“Sau mỗi ngôi mộ đều có một khuôn mặt” là tít phụ một bài báo, do nhà báo Christine Faure tường thuật, có tựa đề “75 năm sau cả nhà họ Lê mới hoàn tụ” đăng trên tạp chí cuối tuần Ardèche (Pháp) số 6 ngày 20-7-2017, kể lại hành trình của ông Lê Hoàn Nam đi tìm mộ phần ông nội - cụ Lê Cao Phan, một trong những người lính thợ Đông Dương bị bắt sang Pháp để phục vụ Thế chiến thứ hai, mất ở thị trấn La Voulte năm 1945. Hơn 70 năm yên nghỉ trên đất Pháp, cụ Lê Cao Phan đã được về trong vòng tay con cháu ở quê nhà huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Hoàn Nam kể lại hành trình trên đất Pháp để đưa di cốt ông nội trở về đất mẹ. Ông nhận được sự giúp đỡ của nhiều người Pháp gốc Việt làm việc tại Đại sứ quán Pháp… |
Ông Lê Hoàn Nam hiện sống tại địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), năm nay đã ngoài 60 tuổi, từng là thầy giáo, sau đó tham gia quân ngũ, rồi công tác trong ngành hải quan cho đến lúc nghỉ hưu. Nghe câu chuyện ông Nam đi tìm mộ ông nội, nghĩ đến cái tên “Hoàn Nam”, tôi liên tưởng cha ông đặt cái tên này có phải như đặt lên ông trọng trách, nghĩa vụ đạo lý mà ông phải thực hiện bằng được, đó là tìm và đưa di cốt ông nội trở về quê hương. Giờ đây, ước nguyện ấy đã thành hiện thực.
“Năm 2000, cha tôi mất. Trước khi mất, ông dặn dò tôi bất kỳ giá nào cũng phải tìm và đưa di cốt của ông nội, tức cụ Lê Cao Phan, trở về quê. Nhưng gần 10 năm sau, tôi mới có thể tìm kiếm quyết liệt; gần 5 năm nữa mới có manh mối để đến được mộ phần của ông nội ở miền trung nước Pháp. Rồi 2 năm nữa, qua nhiều thủ tục và những vấn đề liên quan khác, gia đình tôi mới đưa được di cốt của ông hồi xứ. Giờ thì trọn vẹn, thỏa nguyện rồi”, ông Nam tâm sự.
Năm 1985, một người bạn của cụ Phan báo với gia đình ông Nam rằng, cụ Phan đã qua đời ở miền trung nước Pháp vào năm 1945. Nhưng vì tên gọi thị trấn nơi cụ Phan mất chưa được xác định rõ nên gia đình ông Nam không thể tìm kiếm.
Mãi sau này, ông Nam tiếp cận được nhà sử học Liêm Khê Laguern (Việt kiều Pháp) qua tác phẩm “Những người lính thợ” (Nhà xuất bản Đà Nẵng), nghiên cứu về những người lính thợ Đông Dương bị bắt sang Pháp để phục vụ Thế chiến thứ hai.
Qua bà Liêm Khê, ông Nam tiếp cận được ông Joel Phạm, người lập trang travailleurs-Indochinois.org chuyên tìm kiếm, thu thập hài cốt những người lính thợ, lính công binh Đông Dương. “Khi tham khảo những thông tin trên trang web của Joel Phạm, tôi gửi thư điện tử (email) nhờ ông ấy tìm kiếm trong khu mộ người Đông Dương có ai tên Lê Cao Phan. Joel Phạm đã gửi bức ảnh bia mộ của ông nội tôi, họ tên, năm sinh, năm mất, rất rõ ràng, cụ thể. Cảm giác lúc đó của tôi thật không thể tả được. Hạnh phúc quá đỗi, thiêng liêng quá đỗi!”, ông Nam kể.
Nhưng phải mất 2 năm nữa ông Nam mới đưa được di cốt ông nội từ Pháp về Việt Nam. “Mặc dù đã biết mộ phần ông nội chắc chắn nằm đó, nhưng niềm vui mới chỉ một phân nửa nếu không thể đưa ông hồi xứ.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trấn La Voulte, từ quá khứ đến hiện tại, về khí hậu, địa chất, đến cả phong tục, tập quán chôn cất ở họ. Từ đó, tôi có căn cứ để khẳng định, di cốt của ông nội vẫn còn. Hành trình gửi hồ sơ đến Đại sứ quán Pháp để xin thủ tục cũng như các vấn đề liên quan là chặng đường gian nan. Nhưng trong quá trình ấy, tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ”, ông Nam nói.
Tháng 7-2017, ông Nam cùng em gái qua Pháp, đến thành phố Marseille, rồi đến La Voulte, đến khu mộ người Đông Dương trên một ngọn đồi nhỏ (có 10 ngôi mộ là người Đông Dương với tên họ, năm sinh, năm mất đầy đủ). Dù lần đầu qua Pháp, đến thị trấn nhỏ La Voulte nhưng ông Nam dường như đã quen thuộc khu vực này. Ông đi thẳng lên khu mộ, đến ngôi mộ của ông nội mình rồi bật khóc.
“Tôi thắp hương cho ông, cho các bác đồng hương của ông đang nằm tại đây. Tôi ghi lại thông tin trên bia mộ các bác ấy, hứa trước vong linh ông và các bác rằng sẽ tìm và báo lại với gia đình các bác để khi có điều kiện, con cháu sẽ đưa các bác hồi xứ”, ông Nam kể.
Bài báo “75 năm sau cả nhà họ Lê mới hoàn tụ” được đăng trên Tạp chí cuối tuần Ardèche (Pháp), số 6 ngày 20-7-2017 của tác giả Christine Faure. |
Bây giờ, mộ cụ Phan đã yên vị tại quê nhà ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) bên cạnh những người thân tộc. Ông Nam cũng đã tìm, liên hệ với hầu hết thân nhân của 9 ngôi mộ tại thị trấn La Voulte. Xin trích một đoạn trong bài viết của nhà báo Christine Faure:
“Từ ngày 17-7-2017, thị trấn La Voulte đã khám phá ra họ có câu chuyện liên hệ với nước Việt Nam mà họ không ngờ. Cư dân đều nghe đến cộng đồng người Đông Dương. Người dân La Voulte đều tưởng nhớ đến tai nạn xảy ra năm 1945 khi bùn từ hòn núi đổ xuống và chôn vùi dãy nhà họ ở. Ai nấy đều biết là những người Đông Dương chết trong tai nạn đều được chôn cất năm 1945 nhưng không ai ngờ rất xa nước Pháp cũng có một gia đình đang khóc và mong chờ từ rất lâu! Không ai có thể hình dung là sau mỗi một ngôi mộ đó có một khuôn mặt.
Nay bà Corinne Arnaud, nhân viên hành chính hy vọng sẽ có nhiều gia đình khác liên lạc với thị chính để tìm lại thi hài cha ông họ. Từ nay trở đi, không ai nhìn các ngôi mộ đó như xưa nữa vì không là người lạ mặt nữa, cũng là nhờ con cháu nội cụ Lê Cao Phan”.
Chia tay ông Nam, ông chỉ nhắn tôi rằng, nếu được, trong bài viết hãy ghi số điện thoại của ông (0983496275) để những người con cháu của các bác đang yên nghỉ ở thị trấn La Voulte, kể cả những nơi khác trong đoàn lính thợ Đông Dương sang Pháp năm 1939, có thể lần tìm người thân của mình thuận lợi hơn…
Năm 1939, khi Thế chiến thứ hai nổ ra, cụ Lê Cao Phan (1885-1945), là một trong số 2 vạn lính công binh (khố xanh) của Việt Nam bị thực dân Pháp điều sang làm việc trong các công xưởng vũ khí của Pháp để phục vụ chiến tranh chống phát-xít Đức. Sau khi chiến tranh kết thúc, cụ Phan làm việc trong một nhà máy dệt tại thị trấn La Voulte. Năm 1945, trong trận lở đất vùi lấp khu nhà ở của xưởng dệt tại thị trấn này, cụ Phan qua đời và được người dân địa phương chôn cất cùng 9 người đồng hương tại một khu mộ trên đồi trong thị trấn. Ông Joel Phạm - người lập trang travailleurs-Indochinois.org chuyên tìm kiếm, thu thập hài cốt những người lính thợ, lính công binh Đông Dương - là con của một người lính thợ Đông Dương trong số 20.000 người qua Pháp năm 1939 (mẹ ông Joel Phạm là người Pháp). Sau khi kết nối để tìm lại mộ ông nội cho ông Nam, ông Joel Phạm cũng đã được ông Nam kết nối, tìm ra gia đình của cha mình tại tỉnh Quảng Ngãi. Liên quan đến 20.000 lính công binh người Việt bị buộc sang Pháp năm 1939, có nhiều tư liệu công bố về số phận cũng như cuộc đời của họ để thấy một trang sử không bị lãng quên, cũng như thân phận nằm giữa hai lằn ranh sáng tối của lịch sử. Như cuốn sách nghiên cứu của nhà sử học Liêm Khê có tựa đề “Những người lính thợ”, hay bộ phim tài liệu “Công binh - Đêm dài Đông Dương” của nhà làm phim, đạo diễn Việt kiểu Pháp Lê Lâm (công chiếu tại Hà Nội năm 2016). |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY