.

Khương Hữu Dụng - một đời thơ nối hai thế kỷ

.

Tính từ bài thơ đầu tiên làm tặng bà nội năm 1925 và những vần thơ cuối cùng trước ngày chuyển cõi, Khương Hữu Dụng là nhà thơ có đời thơ nối từ đầu thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này. Bắt đầu từ Thơ Mới, thơ ông trải qua hai cuộc kháng chiến cùng dân tộc, đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn yêu thơ.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng
Nhà thơ Khương Hữu Dụng

Như nhiều nhà thơ thời tiền chiến, Khương Hữu Dụng bắt đầu bằng Đường Thi, rồi sau đó âm thầm tiếp biến sang Thơ Mới. Điều không thể cưỡng nổi bởi cuộc tiếp biến tự nhiên này đã được Khương Hữu Dụng tâm tư trong Chiếc lá cuối cùng viết năm 1936: Chưa gió mà cây đã rụng màu.

Thơ Mới của Khương Hữu Dụng đứng giữa cái lãng mạn ngây ngất của Xuân Diệu và cái hiện thực thổn thức của Tố Hữu. Một tình thơ do dự mà ông trải lòng trong Mai tạnh viết năm1937: Nắng vàng do dự dưới chân mây. Cái do dự của hơi thơ đã khiến cho từ do dự ông dùng trong bài thơ mới đến tận bây giờ. Cái do dự thật người, thật đời.

Thế hệ chúng tôi có thể sướng hơn ông, nhưng cũng khổ hơn ông vì chưa biết thế nào là do dự. Và cũng mấy ai trong chúng tôi đã đưa được từ do dự vào thơ hay như ông. Một sự do dự mà Khương Hữu Dụng đã chung sống cùng mãi tới khi gặp cách mạng, ông mới đủ thần lực để nói lời vĩnh biệt.

Có lẽ bởi cái do dự ấy mà Khương Hữu Dụng chưa được Hoài Chân - Hoài Thanh chọn vào Thi nhân Việt Nam mặc dù chỉ cần mấy bài thơ như Chiều rười rượi, Khép rồi, Chiều xuống, Gởi Lê Trí Viễn... Khương Hữu Dụng đã thừa dư tư cách là một thi sĩ của Thơ Mới mà bất kỳ lúc nào cũng có thể Những lúc nhớ thương lên quá độ - Cả hồn cả trí cả người điên.

Do dự nên Khương Hữu Dụng vẫn chưa điên như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Ông cũng chưa đến độ chìm đắm như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính. Và khi vĩnh biệt do dự, Khương Hữu Dụng đã đủ sức thiền để đưa ra một bài kinh cho những người chiến sĩ của một trào lưu, cách mạng thực sự mới mẻ tận gốc rễ.

Tôi đã gai người khi đọc bài viết Kinh nhật tụng với người chiến sĩ cách mạng của một cựu tù chính trị tên là Nguyễn Bằng Tín in trên tạp chí Xưa và Nay số 153 ra tháng 12 năm 2003. Cho đến lúc viết bài báo này, ông Nguyễn Bằng Tín vẫn chưa biết tác giả của Kinh nhật tụng chính là Khương Hữu Dụng và bài Kinh được viết ngay sau ngày ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946.

Bài kinh cho một thứ đạo mới đã ra đời để chuẩn bị trước cho một cuộc dấn thân của toàn dân tộc mà Khương Hữu Dụng đã tiên đoán. Bài báo như một đáp đền cho người đã dốc lòng sinh thành ra Kinh nhật tụng.

Bài báo viết: "Được truyền miệng từ người này qua người khác, ở các nhà lao trong đất liền, rồi ra tận Côn Đảo, bài thơ Kinh nhật tụng không rõ tác giả là ai, nhưng hầu hết anh chị em tù chính trị đều tin đó là bài thơ do Bác Hồ viết. Bài thơ đã trở thành vũ khí sắc bén của người tù để đấu tranh với kẻ thù, để tôi rèn phẩm chất cách mạng, để giáo dục tình đồng bào, đồng chí... Bài thơ dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc nhưng hàm súc ý nghĩa, như một lời khuyên răn, chỉ bảo ân cần, có một sức thuyết phục kỳ diệu, tiếp sức cho anh chị em tù chính trị chống lại sự đàn áp tàn bạo, thâm độc của kẻ thù.

Bài "Kinh nhật tụng" được viết theo thể song thất lục bát gồm tất cả 196 câu. Là người tù chính trị yêu nước, đã từng đối mặt với kẻ thù trong những giờ phút hiểm nghèo của cuộc đời mình, tôi nghẹn ngào xúc động, đọc đi đọc lại nhiều lần bài Kinh nhật tụng, và từng lời thơ đã thấm sâu vào lòng tôi. Càng nghiền ngẫm, tôi càng nhận thấy rằng: tuy chưa rõ tác giả là ai, nhưng lời thơ của bài kinh sao mà gần gũi, vừa chân thành khuyên bảo, vừa nghiêm khắc dặn dò, rất giống với những lời dặn dò, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Rất mong các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm".

Kèm theo bài viết là bản in toàn bộ Kinh nhật tụng theo bản chép tay của Dương Minh Công. Bản chép tay tuy đã làm "tam sao thất bản" theo bản chính đã in tại Nhà xuất bản Thanh niên cứu quốc Trung bộ ở Huế (5-1946) và in lại ở Liên khu V năm 1947 - 1948 và vừa được tái bản trong Tuyển tập Khương Hữu Dụng tại Nhà xuất bản Văn học 2004 (theo giấy phép cấp 30-10-2003 - trước hai tháng khi tờ tạp chí Xưa và Nay ấn hành bài báo này). Hình như trời đã có mắt để trả lại vinh quang đầy đủ cho bài thơ độc đáo này của Khương Hữu Dụng. Bản chép tay tuy có nhiều chữ khác với chữ ở bản chính nhưng tinh thần thì vẫn là một sự hừng hực, khát khao tu dưỡng của những người Việt Nam vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ thành người tự do.

Riêng việc bàn về các chữ khác nhau giữa bản chính và bản chép tay theo trí nhớ truyền miệng của các cựu tù chính trị cũng có thể làm được một luận án tiến sĩ văn học đích thực.

Hết do dự, Khương Hữu Dụng viết ra kinh cho "đạo mới" rồi cùng toàn dân tộc "lên đường kháng chiến". Nếu cuộc chiến đấu bám trụ Hà Nội từ đêm 19-12-1946 được viết lại trong trường ca âm thanh Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, thì cuộc chiến đấu cùng ngày tháng ấy ở Quảng Nam, ở khu V đã được Khương Hữu Dụng viết ra trong trường ca Từ đêm mười chín với một bút pháp mới mẻ - bút pháp của thơ thời chống Pháp như Nhớ máu, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Đèo cả của Hữu Loan, "Hải Phòng - ngày 19-11-1946" của Trần Huyền Trân và Ngoại ô mùa đông năm 1946 của Văn Cao.

Từ đêm mười chín đã được xuất bản tại Liên khu V năm 1951 và được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952, được đánh giá (theo tự bạch của Khương Hữu Dụng) là "một thành tựu đáng chú ý trong bước tiến của cả nền thơ lúc bấy giờ".

Ở Từ đêm mười chín, Khương Hữu Dụng đã trình diễn cuộc tiếp biến thơ của mình trong một cảm hứng vừa sử thi, vừa trữ tình. Bản giao hưởng này viết cho Dàn nhạc Giao hưởng vừa có các nhạc khí phương Tây lại vừa có các nhạc khí phương Đông, vừa có những âm hưởng phương Đông lại vừa có âm hưởng phương Tây hiện đại. Nhiều người thường thích câu thơ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng trong trường ca này. Tiếng chim Từ đêm mười chín đã làm sáng cả rừng "thơ chống Pháp".

Hòa bình. Tập kết ra miền Bắc. Công tác ở Hà Nội. Khương Hữu Dụng đã đi qua tuổi "tứ thập bất hoặc", đến và cũng nhanh chóng đi qua tuổi "Ngũ thập tri thiên mệnh". Niềm tin trong Khương Hữu Dụng không còn là niềm tin của thanh xuân náo nức. Niềm tin ấy đã biết dằn lòng qua thực tế đời thường. Ông đã tự nguyện như những người thợ mỏ "tự giam mình" vào "xà-lim đất mỏ" để làm ra than. Còn ông thì làm ra thơ.

Thơ của niềm tin ở tuổi chớm già "nửa đêm quờ áo mặc thêm vào" (Đêm Yên Châu). Đã có sự ngẫm nghĩ của: "Một đoạn đường quanh quẩn - Đi chết nửa đời người - Ba vòng quanh trái đất - Bây giờ mới đến nơi". Và gắng gỏi: "Thêm nhiều cây số - vượt thêm nhiều cây số vui" để mau chóng xoá đi "im lặng", mau chóng với tới người thương "chỉ cách quê nhà một với tay", để cầm lấy "mười bốn triệu bàn tay đấu tranh", để xoá đi cái ám ảnh "Những bà mẹ đi đòi con - Những đứa con đi đòi mẹ".

Cứ thế, thơ Khương Hữu Dụng rắn lại ở tứ, đọng lại ở chữ. Hình ảnh Bác Hồ được phát triển từ "mắt sáng giữa sương mờ" đến "mắt sáng xé sương mờ" chính là tâm nguyện của người thơ muốn vượt thoát những gì đang che khuất tâm hồn ông, những gì cứ muốn tách "sông ra khỏi sóng". Những tiếng thân yêu (1963) là tập thơ mang nặng khát khao nhân bản nơi ông.

Song chính cuộc chiến tranh chống Mỹ đã làm trẻ lại tâm hồn Khương Hữu Dụng khi đến tuổi Già Khương, đã hồi sinh một cảm hứng giữa không gian "gạch nát chất thành tường" với mùi cà-phê "thơm mùi chiến hào", với "mưa long lanh nước mắt". Khi thì ngây thơ hỏi ong quê đâu rồi nhắn nhủ: "Ong về quê mới - khéo đi nhầm đường".

Cảm hứng về ông đã nâng triết lý: "Sống vì hoa - chết cũng vì hoa". Khi thì mỏi mòn trong đợi, trong hẹn đến cả lúc cực đoan: "Những người đi chiến đấu - không muốn nặng thêm khẩu súng - Một mối tình quá xa". Cảm hứng về người lính chiến trường đã dẫn tới một liên tưởng kỳ lạ:

Hôm đánh vào giải phóng quê ta

Con nổ bộc lôi chín lần rào thép

Hơi bộc lôi hất tung con lên

Quần áo bay đi hết

Con lại như đứa trẻ mới lọt lòng...

Trên mảnh đất chôn rau cắt rốn

Lại sinh ra con lần thứ hai

Chỉ có hồi sinh cảm hứng mới có thể nhận ra trong chiến tranh, để viết cho xong một lá thư gởi về hậu phương còn lâu hơn là thời gian viết xong một đoạn sử vinh quang của đơn vị. Chỉ có hồi sinh cảm hứng mới thấy "Đọc câu thơ hay dù ngàn xưa - Hơn uống ngàn thang thuốc bổ". Tập Quả nhỏ khiêm nhường là minh chứng thực sự cho sức hồi sinh ở thơ ông trong chiến tranh chống Mỹ.

Đúng như người xưa đã nói "lão nhi". Càng tới tuổi già, "Già Khương" càng tìm về sự trẻ trong "Bi bô" - một tập thơ thời thanh bình thống nhất. Không thể nghĩ ở tuổi 90, "Già Khương" vẫn thanh xuân đến ngây ngất:

Khẽ gửi đường dây một nụ hôn

Nụ hôn ủ kín giữa tâm hồn

Như hoa thầm gọi "Đừng quên nhé"

Như đoá "trường sinh" mãi mãi còn

+

Nhận nụ hôn: ai gửi nụ cười

Nghiêng tai áp má ngọt làn môi

Tình ta nồng nhiệt hơn dòng điện

Dù ở hai đầu vẫn ấm hơi

Khương Hữu Dụng đã "bi bô" đến cùng, đã yêu đến cùng. Từ đầu thế kỷ trước tới đầu thế kỷ này.

Ngoài sáng tác thơ, mảng dịch thơ của Khương Hữu Dụng cũng là một đóng góp lớn lao cho nền thơ Việt Nam, ông quan niệm "Dịch là đối thoại". Khác với ai đó quan niệm "Dịch là phản". Ông bày tỏ: "Chỉ tập trung vào nghĩa mà quên chữ, sẽ cho ta một bản dịch tưởng là đúng cực kỳ, nhưng mà sai ghê gớm vì người dịch đã vô tình mắc phải trọng tội giết chết bài thơ để cung cấp cho ta một cái xác giống thì giống thật, nhưng không có hồn".

Mười bốn tập thơ dịch của ông từ "Thần khúc" của Dante (dịch cùng Lê Trí Viễn) đến "Thơ Hồ Chủ Tịch và Nhật ký trong tù" là cả một tư duy sáng tạo giúp cho những áng thơ hay kim cổ đến với người làm thơ, người yêu thơ hôm nay. Ông cho rằng thơ không có cũ mới, chỉ có hay dở:

Ôi những câu rất xưa

Mà chưa cùn hiện đại

Như thanh gươm bụi mờ

Mà vẫn còn lợi hại

Một đường thơ tung hoành

Thương tiếc Khương Hữu Dụng, ta càng tiếc một "thời tử tế" đã mãi mãi đi qua mà thơ ông đã từng ghi lại trong bài Bạn đường:

Ông già mù ra ga

Một người lấy vé hộ

Dắt ông lên bậc tàu

Dẫn ông ngồi tận chỗ

Lấy nước về cho ông

Rồi đến khi tàu đỗ

Lại mang hành lý giùm

Dắt ông ra tận cửa

Ai cũng khen ông cụ

Có người con thật ngoan

Cháu đâu phải con tôi

Chỉ khách đi cùng đường

Thương tiếc Khương Hữu Dụng, ta vẫn thấy Thế Nhu xưa, Già Khương nay vẫn sống như chính ông hằng tâm niệm:

Chưa hết năm thứ hai

Việc làm năm thứ sáu

Mỗi ngày đều tương lai

Cả cái chết

Cũng hoá thành lạc hậu

Nhiều năm sau khi mất

Ta vẫn còn chưa thôi

Sản xuất cho đời...

Khương Hữu Dụng vẫn sản xuất bởi đời thơ thành thực không một chút láu cá của ông vẫn còn là một ẩn số mà cả công quyền và cả các thế hệ thơ còn phải tốn nhiều giấy mực tìm đến giá trị đích thực của ông.

Khương Hữu Dụng (1907-2005) là nhà thơ hiện đại Việt Nam. Cuộc đời làm thơ của ông trải dài hơn 70 năm, từ giữa thập niên thứ 3 đến cuối thập niên thứ 10 của thế kỷ 20.

Khương Hữu Dụng sinh trong một gia đình nghèo tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Mẹ ông mất khi ông mới lên 3 tuổi.

Khi còn nhỏ, Khương Hữu Dụng học sơ đẳng tiểu học ở Hội An. Từ 1922 đến 1926, ông theo học trường Quốc học Huế. Ngày 17 tháng 3 năm 1926, ông có dịp gặp gỡ với Phan Bội Châu trong dịp cụ đến nói chuyện với học sinh Trường Quốc học Huế và chịu ảnh hưởng nhiều của nhà chí sĩ cách mạng này.

Thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 ông ở trong Ban Thường vụ Việt Minh tỉnh Lâm Viên và tham gia Tổng khởi nghĩa tại Đà Lạt.

Vào năm 1946 ông viết "Kinh nhật tụng của người chiến sĩ" với sự trợ tác của Nguyễn Đình Thư và Nguyễn Đình, bài diễn ca nói về việc tu dưỡng phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Bài ca không ký tên tác giả, được lưu truyền rộng rãi trong các chiến sĩ cách mạng và kháng chiến, đặc biệt là ở các nhà tù thực dân. Năm 1947-1948 ông viết trường ca "Từ đêm Mười chín", "một trong những trường ca xuất sắc nhất của thơ ca Việt Nam kháng chiến chống Pháp" (Tế Hanh), khắc họa cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian bắt đầu cuộc kháng chiến đó. Câu thơ "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng" trong bản trường ca này đã nổi tiếng là một câu thơ hay mà nhiều nhà thơ khác như Xuân Diệu, Tế Hanh ca ngợi.

Trong các thập niên 1960, 1970 một số sáng tác của ông được tập hợp trong các tập thơ "Những tiếng thân yêu", "Quả nhỏ", "Bi bô". Ngoài sáng tác, ông dịch hàng ngàn bài thơ Đường của các nhà thơ Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, thơ Tống của Lục Du và nhiều tác giả khác, cùng với thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ninh Tốn, Hồ Chí Minh...

Ông cũng dịch từ tiếng Pháp thơ của Dante và Victor Hugo. Ông dịch thơ rất công phu, quan niệm "dịch là đối thoại" của ông được nhiều người hưởng ứng. Bản dịch bài thơ "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị, ông đã tu chỉnh trong suốt ba mươi năm và chỉ công bố vào năm ông 85 tuổi, là một bổ khuyết rất có giá trị cho bản dịch của Phan Huy Vịnh trước đó (theo ý kiến của nhà thơ Lê Đạt).

Các tác phẩm thơ của ông được tập hợp trong hai tuyển tập: "Khương Hữu Dụng - phần sáng tác" và "Khương Hữu Dụng - phần thơ dịch", các bài phê bình và tiểu luận liên quan đến cuộc đời và thơ của ông được tập hợp trong sách "Khương Hữu Dụng - một đời thơ".

Ông mất ngày 17 tháng 5 năm 2005 tại Hà Nội, thọ 98 tuổi. Tên ông được đặt cho một con đường tại thành phố Đà Nẵng và một con đường tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

Wikipedia

Theo Văn nghệ

;
.
.
.
.
.