"Vượt cạn" không còn mồ côi

.

Đã qua rồi cái thời mà chuyện chửa đẻ còn phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của bà mụ vườn, dụng cụ y tế thô sơ và những định kiến lạc hậu. Bây giờ, những người phụ nữ bước vào chuyến vượt biển sinh tử đã không còn cô độc. Không chỉ có các đức ông chồng gồng mình chia sẻ cơn đau cùng vợ mà bên họ còn có đội ngũ thiên thần áo blouse trắng tận tình tư vấn, hướng dẫn và đảm bảo thực hiện ca sinh an toàn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Quỳnh Mai tư vấn cho một sản phụ đến thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Quỳnh Mai tư vấn cho một sản phụ đến thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: N.H

1. Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ nằm trên tầng 3, yên tĩnh như một tổ chim trên cây cao. Căn phòng chờ sinh như nén lại bởi những ánh mắt trĩu âu lo của những người đàn ông đưa vợ đi đẻ và tiếng xuýt xoa đầy đau đớn của sản phụ ôm bụng đang bíu chặt lấy thanh ngang của chiếc gường sắt lạnh lẽo. Máy điều hòa trong phòng bật ở con số 18 độ nhưng vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi lăn tròn trên trán những người đàn bà đang vật vã với cơn co bóp tử cung liên hồi. Có thể sắc thái nỗi đau của cuộc trở dạ có thể khác nhau bởi cơ địa mỗi người nhưng chắc chắn rằng phụ nữ trên đời này đều trải qua quá trình vượt cạn rất khó khăn để sinh con.

Một thế giới riêng biệt của nỗi đau mang tên đàn bà diễn ra trong căn phòng chờ sinh rộng chừng khoảng 20m2. Cơn đau như con sóng càng lúc càng dồn dập khiến thai phụ không còn biết ngại ngần, xấu hổ. Họ đi lại, hai tay vê đầu ngực để kích thích dạ con mau mở. Đau quá thì đứng dạng hai chân ghì chặt thành giường hít thở thật sâu. Mỗi khi đo tim thai, họ không ngần ngại vén áo, nằm phơi bụng hàng chục phút trước những người đàn ông xa lạ đang chăm sóc vợ. Tiếng khóc, tiếng nghiến răng, van vỉ xin bác sĩ mổ đẻ… như những thanh âm tột cùng của nỗi đau “vượt cạn”. 

Tôi lặng lẽ quan sát người thanh niên có khuôn mặt thư sinh đang cố gồng đôi vai cho vợ níu mỗi khi cơn đau xộc tới. Có lẽ là lần đầu chứng kiến cảnh trở dạ của phụ nữ nên người chồng trẻ vô cùng bối rối. Anh đưa mắt cầu cứu cô y tá trực thì nhận được lời động viên đầy hài hước: “Bình tĩnh đi anh ơi! Cơn đau không có gì bất thường nên đừng lo lắng nhé. Sản phụ mới mở 3 phân. Khi nào mở tới 9 phân hoặc 1 chỉ (10 phân) thì lên bàn đẻ…”.

Việc các đấng mày râu có mặt tại phòng chờ sinh không còn là hiện tượng hiếm hoi như trước đây nữa, cho thấy ý thức trong việc sẻ chia trong cuộc sống vợ chồng giờ đã khác xưa. Nhân viên y tế ở đây nói đùa rằng không cần làm thầy bói, chỉ cần nhìn qua sắc diện và thái độ các ông chồng vẫn có thể nhận biết sản phụ mà ông chồng ấy đang chăm sẽ sinh con so hay con rạ. Người nào đưa vợ đi đẻ lần đầu đều quýnh quáng như gà mắc tóc. Còn các vị ngồi bình tĩnh bấm game, hay thuần thục làm theo yêu cầu của y bác sĩ, thì chí ít cũng hơn một lần dẫn vợ đi sinh.

2. “Vượt cạn” xưa nay chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với bất cứ người phụ nữ nào hiện hữu trên trái đất này. Chị L.T.T.N, âu yếm nhìn đứa con gái bé bỏng đang nằm cạnh mình rút ruột tâm sự: “Trước đó em cũng được các chị, các mẹ nói nhiều về cơn đau chuyển dạ. Nhưng khi trải qua rồi mới biết nó đau thấu trời xanh. Có lúc  tưởng chừng như không thể thở được nữa. Khi được y tá gọi tên vào phòng sinh, em mừng như trẻ con được quà…”.

Cánh cửa phòng hậu sản xịch mở, thêm một người phụ nữ vừa “vượt cạn” thành công, được y tá đẩy vào, thân xác mệt nhọc, rã rời nhưng đôi mắt lấp lánh màu hạnh phúc. Chị nằm trên giường, gương mặt thanh thản mỉm cười thú nhận: “Em sinh lần này là đứa thứ hai, tưởng có chút ít kinh nghiệm. Vậy mà lúc cánh cửa phòng sinh khép lại, em đã sợ đến phát khóc. Cảm giác cô đơn khi đối diện với sinh tử không thể diễn tả bằng lời. May mà các y, bác sĩ đã nhẹ nhàng dỗ dành, hướng dẫn cách lấy hơi dài và rặn. Một cảm giác nứt da nứt thịt chạy tới não như điện giật. Đến khi nghe tiếng bác sĩ reo lên “Em bé ra rồi, mẹ giỏi lắm” hòa cùng tiếng con khóc chào đời khiến em không còn cảm giác đau đớn gì nữa”.

Người ta vẫn nói đàn bà mỗi lần đi đẻ là một lần tự mình làm một chuyến vượt biển đầy trắc trở, không bạn đồng hành. Có người còn chạm vào cửa tử mà quay về. Đó là chuyện của những ngày xưa lắm. Đã qua rồi cái thời mà chuyện chửa đẻ còn phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của bà mụ vườn, dụng cụ y tế thô sơ và những định kiến lạc hậu. Bây giờ, những người phụ nữ bước vào chuyến vượt biển sinh tử đã không còn cô độc. Không chỉ có các đức ông chồng gồng mình chia sẻ cơn đau cùng vợ mà bên họ còn có đội ngũ thiên thần áo blouse trắng tận tình tư vấn, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện ca sinh an toàn.

Mỗi một đứa trẻ ra đời là thêm một niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ cho sản phụ mà với đội ngũ y, bác sĩ. Ảnh: N.H
Mỗi một đứa trẻ ra đời là thêm một niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ cho sản phụ mà với đội ngũ y, bác sĩ. Ảnh: N.H

3. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Quỳnh Mai, Trưởng khoa Khám đa khoa cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, vẫn còn nhớ một ngày vào hạ tuần tháng 3 vừa rồi, có một sản phụ mang thai con rạ tầm 36 tuần được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện do đau bụng dữ dội khi đang đi chợ. Sau khi thăm khám, kíp trực của bác sĩ Mai thấy cổ tử cung mở gần hết, liền đưa xe đẩy sản phụ vào phòng sinh. Trong lúc mọi người đang loay hoay lấy máu, truyền dịch, đo điện tim cho sản phụ thì chợt nhận ra một bé gái tầm 3 tuổi chân mang guốc gỗ đang giữ chặt chân sản phụ, sắc mặt không hề tỏ ra hoảng sợ. Thì ra, đứa bé ấy là con gái chị, lúc mẹ đi cấp cứu đã quấn quýt kề bên, một bước không rời. Vậy là mọi người vừa lo đỡ sinh cho mẹ, vừa lo giữ cháu bé.

Sau 30 phút sản phụ “vượt cạn” thành công, bác sĩ Mai mới kịp hỏi về nhân thân của sản phụ. Chị tên là Trương Thị T., 32 tuổi, ở trọ quận Thanh Khê. Từ lúc chị mang thai đứa thứ 2, chồng chị bỏ đi biệt tích. Một mình chị vừa bụng mang dạ chửa vừa chắt chiu nuôi đứa con nhỏ chưa đầy 3 tuổi. Không tiền bạc, không người thân, ở trọ nơi đất khách quê người, chị một mình bươn chải kiếm sống qua ngày. Cám cảnh thân phận bọt bèo của người phụ nữ đơn côi, cả kíp trực hôm đó chia nhau đi xin áo quần và sữa cho cháu bé, quyên góp tiền bạc cho hai mẹ con ăn ở trong những ngày nằm viện. Giờ nhớ lại, mới thấy may mà là “mẹ tròn con vuông”, chứ nếu có rủi ro gì xảy ra trong ca sinh thì không biết cuộc đời của chị sẽ như thế nào nữa!

Bác sĩ Mai và đồng nghiệp vẫn thường nói vui với nhau rằng: “Thời đại này là 4.0 mà bệnh viện mình vẫn có nhiều sản phụ 5.0 vào: không nhà cửa, không tiền bạc, không bảo hiểm y tế, không người thân và không biết chữ. Thật là xót xa!”.

Những trường hợp bệnh nhân ốm nặng, các ca khó hoặc không có tiền bạc, không người thân vào Bệnh viện Phụ sản -Nhi Đà Nẵng rất nhiều. Có những đêm trực, nhiều ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên nhiều đến nỗi y, bác sĩ gần như thức trắng để cứu chữa. Những lúc đó chỉ biết động viên nhau cố gắng giữ sức để giành lấy sự sống cho người bệnh. Nhiều lúc cấp bách, các nữ hộ sinh, bác sĩ trong phiên trực còn tình nguyện hiến cả máu để cứu người bệnh.

Mỗi khi nghe ai đó nhắc câu: “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, bác sĩ Quỳnh Mai lại càng thấm thía hơn nỗi khổ lao mà mỗi người phụ nữ trải qua trên bàn đẻ. Vừa sắp xếp lại đống hồ sơ trên bàn để chuẩn bị giao ban đổi ca, người thầy thuốc có gần 30 năm trong nghề trải lòng: “Mỗi ngày trực, chúng tôi xem mình như những thủ môn trấn giữ khung thành trong bóng đá. Tất cả đều nỗ lực hạn chế những rủi ro đến mức thấp nhất và bằng mọi cách giúp các sản phụ được sinh đẻ vuông tròn, không còn rơi vào cảnh “mồ côi một mình”. Để khi rời bệnh viện về nhà, thấy lòng mình thật sự bình yên...”.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.