.

"Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong

.

Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự không những của gia đình nhà văn mà còn là vinh dự chung của giới văn nghệ chúng ta-Lần đầu tiên một nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Chu Cẩm Phong được phong tặng danh hiệu Anh hùng không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng, gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964-1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh-với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác vừa lấy tài liệu sáng tác. Chu Cẩm Phong đã được xuất bản 3 tập sách: Mặt biển mặt trận, Rét tháng giêngNhật ký chiến tranh.

Tập Nhật ký chiến tranh là tập sách có sức nặng nhất của anh. Từ những dòng nhật ký của anh đã hiện lên cuộc sống, chiến đấu kiên trung bất khuất của nhân dân ta tại những vùng đất chiến tranh ác liệt nhất của Khu V (Quảng Nam, Quảng Đà và Quảng Ngãi). Nhiều sự việc, con người thực trong nhật ký còn gây xúc động cho ta suốt nhiều năm qua và tôi tin sẽ còn gây xúc động lâu dài. Tập Nhật ký chiến tranh trở thành một sự kiện văn học trong những năm qua. Vì thế, nhiều người muốn tìm hiểu về tác giả và quyển nhật ký đó.

Nhật ký của Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11-7-1967 đến 27-4-1971, ngày anh hy sinh. Để viết nhật ký, Chu Cẩm Phong đóng nhiều quyển sổ bằng giấy pơluya, gần như mỗi năm ghi một quyển. Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3-1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký viết từ 1967 đến cuối năm 1970 cùng một vài bản thảo viết tay và đánh máy, tôi nhớ trong đó có bút ký Làng Tà Riềng (có một bản viết tay và một bản đánh máy, tôi đưa chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong bản viết tay, tôi sẽ nói sau, còn giữ lại bản đánh máy, sau chiến tranh nhờ nhà văn Nguyễn Thành Long, gửi cho báo Văn Nghệ in).

Tất cả các quyển sổ ghi nhật ký và một số bản thảo của Chu Cẩm Phong được đựng trong thùng đạn đại liên của Mỹ, để khi có địch càn quét, chúng tôi sẽ đào chôn hoặc cho xuống suối, sau đó sẽ tìm lại. Việc này, trong chiến tranh cán bộ ta ở căn cứ, cả ở đồng bằng vẫn hay làm. Như vậy là khoảng 4/5 tập Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7-1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho đồng đội anh là tôi giữ. Anh chỉ cầm theo quyển sổ đang viết dang dở để viết tiếp nhật ký cho đến khi hy sinh. Quyển này, trước khi đi Quảng Đà, anh có ghé lại Nước Vin để chia tay chị PL, người yêu và có cho chị xem một số đoạn ghi về chị trước đó (theo lời chị PL kể lại) và có nói với chị là các quyển sổ ghi nhật ký những năm trước đã gửi lại cho tôi.

Vì thế, sau khi Chu Cẩm Phong hy sinh, chị PL được ra Bắc đã ghé lại cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu V thăm chúng tôi và xin tôi cho các quyển sổ Nhật ký của anh để chị mang ra Bắc bảo vệ tốt hơn. Ngày đó, tôi còn ít tuổi, cũng ngu ngơ lắm, nhưng nghĩ: “Chị PL có buồn khi Chu Cẩm Phong mất, nhưng một thời gian rồi chị sẽ xây dựng gia đình mới. Vậy những quyển số nhật ký này rồi sẽ ra sao. Tốt hơn hết, mình là đồng đội của anh nên giữ lại, sau này còn có khi dùng”. Vì thế, tôi nói dối với chị:

- Đúng là tôi giữ các quyển sổ nhật ký của anh Tiến (Chu Cẩm Phong), nhưng vừa qua tôi đi công tác, giao lại cho Cao Duy Thảo, Thảo giờ lại đi Bình Định nên không biết nó giấu thùng đại liên ở đâu nên không thể đưa các quyển sổ ghi nhật ký cho chị được.

Chị PL hơi buồn. Sáng hôm sau, tôi lén giở thùng đại liên đưa cho chị bản thảo viết tay bút ký Làng Tà Riềng gọi là chút kỷ niệm có chữ viết tay của Chu Cẩm Phong và tiễn chị ra về. Sau đó, Cao Duy Thảo về tôi kể lại chuyện, Thảo nói: “Mày làm thế là đúng”.

Những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đựng trong thùng đạn đại liên theo tôi đến đầu năm 1975. Khi tôi cùng Phan Nghĩa An được phân đi công tác Quảng Ngãi (tháng 2/1975) tôi đã trao lại cho nhà thơ Ngô Thế Oanh giữ thùng đạn đại liên có đựng những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đó. Ngô Thế Oanh đã mang thùng đạn đại liên ấy về tận 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng) khi giải phóng Đà Nẵng.

Khoảng 10 hôm sau ngày giải phóng Đà Nẵng (theo lời nhà thơ Bùi Minh Quốc kể) Bùi Minh Quốc đã nhận được quyển sổ ghi nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong, tức là khoảng 1/5 tập sách Nhật ký chiến tranh sau này của Chu Cẩm Phong từ tay một sĩ quan của chế độ Sài Gòn trao lại mà anh đã kể trong lời giới thiệu Tuyển tập Chu Cẩm Phong. Quyển sổ này được Chu Cẩm Phong viết từ đầu 1971 đến ngày mất (1-5-1971). Sau đó, Ngô Thế Oanh và Bùi Minh Quốc chuyển tất cả 5 quyển sổ nhật ký cho gia đình Chu Cẩm Phong ở Hội An. Tài liệu nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp để in Nhật ký chiến tranh (NXB Văn học) và Tuyển tập Chu Cẩm Phong (NXB Đà Nẵng) là do anh photo lại của gia đình. Tất cả chuyện này, tôi và Ngô Thế Oanh có cung cấp cho nhà văn, nhà báo Tô Hoàng viết trên báo Sài Gòn giải phóng năm 2000 (tôi không nhớ rõ số báo).

Gần đây ở Quảng Nam-Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm do người lính Mỹ cung cấp vậy. Do đó, tôi xin viết lại những dòng này trong lúc tôi còn sống, nhà thơ Ngô Thế Oanh còn sống, chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong còn sống, nhà văn Cao Duy Thảo còn sống để cung cấp rõ về mọi thông tin của tập sách Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong chứ không phải để kể công lênh gì (vì làm gì có chuyện công lênh khi giữ hiện vật của đồng đội, đó là trách nhiệm).

Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi. Mặt khác, tôi và đồng đội của tôi cũng rất cảm ơn người sĩ quan Sài Gòn cũ đã trao lại cho chúng tôi một phần, phần cuối cùng của bản thảo nhật ký Chu Cẩm Phong, để sau này, khi in sách chúng tôi có đầy đủ như tập Nhật ký chiến tranh này. Sở dĩ chúng tôi muốn nói rõ mọi việc vì muốn chứng minh rằng: đồng đội của Chu Cẩm Phong cũng rất nâng niu trân trọng giữ lại những di vật (đây là những quyển sổ nhật ký) của anh để lại, chứ không phải như ai đó nói là nhờ người sĩ quan kia cung cấp tất cả tư liệu mới có tập sách rồi suy diễn đủ chuyện. Viết những dòng này, chúng tôi mong rằng, được cung cấp những thông tin cho bạn đọc, cho các nhà nghiên cứu (cho cả những ai biết rõ sự thật mà cố tình nói khác đi) tìm hiểu về tập Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong, nhất là những người ở thế hệ sau này, khi chúng tôi không có điều kiện để “nói lại” được nữa.

Dưới đây là một số đoạn trích trong "Nhật ký chiến tranh" (*):

Thứ Năm 5-9-68

Hai ngày dầm mưa. Bão gần, bão số 6 đổ bộ vào miền Trung. Nước lũ đổ về dữ quá. Con sông Nước Mỹ xám ngắt réo rắt xiết qua các thác đá. Các suối nhỏ thành suối lớn. Suối lớn thành sông. Chiều nay đi về lội nước suýt bị trôi, ống chân và đầu gối va vào đá bầm tím, đau buốt. Bàn tay da nhăn nheo lại như vỏ quýt khô. Đi trên các đỉnh cao, gió cứ rít lên ào ào, gió rú qua lá cây rờn rợn. Thỉnh thoảng lại có một cây ngã rầm rầm khủng khiếp. Đêm qua ngủ lại một cái nhà hoang giữa rừng. Lúc đầu chỉ có 6 đứa bọn mình, càng về tối càng đông. Chen chúc trong một cái nhà cũ đã xiêu mục có 21 người. Chật không có chỗ chen. Đêm nằm, các xà nhà cứ kêu răng rắc muốn sụp. Nước trong rừng chảy qua nền nhà ướt át, bẩn thỉu. Vẫn cứ phải nấu cơm trên cái nền ướt đó. Người chia nhau hầm ngô, rang ngô (dạo này anh em đi trên đường dây hầu hết là phải ăn ngô hột trừ cơm), lấy áo quần ướt, sưởi lửa... khói lên ngùn ngụt, sặc sụa. Lộn xộn, bừa bãi như một bến xe ngày trước. Khi lửa đã tắt, khói đã hết, bắt đầu một tai nạn khác; con quỷ quái gì đó bay ra chui vào tóc vào mình cắn vừa đau, vừa ngứa. Ở cái nhà ấy, bình thường chắc sẽ đẹp. Nhà trên bờ sông, dưới một gốc cổ thụ rất to, cành cây ngả xoài ra mặt nước, ngồi ở đây câu cá chắc rất thú. Ban đêm không ngủ được, chốc chốc nghe một tiếng rắc, cả nhà lại hét om lên:

- Cậu nào đấy, sao lại nhún dữ vậy, sụp nhà thì sao?

- Này, sao lại coi 21 mạng người như bỡn vậy?

Hạnh bên Điện Ảnh trải ni lông nằm dưới đất, nước tràn vào ướt mem, khuya cậu ta dậy ngồi một lúc rồi lại chui ra rừng cột võng dưới võng của Hồng. Nước trong rừng cuốn lá trôi xuống kẹt dưới võng thành đống. Võng, tấm dù đắp ướt sũng. Một cậu bộ đội nghĩa vụ nói tiếng Nghệ An la ầm lên vì chiếc quần đùi sấy ở đống lửa bốc cháy khét lẹt. Cột võng trong nhà, võng vẫn bị ướt vì mái đã dột hết.

Sáng nay dậy mang gùi tiếp tục đi A9 nhưng nước to quá. Quý và Tam đi không được. Dù có qua được con sông này, đến sông kia cũng không thể lội được. Mình quyết định dừng lại tạt vào rừng, sửa lại cái lều đã sụp,che lại đàng hoàng, để Giai và Tam ở lại giữ đồ đạc, còn anh em quay về A7 để chuyển chuyến khác.

Mình có hai bộ áo quần đều ướt sạch, đành mặc quần ướt cởi trần ngồi trước đống lửa sưởi.

Bên ngoài đang bão lớn. Đài cho biết gió có thể đến cấp 10.

Thứ Hai 22-12-69

Buổi chiều mình ra làng đồng bào chơi. Làng đang ăn Tết. Người các làng khác đến đông quá, chật chội, nên tối mình không ở lại như kế hoạch mà về. Về nhà đọc sách nhưng cứ nghe tiếng trống tiếng chiêng và nhất là tiếng reo hò tự nhiên muốn biết thêm về người Kà Dong và các phong tục của họ. Về những điệu nhảy này, mình đã biết rồi nhưng mình nhận thấy bỏ qua là một thiếu sót. Thế là mình mượn đèn pin lần dò ra làng. Hai đêm nay trăng sáng lắm. Hôm nay là 14 ánh trăng lọt qua vòm lá rọi xuống đất loang lổ như da trăn. Càng đến gần tiếng reo hò càng lung linh như ánh trăng. Quanh cái bếp giữa gian nhà kháng chiến, người đứng chật như nêm. Một số phải đứng nhà bên cạnh vạch nứa nhìn qua.

Tuần tự buổi vui chơi của họ như thế này: nấu cơm ra họ vãi xung quanh bếp, khắp sạp và quanh nhà (họ cầu mong mùa lúa gạo thừa thãi?), sau đó nhảy. Đàn ông nhảy trước, nhảy vòng tròn quanh đống lửa theo nhịp trống miệng hét vang: "Cà vô! Cà vô!" theo nhịp dóng đôi. Đàn ông nhảy rất ồn ào. Những người già vẫn ngồi ở góc nhà ăn trầu. Họ nhảy mồ hôi vã ra, có người vừa nhảy vừa bốc cơm trên giàn mà ăn (đói mà!). Họ nhảy như vậy rất lâu sau đó họ ngồi quanh bếp lửa. Những người trong gia đình cúng: người già nhất trong gia đình cầm một ngọn lửa, một ống nứa, mộtcành cây đi quanh bếp miệng đọc thần chú, cuối cùng ông đi đến chỗ đặt những teo, bồ lúa, huơ lửa.Trong lúc đó mọi người trong gia đình: đàn bà, các người khác đứng bất kỳ ở đâu đều đọc to những câu thần chú, khấn vái rất lộn xộn, họ đọc ran rồi lại tiếp tục nhảy. Rồi uống rượu. Tất cả mọi người đều uống, đàn ông, đàn bà, con nít, chủ, khách... Mấy ông già cắt nghĩa với mình:

- Ai cũng uống. Ai cũng làm, ai cũng đánh Mỹ, ai cũng uống.

Sau đó phụ nữ nhảy. Phụ nữ nhảy theo nhịp trống và chiêng. Họ nhảy không ồn ào, ầm ĩ như nam giới. Có những cô rất diện. Prết đeo đầy cổ, thòng xuống đến bụng coócđeo đầy hai ống tay, quanh người đeo đầy... Trong mặc áo, ở ngoài mặc yếm. Áo và yếm đều mới.

Họ nhảy say sưa theo một tiết tấu rất đơn giản. Động tác cũng đơn giản. Họ nhảy đến sáng.

Thứ Sáu 9-1-70

Trời hôm nay còn tệ hại hơn hôm qua. Khu rừng mờ mịt sương mù, mưa từ các vòm lá cứ rơi lộp độp suốt ngày. Ở ngoài lạnh nhưng trong mình cứ nóng... Sốt ruột quá chừng. Đến bao giờ mới tỉa xong 60 lon bắp vụ đông xuân? Không đi rẫy được, thế là cơm sáng phải để trưa (không đi làm thì ăn ngày hai bữa). Chiều nay một con lợn lại chết có lẽ vì ngộ độc, có thể vì cấp dưỡng nấu sắn cho ăn? Thịt muối để dành. Tết. Hôm nay được một bữa thịt mang. Ngoài làng bắn được mang, mình bỏ ra, tấm ny lông (dùng để bơi) và Quốc bỏ ra cái quần quân phục để đổi thịt, được khoảng 5kg, ăn toàn cơ quan.

Bây giờ có lẽ 1 giờ sáng, Thảo vừa tắt đèn (đầu hôm cậu đọc một cái truyện ngắn vừa viết xong cho anh em tổ văn nghe, anh em góp ý, phải ngồi chữa). Trời đầu hôm tạnh ráo, giờ lại sụt sịt, mưa lại rơi rào rào...

Mình vừa ngủ được một giấc ngắn, vì một giấc chiêm bao mà không tài nào ngủ được, cũng không thể nào chắp lại những suy nghĩ đầu hôm để cấu tứ tiếp về cốt một cái truyện ngắn.

Mình gặp lại M và gia đình bác Long...

Phải thú nhận điều này, M là một người con gái đã để lại trong mình những ấn tượng sâu sắc vô cùng, hơn mình tưởng rất nhiều. Lúc ở Hà Nội, những ngày dài đi trên Trường Sơn, những đêm cầm khẩu K50 (lúc ấy chưa có AK) đứng gác giữa cánh rừng già xa lạ, nhìn mảnh trăng khuyết lạnh nằm chính ở góc rừng, những ngày ở trong này đi công tác ở vùng sâu bất chợt có những lúc mình nhớ đến M đằm thắm và da diết ngùi ngùi một nỗi thương tiếc. Tất nhiên, ngay lúc mình còn ở Hà Nội, hai đứa cũng chẳng nói với nhau thêm một lời nào, càng không thể lấy nhau hoặc tiếp tục yêu thương. Mình biết chắc còn một thời gian dài nữa, hình ảnh M sẽ còn làm mình bùi ngùi xúc động. Có lẽ vì tình yêu của chúng mình kín đáo quá, trong sạch quá, và vì sự lỡ làng.

Mùa hè năm 1957 mình gặp M lần đầu ở Hải Phòng, lúc đó mình vừa ở Trung Quốc về. Từ đó đến năm 1964 chúng mình là đôi bạn thân thiết. Những năm cuối, mình nhận ra trong tình cảm của mình và của bạn có cái gì đó rất bồi hồi, rất xúc động, rất thiêng liêng. Nhưng lúc đó mình đã cố tình giấu kín, mình đang mơ mộng, say sưa với những dự định lớn lao và quyết tâm - nghĩ mà quí mà cũng buồn cười... cho đến lúc xa nhau. Suốt trong thời gian dài, 6 năm ròng rã, mình chỉ một lần nắm tay M, ấy là cái bắt tay từ biệt để đi Nam. Có đôi lần chúng mình đi bên nhau giữa hai hàng phượng tỏa mát dịu của đường Hoàng Hoa Thám, và hương thơm dịu dàng của một cây ngọc lan trước nhà nói chuyện về những trang nhật ký của M đã cho xem trước lúc mình lên đường, mình thấy nhói trong tim. Mãi sau lâu lắm, M mới nói:

- Đêm nay em rất hồi hộp... (M biết mình ngày hôm sau xa Hà Nội, xa rất lâu biết đâu sẽ không gặp nhau nữa).

Mình lẳng lặng lấy thuốc ra hút.

- Độ rày anh lại hút thuốc ư?

- Hút ít thôi, những lúc buồn hoặc vui anh hút... Em không thích người ta hút thuốc khi nói chuyện với em?

M mỉm cười, mình ném điếu Điện Biên vừa châm.

Thế là xa nhau.

Những gì đã qua, nhất là những gì của tuổi trẻ thơ mộng, đều không trở lại... Nhưng không hiểu sao đêm nay mình nghĩ nhiều đến như vậy và nửa đêm lại ngồi dậy viết vớ vẩn. Mình sẽ giữ dìn, trân trọng...

Bây giờ chắc M đã có chồng, có con... Mình nghĩ đến diều này chẳng một chút ghen nào cả. Mình cầu mong M được hạnh phúc, mình sẽ rất sung sướng khi M hạnh phúc, M ạ.

Thứ Năm 18-6-70 (Rằm tháng Năm)

Liên tiếp vượt những đỉnh núi cao chót vót, đây đã là đất Kontum. Núi cao, rừng già bạt ngàn, khí hậu thay đổi khác hẳn:gió nam ào ào thổi trong các khu rừng, nghe như có một con thác đổ nước. Trời nam mà lạnh ngắt, lạnh đến nổi gai ốc, trời mù đục như trời mùa đông, các thân cây rêu xanh bám đầy. Mưa về chiều.

Con đường thồ tấp nập nhộn nhịp lạ thường. Đang đợt đột xuất, người ta đi cả ngày, cả đêm. Đoàn thồ, đoàn gùi, đoàn xuôi, đoàn ngược. Tiếng chân chạy, tiếng xe lao xuống dốc phanh két két. Tránh nhau thật vất vả. Trong một kho hàng, đạn dược chất cao tận nóc, người ta đang tổng kê, đang đóng hàng để kịp đi trong đêm.

Chiều nay đi một đoạn đường ô tô, cảm giác thật lạ. Mắt nhìn đã quen những cảnh con đường núi hẹp đầy gai, lách, giờ nhìn thấy con đường 6 thước lát bằng cây rừng, mình cứ ngỡ ngàng và thấy rộng thênh thang. Tất nhiên dọc những con đường này không biết bao nhiêu hố bom và anh em bộ đội đã sửa chữa đường không biết bao nhiêu lần.Chiều chúng lại ném bom phía tây nghe rất gần.

Ngủ lại giữa rừng, cũng trên một chiếc cầu. Lạnh ngắt.

Chủ Nhật 28-6-70 (25 tháng Năm)

Hôm nay đi toàn đường dốc, lắm vắt, và không có một khe suối, hai tay bắt vắt bẩn thỉu, vấy đầy máu và bùn lầy. Hòa hôm nay mệt, mình vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện để cậu ta quên mệt. Lúc leo lên đỉnh dốc cao gặp hai vợ chồng một anh tên là Ốp cõng con đi "đòi mòi" (có nghĩa là làm khách đi thăm bà con). Anh chồng cõng con mang theo AK,chị vợ khoẻ mạnh mặc chiếc áo quân phục nữ, chiếc xà rạp, đội mũ mềm kiểu giải phóng quân Trung Quốc, tóc cắt ngắn, vai còn mang thêm một ống lồ ô đầy cá. Gặp tụi mình, sau khi nói đôi ba chuyện bằng tiếng Kà tu, chị vợ lấy ra cho 2 cái bánh nếp và mời về làng uống tà vạc. Phong tục ở đây vậy, đi thăm bà con người ta mang theo quà, dọc đường không được đánh rơi, không được cho người khác, nhưng chị Ốp đã phá cả tục lệ.

Buổi chiều nghỉ lại làng Kàdi, một cái làng nhỏ. Ở đây có lớp học hẳn hoi. Vừa mới đến chưa kịp tắm rửa, Hòa đã bưng về một bi đông tà vạc hòa bột cam uống rất ngon, vừa ăn bánh nếp, bánh bắp vừa uống tà vạc thú vô cùng, nhất là sau một đoạn đường khô nước. Mình bất giác tưởng như ở Hà Nội những lần đi mệt tu một chai bia Hữu Nghị. Rửa ráy xong, mình ngồi nói chuyện với hai chú bé, một chú tên là Verơ, một chú tên là Nhom để học tiếng Kà tu.

Nhom là chồng của Lạc. Lạc khoảng 16 tuổi, trắng trẻo, mũm mĩm, ăn mặc chải chuốt, sạch sẽ, mái tóc đen chải láng nhẫy, quấn quanh đầu một chiếc khăn để làm dáng. Về ở nhà chồng nhưng không phải làm gì, cô được đi học. Gần đây cô lại không ưng với Nhom mà đem lòng thương cậu giáo viên, cũng nhỏ như cô ta. Lạc vẫn theo hát hò nhảy múa với đám con nít trong làng quanh đống lửa nhỏ đốt giữa sân.

Plừng là tổ trưởng hợp tác, rất vui chuyện và rộng rãi, thân hình đồ sộ của anh trước ánh lửa như một tượng đồng. Anh rót cho khách những bát tà vạc đầy tràn, mời khách ăn cá khô uống rượu. Hôm nay là ngày nghỉ của hợp tác xã, anh đi đánh cá cải thiện, về chia đều cho cả làng, bà con ở nhà giặt giũ, dọn vệ sinh. Đồng bào ở làng rất hiếu khách, và ưa chuyện, có bà con có vẻ quan trọng tiết lộ cho mình biết những chuyện bí mật của làng như chuyện cô Nhiết đang đau khổ không muốn chung sống với anh Pêê nữa.

Ban đêm, ngoài sân đốt một đống lửa nhỏ, thiếu nhi và hai cậu giáo viên nhảy múa ca hát, chơi trò chơi “tin điện”. Mình dạy cho các em bài “Ra tiền tuyến”, các em thuộc rất nhanh. Trong nhà, đám người lớn say tà vạc đang hét ỏm tỏi, giọng khản đặc.

Thứ Bảy 4-7-70 (2 tháng Sáu)

Mỗi buổi chiều mưa hay nắng, mình cũng mang những ống lồ ô dài xuống máng lấy nước về cho các bếp trong nhà (công việc này ở đây cũng chỉ do đàn bà và các em nhỏ làm). Các bà và các em tò mò nhìn mình và mỉm cười thiện cảm. Và khi mình dùng cái vốn ngôn ngữ Kà tu ít ỏi để bắt chuyện thì họ gục vào vai nhau mà cười rung cả người và nói với nhau những câu líu ríu rất nhanh lấp trong tiếng cười khúc khích. Sau mình mới hiểu, trước đây có một số cán bộ đến làng thấy xa nước ai cũng sợ, có người suốt mấy ngày không rửa chân, nay thấy mình vác ống xuống lấy nước họ thương.

Lớp học ở làng này cũng là một đội sản xuất, vừa học vừa sản xuất vừa làm công tác. Hàng ngày cứ mỗi tối đều có họp để kiểm điểm. Ngày hôm nay 11 em trồng được 2900 gốc sắn. Những sản phẩm do các em sản xuất ra dùng để mua giấy, mực, bút. Bảng viết tập của cá nhân là một tấm lồ ô chuốt rồi hơ lửa đập thẳng ra, mới nhìn như một miếng mo cau ép, viết bằng một thanh nứa vót nhọn. Trong hoàn cảnh như vậy các em vẫn phấn khởi. Thiếu nhi ở đây ăn mặc, mặt mũi đều sạch sẽ, sáng sủa rất đáng yêu.

Thứ Ba 20-4-71 (25 Tháng Ba)

Đêm qua mình buộc cái võng cong vòng trong chiếc lều hẹp của anh Tế nhưng ngủ vẫn rất ngon, trời lại se se lạnh và gió mùa nên ngủ càng say. Mình lại nằm mơ thấy P.L, trong bộ quần áo bà ba lụa màu đen, chính bộ áo quần Em đã mặc hôm mình gặp trên đường đi công tác Quảng Đà ngày 20 tháng 12 năm 68. Mình rất thích em mặc bộ bà ba lụa màu đen ấy.

*

Buổi sáng người trên cánh đồng rất đông, áo trắng trên đồng lúa chín rộ vàng rực. Người trong các xóm vẫn tiếp tục túa ra, khiêng theo bồ đập lúa. Thật ra chẳng có cái bồ nào cả, chỉ có thùng gỗ hoặc thùng tôn, phía trên quây bằng ny lông, dù đèn, khiêng như khiêng kiệu. Các áo trắng gợi nhớ đến những đàn buớm. Có cả những áo màu loè loẹt của phụ nữ (hợp pháp mà). Nắng lên rực rỡ, đó là một bức tranh sơn mài rất đẹp.

Các nhà ăn uống rất tươi, ngày mùa, họ làm thịt vịt, khá phổ biến (ở đây rất nhiều vịt).

Mình đi dự cuộc họp Đảng ủy xã. Lúc mình ngồi đợi một mình ở thôn Ba, bỗng có hai phát súng, người ta bảo có quân nguỵ xuống. Chỉ có một mình, lúng túng một lúc. Đi công tác đồng bằng nhiều mà còn chủ quan. May chúng không xuống, nếu không thì không biết chạy đâu, đồng ruộng trống hoang, chỉ có lúa chín vàng rục và những mảnh ruộng trơ gốc rạ, trong các xóm cũng trơ trụi như cồn cát.

Người trong khu tập trung ra về nhiều, họ đi buôn, gánh về muối, (400 đồng một ang) gạo (một ngàn đồng ang), đi về gặt lúa, chôn cất của cải. Họ kể nhiều về cuộc mít tinh của địch chiều qua, về đấu tranh chống dồn nhà, đêm qua chúng lại giở trò giả lính Nam Triều Tiên để dọa dẫm... Đã có một số người làm nhà mới trong khu mới, đồng bào gọi đó là “cu mồi”.

*

Ngót một trăm cử tri ngồi dồn trong một túp lều nhỏ đứng trơ trọi trên một cái gò cháy trụi. Đứng trên quả gò này, nhìn mọi thứ người ta có cảm giác mọi cái đều giòn rụm. Trong nhà trang trí khẩu hiệu xanh đỏ, cờ, ảnh Bác, bình hoa - mấy cái hoa chuối nước màu vàng màu đỏ là phải cho du kích sang gò bên kia hái,ở đó không bị cháy, nhưng lại rất dày mìn đặt sẵn - đó là nhà bầu cử hội đồng nhân dân xã. Không đủ chỗ ngồi, người ta đội nón đứng cả ngoài sân, dưới ánh nắng trưa, những người đứng ngoài sân là những người hợp pháp. Không có túp lều nào to hơn, không có khu vườn nào mát. Cử tri ở trong khu tập trung cũng ra bầu, cử tri ở ngoài đồng ruộng về. Đang mùa gặt, người ta đem cất ngay không để lúa hột trên mặt đât sang ngày thứ hai, nên có người ở ruộng về ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ như gấc. Nhưng đã đến đây, họ trịnh trọng, nhất là ông già, có lẽ họ đã từng trải những đắng cay chua xót của cuộc đời mất tự do.

...

(*) Nxb Đà Nẵng…/ Tái bản Nxb Hội Nhà văn 2011

Nhà văn Thanh Quế (Tạp chí Non Nước)

;
.
.
.
.
.