Tú Quý tên thật Huỳnh Quỳ. Ông sinh ngày 26 tháng 6 năm 1828 (tức 15 tháng 5 năm Mậu Tý), niên hiệu Minh Mệnh thứ 9, tại làng Giảng Hoà, tổng Quảng Hoà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Sau này làng Giảng Hoà được sáp nhập vào xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Mộ Tú Quỳ có ghi bìa sách viết về ông |
Ngày đi học, Huỳnh Quỳ thọ giáo cụ tú Trần Thế Thận ở Phi Phú, Gò Nổi, Điện Bàn.
Lớn lên, mặc dù lận đận chốn trường thi nhưng Tú Quỳ không oán hận. Sau hai lần lều chỏng, hai lần ông chỉ đỗ Tú Tài. Tú Quỳ trở lại quê hương vui với việc dạy trẻ, sống cuộc đời như ông, cha, chú ngày trước.
Nếu ở Nam bộ, Đồ Chiểu đã dùng ngòi bút của mình với chí hướng:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!”
Ở Quảng Nam, Tú Quỳ cũng không ngoài chí hướng ấy. Ông đã dùng tài văn chương của mình, ngoài việc giúp đỡ hàng xóm trong những dịp quan, hôn, tang, chế… ông thẳng thừng đả kích những thói hư tật xấu của xã hội, của bọn quan lại cường hào không chút khoan nhượng, e dè nhằm mục đích thực hiện hoài bão “diệt bất công, gian ác, khuyến thiện, hưng đạo đức” một cách chính trực, ngoan cường.
Hành động và ngôn ngữ của ông phản ánh một nhân sinh quan cá biệt, không giống một danh sĩ nào cùng thời, đó cũng là phong cách tạo cho ông có được một bản chất đặc thù: Bản chất Tú Quỳ Quảng Nam.
Sinh ra trong một gia đình tổ tiên là người có công khai phá, sáng lập ra vùng đất Giảng Hoà, được sắc vua phong: “Bổn thôn tiền hiền khai khẩn” công nhận tộc Huỳnh là người tiền hiền khai canh vùng đất Giảng Hoà.
Gia đình Tú Quỳ ba đời làm khoa bảng: Ông nội, cha, chú và đến ông đều đỗ tú tài. Nền nếp nho phong là mực thước trong cung cách sống của ông.
Cũng như lớp sĩ phu thời bấy giờ, Tú Quỳ mang trong lòng nỗi đau mất nước, lòng uất hận đối với bọn vua quan bù nhìn, cường hào ác bá bán nước cầu vinh. Ông tôn trọng, kính phục những người khởi nghĩa xả thân vì nước, cụ thể là phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Tuy vậy, ông có điều khác họ là rất mực thương yêu nông dân nghèo và chân thành đứng về phía họ. Tú Quỳ đồng cảm với nhân dân về hai nỗi khổ: Nỗi khổ mất nước dưới ách thống trị bạo tàn của thực dân, phong kiến và cả nỗi khổ bởi những hành động cực đoan, tiêu cực không kém phần khắc nghiệt của những phần tử thoái hoá, biến chất, lạm dụng quyền lực và uy tín của phong trào Nghĩa hội để hà hiếp nhân dân.
Từ đó ông sẵn sàng dùng ngòi bút của mình để đả kích bọn vua quan và cả việc vạch mặt những hành động sai trái, hống hách, sách nhiễu nhân dân của một số người trong Nghĩa hội một cách cương quyết, không e dè, khiếp sợ. Hành động của Tú Quỳ trong thời điểm ấy, xét về mặt quan điểm lịch sử và quan điểm văn học, ông chứng tỏ mình là người có tư tưởng tiến bộ, mang tính nhân văn rõ rệt. Tự nó có giá trị phản ánh bản chất “uy vũ bất năng khuất” của một con người giàu lòng nhân nghĩa.
Và lịch sử đời ông đã chứng minh điều đó: Ông luôn bị vây quanh bằng những tai hoạ khủng khiếp, có lúc tưởng như phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Do những sáng tác đả kích các phần tử tiêu cực trong phong trào Nghĩa hội, ông bị bọn họ vu khống cho là phản tặc và bắt ông giải lên Trung Lộc – nơi phong trào Nghĩa hội đặt làm căn cứ để xử tử. Nhưng với người thủ lĩnh đầy tài đức, mực thước, thông minh và sáng suốt như Nguyễn Duy Hiệu, cụ Hường đã thấy được ở Tú Quỳ là một nhân tài.
Những sáng tác của ông tuy nghịch nhĩ nhưng trung ngôn, cụ quyết định huỷ lệnh tử hình và tha bỗng Tú Quỳ vô điều kiện và mời ông tham gia phong trào. Tuy vậy, vì lý do hoàn cảnh gia đình, ông phải từ chối. Từ đó đến cuối đời, với cách nhìn cuộc sống nhân hậu và bằng tài năng của mình, nhà nho yêu nước Tú Quỳ đã để lại cho đời sau những sáng tác văn học vô giá.
Đối với sự nghiệp thơ văn, các sáng tác có giá trị nhất của ông là những tác phẩm mang tính hiện thực trào phúng. Người đọc cảm nhận được chất độc đáo trong văn phong, văn khí của ông. Nó có khả năng thẩm thấu qua tâm hồn người đọc, người nghe và thuyết phục được họ không những vì nghệ thuật ngòi bút mà còn vì tính chân tình của con người có lương tri, giàu nhân ái, không lẫn lộn với bất cứ một sáng tác của văn nhân nào khác. Cho đến bây giờ, qua truyền miệng trong dân gian, các giai thoại có sưu tra và cả qua những lời kể lại của con cháu ông, các nhà nghiên cứu đã sưu tập hàng trăm tác phẩm với các thể loại: văn, thơ, đối, liễn…mang nội dung phong phú, đa dạng, đặc sắc.
Là người sống trong thời loạn lạc, chịu ảnh hưởng nặng nền Nho học và cả cuộc giao tranh tư tưởng Đông – Tây, vì vậy theo sự đánh giá, phân định của các nhà nghiên cứu về Tú Quỳ, văn thơ của ông phản ánh nhiều khuynh hướng khác nhau:
Được sinh ra và trưởng thành trên một vùng quê bên sông Thu Bồn thơ mộng, giao thiệp với nhiều bè bạn thơ văn khắp nơi đã tạo cho Tú Quỳ vốn sống phong phú, một nguồn thi hứng về những kỷ niệm, những tâm trạng với quê hương, với thiên nhiên. Đây cũng là khuynh hướng đầu tiên của ông để sáng tác. Bút pháp tả cảnh ông thể hiện rất nhất quán, không hề lặp ý trùng từ; đặc biệt, ông luôn luôn khai thác vốn thổ ngữ địa phương như một nhà “ngôn ngữ học” có tài bằng các tác phẩm nổi nét như: Vịnh Côn Sơn, Gành Móm, thư gởi chồng đi vong, Vịnh nước lụt, Mưa giông, Tháp Hời… Ngoài tài năng tả cảnh, thơ ông cũng đã giải bày được nỗi lòng của mình trước cuộc sống, trước cảnh nước mất, nhà tan:
Nông nỗi làm chi đất nước nầy
Chợ Hời còn đó, tháp còn đây
Dấu xưa bia tạc sương sa lấp
Cảnh cũ đền cao nước lộn mây
Chiến tích ngàn năm vang vọng mãi
Kỳ công vạn thuở dễ ai hay
Đau lòng hỏi khách thương cung điện
Rằng mấy tang thương cuộc đổi thay!
(Vịnh Tháp Hời)
Có được tình yêu quê hương dào dạt, Tú Quỳ càng cảm thông sâu sắc với tầng lớp nhân dân lao động, những người suốt cuộc đời cày sâu cuốc bẩm và phải chịu sự áp bức bóc lột của nhiều lớp thống trị. Khuynh hướng thơ văn của ông cũng thể hiện tình cảm yêu thương dân nghèo và đứng về phía họ để bênh vực, đấu tranh bảo vệ họ; lên án sự bất công, cường quyền. Những bài văn tiêu biểu như: Văn tế thợ rèn, Văn tế ông chài lưới, Văn tế hát bội,... mỗi câu chữ, ý tứ giàu chất thơ, giàu thực tế, sinh động, hàm súc, miêu tả được cuộc đời hàn khó của người nghèo.
“Nón cời tơi rách chịu nắng mưa
Mặt nước dòng sông nuôi con vợ…”
(Văn tế thợ rèn)
Hoặc:
“Lời sắt đinh căn dặn cõi trăm năm
Kiếp tro bụi phanh phui người một lối…”
Và:
“Thảm thiết bấy mấy lời tiện tặn, chịu ăn hoài dao luộc hơn chín mười năm
Não nùng thay chút phận rủi ro, như tâm mất lưỡi cày cực trăm ngàn nỗi…”
(Văn tế thợ rèn)
Tú Quỳ có cái nhìn thoáng đãng của một thi nhân, lại là người có tư tưởng tiến bộ, ông không tin vào thần linh, vào những điều màu nhiệm do người “khuất mặt” sắp đặt. Một số tác phẩm của ông cũng đả kích thẳng thừng vào tệ mê tín dị đoan bằng những lời lẽ đúng đắn, khoa học với giọng văn giàu chất trào phúng, tạo nên nụ cười sảng khoái cho người nghe, người đọc. Đôi lúc châm biếm một cách thâm thuý bằng ngòi bút thiên tài. Các tác phẩm: Văn tế phù thuỷ, Phú ông Mốc, Cây đa thần… hoặc các giai thoại về việc ông cúng miếu Bà cho vợ khỏi bệnh… đã thể hiện rõ khuynh hướng bài trừ mê tín dị đoan, không tin vào điều nhảm nhí:
“Ông thần, thần làng
Tú tài, tú tài nhà nước
Quyền tước ngang nhau
Vợ Quỳ đau nên Quỳ phải dái (vái)…”
Đối với bọn cường hào ác bá, bọn quan lại bù nhìn sẵn sàng tuyên chiến. Bằng tài năng văn chương của mình, với ngôn ngữ sâu cay, ông vạch mặt không khoan nhượng, sợ sệt. Các bài thơ, bài vịnh, bài văn của ông đa số dành để đả kích bọn này như: Tranh giành lý trưởng, Vịnh con tôm, Vịnh hát bộ, Văn tế Chánh Năm, Vịnh Ông Táo, Con mèo, Con muỗi, Cây tre…Ví như:
“Thần quyền tế cũng sắc trời phong
Chức chưởng làm chi giữ cõi đông
Nồi gạo lo toan ngày sợ hỏng
Hơi đồng liếm láp bữa ngồi trông…
…Oai quyền trong xó vui chi đó
Đè nặng trên đầu có biết không?
Lành dữ chuyện đời sao ngậm miệng
Nực cười xác đất nén ba ông…
(Vịnh ông Táo)
Hoặc:
“Huênh hoang chi lắm hở mèo ơi
Mình lại khen mình cũng thế thôi…”
(Vịnh con mèo)
Hay là:
“Nghĩ muỗi như bay đủ mọi điều
Vật chi có thiếu hỡi còn kêu…”
(Vịnh con muỗi)
Bằng giọng văn giàu hình tượng, sắc sảo, nhân hoá một cách tài tình, ông mượn việc mô tả những con vật, sự vật bình thường trong cuộc sống để ám chỉ bọn cường hào sâu mọt, bất tài nhưng lộng quyền, hà hiếp nhân dân, tiên đoán số phận của bọn chúng. Thơ văn ông phần lớn các tác phẩm có nội dung trên.
Ngoài ra, Tú Quỳ cũng có nhiều sáng tác thuần tuý mang giá trị văn học đặc sắc như: Văn tế Bá Bảy, câu đối làng Đồng Tranh, bài thơ Nhớ nhà… và một số tác phẩm khác có tính trào phúng, vô thưởng, vô phạt nhằm mục đích tạo nụ cười hồn nhiên lúc trà dư tửu hậu.
Tú Quỳ qua đời vào những giờ đầu, ngày mồng 6 tháng 3 năm Bính Dần (17-5-1926), năm Bảo Đại thứ I, hưởng thọ 98 tuổi.
Ông mất đi, đất Quảng mất một tài năng văn học, nhưng sự nghiệp thơ văn của ông vẫn mãi mãi tồn động trong lòng mọi người, mọi thế hệ. Ông đã đóng góp cho kho tàng văn học Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung những bông hoa đầy hương sắc góp vào vườn hoa văn học của dân tộc, để chúng ta, những thế hệ cháu con cần giữ gìn, trân trọng!
Theo Nguyễn Hải Triều