừa tròn 40 tuổi nhưng răng hàm dưới của anh chỉ còn vỏn vẹn 3 cái. Thấy chúng tôi nhìn hàm răng với sự ngạc nhiên, anh T. tâm sự: “Vì tôi chơi heroin, ma túy đá, cỏ Mỹ đã 20 năm rồi nên răng mục và rụng hết...”. Từng là sinh viên theo học tại một trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng nhưng đang học hành dở dang thì T. đánh nhau, gây hậu quả nghiêm trọng và nhận án 2,5 năm tù.

Thi hành án xong, T. theo học nhiều nghề và “bén duyên” với nghề sửa chữa điện nước. Nhờ chịu khó nên T. có nhiều công trình, mang lại thu nhập cao. Tiền bạc trong túi xông xênh nên lúc đầu T. thử chơi ma túy đá chỉ để… cho biết, sau dần quen, rồi trở nên nghiện từ lúc nào không hay.

Đến lúc kết hôn, T. quyết tâm bỏ ma túy đá nhưng chỉ bỏ được 2 năm thì nghiện lại cho đến lúc được đưa vào CSXHBB. T. nói rằng, anh muốn vào CSXHBB để dễ cai nghiện, chứ ở nhà thì không đủ quyết tâm. Nhiều lúc buồn, T. không dám gọi điện thoại về cho gia đình và cũng mong không ai liên lạc với anh. Bởi lẽ, mỗi lần gặp hoặc nghe giọng nói của người thân, anh lại bần thần, hối hận, day dứt…

Nhiều lúc nước mắt anh lăn dài khi nghĩ đến mẹ già gần 80 tuổi và 2 con thơ của anh (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ chỉ 3 tuổi). Vợ anh đã bỏ đi thì lấy ai chăm sóc các con. Thế là anh lại tự trách mình và chỉ mong sớm được trở về…

Khác với anh T., T.L.Q.B (trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) có “thâm niên” 8 lần đi cai nghiện. B. học hành dở dang, làm nghề cho vay tiền nên có thu nhập khá tốt. Vậy nên B. không tiếc việc chi tiêu cho ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. “Sau 7 lần bị đưa đến Trung tâm, tôi đều không có tư tưởng và ý chí cai nghiện vì cảm thấy không có hướng đi cho tương lai. Lần thứ 8 này, nhìn mẹ đã hơn 60 tuổi, tôi thức tỉnh và quyết tâm cai nghiện hẳn để về phụng dưỡng mẹ”, B. bày tỏ.

Hiện CSXHBB cũng có nhiều người tự nguyện tham gia cai nghiện. Anh V.D.H (35 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) sau 1 lần bị bắt đi cai nghiện vào đầu năm 2016 tâm sự: “Khi cai nghiện về, tinh thần tôi bấn loạn, cảm giác u ám trong đầu, suy nghĩ lệch lạc và thần kinh không ổn định, nhất là khi bị bạn bè cám dỗ. Tôi tự nguyện và quyết tâm cai lần 2 để có thể trở về với cuộc sống bình thường, với tình yêu thương của gia đình và trở thành một công dân có ích…”.  

Ngoài việc được chữa trị bằng thuốc, học viên được học các bài tập thể dục. Ảnh: MINH KHUÊ
Ngoài việc được chữa trị bằng thuốc, học viên được học các bài tập thể dục. Ảnh: MINH KHUÊ

Mong cơ hội làm lại cuộc đời

Điều đáng nói là cả những bóng hồng cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. T.T.H.N (27 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) 2 lần ra vào Trung tâm. N. lấy chồng và sinh con khi mới 15 tuổi. Không có nghề nghiệp, N. làm việc tại một bar trên địa bàn Đà Nẵng rồi rơi vào con đường nghiện ngập.

“Vì muốn tránh xa tôi, chồng đã mang con về quê nội (Đắc Lắc) sinh sống. Cảm giác mất gia đình, người thân nên khi vào CSXHBB, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện tôi đã dứt cơn nghiện, chỉ mong lần thứ hai ra khỏi nơi đây sẽ không bao giờ trở lại nữa”, N. nói trong nước mắt.

Cũng như N., T.T.B.T (26 tuổi, tạm trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nuốt nước mắt giao con cho một gia đình người nước ngoài nuôi dưỡng khi vừa lọt lòng mẹ. Lý do là T. không những không đủ khả năng nuôi dưỡng con mà còn phải tập trung cai nghiện.

T. kể: “Khi tôi chưa học hết phổ thông thì ba mẹ ly hôn. Tôi buồn nên bỏ học giữa chừng rồi theo bạn bè đi bar. Cũng chính nơi này, bạn trai rủ tôi cắn thuốc lắc, sau đó chơi ma túy đá... Ban đầu, còn có tiền chơi, sau tôi đành đổi tình lấy thuốc chơi cho thỏa cơn nghiện. Một thời gian nợ nần chồng chất.

Tôi phải bán mình để trả nợ nhưng tiền lãi ngày càng tăng cao, lại bị chủ nợ hăm dọa. Nợ chồng nợ, cộng với việc lâm vào cảnh nghiện ngập, tôi theo đường dây gái mại dâm sang Malaysia. Khi đó, tôi phát hiện mình có thai. Không tiếp khách trả nợ cho chủ sẽ bị đánh đập.

Bị chủ ép phá thai, tôi phải nịt bụng và làm theo ý chủ với mong muốn trả hết số nợ để về quê hương. Đến lúc sinh con, tôi không biết phải làm thế nào thì có một gia đình người nước ngoài đang tìm con nuôi. Tôi đã cho đứa con còn đỏ hỏn của mình trong nước mắt...”.

Nói đến đây, T. òa khóc. Hành trình để T. trở về nước thật không dễ. Cũng may nhờ một người khách thương tình cho tiền trả nợ, cộng với số tiền T. dành dụm được mới trả hết nợ cho chủ. Với T., những gì mà cô trải qua như cơn ác mộng, như trở về từ cõi chết.

Nỗi hối hận, mặc cảm và cả sự ám ảnh cứ đeo bám cô. Thế nhưng, về đến nhà thì cô lại mang cảm giác bị bỏ rơi, em trai cô cũng vướng vào vòng tù tội. Cô đơn, buồn chán, nên T. tiếp tục làm gái mại dâm, chơi ma túy đá cho đến lúc phải vào CSXHBB. “Được các cán bộ giúp cắt cơn, em cảm thấy cuộc đời mình còn chút may mắn. Em hy vọng có thể trở lại làm một con người thật sự thì sẽ tìm được một cuộc sống bình yên. Em muốn làm lại cuộc đời...”, T. nức nở.

Trong khi đó, với chị V.T.T.P (35 tuổi), việc sa vào ma túy đá chỉ xuất phát từ một lần không làm chủ được bản thân. P. có gia đình và 2 con nhưng hôn nhân đổ vỡ. Chị từ Kon Tum xuống Đà Nẵng thuê mặt bằng mở tiệm làm tóc. Cuộc sống đang tạm yên ổn thì bị khách hàng rủ rê dùng thử ma túy đá.

Từ “dùng thử” đến “nghiện thật” chỉ cách nhau trong gang tấc. Rồi P. bị bắt, đưa vào Trung tâm. Những ngày tháng vào đây, chị nhớ gia đình, nhớ các con đến quay quắt. “Tôi như thế này thì các con tôi phải sống với cha của chúng và mẹ kế. Tôi thật có lỗi với các con, chỉ mong nhanh chóng được trở về và cũng mong không bị mọi người không kỳ thị, xa lánh, để tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”, P. tâm sự.

Ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết: “Những ai được chính quyền hoặc người nhà đưa vào CSXHBB cai nghiện, trong những ngày đầu, hầu hết họ đều có cảm giác bất an. Họ la hét, gây gổ mỗi khi lên cơn.

Có những trường hợp học viên xé quần áo, la hét, thậm chí leo lên trên nóc nhà dọa tự tử. Khi ấy, Ban giám đốc phải đến nói chuyện nhỏ nhẹ, năn nỉ họ, hứa sẽ cho về nhà. Sau khi họ xuống đất một cách an toàn thì cán bộ, nhân viên cho uống thuốc cắt cơn cho họ ngủ mới yên.

Những lần như thế, chúng tôi đều quay phim lại, để khi họ tỉnh rồi sẽ cho họ xem lại. Đa số ai cũng thấy ngại và xấu hổ khi không làm chủ được bản thân. Cách giáo dục này rất hiệu quả, giúp các học viên có ý chí hơn trong việc điều trị để từ đó quyết tâm cai nghiện tốt hơn”.

Theo ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, cơ sở này đang quản lý, chữa bệnh cho hơn 530 học viên. Điều đáng lo ngại là số tái nghiện chiếm gần 1/2. Nguyên nhân do môi trường xã hội, ý chí nghị lực của học viên còn hạn chế, không vượt qua được cám dỗ, rủ rê của bạn bè. Ông Tạo cho rằng, để con số học viên sau cai nghiện tái nghiện giảm đến mức thấp nhất, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi người, gia đình phải động viên, theo dõi, giúp họ tránh xa bạn bè xấu.

MINH KHUÊ

;
.
.
.
.
.