Phóng sự - ký sự

Phía ngàn, người vùng cao chờ... du khách

14:13, 25/12/2021 (GMT+7)

Ánh nắng cuối đông rơi rớt đánh thức chúng tôi sau một đêm ngủ sâu ở chòi duông giữa rừng. Pơloong Plênh, một người bạn đồng hành, cũng là chủ nhân của chòi duông độc đáo này khẽ nói, lần đầu tiên sau dịch bệnh bùng phát, anh mới có cơ hội đón khách ghé thăm...

Trong định hướng của huyện Tây Giang, khi cuộc sống trở lại “bình thường mới”, văn hóa cộng đồng sẽ được lựa chọn để tạo hấp lực cho du khách. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN
Trong định hướng của huyện Tây Giang, khi cuộc sống trở lại “bình thường mới”, văn hóa cộng đồng sẽ được lựa chọn để tạo hấp lực cho du khách. Ảnh: KHÁNH NGUYÊN

Pơloong Plênh nói với tôi, đã rất lâu, nơi đây vắng đi những người bạn ngoại quốc, các nhà thám hiểm thích khám phá đại ngàn. Cũng bởi dịch bệnh và thiên tai, những bước chân về với núi trở nên thưa dần. Ở vùng cao Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) - địa phương phía tây giáp biên giới Lào, Pơloong Plênh (cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tây Giang) được biết đến với vai trò là người kết nối, đưa ra ý tưởng độc đáo về du lịch trải nghiệm, khá phá văn hóa đồng bào Cơ tu. Vài năm trước, khi Covid-19 chưa xuất hiện, từ việc kết nối của mình, Pơloong Plênh kêu gọi du khách tìm đến khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa làng Cơ tu, đón du khách trong các homestay, phục vụ ẩm thực đầy thú vị và ấn tượng.

Như cánh chim mồ côi

Buổi sáng hôm đó, chúng tôi quây quần bên nhau trong bữa cơm đậm chất truyền thống dưới chòi duông của làng Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang). Lá chuối, lá vả tươi trở thành vật dụng thay thế chén, dĩa, mâm. Pơloong Plênh nói, đó là cách mà anh chọn để “sống với thiên nhiên”, với những cung bậc cảm xúc cũ về nếp sống cha ông ngày trước. Không quá cầu kỳ nhưng cũng đủ để du khách cảm nhận một sự trải nghiệm đầy lạ lẫm giữa không gian tự nhiên của mẹ rừng. Nơi này, không có sóng điện thoại, không điện lưới. Chúng tôi đi, bỏ lại sau lưng những ồn ào của nhịp sống thường nhật. Về với núi, như cách chia sẻ hồn hậu của chủ nhân các “bữa tiệc” trong những lần du lịch trải nghiệm.

“Mình làm, bởi muốn níu giữ những gì tự nhiên nhất, muốn khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời nhất của ông cha - những người đã khai sinh làng Cơ tu ngày trước. Đó cũng là cách để quảng bá, giới thiệu và hình thành các tour du lịch “thuần tự nhiên” được du khách ưa chuộng”, Ploong Plênh tâm sự.

Câu chuyện của Pơloong Plênh bắt nguồn từ sở thích cá nhân, cũng như xu hướng của du khách mỗi khi đặt chân đến Tây Giang. Từ những gì đơn giản nhất, dân dã nhất được Pơloong Plênh đưa vào sản phẩm du lịch cộng đồng như một cách “ôn lại truyền thống”, nào ngờ lại nhanh chóng trở thành thú vui độc đáo, thu hút rất nhiều du khách trải nghiệm. Thời điểm trước khi có dịch bệnh, gươl, moong (nhà sinh hoạt cộng đồng Cơ tu); chòi duông, hay thác nước… đều nằm trong danh sách “đặt hàng” của khách mỗi khi về với non ngàn.

Nhưng, Pơloong Plênh nói, đã tròn 2 năm, anh không đón được vị khách nào. Dịch bệnh lan nhanh, việc kết nối không thể có kết quả. “Dịch mà, có ai dám mạo hiểm đi lại đâu. Chỉ tội cho những dự án du lịch ở miền núi chỉ vừa mới hình thành nay đã có dấu hiệu phai tàn. Nên cũng buồn lắm”, Pơloong Plênh ngậm ngùi.

Giữa câu chuyện tạm lắng, Pơloong Plênh với cây đàn ra đánh khúc nhạc dân ca Cơ tu. Phía xa, một con chim giật mình bay vội. Pơloong Plênh cười hiền, mắt hướng về phía đồng lúa nước trước mặt, nói với tôi, những lúc buồn anh hay lang thang đến chòi duông này để “tìm lại ký ức”. Vì thế, anh ví câu chuyện du lịch ở miền núi bây giờ như cánh chim mồ côi nên đang từng ngày quyết tâm gìn giữ để chờ đến ngày dịch bệnh được khống chế, lại đón bước chân du khách tìm về.

Pơloong Plênh (thứ 4, từ trái qua) trong một dịp đưa đoàn du khách tham quan quần thể pơmu trước đây. Ảnh: NVCC
Pơloong Plênh (thứ 4, từ trái qua) trong một dịp đưa đoàn du khách tham quan quần thể pơmu trước đây. Ảnh: NVCC

Những bừng thức đợi chờ

Tôi theo chân Pơloong Plênh tìm đến gươl của làng Pơr’ning. Dân làng hối hả cho công việc dựng lợp mái, chuẩn bị cho Tết. Trưởng thôn Bh’ling Phát nói, ngoài mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống, gươl này cũng là để chờ đợi du khách. Vài năm trước, lúc “giặc Covid” chưa xuất hiện, gần như tuần nào người dân ở làng Pơr’ning đều đón du khách. Chính xác là sau những cuộc kết nối của Pơloong Plênh. “Anh Pơloong Plênh nảy ra ý tưởng tận dụng không gian nhà sàn truyền thống của dân làng để nâng cấp thành các khu lưu trú homestay, vừa có nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách, vừa góp thêm thu nhập cho đồng bào địa phương.

Sau nhiều năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng ở làng Pơr’ning đã đón hàng nghìn lượt du khách ghé thăm và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ tu trên dãy Đông Trường Sơn huyền thoại”, ông Bh’ling Phát tâm sự.

Gươl mới đã hoàn thành, làng Pơr’ning chuẩn bị đón Tết. Pơloong Plênh mong mỏi và chờ đợi năm nay sẽ có cơ hội đón chân du khách thăm làng. Vì thế, anh chuẩn bị đủ đầy không gian homestay, các điểm tham quan khám phá kiến trú nhà làng, khu rừng sinh thái giữa rừng già… “Chỉ để chờ khách. Tây Giang và cả mình nữa, không thể thiếu du khách. Bởi họ chính là những “sứ giả” truyền tải nhanh nhất và có hiệu quả nhất những hình ảnh về mảnh đất, con người vùng cao. Và hơn cả, những người làm du lịch như chúng tôi, du khách chính là sự chờ đợi để bừng thức, để cùng lan tỏa những giá trị cộng đồng đến với mọi nơi”, Pơloong Plênh nói.

Dặm dài theo câu chuyện của Pơloong Plênh, tôi có cảm giác, chừng như anh rất tin tưởng và kỳ vọng vào những đổi thay từ phát triển du lịch của địa phương. Bởi theo Plênh, ở Quảng Nam không có địa phương miền núi nào lại giàu tiềm năng về phát triển du lịch hơn Tây Giang. Không chỉ có có nhiều thác nước đẹp, trải dọc các xã từ vùng cao xuống vùng thấp, Tây Giang còn tạo nên sức hút với du khách và các doanh nghiệp bởi các giá trị văn hóa truyền thống với nhiều sản phẩm đặc trưng, độc đáo. Ngoài ra, đây cũng là địa phương duy nhất bảo tồn được quần thể rừng pơmu, lim quý hiếm với hàng nghìn cây cổ thụ được công nhận là cây di sản; đặc biệt là quần thể hoa đỗ quyên, cam bản địa Ga Ry… đang dần trở thành thương hiệu mới cho Tây Giang trong câu chuyện thu hút đầu tư du lịch.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói với tôi, trong định hướng của huyện, địa phương đang mở hướng phát triển du lịch trải nghiệm gắn với sinh thái rừng. Đây được xem là hướng đi mới giúp kích cầu dịch vụ tiềm năng vốn được xem là rất nhiều lợi thế với Tây Giang và các địa phương miền núi lân cận. Bằng rất nhiều sản phẩm kết hợp, những chuyến đi-về-với-núi đang dần được hình thành và kỳ vọng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu khám phá, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Câu chuyện của ông Arất Blúi bất chợt làm tôi nhớ buổi chiều ở lại ở chòi duông của Pơloong Plênh. Hôm đó, sau trận mưa núi, màn sương lờn vờn phía thung ngàn, trông rất đẹp mắt. Bữa cơm được chiêu đãi có đủ thịt, cá và rau rừng tự nhiên.

Pơloong Plênh nói, tất cả được mang về trong chuyến rong ruổi dọc theo con nước của ngày hôm trước. Đãi khách, cách chế biến các món ẩm thực không quá cầu kỳ, phần lớn là theo phương thức truyền thống như nướng ống và các món zarắ (thịt thọc nhuyễn)… mang lại hương vị vừa lạ vừa quen như cách Pơloong Plênh muốn du khách thưởng thức, trải nghiệm.

Vùng cao mùa này, gió thổi ngược từ chân núi, cảm giác se lạnh như hơi sương ban sớm lúc chúng tôi tỉnh dậy trên chòi duông của Pơloong Plênh. Chợt miên man đến câu chuyện “du lịch xanh” ở núi, vừa chớm nở sau những nỗ lực của cộng đồng. Nhưng, niềm vui chẳng thể kéo dài bởi dịch bệnh, thiên tai. Gần 2 năm ròng, không một bóng du khách.

Những người kết nối như Pơloong Plênh, cũng ngậm ngùi theo câu chuyện thực tế. Chỉ cầu mong sớm hết dịch, bớt những đợt thiên tai hoành hành để họ lại từng ngày phục hồi mô hình “du lịch xanh” cộng đồng. Nhớ du khách, họ nói đang chờ những cuộc vui “ngày trở về”...

  KHÁNH NGUYÊN

.