Phóng sự - ký sự
Tiếng hát của "chiến binh" K
Họ cùng hát, múa dưới ánh đèn rực rỡ trên một sân khấu có tên gọi “Chúng ta hát ca”. Không ai nghĩ đó là những người đang “chiến đấu” với bệnh K (gọi tắt của bệnh ung thư). Gác lại những ngày hóa trị, xạ trị... mệt nhoài, họ cùng đứng chung trên một con thuyền có tên WE CAN, với sứ mệnh lan tỏa nhịp sống tích cực và tinh thần nhân ái đến những gia đình có người cùng cảnh ngộ.
Các bệnh nhân K với tiết mục “Vì chúng ta chung dòng máu” tại đêm nhạc “Chúng ta hát ca”. Ảnh: X.S |
Cứ vui thêm một ngày
“Không còn nữa những ngày gian khó
Không còn nữa buồn lo giấu đi trong lòng
Ta được sống thêm một lần nữa, tựa như giấc mơ...”
Thanh âm da diết từ ca khúc “Khi người lắng nghe” của Lê Cát Trọng Lý cất lên giữa khán phòng. Trên nền giai điệu ấy là tiết mục múa áo dài do hơn chục diễn viên không chuyên thể hiện. Vừa múa, họ vừa quan sát đội hình vừa cẩn thận dìu nhau cho… khỏi ngã. Tất cả đều là những “chiến binh” đã và đang điều trị bệnh K.
Đây là một trong những tiết mục được chờ đợi nhất trong đêm nhạc “Chúng ta hát ca 2022” do tổ chức phi lợi nhuận WE CAN tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8-5, nhằm kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng để hỗ trợ vật chất và tinh thần cho bệnh nhân K và thân nhân. Toàn bộ số tiền quyên góp trong đêm nhạc được đóng góp vào việc xây dựng quỹ học bổng “Cùng em dệt ước mơ” dành cho con em bệnh nhân K ở độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Là một thành viên của tốp múa, bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa, công tác tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng không khỏi háo hức khi đứng trên sân khấu. Là bác sĩ, chị cũng đồng thời là một bệnh nhân K khi mang trong người ung thư vú từ 11 năm trước và thêm ung thư tuyến giáp vào 3 năm trước. Phải điều trị, theo dõi và uống thuốc thường xuyên, nhưng chị và các thành viên trong tổ tâm niệm: “Tiếng K không qua được tiếng hát”.
Chị kể: “Mình từng tham gia diễn văn hóa, văn nghệ với cơ quan và tổ dân phố nhưng đây là lần đầu đứng chung sân khấu với những người cũng đang chiến đấu với căn bệnh quái ác, cảm giác đặc biệt lắm. Tổ văn nghệ ni ai cũng mang K trong người nên thấu hiểu và đoàn kết để cùng nhau thực hiện trọn vẹn tiết mục, vầy mới có kỷ niệm đẹp cho mình và lan tỏa ý nghĩa nhân ái cho mọi người”.
Có dịp tiếp xúc và cảm thông với nhiều người mắc bệnh K đầy khó khăn, đặc biệt là những trường hợp ngặt nghèo về kinh tế gia đình là lý do để chị Nghĩa đồng hành cùng tổ chức WE CAN trong các hoạt động nhân ái. “Mình mong đóng góp phần nào đó trước hết là về tinh thần để lan tỏa động lực sống vui, sống khỏe, sống có ích đến những người bệnh khác”, chị nói.
Cùng tốp múa với bác sĩ Nghĩa, bà Hồ Bích Trâm (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) là thành viên gắn bó với WE CAN từ những ngày đầu, trong đó có chương trình “Chúng ta hát ca” 2021. Sống chung với bệnh K vú suốt gần 5 năm qua, bà Trâm tự nhận múa hát đã “ăn sâu vào máu”. Bởi vậy, mới có chuyện người phụ nữ 65 tuổi thao thức tới 4 giờ sáng trước đêm diễn để tập dợt một mình chỉ vì “sợ lên sân khấu múa không thành công”.
Để có bài múa “Khi người lắng nghe” nhịp nhàng trên sân khấu, chị Nghĩa, bà Trâm và nhiều người khác đã tập múa thường xuyên từ ngày 20-4 tới ngày 7-5 vừa qua dưới sự hướng dẫn của một biên đạo múa. Đêm cuối, 24 tiếng trước giờ diễn, họ dẫn nhau ra công viên tập múa lần cuối để quen với không khí đám đông, tránh bị “khớp” trên sân khấu.
Chị Nghĩa kể: “Trước buổi tập thì biên đạo trao đổi với mọi người về việc linh động chuyện đứng hay ngồi trong khi múa tùy theo sức khỏe. Các động tác cắt giảm cho hợp với mọi người nhưng vẫn bảo đảm tính nghệ thuật”.
Bên cạnh những diễn viên múa là ca sĩ. Giọng ca Nguyễn Thị Hạnh, một bệnh nhân K đến từ Quảng Nam khiến cả khán phòng phải vỗ tay khi cất giọng với ca khúc “Bậu ơi đừng khóc” của Hamlet Trương. Trong thân hình tí hon, đôi chân không lành lặn và chứng K đại tràng di căn xương giai đoạn cuối, cô gái nhỏ vẫn hát vang những lời ca như tự nhắn nhủ lời mình: “Cuộc đời sinh ra mấy ai chọn nơi bắt đầu?/Thế nhưng mình luôn nhắc mình/Sống cho nghĩa tình sống ra con người…”.
“Mình có hai con nhỏ, có gia đình, mình sinh ra không may mắn như nhiều người khác nhưng hạnh phúc khi được hát, được đứng ở đây và trò chuyện cùng mọi người. Mình nghĩ mỗi người có mặt trên cuộc đời này đều mang một sứ mệnh và nên cố gắng hoàn thành nó khi chúng ta vẫn đang được sống”, cô gái Nguyễn Thị Hạnh tâm sự.
Với những bệnh nhân K tham gia đêm nhạc, họ tạm gác lại những ngày hóa trị, xạ trị... đằng sau, để cùng gặp nhau trong những dịp múa hát nói riêng hay những hoạt động xã hội nói chung. Quan trọng hơn, đó là được cùng nhau giao lưu vui vẻ, hàn huyên sau những giờ điều trị, bởi họ hiểu, thời gian không chờ đợi ai.
“Sân khấu năm nay so với năm ngoái đã vắng bóng 2 thành viên. Họ mãi đi rồi. Mình và mọi người ở lại động viên nhau tiếp tục sống lạc quan, vui với nhau đi, cứ vui thêm một ngày nếu có để khi ra đi không nuối tiếc nhiều”, bà Trâm ngậm ngùi chia sẻ, mắt hướng lên sân khấu. Ở đó, những giai điệu tươi sáng đã, đang và sẽ được lan tỏa trong lòng mỗi người.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Chúng tôi gặp người sáng lập WE CAN là Lê Hoàng Ngân (SN 1989, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vào mùa hè năm trước, khi WE CAN mới nhen nhóm ngọn lửa truyền động lực cho bệnh nhân K. Bản thân là một “chiến binh” K gần 3 năm qua, chị ra sức kêu gọi nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân gần xa, xây dựng WE CAN hướng đến cung cấp thông tin “đủ, đúng và cần thiết” về bệnh K cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng; đồng hành cùng bệnh nhân qua các dự án cộng đồng, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn trang điểm làm đẹp, giao lưu văn nghệ, gây quỹ học bổng…
Đây là lần thứ 2 đêm nhạc “Chúng ta hát ca” được WE CAN tổ chức sau thành công của lần đầu tiên vào năm 2021. Tại chương trình, khán giả hòa mình vào không gian âm nhạc ấm cúng và gần gũi dưới sự thể hiện của các bệnh nhân K, các y, bác sĩ khoa Ung bướu (Bệnh viện Đà Nẵng) và những nghệ sĩ như Lân Nhã, Vũ Bảo… thông qua các nhạc phẩm như: Để gió cuốn đi (Trịnh Công Sơn), Trái tim nhân ái (Lê Quang), Khi người lắng nghe (Lê Cát Trọng Lý), Từ đây tôi sống, Vì chúng ta chung dòng máu Việt (Vũ Bảo)… Các tiết mục được dàn dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng với chỉ đạo tâm huyết của tổng đạo diễn Nguyễn Phước Vũ Bảo.
Với thông điệp “Ươm mầm hy vọng”, chương trình là cơ hội để những bệnh nhân K kết nối, giao lưu, đồng thời giúp cộng đồng có suy nghĩ, thái độ tích cực về bệnh K khi được lắng nghe những chia sẻ và thưởng thức các tiết mục được trình diễn bởi các “chiến binh” K. Đây là tâm niệm của người sáng lập WE CAN Lê Hoàng Ngân và tổng đạo diễn “Chúng ta hát ca” - ca sĩ Vũ Bảo.
Với Vũ Bảo, sự có mặt của WE CAN như một con thuyền nhân ái mang tới sự động viên vật chất và tinh thần cho các bệnh nhân K. Đó là lý do để anh đồng hành cùng WE CAN trên hành trình mang niềm tin cho những “chiến binh K” mà đêm nhạc “Chúng ta hát ca” là một ví dụ cụ thể. Với cá nhân người nghệ sĩ, đã đứng trên nhiều sân khấu, Vũ Bảo không giấu được sự xúc động khi hát cùng những “chiến binh K”.
Anh chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sức mạnh tinh thần và sự lạc quan của những bệnh nhân qua từng lời ca, điệu múa. Thật sự khâm phục các chị khi dùng âm nhạc để vượt qua nỗi đau bệnh tật”.
Cùng suy nghĩ với đồng nghiệp, ca sĩ Lân Nhã - người nhận lời tham gia đêm nhạc không chút do dự chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi khi đến đây là góp một chút tiếng hát của mình và động viên lắng nghe tâm sự của mọi người. Nhưng rồi chính tôi nhận ra bản thân mình đã và đang được truyền đi nguồn năng lượng tích cực từ các chị”.
Đồng hành cùng “Chúng ta hát ca” và WE CAN nói chung có một mạnh thường quân đặc biệt, đó là bà Công Huyền Tôn Nữ Hải Vân, chủ nhà thuốc Phước Thiện. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, bà Vân là người đứng ra sắp xếp chỗ ở, thuê nhà cho những bệnh nhân K có nơi lưu trú. Rồi chính bà cũng phát hiện ra… mình là một bệnh nhân K. “Những ngày đồng hành cùng WE CAN giúp tôi thấu hiểu về ung thư và bình tĩnh, an nhiên đương đầu với nó”, bà Vân nói.
Theo tổng đạo diễn Vũ Bảo, đêm nhạc đã mang đến nụ cười, sự cảm thông, chia sẻ và nhiều năng lượng tích cực cho bệnh nhân K nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Theo chị Lê Hoàng Ngân, từ sự hỗ trợ của quỹ “Cùng em dệt ước mơ”, trong năm 2021 đã có 19 em đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... được trao học bổng với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/năm học. Trong năm 2022, WE CAN dự kiến mở rộng danh sách lên tổng số 30 học sinh được nhận học bổng. Có trong danh sách nhận học bổng, em Ái Ni (học sinh Quảng Nam) có mẹ là bệnh nhân K, xúc động: “Với em, WE CAN như một mái nhà thứ hai để những bạn nhỏ như em thấy mình không cô đơn, không lẻ loi và vững tin học hành vì tương lai bản thân và gia đình”.
Thở phào nhẹ nhõm khi đêm nhạc khép lại, chị Lê Hoàng Ngân hy vọng “Chúng ta hát ca 2022” sẽ là kỷ niệm đáng nhớ đối với những người tham dự, là khoảnh khắc mà sau này mọi người sẽ cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại vì những giây phút và tất cả mọi người đã cùng ngồi bên nhau, cùng nhau tâm tình.
WE CAN sẽ tiếp tục những hành trình vì bệnh nhân K trong tương lai như cách mà chị Ngân tâm niệm: “Tham gia WE CAN là cách để bản thân bận rộn hơn, sống có mục đích hơn. Mình biết là ngày mai, ngày kia, tháng tới mình sẽ làm chương trình này, sự kiện kia cho những người bị ung thư như mình, nhờ vậy mà cuộc sống trôi qua không còn vô vị nữa”.
XUÂN SƠN