Như một lẽ tự nhiên, ở đâu có khó khăn, ở đó có những tấm lòng nhân ái. Những chuyến xe yêu thương lần lượt ra đời và ngày ngày lăn bánh vì bệnh nhân nghèo cũng vì lẽ đó.
Những chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân khó khăn nhập viện, xuất viện, chuyển viện với giá 0 đồng. Ảnh: L.P |
Không quản ngại ngày đêm
Sáng sớm, điện thoại của anh Hồ Ngọc Thanh, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện viên Chữ thập đỏ - Chuyến xe vạn tình 0 đồng, nhảy thông báo tin nhắn: “Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng xin thông báo một trường hợp…”. Sau khi đọc lướt qua hoàn cảnh bệnh nhân, anh Thanh phản hồi: “Chuyến xe vạn tình 0 đồng nhận hỗ trợ” và ngay lập tức chuẩn bị lên đường.
Đây là chuyến xe thứ 708 anh Thanh và các thành viên CLB thực hiện. Ca bệnh lần này là trường hợp em Hồ Thị Thu Mây (SN 2014, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xuất viện về nhà. Chị Trương Thị May (mẹ Mây) kể, suốt 4 năm nay, cứ vài tháng, vợ chồng chị đưa con xuống Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để thăm khám căn bệnh bại não. Bé Mây là con gái đầu lòng của vợ chồng chị May, không may mắc bệnh từ nhỏ. Mỗi đợt đi thăm khám, vợ chồng chị vay mượn khắp làng, nhưng lần nào cũng thiếu trước hụt sau không đủ.
Xoa đầu con gái, chị May rơm rớm nước mắt, tâm sự: “Đường từ đây về lại nhà rất xa, ít có xe. Nếu có xe về chúng tôi cũng phải đổi xe nhiều lần mới lên được tận nơi. Khi nghe bệnh viện báo hỗ trợ xe miễn phí để về nhà, vợ chồng tôi mừng lắm. Không chỉ tiết kiệm được một khoản chi phí, chúng tôi còn đỡ bồng bế bé lên xuống xe nhiều lần, vì con bại não không tự vận động được”.
Là người trực tiếp cầm lái đưa bé Mây về nhà, anh Thanh kể: “Tuyến đường từ Đà Nẵng về xã Trà Vân dài gần 200km, nhiều đoạn đi qua núi quanh co, gập ghềnh. Hôm đưa cả nhà xuất viện, trời mưa tầm tã, tôi phải di chuyển chậm để bảo đảm an toàn. Lên đến nơi cũng là lúc trời xẩm tối, đưa mọi người vào làng xong, tôi vội quay đầu về phố trong đêm để kịp đưa bệnh nhân chuyển viện vào hôm sau”.
Kể về cơ duyên thành lập Chuyến xe vạn tình 0 đồng, anh Thanh cho biết, năm 2016, anh đưa 5 em bé ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) xuống Đà Nẵng mổ tim. Sau thời gian điều trị, 5 em cùng xuất viện một lần. Thời điểm đó, xe cộ đi lại rất hạn chế, nhất là về đến các huyện miền núi xa xôi. Với suy nghĩ “đã giúp phải giúp cho trọn”, anh Thanh bỏ tiền túi thuê một chiếc xe 16 chỗ đưa 5 em nhỏ và người nhà về lại huyện Nam Trà My. Sau lần đó, anh Thanh nuôi ý định lập một chuyến xe miễn phí chuyên chở bệnh nhân đồng bào miền núi khó khăn. Tháng 9-2019, Chuyến xe vạn tình 0 đồng ra đời. Từ đó đến nay, anh Thanh và đồng đội đã thực hiện hơn 700 chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhập viện, xuất viện, chuyển viện.
Chúng tôi gặp anh Lê Tự Hoàng Tuấn (37 tuổi, Chủ nhiệm Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng) sau khi hoàn thành chuyến xe đặc biệt đưa cùng lúc hai bệnh nhi chuyển viện từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đi Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh). Bé Hồ Nguyên Vũ (SN 2016, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) là người đồng bào Xơ Đăng, bị viêm tủy xương, gia đình thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, em được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị. Cùng đi chuyến xe lần này còn có em Ating Nhang (SN 2008, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) bị viêm tụy mãn, được chỉ định chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ đưa hai bệnh nhi và người nhà vào viện kịp thời, anh Tuấn còn hỗ trợ mọi người làm hồ sơ, thủ tục nhập viện ổn định trước khi về lại.
“Họ là người đồng bào thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn, nói tiếng Việt không rành nên nếu giúp được họ phần nào là tôi giúp ngay, không ngần ngại. Đây cũng là tâm nguyện, mục đích của cả nhóm khi lập ra Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng”, anh Tuấn chia sẻ. Cũng theo anh Tuấn, từ khi thành lập đến nay, Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng đã đưa, đón miễn phí gần 750 bệnh nhân khó khăn nhập viện, chuyển viện...
Chuyến xe 0 đồng lăn bánh đưa đón bệnh nhân nghèo. Ảnh: L.P |
Minh chứng cho những điều tử tế
Anh Trương Vĩnh Phúc (SN 1973, Chủ nhiệm Chuyến xe 0 đồng Đà Nẵng) kể, để đủ điều kiện đưa đón bệnh nhân, mỗi chiếc xe phải được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ cần thiết như: cáng cứu thương, giá treo dịch truyền, vật dụng sơ cứu, còi báo hiệu… Mặt khác, chủ nhân những chuyến xe phải tuân thủ nghiêm lịch bảo trì, bảo dưỡng xe để bảo đảm mỗi chuyến xe là một hành trình an toàn cho người bệnh. Cũng theo anh Phúc, để những chuyến xe 0 đồng phục vụ đúng người cần như tiêu chí đề ra, chủ nhân các chuyến xe chỉ tiếp nhận hỗ trợ các trường hợp do phòng công tác xã hội các bệnh viện cung cấp hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương nơi bệnh nhân sinh sống.
Theo tìm hiểu, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện 199, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng,… đều kết nối với các chuyến xe 0 đồng để hỗ trợ bệnh nhân nhập viện, xuất viện, chuyển viện. Đối tượng được hỗ trợ không giới hạn ở địa phương nào, chỉ cần là bệnh nhân thuộc hộ nghèo, người đồng bào thiểu số khó khăn, bệnh nhân điều trị dài ngày…
Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, để san sẻ với bệnh nhân khó khăn, phòng thường xuyên kêu gọi sự trợ giúp từ các đơn vị thực hiện chuyến xe 0 đồng hỗ trợ bệnh nhân xuất viện, chuyển viện với số lượng khoảng 20 chuyến/tháng. Qua đó, giúp bệnh nhân tiết kiệm một khoản kinh phí trong quá trình điều trị.
Trong khi đó, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng Trần Cao Thanh Bình nhìn nhận: “Những chuyến xe 0 đồng rất ý nghĩa với bệnh nhân khó khăn, nhất là với những trường hợp đã điều trị dài ngày, cạn kiệt kinh phí. Không chỉ giúp bệnh nhân khó khăn có cơ hội nhập viện, chuyển viện kịp thời để điều trị bệnh, những chuyến xe 0 đồng còn là niềm an ủi, động viên tinh thần với bệnh nhân và người nhà khi không may mắc bệnh”.
Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ dần rơi xuống, ngoài kia, người người đang tất bật mưu sinh mong một cái Tết đủ đầy, các bác tài của những chuyến xe 0 đồng vẫn ngày đêm ôm vô lăng rong ruổi trên những cung đường để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Dường như với họ, niềm vui chỉ đơn giản là hoàn thành một cuốc xe, đưa người bệnh đến viện kịp “giờ vàng” để cứu chữa hay đón một bệnh nhân hoàn thành điều trị về lại quê nhà sum họp trước thềm xuân mới. Cứ thế, ở đâu có bệnh nhân khó khăn, ở đó họ có mặt như để minh chứng cho những điều tử tế, thiện lành vẫn ngày ngày hiện hữu trong cuộc sống.
LAM PHƯƠNG