.

Giáo sư Hoàng Châu Ký - bậc thầy của nghệ thuật Tuồng

.

Là người sáng lập và lãnh đạo đầu tiên xây dựng các thiết chế nghệ thuật Tuồng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V và trong kháng chiến chống Mỹ ở thủ đô Hà Nội, giáo sư Hoàng Châu Ký là nhà tiên phong bậc thầy thực hiện đường lối của Đảng trong sự nghiệp phục hưng và phát triển nghệ thuật dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh ngày 16 tháng 5 năm 1921 trong một gia đình nho học ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, có quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa mà ngày xưa ông tổ của dòng tộc ông đã theo Chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp.

Nhưng tuổi thơ của ông đã gắn liền với làng Kim Bồng thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Cẩm Kim, thành phố Hội An). Tộc Huỳnh ở Cẩm Kim nổi tiếng về sự học, nên ngay từ nhỏ ông đã học chữ Hán, sau đó ông học tại trường nam tiểu học Hội An.

Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh lỵ Hội An là một trong những vùng đất của xứ Quảng mà nghệ thuật tuồng được dân chúng hết sức ngưỡng mộ. Vào thời kỳ đó, tại nơi đây đã có một đoàn tuồng của người lớn gọi là Gánh hát bội Chánh Đệ (tên của một nghệ nhân đoàn trưởng) và một đoàn tuồng của thiếu nhi gọi là Gánh hát bội Đồng Ấu. Các đoàn tuồng này thường công diễn các vở tuồng cổ tại rạp hát bội Đồng Lạc của thành phố, làm cho anh học trò nhỏ làng Kim Bồng rất ham mê. Cũng tại nơi đây khi mới 15 tuổi, ông đã được các bậc đàn anh Trần Tống, Nguyễn Xuân Nhĩ dìu dắt và bắt đầu hưởng ứng các phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Nam.

Năm 1937, lúc 17 tuổi, ông ra thành phố Đà Nẵng theo học trường trung học Chấn Thanh. Đến năm 1942, khi mới 21 tuổi, ông đã gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1943 ông bị thực dân Pháp bắt và bị giam tại nhà lao Hội An và sau đó được thả ra. Đến năm sau, ông lại bị bắt và lần này bị giam tại nhà lao Hỏa Lò ở Hà Nội. Sau khi quân Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông và nhiều đồng chí ở Hỏa Lò thoát ngục trở về hoạt động ở quê hương trong không khí sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Khi cách mạng Tháng 8-1945 bùng nổ, ông được Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cử làm Trưởng ban bạo động và cướp chính quyền tại khu mỏ than Nông Sơn thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau cách mạng, ông lần lượt được cử làm bí thư Huyện ủy huyện Quế Sơn, huyện Tiên Phước và nhất là huyện miền núi Phước Sơn còn gặp nhiều khó khăn sau Cách mạng.

Có điều đặc biệt là về sau ông không tiếp tục đi theo con đường làm cán bộ lãnh đạo chính trị có nhiều thuận lợi mà ông tự chọn cho mình một lối rẽ đi vào con đường hoạt động văn hóa - nghệ thuật cho đến cuối đời.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến năm 1951, Trung ương chủ trương phục hưng và phát triển những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đem văn nghệ phục vụ kháng chiến. Năm 1952, ông được Liên khu ủy Khu V giao cho trách nhiệm tập hợp lực lượng chiến sĩ, nghệ nhân trong khu vực như Ngô Thị Liễu, Phó Sơn, Sáu Lai, Đội Tảo ( Nguyễn Nho Túy)... để thành lập Đoàn tuồng Liên khu V, một đơn vị nghệ thuật sân khấu dân tộc cách mạng đầu tiên trong cả nước (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn). Đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông từ một cán bộ chính trị trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành bí thư Đảng đoàn kiêm tổng thư k‎ý đầu tiên của Hội Sân khấu Việt Nam, hoạt động cùng với Thế Lữ, Học Phi bước đầu đặt nền nóng cho sự phục hưng và phát triển của ngành sân khấu dân tộc Việt Nam. Năm đó, ông đồng thời là ủy viên thường trực Hội nghệ sĩ sân khấu khóa I (1957 - 1983) và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Đến năm 1962, ông trở thành giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, do sự sáp nhật của Đoàn tuồng Trung ương với Đoàn tuồng Liên khu V, phát triển cho đến ngày nay. Trong năm này, ông chủ trương và cùng tham gia thành lập Đoàn tuồng Thanh Quảng của tỉnh Thanh Hóa ra đời ngày 9 tháng 5 năm 1962, do ông Trần Đình Hùng làm trưởng đoàn. Sau khi ra đời, Đoàn tuồng Thanh Quảng đã dựng các vở Thạch Sanh, Triệu Quốc Trinh, Trần Bình Trọng, Ngọn lửa Hồng Sơn và những vở tuồng đó đã làm sôi động hoạt động tuồng, hoạt động nghệ thuật sân khấu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi nước nhà thống nhất, đến năm 1997, ông làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để thành lập Nhà hát Cung đình Huế, gồm ba loại hình nghệ thuật là nhạc cung đình, múa cung đình và tuồng cung đình, nhờ vậy mà cho đến nay Huế mới có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cố đô Huế  với ba đoàn nghệ thuật và như vậy ý‎ nguyện của ông đến nay hầu như đã thành sự thật và như nhà nghiên cứu Trương Tuấn Hải đánh giá ông đã “thổi hồn cho Tuồng Huế hôm nay và mai sau”.

Có lần trong hội nghị sân khấu ASEAN, giáo sư Hoàng Châu Ký đã phát biểu: “Nghệ thuật Hát Bội được coi là nghệ thuật cao. Một số vở Tuồng  của Việt Nam không thẹn khi so sánh với bi kịch Hy Lạp”.

Năm 1988, ông được nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư đợt đầu tiên và đến năm 2001 tiếp tục được nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Suốt cả chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, giáo sư Hoàng Châu Ký như một người thợ cả say mê và cần cù không bao giờ ngưng nghỉ, đã giành hết tâm huyết và thời gian cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc tuồng.

Khi nói đến sự đóng góp của giáo sư Hoàng Châu Ký trong việc phục hưng và phát triển nghệ thuật tuồng - hát bội là nói đến một nhà hoạt động sân khấu tài hoa trên nhiều lĩnh vực: quản lý tổ chức, nghiên cứu, sáng tác, cải biên, đạo diễn và đào tạo.

Bác Hồ đã từng nói: “Tuồng của cha ông hay lắm, cố mà giữ gìn, chớ dậm chân tại chỗ nhưng cũng chớ gieo vừng ra ngô”. Điều làm ông bận tâm nhất là làm sao quán triệt được lời dạy của Bác Hồ về nghệ thuật dân tộc tuồng và ông đã cố gắng không hề mệt mỏi hàng chục năm trời nhằm thực hiện tốt lời dạy đó.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo sư Hoàng Châu Ký ngay từ đầu đã có cùng quan điểm với các nhà sử học Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm về nguồn gốc và lịch sử của tuồng trái với ý kiến của một số học giả, nhà nghiên cứu trước đây như Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đoàn Nồng... khi họ cho rằng nghệ thuật tuồng của Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa vào khoảng năm 1285 dưới thời nhà Trần (1225 - 1400). Ông đã xác lập rằng nghệ thuật tuồng của nước ta đã ra đời trước niên điểm đó từ dưới thời nhà Lý (1010 - 1225) bởi từ năm 1182 đã có một vở tuồng được trình diễn trong cung đình nhà Lý. Bằng một sự am hiểu uyên thâm về nghệ thuật tuồng - hát bội, ông đã chứng minh một cách hết sức thuyết phục rằng về bản chất tạp kịch của Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên (960 - 1279) và nhà Tống (1280 - 1368) “chẳng có điểm cơ bản nào giống với nghệ thuật Tuồng của chúng ta và nghệ thuật Tuồng hoàn toàn là diễn xuất của người Việt Nam”.

Trong thời kỳ chống Mỹ ở miền Bắc, giáo sư Hoàng Châu Ký là người có sáng kiến thành lập Ban Nghiên cứu Tuồng và đã tập hợp được nhiều nhà nghiên cứu có tài năng như Phạm Phú Tiết, Mịch Quang, Nguyễn Lai, Hồ Lãng, Lê Ngọc Cầu, Lê Cường...

Ông là nhà nghiên cứu nhiệt tình và năng động, không bao giờ chịu bỏ mình trong cơ quan nghiên cứu mà thường đi thực địa ở nhiều địa phương để phát hiện và thu thập di sản tuồng cổ Hán Nôm, thậm chí ông còn đi sang tận Paris để tìm hiểu các kịch bản tuồng cổ Hán Nôm trong thư viện của thủ đô nước Pháp.

Sau hòa bình, ông cùng giáo sư Vũ Khiêu điều hành cuộc Hội thảo khoa học “Đào Tấn và nghệ thuật Tuồng” tại tỉnh Bình Định.

Giáo sư Hoàng Châu Ký cũng là người đầu tiên biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật tuồng - hát bội như Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng (1993), Tuồng cổ, Nghiên cứu và hiệu đính văn bản (1978), Tuồng - Hát bội và bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam, Nghệ thuật biểu diễn Tuồng, Nghệ thuật Tuồng cung đình, Tuồng Quảng Nam, Mấy điều cơ bản trong biên dịch Tuồng, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 15A (dành riêng cho kịch bản Tuồng - 1994), Từ điển nghệ thuật Hát bội Việt Nam (cùng giáo sư Nguyễn Đức Lộc)...

Trong lĩnh vực sáng tác, ông cũng là người đầu tiên viết các vở tuồng phục vụ cho công tác biểu diễn trước công chúng để quảng bá, phổ biến nghệ thuật tuồng đến mọi người.

Giai đoạn đầu, khoảng từ 1972 đến 1975, ông đã viết các vở tuồng Đường về Vụ Quang, Quay súng trở về, Cao Doãn, Úm ba la (tuồng hát). Giai đoạn thứ hai, từ 1975 sau khi nước nhà thống nhất, do thế mạnh của nghệ thuật tuồng là các đề tài lịch sử nên ông đã viết các vở tuồng Quang Trung - Nguyễn Huệ, Thanh gươm chủ chiến (cùng với Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Xuân), Vua Duy Tân, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân.

Nhờ vận dụng bút pháp truyền thống kết hợp với phát huy sáng tạo và ngôn ngữ nhân vật độc đáo của riêng  mình, ông đã làm cho các vở tuồng lịch sử đó phát huy được tác dụng cao nhất và gặt hái được sự thành công hơn cả. Ông thường làm đạo diễn cho các vở tuồng do ông sáng tác giúp cho các đoàn tuồng, nên càng làm cho các vở diễn đạt được hiệu quả cao nhất và nhận được sự hoan nghênh của công chúng.

Cái tài của ông là đã biết đan xen, hòa trộn tuồng cổ với tuồng dân gian vào nhau, làm cho nghệ thuật tuồng gần gũi với khán giả hơn để công chúng nhận thức được cái đẹp, cái hay của nghệ thuật tuồng. Bên cạnh đó, ông còn chỉnh l‎ý nhiều vở tuồng cổ như Nghêu sò ốc hến, Sơn hậu và cải biên vở Hùng Vương thành Ngoại tổ dâng đầu, vở Tam nữ đồ vương thành Ngọn lửa Hồng Sơn (cùng Nguyễn Tường Phổ).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều đoàn tuồng đã biểu diễn các vở tuồng của ông, đặc biệt năm 1969, đoàn tuồng thuộc đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Phú Yên đã công diễn vở Ngọn lửa Hồng Sơn để phục vụ chiến trường. Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên đã có nhận xét về vở tuồng đó khi viết rằng: “ Kịch bản do giáo sư Hoàng Châu Ký viết quá hiện đại rồi, lời thoại có bác học đấy nhưng cũng rất dân dã, dễ hiểu”.

Nói tóm lại, những công trình nghiên cứu, sáng tác và cải biên nghệ thuật tuồng của giáo sư Hoàng Châu Ký là những công trình vô giá, đáng trân trọng.

Khi nói tới giáo sư Hoàng Châu Ký không thể không nói tới lĩnh vực đào tạo. Về phần này, cần biết rằng ông là một nhà sư phạm, một diễn giả có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật tuồng - hát bội, nên trong các bài nói chuyện trước công chúng hay các bài giảng của mình trong các giảng đường đại học, ông thường kết hợp lời nói với giọng hát và vũ đạo, làm cho lối thuyết trình, giảng dạy của mình trở nên sinh động, có sức thu hút người nghe, qua đó quảng bá được những kiến thức sâu sắc, những cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng - hát bội trong công chúng, học sinh - sinh viên.

Năm 1968, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông đã trực tiếp gặp Ban B (bộ phận phụ trách miền Nam của Chính phủ) để đào tạo một số diễn viên tuồng tại đoàn tuồng Thanh Quảng của Thanh Hóa nhằm phục vụ cho chiến trường Liên khu V. Năm 1972, ông lại chỉ đạo đoàn tuồng đó đào tạo diễn viên tuồng để tăng cường cho đoàn tuồng Giải phóng Quảng Đà, tiền thân của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay tại Đà Nẵng.

Giáo sư Hoàng Châu Ký cũng đã phát biểu các chuyên đề về nghệ thuật tuồng - hát bội trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam như Cơ sở thẩm mỹ của Tuồng và sự phản ánh của nó trước thẩm mỹ của con người (150 phút), Nghệ thuật biểu diễn Tuồng và sự kế thừa và phát triển (120 phút), Kịch bản Tuồng với đề tài hiện đại (180 phút). Thính giả trong cả nước, nhất là giới trí thức, sinh viên, thanh niên đã gửi thư đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam hoan nghênh các buổi nói chuyện của ông.

Có thể nói rằng nhờ kiến thức uyên bác không chỉ về những tinh hoa của nghệ thuật tuồng mà còn cả về nghệ thuật sân khấu và hiểu biết văn hóa nói chung kết hợp với năng kiếu hài hước bẩm sinh nên giáo sư Hoàng Châu Ký‎ đã làm cho các buổi nói chuyện, các giờ lên lớp của mình trở nên hết sức hấp dẫn, rất khó quên đối với những ai đã một lần nghe ông diễn giảng.

Qua việc đào tạo của giáo sư Hoàng Châu Ký, nhiều học trò của ông về sau đã trở thành các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ, phó giáo sư có năng lực góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Di sản nghệ thuật tuồng - hát bội mà giáo sư Hoàng Châu Ký đã để lại cho hậu thế thật phong phú và đồ sộ với hàng chục công trình nghiên cứu do ông biên soạn, hàng chục vở tuồng do ông sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng và hàng trăm buổi nói chuyện, lên lớp...Người ta nghĩ rằng những đóng góp của giáo sư Hoàng Châu Ký cho nghệ thuật tuồng - hát bội thậm chí còn to lớn hơn cả công lao của vị tiền bối nghệ thuật tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, với những hoạt động phong phú và có chất lượng cao, đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp phục hưng và phát triển nghệ thuật tuồng - hát bội trong cả nước hơn nửa thế kỷ.

Có thể nói rằng trên mọi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, trên mọi diễn đàn nghệ thuật tuồng trong cả nước, ở đâu người ta cũng thấy sự có mặt và tiếng nói của ông theo đúng định hướng của Đảng và Bác Hồ là “cải tiến mà không gieo vừng ra ngô”.

Giáo sư Hoàng Châu Ký đã từng phát biểu: “Đất Tuồng còn rộng, còn nhiều chỗ màu mỡ vẫn bị bỏ hoang, việc khôi phục, khai thác phải làm dài lâu, tôi cần có mặt để đóng góp và tin tưởng có một mùa hoa lợi trong tương lai, cho dù lúc ấy tôi không còn nữa”.

Tưởng niệm giáo sư Hoàng Châu K‎ý, giáo sư TSKH Trần Văn Khê đã nói về ông: “Vừa là một nhà lý thuyết nghiêm túc, lại là một nghệ sĩ nắm vững tay nghề, một người thầy có sức thuyết phục người nghe”.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hòa Bình thì đánh giá “Tôi ấn tượng nhất là tài năng minh họa nghệ thuật Tuồng của ông vừa mang tính học thuật sâu sắc lại vừa có tính phổ thông dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau, đem đến hiệu quả cho việc tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật Tuồng độc đáo và bác học”.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang đã phát biểu: “Tôi luôn luôn kính trọng tình yêu và sự hy sinh cao đẹp mà giáo sư Hoàng Châu Ký đã giành cho nghệ thuật Tuồng. Tôi luôn nhớ tinh thần kiên định nhất quán của giáo sư Hoàng Châu Ký trong việc bảo tồn vừa canh tân Tuồng, vừa bảo tồn mà không bảo thủ, canh tân nhưng không xa rời cội nguồn”.

Chúng tôi thấy cũng cần nói thêm về nhân cách sống của giáo sư Hoàng Châu Ký để chúng ta càng thêm yêu quý ông. Về vấn đề này, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình đã có những cảm nghĩ chân thành: “Còn về tư chất, ông là người hết sức nghiêm túc trong công việc, tận tâm với nghề, biết người biết việc, sống nhân ái, tế nhị, chan hòa và thủy chung được nhiều người quý mến”,.

Giáo sư Hoàng Châu Ký đã từ giã cuộc đời lúc 1 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 2008 trong dịp giáp Tết Mậu T‎ý giá rét tại Đà Nẵng, hưởng thọ 88 tuổi, để lại nỗi thương tiếc sâu sắc trong nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu và công chúng yêu chuộng nghệ thuật tuồng trong cả nước.

Theo Nguyễn Phước Tương (Tạp chí Non Nước)

;
.
.
.
.
.