Nhà giáo Trần Hữu Duẩn - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung bộ

.

Vào mùa xuân năm 1965, tình hình hoạt động cách mạng tại đồng bằng Khu 5 đang phát triển mạnh. Nhằm tập trung thêm sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đứng về phía Mặt trận Dân tộc giải phóng, Ban Thường vụ Khu ủy 5 giao cho Ban Dận vận Khu ủy 5 chuẩn bị tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ. Ý kiến của anh Năm Công và Tư Thuận là làm sao tập hợp được nhân sĩ, trí thức, các thành phần tôn giáo, các thành phần dân tộc vào Mặt trận Dân tộc giải phóng.

Nhà giáo Trần Hữu Duẩn (Ảnh tư liệu)
Nhà giáo Trần Hữu Duẩn. (Ảnh tư liệu)

Ban Dân vận Khu ủy 5 mời được Đại đức Thích Giác Lượng, đại diện Phật giáo tỉnh Phú Yên. Quảng Nam mời được Linh mục Nguyễn Hữu Thiên, đại diện Thiên Chúa giáo, Đại đức Thích Thiện Minh, đại diện Phật giáo. Đà Nẵng mời được nhà giáo Trần Hữu Duẩn, nhà giáo Hồ An và mời Lê Công Cơ, lúc bấy giờ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh giải phóng Đà Nẵng và Trung Trung Bộ, đại diện sinh viên, học sinh dự.

Nhà giáo Trần Hữu Duẩn sinh năm 1902 - Quý Mão, người làng Giêng Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ngày 17-2-1946, cử tri toàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hăng hái đi bầu HĐND hai cấp tỉnh và xã. HĐND họp phiên đầu tiên bầu ra Ủy ban hành chính tỉnh và xã, thay mặt cho nhân dân và đại diện cho Chính phủ ở địa phương. Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Thúy làm Chủ tịch, ông Trần Hữu Duẩn làm Phó Chủ tịch. Ủy ban hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng do ông Trần Đình Tri làm Chủ tịch, ông Võ Quảng (nhà văn, người Đại Lộc, Quảng Nam) làm Phó Chủ tịch.

Năm 1954, sau khi ký Hiệp định Genève, chia Việt Nam thành hai miền, ông Trần Hữu Duẩn không đi tập kết ra miền Bắc. Khi gia đình còn ở Cây Sanh, xã Tam Dân, huyện Tam Kỳ, ông Duẩn đang bị bại, vậy mà tay sai đến bắt, cho lính khiêng ông xuống giam ở nhà lao Tam Kỳ. Bị bắt hơn 10 ngày thì vợ ông, bà Hồ Thị Cơ, xuống đòi thả chồng bà ra vì ông đang đau và không có lý do gì bắt giam.

Sau khi ông được thả, gia đình hồi cư về quê vợ, ở nhờ trong nhà của người em ruột là ông Chánh Thông ở Lỗ Giáng, Hòa Xuân, Hòa Vang. Bà Hồ Thị Cơ (thứ Năm) là chị ruột của nhà giáo Hồ Huyển (thứ Chín). Những năm 1960, nhà giáo Hồ Huyển là Trưởng ban Trí vận thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng Đà Nẵng (gồm các nhà giáo yêu nước của thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ như Trương Văn Thông, Nguyễn Phúc, Vĩnh Linh, Phạm Phú Hưu, Lê Văn Lương, Hồ An, Hồ Quý, Vũ Hân, Hứa Văn Ân, Phan Văn Hạp, Văn Hiên…). 

Ở nhà được một thời gian ngắn, đang chữa bệnh thì ông lại bị bắt giam ở nhà giam Hòa Vang, lúc bấy giờ ở gần chợ Mới, trên đường Trưng Nữ Vương ngày nay. Bị nhốt mấy hôm thì đưa ông vào giam trong lao Hội An. Lúc bị giam ở lao Hội An, ông Trần Hữu Duẩn gặp ông Mai Đăng Chơn là Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, khi cùng bị giam trong một xà lim, chứng kiến cảnh chúng kéo ông Mai Đăng Chơn ra đánh vì nghe đâu chúng bắt được một thông tin gì đó.

Năm 1959, ông Trần Hữu Duẩn được ra tù. Năm 1960, thông qua nhà giáo Hồ Huyển, ông bắt liên lạc lại với Mặt trận Dân tộc giải phóng. Năm 1964, ông Trần Hữu Duẩn nhận được thư của ông Hồ Hữu Phước (Hồ Nghinh) mời thoát ly lên chiến khu tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ. Nhiều đêm trằn trọc cứ nghĩ đến những lời tâm huyết của ông Hồ Nghinh, trong đó có cả ý kiến ông Tư Thuận - người đang tập hợp lực lượng để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ, vì vậy, sau khi ăn Tết Ất Tỵ - tháng 2-1965, ông Trần Hữu Duẩn đồng ý tạm biệt gia đình, chuẩn bị tinh thần với vợ, gọi con gái về dặn dò, ai hỏi, và chắc chắn địch sẽ hỏi thì nói ông vào Sài Gòn chữa bệnh.

Khi ông nhận lời thì cơ sở Mặt trận của Sáu Hưng ở Đà Nẵng bố trí liên lạc đưa ông đi. Sau khi ông diện xong áo dài đen, đội mũ cối trắng, thì vợ và con gái đưa ông ra tới bờ sông Sau, đoạn sông giữa Cồn Dầu và Lỗ Giáng (dưới). Thuyền rời bến đò ở Cồn Dầu, chạy vào Cửa Đại - Hội An, rồi từ Cửa Đại, thuyền theo sông Trường Giang vào Tam Kỳ, từ Tam Kỳ có người của Mặt trận Tam Kỳ đã bố trí, đưa ông lên chiến khu.

Hơn 200 đại biểu của Ủy ban Mặt trận giải phóng các tỉnh, thành phố, đại biểu các đoàn thể, đại biểu Đảng bộ Khu 5, đại biểu các dân tộc thiểu số, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều đại biểu từ vùng địch kiểm soát, thành phố, thị xã về dự đại hội. Đại hội diễn ra giữa vùng núi đồi, khe suối, hóc núi, thỉnh thoảng nghe tiếng bom, tiếng cối và nghe ai đó nói, địch gần lắm.

Chấp hành chỉ thị của Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam giao cho Huyện ủy Nam Tam Kỳ khẩn trương chuẩn bị địa điểm và cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Trung Trung Bộ. Huyện ủy Tam Kỳ cùng các ban ngành đoàn thể của tỉnh chọn Hóc Sen, thôn Trung Tín, xã Kỳ Thạnh, làm nơi tổ chức đại hội, nay là thôn văn hóa Trung - Hòa (Trung Tín và Thái Hòa) xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành. Các cơ quan của huyện, nhân dân xã Kỳ Thạnh lo xây dựng hội trường, chuẩn bị cơ sở vật chất. Quanh xã Kỳ Thạnh lúc bấy giờ có nhiều đồn bốt của quân đội Sài Gòn, như đồn Đức Phú, đồn Thuận Yên…

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Phó Bí thư Khu ủy 5 Trương Chí Cương (Tư Thuận) nói, đại ý: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã phát triển lên một bước mới. Tình hình sắp đến có thể diễn ra theo hai khả năng: một là, nếu quân Mỹ không nhảy vào thì ta có thể giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất; hai là, nếu quân Mỹ ồ ạt nhảy vào, ta sẽ gặp rất nhiều tổn thất, khó khăn nhưng vẫn quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Vì vậy, Đại hội Mặt trận chúng ta hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đại hội nhằm thực hiện giáo huấn nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công. Với tinh thần đó, cả Bí thư Năm Công và Phó Bí thư Tư Thuận đều tin rằng đại hội sẽ tạo ra động lực mới, thúc đẩy phong trào kháng chiến các tỉnh trong Khu 5 tiến lên giành được nhiều thắng lợi mới.

Nhà giáo Trần Hữu Duẩn, đại biểu của đoàn thành phố Đà Nẵng, đang bị bại rất yếu, song được trang trọng giới thiệu và được đại hội cử làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ. Sau đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng, Khu ủy có quyết định đưa ông Trần Hữu Duẩn ra Bắc chữa bệnh, nhân dịp này đưa cô Trần Thị Thanh Nhuận, ở nhà gọi là Út Tý, là cơ sở của Mặt trận trực thuộc nhà giáo Hồ Huyển, rời căn cứ của Thành ủy Đà Nẵng ở Trung Man vào Tam Kỳ, lên Kỳ Quế, nơi ba Út Tý đang ở, rồi được bố trí theo đoàn ra Bắc. Tổ chức bố trí một tổ dân công theo đường mòn Trường Sơn khiêng ông Trần Hữu Duẩn ra miền Bắc.

Hôm ông Trần Hữu Duẩn rời Kỳ Quế, có ông Tư Thuận, thầy Thích Giác Lượng, thầy giáo Hồ An đến thăm, lưu luyến chào tạm biệt. Sau hơn hai tháng đi đường núi vất vả thì ông Trần Hữu Duẩn đến Hà Nội. Những ngày ở K.5 - Hà Nội, có nhiều cán bộ người Quảng Nam đến thăm. Đặc biệt có nhà thơ Tố Hữu đến chào và gọi ông là thầy. Ông vẫn nhớ người học trò ngoan học ở Trường Thuận Hóa từ những năm 1925, 1926, làm thơ mang bút hiệu Tố Hữu ấy có tên là Nguyễn Kim Thành. Ông Trần Hữu Duẩn mất ngày 11-6-1971, nhằm ngày 19-5 năm Tân Hợi, tại Hà Nội.

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.