Hạnh phúc giản dị của người anh hùng

.

Những cơn mưa đầu đông chợt đến, chợt đi không hẹn trước. Trong căn phòng nhỏ, bên tách trà ấm, phả mùi thơm hoa nhài dịu dàng tĩnh lặng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn không giấu tự hào khi kể về những kỷ niệm buồn vui đời mình.

Trung tá, Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn: “Lòng tôi cảm thấy thanh thản khi đã sống hết mình cho đất nước, cho quê hương”.
Trung tá, Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn: “Lòng tôi cảm thấy thanh thản khi đã sống hết mình cho đất nước, cho quê hương”.

Người lính già đi qua hai cuộc kháng chiến

Trong ký ức của cậu bé Trần Văn Lượng (tên khai sinh của ông Hồ Phúc Ngôn), làng quê Đa Phước những năm trước 1945 là những ngày đói cơm, lạt muối. Tuổi thơ của Lượng chỉ có đói rét, đòn roi và chưa một lần nhìn thấy mặt chữ. Nhà nghèo đến nỗi không có tiền mua muối nên không ít lần cậu phải lội bộ 7-8 cây số trong đêm tối ra biển để múc nước biển về nấu ăn cho đỡ… nhạt miệng.

Đêm đêm, dưới mái nhà tranh xác xơ, Lượng hóng nghe những câu chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật từ người lớn trong làng. Mùa thu 1945, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sôi sục khắp vùng. Chỉ mới chớm tuổi 15, cậu đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ thanh-thiếu niên cứu quốc Đa Hòa, bấy giờ thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang.

Tháng 5 năm 1947, Lượng tham gia thành lập Đại đội Dân quân địa phương. Hơn 5 năm chiến đấu đánh giặc giữ làng, đơn vị đã trở thành niềm tự hào của nhân dân vùng tây bắc Hòa Vang, làm nên những chiến công vang dội như các trận phục kích đánh mìn trên quốc lộ 1A và đoạn đường xe lửa Đà Nẵng - Huế, chặn đánh các trận càn của Pháp ở thôn Trường Định… khiến giặc sợ khiếp vía.

Như để minh chứng cho lời kể của mình, ông ngâm nga: “Dòng sông Trường Định xanh rì/ Nhiều tên lính Pháp có đi không về…”. Câu ca do chính ông sáng tác trong niềm vui chiến thắng như chở cả quá khứ hào hùng về với một ngày mưa rả rích trong câu chuyện một già, một trẻ trong sáng hôm ấy.

Năm 1952, khi Đại đội Dân quân tập trung giải tán, thanh niên Lượng bấy giờ mang tên mới là Hồ Phúc Ngôn cùng một số người khác tham gia bộ đội, được biên chế vào Đại đội 68 thuộc Huyện đội Hòa Vang. Một thời gian sau, cấp trên rút về bổ sung vào Đội Đặc công 11 Đà Nẵng. Từ đó, những cái tên như đồn Mân Thái, Cổ Mân, Mỹ Khê, đồn Rờ Ni, cầu Đờ Lát, cứ điểm Bồ Bồ… mãi mãi là những đóa hoa chiến công mà tuổi trẻ thế hệ các ông dâng lên quê hương xứ sở.

Năm 1954, ông tạm biệt quê nhà tập kết ra Bắc. Hai năm sau, đơn vị ông được lệnh về miền Nam chiến đấu, gọi là Đội Đặc công Nam tiến. Thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ nhưng đối với người lính đặc công đã đi qua hai cuộc kháng chiến thì ký ức về những năm tháng đánh giặc luôn là những đóa hoa không bao giờ úa tàn. Nhắm mắt lại là ông nhớ đến những ngày luồn rừng, vượt suối, phơi mình trên bãi cỏ tranh giữa trời mưa gió lạnh thấu xương để làm nhiệm vụ trinh sát các cứ điểm A Ró, Ga Lâu, Bót Xít thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam - Đà Nẵng vào những năm 1960...

Câu chuyện mỗi lúc càng cuốn hút hơn cùng nụ cười sảng khoái của người lính già có tuổi đời đã vượt xa cái ngưỡng “xưa nay hiếm”.

Đối với ông và đồng đội, mảnh đất bên tê sông Cu Đê như Trường Định, Nam Yên, Phò Nam… đã từng là nỗi thương nhớ không nguôi trong những năm bom đạn ác liệt. Đêm đêm trong giấc ngủ thời bình, thỉnh thoảng ông vẫn mơ thấy những ngày lặn lội từ sông Voi ở Đông Giang về núi Ba Viên ém quân để đánh đồn Phò Nam-một cái gai ngăn cách giữa nhân dân vùng tây bắc Hòa Vang với cách mạng. Chiến thắng Phò Nam mở đầu cho giai đoạn “Tiến về đồng bằng ta giải phóng thành đô” của quân dân đất Quảng.

Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (thứ hai, phải sang), cùng các cựu binh Tiểu đoàn 487 Đặc công về thăm chiến trường xưa Trường Định. Ảnh:  NHƯ HẠNH
Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (thứ hai, phải sang), cùng các cựu binh Tiểu đoàn 487 Đặc công về thăm chiến trường xưa Trường Định. Ảnh: NHƯ HẠNH

Ngày tổ chức mừng chiến thắng, cả đơn vị không ai nói về chiến công mà chỉ toàn bàn về tấm lòng của đồng bào đối với cách mạng. Đó là tấm lòng của người mẹ, người chị, người anh... đồng bào Cơ tu ở Lồ Ô, Tà Lang, Giàn Bí… đã không ngại gùi đạn luồn rừng vượt suối, nhịn cơm nuôi cán bộ, bộ đội trong những ngày hành quân đánh giặc. Đóa hoa chiến công ấy phải thuộc về nhân dân mới đúng lẽ ở đời…
Tháng 3 năm 1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ chính thức đặt chân lên Đà Nẵng. Đó cũng là lúc Tiểu đoàn Đặc công 489 được thành lập với nhiệm vụ phụ trách hậu cứ, chuyên trách đánh sân bay, bến cảng, kho hàng, trận địa tên lửa pháo binh của địch. Với cương vị là Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 489, sau này tách ra thành Tiểu đoàn 487, người anh hùng Hồ Phúc Ngôn đã cùng đồng đội “xuất quỷ nhập thần” trên các cứ điểm khiến địch khiếp vía như trận địa pháo Thanh Vinh, đồn Phú Lộc, diệt tiểu đội biệt kích Mỹ ở khe Răm, phía bắc sông Cu Đê… Rồi sau đó tập kích đại đội pháo binh Mỹ đóng tại phía bắc đèo Ông Gấm (Hòa Sơn, Hòa Vang), cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 như một bản hợp ca hùng tráng của nhân dân miền Nam…

Trí nhớ của người lính già trước ngưỡng cửu tuần thật phi thường. Bao nhiêu tên đất, tên người, việc xảy ra năm nào xa lắc ông đều nhớ vanh vách. Ông bảo, làm sao mà quên được khi mỗi chuyện đều gắn đến máu xương của đồng bào, đồng đội…

Đám cưới giữa rừng

Cuộc đời binh nghiệp của ông lừng lẫy là vậy, nhưng hạnh phúc lứa đôi lại trắc trở khôn lường.
Đám cưới đầu tiên trong đời, ông không được làm chú rể. Chuyện là những ngày hoạt động du kích ông có đem lòng thương thầm cô bạn hàng xóm… Năm 1954, trước khi tập kết ra Bắc, ông nhận phép về thăm nhà thì gặp lại người con gái năm xưa. Ông định ngỏ lời thì được cô gái cho biết ở nhà, gia đình đã tổ chức cưới cho ông và cô ấy… Vui mừng chưa kịp nói nên lời, ông chỉ có vẻn vẹn 30 phút bên nhau rồi tạm biệt ra đi. Vốn dĩ chiến tranh không nói trước được điều gì, 4 năm sau, từ chiến trường, ông nhận được tin dữ: vợ ông qua đời vì bạo bệnh mà không nắm tay chồng lần cuối…

Mối tình thứ hai của ông là với một cô du kích. Chuyện bắt đầu từ những ngày lặn lội công tác phong trào cùng Huyện ủy Hòa Vang. Nhiệm vụ của bộ đội đặc công là phối hợp xây dựng cơ sở ở vùng trung du và ven đô để phục vụ chiến đấu. Một lần trên đường công tác xuống đồng bằng, ông gặp lại cô du kích đã dẫn đường đơn vị mình đêm trước đó. Chiến tranh đã làm cho ông phải biệt ly với người vợ thứ nhất nhưng lại đưa đẩy cho ông đến với người vợ thứ hai. Ông ngỏ lời cầu hôn giữa khói súng vừa tan của trận chiến và bà gật đầu…

Đám cưới diễn ra giữa rừng. Không quà, không rước dâu, không ồn ào nghi lễ. Chỉ hai vợ chồng và 7 đồng đội của hai cơ quan, đơn vị với ấm trà, bao thuốc lá, gói kẹo vừng… và lời chúc mừng sắt son, bền chặt. Ngày 16-3-1965, bà sinh con gái đầu lòng trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Con tròn một tuổi phải gửi về nội nuôi dưỡng để cha mẹ yên tâm công tác.

“Vợ tôi trở lại chiến trường với nhiệm vụ của một y tá. Vợ chồng tuy công tác ở cùng chiến trường Hòa Vang nhưng dễ gì gặp mặt nhau. Năm 1967, trong khi vượt sông Trường Định, đột kích đồn Quan Nam lấy gạo giữa vòng vây quân thù thì được nghe tin vợ cùng đoàn quân y bị giặc phục kích. Vợ tôi mất khi mang thai đứa con thứ hai được 4 tháng. Hai vành tang trắng ngút trời...”, người lính già nghẹn ngào nhớ lại.

Cơn mưa vẫn chưa thôi rả rích bên hiên nhà. Ký ức xa xăm, ký ức buồn đau khiến giọng ông chùng xuống: “Tôi lao vào chiến đấu và tưởng chừng như không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương. Vậy mà…”.

Chính chiến tranh đã cướp mất của ông hai người vợ và một đứa con. Nhưng rồi chiến tranh, chừng như thử thách ông lần nữa chăng, khi mang đến cho ông người phụ nữ thứ ba, người đã lấp đầy khoảng trống cô đơn và đem đến cho ông hạnh phúc vững bền đến tận bây giờ.

Năm 1974, không khí giải phóng miền Nam rộn ràng trên khắp ngả đường quê hương. Khi công tác ở quận Nhì, ông đã quen với cô nữ biệt động thành Bùi Thị Tánh, quê ở Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp. Tình đồng đội, đồng hương đã làm men tình yêu sóng sánh. Ngày gần chiến thắng, ông quyết định tổ chức đám cưới tại chiến khu cánh bắc Hòa Vang…

Giờ cả hai tóc đã pha sương, ngồi lại bên nhau, cùng uống chén trà giữa ngày đông lạnh mà ôn chuyện cũ. Mỗi lần đến chi tiết nào không nhớ ông lại quay sang bà hỏi: Bà có nhớ hồi đó… như thế này, như thế kia... Thế là bà lại thay ông kể tiếp câu chuyện. Có cảm giác như cuộc đời của hai người đã hòa làm một từ sau cái đám cưới nhà binh vừa dã chiến vừa thi vị. Giữa đêm trăng núi rừng quê hương Hòa Bắc phảng phất mùi hoa dại, cô dâu mặc áo pô-pơ-lin màu đất, quần lụa đen, chú rể mặc quân phục, họ hàng là đồng đội hai bên… Đêm ấy cả đơn vị liên hoan bên nồi cháo vịt. Đêm tân hôn ngọt ngào trong cái lán chung của toàn đơn vị. Phòng cô dâu chú rể được ngăn bằng tấm vải xanh màu lính. Chỉ vậy thôi mà sống với nhau đến ngày bạc đầu…

Ông Hồ Phúc Ngôn (giữa) trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng trong đợt làm phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Mỹ đổ bộ Đà Nẵng.
Ông Hồ Phúc Ngôn (giữa) trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng trong đợt làm phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Mỹ đổ bộ Đà Nẵng.

Cánh rừng Hòa Bắc cũng là nơi đứa con của ông bà ra đời trong căn hầm nhỏ, cắt rốn bằng chiếc giằng cắt lúa. Sau đó bà đưa con về ngoại nuôi, nói là xin đứa nhỏ ngoài Huế về nuôi để che mắt địch.
Khi được hỏi vì sao bà lại nhận lời lấy ông khi tuổi của hai người chênh nhau gần hai mươi và thậm chí ông đã hai lần đò, bà cười, nụ cười rất duyên thời con gái vẫn còn đâu đó trên khuôn mặt phúc hậu: “Tuy ảnh lớn tuổi, nhưng chiến đấu dũng cảm lắm, cả đơn vị ai cũng khâm phục…”. Rồi bà quay qua ông liếc cười: “Ảnh đa tài lắm, hát hay, đàn giỏi, đá banh, bóng chuyền… chi cũng biết. Lại còn viết truyện, làm thơ… phục vụ cho công tác tuyên truyền, phát thanh nữa. Nhiều cô ngưỡng mộ lắm!”.

Cha ông mình bảo mỗi người sướng vui đều do số phận. Có phải vì tại số phận hay không mà ông ba lần đò và mãi đến lần thứ ba ông mới cầm chắc hạnh phúc trong tay. Tuy mỗi người đến với ông trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng thảy đều hy sinh vì ông. Họ chính là phần đời, là máu thịt của ông, cùng góp phần nâng người lính trong ông lên tầm vóc anh hùng: Tháng 8-2014, ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông đặt ly trà xuống, giọng đầy tâm huyết: “Bây giờ, tuy chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, nhưng trái tim tôi không thể quên được tấm lòng nhân dân đã giúp đỡ bản thân cũng như đơn vị đi đến trọn vẹn cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.

Anh dũng và thủy chung, phải chăng đó chính là điều làm nên tầm vóc của người anh hùng…

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.