Tháng Hai âm lịch, cá chuồn rộ mùa như lời hẹn ước giữa biển với người nên từ đầu đến cuối cảng cá đi đâu cũng thấy cá chuồn. Dù là loại nào thì loài cá “biết bay” này vẫn là nguồn cơn gây nghiện cho nhiều người dân xứ Quảng với lớp da óng xanh, sớ thịt chắc nịch, trắng ngần, ngọt thanh, kéo dài từ đầu xuân đến cuối hạ.
Thuyền viên tàu ĐNa 90426 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bốc cá chuồn từ hầm tàu lên cảng cá. Ảnh: N.H |
Hẹn ước giữa biển với người
3 giờ sáng, con đường Ngô Quyền vẫn còn “ngái ngủ”. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh những xô, thau, thùng... vụt hắt qua như một vệt thẫm kéo dài. Đó là những người phụ nữ đi cảng cá sớm để kịp buổi chợ mai. Chúng tôi rẽ về phía cầu Thuận Phước, cảng cá Thọ Quang dần hiện ra cùng với âm thanh sôi động của ngày làm việc mới khi đêm dần tàn và bình minh sắp ló dạng. Mùi biển tanh nồng mằn mặn chừng như thấm vào từng con người đang gánh gồng, đẩy xe… “ăn” cá từ những con tàu vừa cập cảng.
Mùa cá chuồn khá dài, bắt đầu vào cỡ tháng Hai âm lịch và đến hết mùa hè. Những người đi biển vẫn kể rằng, cứ đến mùa là cá chuồn đi từng đàn đặc cả nước. Chỉ cần nghe tiếng động của tàu từ xa, từng đàn cá đã giật mình bay là là trên mặt nước, vây xòe ra như đôi cánh khoe lớp vảy bạc lấp lánh dưới ánh mai hồng. Thỉnh thoảng, những con cá chuồn bụng kễnh nễnh đầy trứng rơi tự do đánh “uỵch” xuồng sàn tàu, đôi cánh vẫy vùng muốn bay lên nhưng nào có được, đành nằm trên sàn tàu mà nuối tiếc trời xanh biển rộng. Có thể nói đó là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà đại dương riêng tặng cho những ngư dân chí tình với biển.
Sau lưng nửa tháng lênh đênh trên biển, con tàu mang biển kiểm soát ĐNa 90426 của thuyền trưởng Hứa Châu trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã cập cảng với lượng cá chuồn gần 4 tấn. Năm nay cá chuồn được mùa nên người lưới chuồn ngoài khơi, trong lộng sẽ nặng tay với những mẻ cá tươi roi rói, còn kẻ trên bờ sẽ được thỏa thuê với mỹ vị của loài cá duy nhất trên thế giới “biết bay”. Từ hầm tàu, từng sọt cá được đưa lên, chất vào các xe ba gác đang chực sẵn trên bờ cảng sẵn sàng đi đến những chợ xa. Nhiều tàu khác đậu san sát nhau quanh cảng cũng hòa cùng một nhịp điệu lao động trong ánh ban mai loang loáng, ửng hồng.
Tháng Hai âm lịch, cá chuồn rộ mùa như một lời hẹn ước giữa biển với người nên từ đầu đến cuối cảng cá đi đâu cũng thấy cá chuồn với cá chuồn! Ngay tại cảng, một số người sau khi nhận cá từ những chiếc xe ba gác đã tranh thủ họp chợ bên những vạt đất trống, chủ yếu bán sỉ cho những người chạy xe máy đem về bán ở các chợ quanh vùng.
Họp chợ ngay tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), chủ yếu bán sỉ cho những người chạy xe máy đem về bán ở các chợ quanh vùng. Ảnh: N.H |
Mang đậm phong vị quê nhà
Có lẽ ít loại cá nào có nhiều chủng loại như cá chuồn. Cá chuồn giời còn gọi là cá chuồn lứa, chuồn ghe, là loại phổ biến nhất. Cá chuồn cồ còn gọi là chuồn gành, to xác lớn con. Cá chuồn hột mít, như tên gọi, rất nhỏ con. Cá chuồn xanh mềm có da xanh thịt mềm, ít vảy…
Dù là loại nào thì loài cá “biết bay” này vẫn là nguồn cơn gây nghiện cho nhiều người dân xứ Quảng với lớp da óng xanh, sớ thịt chắc nịch trắng ngần, ngọt thanh từ đầu xuân đến cuối hạ. Mà giá cá chuồn tương đối rẻ so với những loại cá khác, vì vậy xưa nay, cá chuồn vẫn được xem là loại cá “quốc dân”, một loại thực phẩm dành cho mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chị Nguyễn Thị Xuân (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), hằng ngày vẫn ra cảng Thọ Quang mua cá về bán ở chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Vừa buộc mấy thùng cá lên xe, chị Xuân vui vẻ chia sẻ: “Ở vùng quê người dân rất chuộng cá chuồn. Hầu như cá chuồn nấu kiểu gì cũng ngon mà giá lại rẻ. Vì rứa mà tụi tui chẳng bao giờ lo ế hàng”.
Thực vậy, người miền Trung vẫn xem cá chuồn như món ăn thân thương mang đậm phong vị quê nhà nên họ nghĩ ra hàng chục cách để chế biến. Điểm đặc biệt của cá chuồn là có thể “phối ngẫu” với nhiều sản vật ở ruộng đồng để làm nên nhiều món ăn gây thương nhớ. Cá chuồn nấu canh với lá giang, dưa hồng, khổ qua; cá chuồn kho cà, kho cải chua, kho mít non; gỏi cá chuồn; cá chuồn gập chiên sả nghệ nén; cá chuồn nướng…
Họ còn kéo dài dư vị của món cá chuồn bằng nhiều cách khác nhau. Muối sươi (muối mặn), làm mắm thính hoặc phơi khô… Muối sươi là ngâm con cá trong nước muối đậm đặc cho thấm đều vị mặn. Lúc ăn, vớt cá ra, rửa sơ qua, để thật ráo trước khi lên bếp. Muối sươi là có thể giữ chất lượng cá sau khi chế biến thời gian khá dài. Chiên một lần để dành ăn dần, khỏi phải loi ngoi lóp ngóp đi chợ mà vẫn có chất cá cho những bữa cơm ngày mưa lạnh. Có điều, món cá chuồn muối sươi giờ đã thành... của hiếm. Gần trăm năm trước, thuyền đi đánh cá dài ngày thường đem theo muối để muối cá, đây là cách bảo quản truyền thống giúp cá không ươn.
Cá chuồn muối sươi là món cá dành cho nhà nghèo nên rất rẻ và mặn đến “quắn lưỡi”. Trước khi kho, nấu phải phải ngâm, rửa nước nóng cho xả bớt mặn. Những ngày đông rét mướt, chỉ cần một nồi mắm thính kho quẹo với đường, ớt, tiêu hành ăn kèm với rau lang luộc là có thể bay vèo hết cả nồi cơm to. Cầu kỳ hơn một chút là món mắm thính cá chuồn chưng với trứng vịt và thịt ba chỉ cắt hạt lựu ăn kèm rau sống. Chén mắm chưng vàng ươm, thơm phức mằn mặn đầu môi đặt lên mâm cơm thì chẳng kém cạnh gì các món ngon danh tiếng khác. Và đôi khi đơn giản hơn, chỉ cần chiên hay nướng con cá chuồn khô, dằm nước mắm ớt tỏi, nhâm nhi chén rượu gạo, ngồi trước bậc thềm cùng bạn già bàn chuyện nắng mưa…
Thương lắm, cá chuồn…
Mùa cá chuồn vừa mới thủng thỉnh bắt đầu như nhắc cho người dân đất Quảng đủ thứ món ăn để nhớ, để thèm, để vương vấn. Cá chuồn trong câu ca xưa “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” đích thị là loại cá chuồn muối sươi lâu ngày quéo lại như que củi thường được đồng bào vùng cao treo tòng teng trên vách bếp. Hồi đó miền ngược với miền xuôi xa xôi cách trở, phương tiện đi lại khó khăn, khó có thể đưa được con cá tươi ngon lên đến “bạn nguồn”. Bây giờ tàu thuyền hiện đại, có cả hầm chứa mấy trăm cây nước đá nên chẳng ai muối cá chuồn nữa. Muốn ăn lại món cá nhà nghèo ấy để nhớ những ngày gian khó cũng đành chịu…
Sáng hôm ấy, đứng chỉ huy các anh em thuyền viên bốc dỡ cá lên bờ, giọng thuyền trưởng Hứa Châu chợt chùng xuống như con sóng vỡ vụn dưới thân tàu: “Mỗi chuyến đi khơi ngắn chừng 15 ngày, dài thì gần cả tháng. Sóng gió ngoài khơi không lo bằng “bão giá” trong bờ. Xăng dầu lên phi mã, hàng hóa bám càng lao theo. Trước kia mỗi chuyến đi tốn gần 60 triệu để mua xăng dầu, thực phẩm, đá cây, thuốc men… Chừ thì chi phí đội lên hơn chục triệu. Trong khi đó, do được mùa nên giá cá chuồn so với đầu mùa chỉ còn hơn phân nửa. Cái chi được mùa mà không rớt giá. Nghịch lý là rứa”.
Sau khi bán ra, chia cho các thuyền viên, trừ chi phí xăng dầu, đá lạnh, các nhu yếu phẩm mua trước khi đi, “không lỗ là mừng rồi”. Có thể tính nhẩm rất nhanh rằng: Chi phí mỗi chuyến đi khơi 70 triệu, thu về 4 tấn cá. Giá mỗi tấn 30- 35 triệu đồng. Vị chi lãi ròng xấp xỉ 30 triệu cho 10 con người một chuyến đi ngót nghét 15 ngày…
Cùng nỗi niềm như anh Hứa Châu, các chủ tàu lưới chuồn ở Thanh Khê Đông, Thọ Quang, Xuân Hà có mặt tại cảng cá Thuận Phước hôm ấy đều không giấu nỗi lo khi cá rớt giá gần như chạm đáy, không bù lỗ được chi phí thì sẽ có phương án nghỉ lưới chuồn, chuyển sang đi lưới vây.
Đã bước qua tháng Ba âm lịch, trời cho nắng nhiều hơn, mùa cá chuồn đang vào đỉnh điểm. Vì vậy các chủ tàu tranh thủ nghỉ một, hai ngày để chuẩn bị khâu hậu cần rồi lại ra khơi mang theo nỗi lòng “trăm nhớ nghìn thương” với đàn cá chuồn tung bay ngoài biển cả...
NHƯ HẠNH