Phóng sự - ký sự
Vùng xanh trên bản đồ thành phố
Giữa đại dịch, được công nhận “vùng xanh” là mong muốn, mục tiêu chung trong mọi nỗ lực của người dân cũng như chính quyền các địa phương và toàn thành phố.
Huyện Hòa Vang hiện còn 2 xã Hòa Sơn (1) và Hòa Châu (2) chưa “vùng xanh”. (Nguồn: UBND huyện Hòa Vang) |
Cấp cứu trong vùng chưa... xanh
Ngày 5-9 vừa qua, mới 4 giờ sáng, điện thoại di động của Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Bùi Quốc Bình đổ chuông. Số lạ. Chắc là có chuyện chi gấp đây. Nghĩ vậy, ông Bình bấm máy, một giọng nói thảng thốt đầu dây bên kia báo có người nhà là ông Lê Văn T. ở thôn Quá Giáng 1 bị lên cơn đau tim, thở không nổi. Người này nói nhà có ô-tô, đề nghị xã cấp giấy đi đường để thông chốt đưa ông đi cấp cứu.
Ông Bình hỏi các thông tin về nhân thân ông T. như tuổi tác, số CMND, tình trạng bệnh tật... rồi cho cán bộ làm gấp một đơn xin đi cấp cứu đứng tên ông T., trong đó có cả tên tài xế và số biển kiểm soát ô-tô. Xong xuôi, ông Bình ký tên đóng dấu duyệt cho phép rồi nhờ lực lượng dân quân tức tốc tới nhà đưa đơn để ông T. ký vào và lên xe đi Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ cấp cứu.
4 ngày trước đó, tầm 3 giờ chiều ông Bình nhận tin một sản phụ ở Xóm Mới, thôn Miếu Bông, có biểu hiện chuyển dạ. Các thủ tục giấy tờ cấp cho người nhà sản phụ để được thông chốt cũng đã được tiến hành như trường hợp ông T. “Cứu người như cứu hỏa, trong đại dịch càng cấp bách hơn. Chúng tôi phải linh hoạt, tinh giản gọn nhẹ các thủ tục như thế mới tức tốc đưa người đi cấp cứu được”, ông Bình giải thích.
Khi cả thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, việc người dân ốm đau, cấp cứu luôn được các địa phương ưu tiên giải quyết. Bà Nguyễn Thị S. (SN 1969) ở tổ 7 thôn La Bông, xã Hòa Tiến, có tiền sử tai biến mạch máu não 2 năm trước. Vừa rồi, bà đột nhiên tăng huyết áp, có biểu hiện tai biến lần 2. Bà Đinh Thị Kim Thông, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tiến cho biết, khi người nhà gọi điện đến kêu cứu, Trạm đã cử nhân viên y tế đến xử lý thuốc, gọi Cấp cứu 115, làm giấy chuyển ngay bệnh nhân đi Bệnh viện Đà Nẵng.
Ở tổ 8 gần đó có bà Lê Thị T. (SN 1967) cũng lên cơn tăng huyết áp. Nhân viên y tế của trạm đến nhà xử lý thuốc, tư vấn bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người bị bệnh này. Hiện sức khỏe bà T. đã ổn định, tiếp tục điều trị tại nhà, không phải đi bệnh viện. “Bà T. là bệnh nhân có hồ sơ bệnh án được quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm nên được nhân viên y tế xã và y tế thôn điện thoại hỏi thăm sức khỏe trong tình hình dịch. Nếu không có dịch thì trạm sẽ thực hiện chăm sóc theo nguyên lý y học gia đình. Một số người bệnh không lây nhiễm khác được khám bệnh trực tuyến”, bà Thông cho biết.
Nghe các ca cấp cứu nói trên, phóng viên Công Chiến ở Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang góp lời: Đi viện còn đỡ, chứ biến nhà thành cái bệnh viện thì mới gay go hung!
Đó là trường hợp sản phụ Trần Thị T.T. ở thôn An Sơn, xã Hòa Ninh. Nửa khuya ngày 26-8 vừa qua, chị T. chuyển dạ, có dấu hiệu sinh tại chỗ. Chồng chị gọi điện lên xã cầu cứu. Chưa đầy 30 phút sau, trạm trưởng Trạm y tế xã, cảnh sát khu vực Công an xã, xã đội trưởng Xã đội Hòa Ninh đã có mặt tại nhà sản phụ. Không ai bảo ai, mỗi người một việc dưới sự chủ công của trạm trưởng Trạm Y tế, tầm 1 tiếng đồng hồ sau, ca đỡ đẻ bất đắc dĩ tại “nhà hộ sinh gia đình” đã thành công. Còn hạnh phúc nào hơn thế, anh chồng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những con người không ngại gian khó, vượt qua quãng đường dài hơn 10 cây số giữa đêm khuya để giúp vợ mình vượt cạn thành công.
Chốt kiểm soát xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) huy động nhiều lực lượng tham gia quyết bảo vệ vùng xanh. Ảnh: CTV |
Quyết lên… xanh
Giữa lúc toàn thành phố đang căng mình thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch, một tin vui đến với hai xã Hòa Bắc và Hòa Ninh vào chiều 25-8, khi bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, theo đánh giá của các địa phương, Hòa Bắc và Hòa Ninh là 2 xã “vùng xanh” duy nhất trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm đó.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, địa phương nằm ở địa đầu tây bắc thành phố này đã thiết lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh ngay từ những ngày đầu tiên bùng phát Covid-19 đợt thứ tư. Hai chốt quan trọng nhất được thiết lập tại đường ADB5 và đường ĐT601 giáp ranh với thôn Trường Định, xã Hòa Liên; do lực lượng Công an xã chủ công cùng với các lực lượng y tế, Đoàn thanh niên, Dân quân thường trực và Ban nhân dân thôn phối hợp tham gia. Công tác tuần tra khép kín địa bàn được thực hiện 24/24 giờ, cương quyết không cho virus SARS-CoV-2 chui lọt vào địa bàn xã.
Với Hòa Ninh thì rất tiếc, chỉ sau 5 ngày “xanh” theo thông báo của CDC Đà Nẵng, địa phương đã bị “rớt hạng” bởi một ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng chưa xác định rõ nguồn lây ở thôn Đông Sơn sau khi lấy mẫu xét nghiệm toàn dân. Đến sáng 13-9, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh vui vẻ cho biết, địa phương đã qua 14 ngày liên tục không có ca nhiễm mới, xã đang làm thủ tục đề nghị UBND huyện công nhận Hòa Ninh lên lại “vùng xanh”.
Được công nhận “vùng xanh” ai mà không mơ ước. Bởi lẽ ở “vùng xanh”, theo quy định của thành phố, người dân được thực hiện các hoạt động tương đối “dễ thở” hơn so với “vùng vàng”.
Thế nhưng đối với xã Hòa Tiến, Chủ tịch UBND xã Ngô Ngọc Trúc cho biết, vừa rồi địa phương công bố đủ điều kiện “thăng hạng” lên “vùng vàng” chậm lại vài ngày cho “chắc ăn”. Chuyện là, lẽ ra đến ngày 31-8 là Hòa Tiến đã đủ 14 ngày liên tục không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhưng qua ngày hôm sau, 1-9, là tới lịch lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn xã. Để cho chắc, Hòa Tiến quyết định lùi lại thời điểm đề nghị UBND huyện xét công nhận xã thành “vùng xanh”. Và quả vậy, sáng 2-9, có kết quả âm tính toàn bộ đại diện hộ gia đình cả xã. Đó là một ngày cực vui đối với cán bộ và nhân dân xã Hòa Tiến: vừa mừng Quốc khánh, vừa vui được “lên xanh”.
Tính đến trưa ngày 14-9, thành phố Đà Nẵng có 28/56 phường, xã trên địa bàn thành phố được công nhận là “vùng xanh”. Riêng huyện Hòa Vang có 9 xã đã “xanh”, hai xã Hòa Châu và Hòa Sơn vẫn còn “vàng”.
Ông Trần Xữ, hiện ở tổ dân cư số 2 thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, từng là Trưởng đài Truyền thanh Hòa Châu, giờ là cộng tác viên duy nhất của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Hằng ngày anh em ở xã gửi báo cáo tình hình dịch bệnh qua Zalo để ông viết tin, làm phỏng vấn thu thanh để phát trên đài xã, đài huyện. Xã Hòa Châu, nếu không có hai ca dương tính mới ở thôn Cẩm Nam - nơi có chung cư, nhà trọ, nhà liền kề phức tạp - thì ngày 16-9 đã đủ 14 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Xã Hòa Sơn đang “xanh” thì đùng một phát, có một tài xế về nhà, xét nghiệm mắc Covid-19 làm lây cho 5 người nữa, gồm vợ con và hàng xóm. Sự việc diễn ra vào ngày “song cửu” 9-9 khiến Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương tiếc nuối: “Theo quy định, lái xe đường dài phải cách ly tập trung hoặc 3 tại chỗ, không được về nhà. Đằng này công ty cấp giấy cho ông này về nhà làm ảnh hưởng đến địa phương. Nếu không có gì thay đổi thì tới 23-9, Hòa Sơn mới lấy lại vị trí “vùng xanh”.
Nói đến Hòa Vang là nhiều người nhớ đến câu nói của Bác Hồ với một cán bộ Hòa Vang năm xưa: “Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của Tổ quốc!”. Giờ nghe tin Ngũ Hành Sơn trở thành “quận xanh” đầu tiên của Đà Nẵng, ông Trần Văn Trường, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, đưa lên Zalo tấm bản đồ mức độ nguy cơ huyện Hòa Vang (đến 9 giờ ngày 14-9-2021) còn sót lại hai điểm vàng với lời động viên: Hòa Vang còn tí nữa, cố gắng lên bà con nhé. Để Hòa Vang sớm trở thành một vùng xanh trên bản đồ thành phố…
THÀNH LÊ - NHƯ HẠNH