Tác giả xứ Quảng
Đọc lại 'Bão rừng' của nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Ðây là cuốn truyện dài đầu tay của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ghi lại những nơi ông đã đi qua, những cảnh huống của con người đã sống, đã khổ cực trên mảnh đất quê hương, đang bị thực dân Pháp và bọn tay sai đày đọa con người mà ông đã chứng kiến.
Vào truyện ông xác nhận đây là những dòng hồi ký ông ghi lại, khi mới bước vào tuổi mười sáu mà người đọc cứ ngỡ của một kẻ tuổi đã hai mươi, đã nhiều từng trải trong cuộc đời. Ðây là những mảnh đời chắp nối của một giai đoạn ông bôn ba tận miền núi rừng cao nguyên, dĩ nhiên thêm bớt ít nhiều hư cấu cho một cuốn tiểu thuyết.
Cuốn truyện tương đối ngắn, chỉ dày 240 trang, 24 chương ngắn. Truyện này ông thai nghén năm ông mười bảy tuổi, tức là năm 1938 và chờ đến năm 1957 mới xuất bản lần đầu tiên. Bản thảo cuốn truyện nằm trong hộc tủ gần hai mươi năm. Một cuốn truyện dài khởi đầu văn nghiệp cho một đời văn chương trong gần bảy mươi năm (1938 -2007).
"Bão rừng" là cuốn truyện dài đầu tay của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ghi lại những nơi ông đã đi qua, những cảnh huống của con người đã sống... |
* * *
Năm mười sáu tuổi, ông bỏ trường học, đi vào đời, tự lập. tự học, thỏa chí giang hồ của một thiếu niên có tâm hồn văn nghệ, muốn trở thành một nhà văn... lớn. Sau một năm ra vào miền Nam, lên tận miền núi rừng cao nguyên, với trí thông minh bén nhạy, nhận xét tinh tế, ông lãnh hội ít nhiều kinh nghiệm của cuộc sống, mang trong lòng một hoài bão tìm kiếm công bằng xã hội, tình người trong một đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, một chế độ cai trị hà khắc, bóc lột tận xương tủy của người bản xứ An Nam.
Câu chuyện của cậu thiếu niên mười sáu tuổi tình cờ lên một đồn điền của một tên thực dân Pháp, có một bà vợ bản xứ đầy gian ác, thủ đoạn bóc lột, đày đọa người bản xứ đem sức lao động làm việc cực nhọc kiếm miếng cơm ăn và nuôi gia đình.
Nhờ biết chút ít tiếng Pháp và do sự gởi gắm của bà cô họ, ông được nhận chân thầy thông, dạy kèm bà chủ, me Tây họ La, vợ một tên lính Tây, nhân tình của một tên thực dân quan thầy của chồng mụ, qua An Nam hoạnh họe dân bản xứ. Một thầy giáo tại gia kiêm thư ký, đứng bán hàng cho bà chủ. Các món hàng là những vật dụng cần yếu cho đời sống của người miền Thượng như muối, vải thô, gạo bán cho những người phu làm trong đồn điền và rất nhiều vật dụng linh tinh cần thiết cho cuộc sống hằng ngày như kim chỉ và nhất là các loại vải màu sắc sặc sỡ, được người miền núi ưa chuộng.
Giữa đám người cùng khổ, bị bóc lột đến xương tủy, thầy thông là người có ăn học duy nhất, có lương hướng khá hơn, có miếng ăn, thức uống do đầu bếp nấu, dọn lên sẵn, nổi bật trong xã hội nho nhỏ cùng khổ đó.
Trong sự tiếp xúc hằng ngày với anh bếp, chị vú em, anh bồi, cô người làm tên Liêu, giữ em bé Rô Dét, đứa con lai của mụ chủ, như những hoạt cảnh sống động nhiều kịch tính, mỗi người mỗi nét riêng biệt, đầy vui buồn, hài hước trong sự bon chen kèn cựa qua lại lẫn nhau. Cô Liêu có cảm tình với thầy thông, nhưng không dám nói ra và cả thầy thông cũng có nhiều cảm tình với người con gái nhu mì, nhút nhát đó, nhưng cũng chưa dám dính dáng vào một mối tình đầu đời.
Những người phu được mộ lên cao nguyên có một cuộc sống thật nghèo khổ, cực nhọc và khi ốm đau, sốt rét, nằm rên la không thuốc men, không người săn sóc. Ðôi khi có một y tá ở nơi xa được gọi đến, nếu có trường hợp bệnh hoạn nguy kịch, sắp chết. Y tá chỉ chích vài ba mủi thuốc ký ninh xanh. Tiền thuốc sẽ bị trừ vào lương trong tháng.
Cuộc sống của các người phu làm đồn điền như những kẻ bị lưu đày không ngày về lại cố hương. Một người phu trẻ tuổi, nhớ nhà, nhớ làng cũ, trốn đi xuyên qua đường rừng trong nhiều ngày, đói khát, phải tạt vào nhà người Thượng xin nước uống, cơm ăn, bị bắt lại do sự rình rập của đám mật thám do mụ chủ báo về, bủa vây đi tìm kiếm bắt lại kẻ đào thoát.
Một cuộc trả thù, đánh đập khủng khiếp không những để trừng phạt kẻ dám trốn đi mà còn như một màn răn đe những dân phu đang làm việc, bị bắt buộc phải chứng kiến cuộc hành hạ tàn khốc, chết lên, chết xuống vẫn không buông tha.
Miền núi rừng ngoài nước độc, khí rừng, đôi khi lại bị ác thú như voi điên, cọp dữ ở trên núi cao về phá phách, giết hại con người, tàn phá nương rẫy, hoa màu, cây cối mới trồng, đang có hoa màu. Cảnh tượng một con voi điên một ngà, húc đổ nhà cửa, hoa lợi của người Thượng. Cảnh tượng một cọp dữ về tàn phá cả khu rừng, gây kinh hoàng, khiếp đảm cho mọi người, tìm nơi trốn chạy, cuối cùng mới bị bắn chết do những phát súng của tên chủ đồn điền bắn hạ.
Trước biết bao nhiêu khổ đau diễn ra trước mắt, trước nỗi bất lực và chán chường của cậu thiếu niên mười sáu tuổi, cậu tìm cách rời bỏ nơi rừng núi này, để về lại đồng bằng. Nhưng cậu gặp sự cản trở của mụ chủ, không muốn ai thích thì đến, chán thì đi.
Mọi quyết định đi hay ở là do quyền sinh sát của mụ. Thầy thông phải cầu cứu bà cô và người con trai của người cô, đang giữ vai trò quan trọng và tín cẩn của tên tình nhân của mụ chủ, viết thư cho mụ, xin mụ cho thầy về để tiếp tục việc học. Thầy thông mới được ra đi, về miền xuôi.
Buổi chiều từ biệt núi rừng, từ biệt người con gái đem lòng yêu thầy thông, trời đất như cảm động, nỗi cơn bão rừng dữ dội. Thầy thông và cô Liêu như đuổi bắt nhau trong mưa bão, giữa cảnh đổ nát của cây cối ngả nghiêng đầy núi rừng. Một cuộc chia ly ướt át và nát tan từ lòng người đến cảnh vật chung quanh. Thầy thông về lại miền xuôi, gặp lại hai người phu đồn điền trẻ tuổi đã trốn được qua bao săn đuổi của bọn mật thám do mụ chủ thuê bao. Họ đã tìm lại được tự do.
* * *
Ông có lối viết đi thẳng vào vấn đề muốn diễn tả, mô tả cảnh vật, con người thật rõ nét, nhiều kịch tính, đầy năng động. Văn phong nhẹ nhàng, trong sáng. Bố cục ngắn, gọn.
Ta thử đọc một vài đoạn văn tả mụ chủ me Tây, họ La:
“... Tiếng mụ vẫn oang oang, ngón tay quay bốn hướng:
- Kìa kìa! Ðồ ngu! Khiêng cái bàn ra ngoài, đưa cái ghế vào chỗ này. Vác cái chổi ra sân cho khéo, đụng cái tủ...
Người anh cả mụ, áo dài đen, khăn đóng chữ nhân ngay ngắn, lúng túng trong chiếc áo lương mới, cũng chỉ biết ngây người ra và có vẻ sợ hãi mỗi lúc mấy anh người nhà lóng ngóng va cái nọ, chạm cái kia.
- Ðồ ngu! Trời ơi, mắt nó sáng chớ có phải thong manh đâu! Kìa! kìa... (Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân trang 24)
Mụ chủ me Tây vừa quay đi, một hoạt cảnh dưới ngòi bút Nguyễn Văn Xuân:
“Nhưng cũng vừa lúc ấy, một anh người nhà cao lòng nhòng vờ làm rơi điếu thuốc đang hút. Anh không ngại lửa lấp lánh, lấy chân chà dập bét, chửi đổng:
- Ð... mẹ cái miệng! Ngu như chó! Còn một điếu thuốc cũng làm rơi mất.
Y vả một cái đét vào má làm miệng méo lại. Mấy người kia cười rộ và nhìn về phía mụ chủ mới khuất với một vẻ khó hiểu...” (Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân trang 25)
Một đoạn khác: “... Lão chủ vẫn ngồi đó và buổi chiều đè lên trên đầu lão. Buổi chiều cao lên vời vợi. Những thân cây cao lớn như rướn mình lên thêm không gian thăm thẳm. Bụi hồng phất phới trên núi xa hình răng cưa.
Lá cây đang xào xạt trong tiếng chim kêu đang rủ rê nhau vượt qua các cánh đồng cỏ tranh mênh mông để du nhập khu rừng. Chim càng về rừng thì bóng tối càng theo cánh chim nhuộm đen cây lá, thổi sương khói mịt mờ trên cả cánh đồng bị lấp kín không còn tăm dạng và tiếng chim kêu cũng tan biến bao giờ.
Thốt nhiên, một tiếng khèn não nùng, thánh thót vang lên. Tiếng khèn như tiếng kêu gọi của đêm thăm thẳm đang chờ một phút bất ngờ để từ rừng sâu tiến lên chiếm hết không gian.” (Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân trang 149).
Ðoạn văn đẹp như một bài thơ, một bức tranh tuyệt mỹ. Không ai nhắc Nguyễn Văn Xuân là một nhà thơ, một họa sĩ... nhưng qua đoạn văn trên và nhiều đoạn văn khác, rải rác trong cuốn truyện, chắc ông có một tâm hồn của một thi nhân, một họa sĩ trường phái ấn tượng.
Một đoạn văn khác, tả về cảnh tượng thằng Tây chủ đồn điền, mụ vợ mới đi khỏi, nổi cơn thèm khát:
“... Anh (bếp) ghé qua vách gọi anh bồi:
- Này thằng cọp già đang vây mụ vú trên kia.
Anh bồi mớ ngủ, đáp:
- Kệ nó. Vợ nó đi xa, cho nó chấm mút chút đỉnh.
Anh bếp bảo:
- Mụ vú kêu to quá! Lên mà cứu kẻo tội.
Anh bồi nói to bằng một giọng ráo hoảnh:
- Tại con khỉ Gái ngủ chung với mụ vú, chứ không thì việc gì mà mụ ấy kêu.
Chúng tôi bật cười rồi kéo nhau lên, chạy thùm thụp trên sàn nhà.
Lão chủ chỉ bận độc một cái áo sơ mi ngủ, phía dưới lông lá tô hô, phía trên đầu tóc xốc xếch, đang tấn đến bắt chị vú. Chị vú thì bé choắt, chân chạy loăn quăn, miệng kêu ơi ới. Con Gái thì ngồi nhe đủ hai hàm răng mà cười. Chị vú kêu:
- Ma đầm! Ma đầm!
Lão chủ đáp:
- Pác tia.
Chị vú tru tréo:
- Tổ cha mi! Ma đầm rờ tua, ma đầm cạo cái đầu.
Không hiểu chị sợ cạo cái đầu chị hay cạo đầu lão. Lão vẫn quay hai tay như thầy bói bắt heo lừ lừ tiến tới. Chúng tôi bấm nhau để khỏi cười. Thốt nhiên, lão tấn chị vú vào một góc rồi huynh hoang như kẻ thắng trận, nâng cao cái thân thể mỏng teo của chị lên mà quay luôn một vòng, miệng chị vú cũng phát ra đúng một vòng tiếng kêu chí chóe.
Chúng tôi mở rộng cánh cửa bước vào. Lão nhìn chúng tôi chòng chọc như thách đố. Anh bồi nói:
- Ma đầm!
- Pạc tia.
Lão có vẻ khoái chí, cóc cần. Anh bồi nhấn mạnh:
- Ma đầm rờ tua, mỏa pạc lê
Lão ném chị vú, buông thỏng:
-“Măng phú”
Lão” măng phú” cho đỡ bẻ mặt. Rồi lạnh lùng đi vào phòng ngủ.
Tất cả chúng tôi có mặt quả thật đối với lão chủ là con số không. Mà chính cái bóng vang của mụ chủ đã làm lão bỏ chạy... (Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân trang 154-155).
Thật là một khúc phim khôi hài, tả chân độc đáo. Cười đến chảy nước mắt, vừa hài hước vừa đau lòng cho dân tộc một nước bị đô hộ, thằng Tây hạng bét, chủ một đồn điền, muốn hãm hiếp ai, lúc nào cũng được.
Trước những điều đau lòng, mà không làm được gì để cứu những kẻ đang bị hà hiếp, bóc lột, thầy thông quyết dứt áo, bỏ ra đi. Cuộc chia tay giữa thầy thông và cô Liêu xảy ra trong một buổi chiều bão rừng:
“Buổi chiều ngày thứ hai, một sự may mắn tình cờ xảy ra. Liêu đang đội nón đi qua sân, lúc trời thốt nhiên sầm tối. Mây đen khong biết từ đâu hun hút kéo về, che kín khu trời trên đồn điền, giữa các rừng cây bát ngát. Những cơn gió thông thốc tới, tốc tràn qua sân, qua con đường, xô rạp hết cỏ tranh, riung động rừng già. Chiếc nón của Liêu bị giật ra khỏi đầu rồi lăn nhanh trên đường.
Liêu kêu hốt hoảng và chạy đuổi theo, chiếc nón chạy nhanh, quay tròn như một chiếc bánh xe tàu suốt. Liêu chạy theo bết chân mà không thể nào theo kịp. May sao nó vướn vào cỏ tranh, dừng lại, Liêu được khuyến khích đuổi theo thì một cơn gió khác lại đẩy nó ra đường và cuộc chạy đua ngộ nghĩnh lại tiếp diễn. Nhưng lần này nó chạy không lâu. Vì tôi đã dùng hết tài lực sĩ để đuổi theo và tóm cổ được, lúc nó bị vướng vào mấy cành cây gãy rơi trên đường. Tôi dừng lại chờ Liêu.
Những con chim đen bị gió đánh bạt, đang bay ngược chiều gió một cách nặng nề để lẩn vào rừng. Tôi đưa nón cho Liêu thì cũng vừa lúc ấy, rùng rùng những cơn gió lốc như vũ bãorú lên thổi rạp cành lá về một phía và muốn xê dịchhết khu rừng. Chiếc nón của Liêu mới đội lên đầu, vụt một cái, bị đứt giây. Tôi nhanh nhẹn nhảy tới, bàn tay chưa kịp chạm nón thì nó đã phần phật bay đi. Lần này nó không chạy nữa mà bay thẳng lên trời, nhanh như tên bắn.
Chỉ kịp chúng tôi định tình nhìn theo thì nó đã vút lên đầu ngọn câythấp, rồi phi thẳng lên đầu một ngọn cây đại thọcao ngất từng mây. Bấy giờ trông nó chỉ còn một tờ giấy rồi không biết mất hút vào đâu. Sức gió mãnh liệt cho đến độ những con chim lớn phì phạch đập cánh mà không thể nào lướt không gian để vào rừng như người bơi ngược giòng thác mạnh. Những con chim nhỏ bị đánh xiêu lạc, phải nương theo gió, mặc gió cuốn đi. Rừng cây răng rắc gãy cành và rụng lá. Dưới cây cổ thụ chúng tôi dừng lại, cành lá đã phủ lớp lớp lên mặt đường”. (Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân trang 222-223)
Nhìn lại năm 1938, năm ông bước vào ngưỡng cửa viết lách, nền văn chương Việt Nam đã nở rộ tại Hà Nội ngoài Bắc và Sài Gòn trong Nam. Lấy một vài mốc điển hình, ở Hà Nội nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng khởi xướng từ năm 1932, đã hoạt động rầm rộ, xuất bản nhiều cuốn truyện ngắn, truyện dài được người đọc khắp ba kỳ Nam Trung Bắc nhiệt liệt đón nhận, như Bướm Trắng (1938), Ðoạn Tuyệt (1935) của Nhất Linh; Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) của Khái Hưng, Gánh Hàng Hoa (1934), Ðời Mưa Gió (1935) của Nhất Linh và Khái Hưng...
Ở Sài Gòn có Hồ Biểu Chánh với mấy chục cuốn sách in ra từ năm 1912 và được người đọc đón nhận thích thú trong văn phong miền Nam đôn hậu, hiền hòa và câu chuyện luôn luôn có một kết cấu đẹp, hợp luân lý và đầy nhân nghĩa, đạo đức. Như các cuốn Ngọn Cỏ Gió Ðùa (1926), Cay Ðắng Mùi Ðời (1923)... Sự xuất hiện một nhà văn trẻ Nguyễn Văn Xuân, năm 1938, không sớm, cũng không muộn trong làng văn Việt Nam.
Sau này trong văn nghiệp, Nguyễn Văn Xuân nổi tiếng trong các tập truyện ngắn như Hương Máu (196), Dịch Cát (1974), trong khảo luận với cuốn Khi Những Lưu Dân Trở Lại (1967), trong biên khảo như Phong Trào Duy Tân (1969), trong nghiên cứu văn học như Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc (1971), trong các hoạt động văn hóa, xã hội và nhất là các cuộc bút chiến, nhưng "Bão rừng" lại là một bông hoa sớm nở, biểu lộ một văn tài trong nền văn chương Việt Nam.
Theo Đỗ Xuân (Xứ Quảng)