Đồng hành những người không may mắn

.

Gần 10 năm làm Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh huyện Hòa Vang, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Liên, bà Trần Thị Lộc đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ hàng nghìn trường hợp khó khăn, những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, giúp những học sinh vượt khó có điều kiện vươn lên trong học tập…

Gần 35 năm đứng trên bục giảng, vừa nghỉ hưu chưa đầy tháng, bà Trần Thị Lộc được lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Hòa Vang vận động về huyện làm Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (gọi tắt là Hội Bảo trợ). Bà nói, lâu nay làm giáo viên, rồi làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Liên, cộng thêm hơn 10 năm kiêm chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, song cũng chỉ đi loanh quanh trong xã. “Vậy mà từ khi chuyển sang Hội Bảo trợ, cũng chiếc xe “cà tàng” ấy lại đi cùng khắp 11 xã của huyện, nhà mô hoàn cảnh cũng cố gắng tới, vì mục đích của hội và cũng là của mình, là muốn làm được gì cho xã hội”, bà Lộc chia sẻ.

Các chương trình của Hội Bảo trợ trước đây chủ yếu tập trung vào khám, sàng lọc và mổ tim bẩm sinh cho trẻ em; khám, sàng lọc ung thư cho phụ nữ nghèo, nay mở rộng thêm chương trình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Trung bình mỗi tháng hội giúp đỡ 25-30 trường hợp phụ nữ và trẻ em, chủ yếu mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn huyện. Trước đây chỉ những hộ nghèo mới được hội giúp đỡ, 3 năm trở lại đây những hộ cận nghèo hay khó khăn đột xuất cũng được quan tâm hỗ trợ. Đây chính là tâm nguyện của những người làm công tác bảo trợ, bởi chương trình tiếp cận nhiều người bệnh tật, giúp họ lúc ngặt mới thấy đáng quý, khi cảm thông được nỗi khó khăn của nhiều người. Từ đầu năm đến nay hội đã trao quà, tiền cho 189 trường hợp, với mức 7 triệu đồng cho người thuộc hộ nghèo, 5 triệu cho người thuộc hộ cận nghèo và 3 triệu cho người khó khăn.

Hoạt động theo chương trình của Hội Bảo trợ thành phố, mỗi năm bà Lộc và các cộng sự tổ chức 2-3 đợt khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em. Với những em bé không may mắc bệnh, sau mỗi đợt khám là mọi người tất bật chuẩn bị hồ sơ, tìm nhà bảo trợ và kết nối với bệnh viện để em bé được phẫu thuật sớm nhất. Hiện nay, công tác của Hội Bảo trợ có sự lan tỏa mạnh mẽ, khi 11 phó chủ tịch xã là thành viên của Ban Chấp hành hội, nắm và phản hồi thông tin sớm với những trường hợp cần giúp đỡ. Nhờ đó, các chương trình từ khám bệnh đến hỗ trợ thường xuyên hay đột xuất đều đến đúng địa chỉ cần giúp.

Bên cạnh công việc của Hội Bảo trợ, bà Lộc với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Liên còn thường xuyên tiếp cận với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập. Hôm tôi đến, bà Lộc đang tiếp nhận danh sách mấy chục tân sinh viên của xã vừa trúng tuyển đại học để chuẩn bị hỗ trợ học bổng và tiền mừng như mọi năm. Từ đầu năm đến nay đã có 45 em được Hội Khuyến học tặng học bổng vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong học tập và hoàn cảnh khó khăn. Xã Hòa Liên ngoài chương trình Khuyến học - khuyến tài - xây dựng xã hội học tập còn xây dựng các mô hình: công dân học tập, đơn vị học tập, xã hội học tập cấp thôn và xã hội học tập cấp xã.

Các mô hình được các cấp đánh giá cao khi vừa qua đơn vị học tập với đại diện là Trường THCS Nguyễn Bá Phát, cộng đồng học tập cấp thôn với đại diện là thôn Vân Dương và một gia đình học tập ở thôn Trung Sơn có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ xã hội được UBND thành phố tặng bằng khen. Phía sau các phần thưởng và sự công nhận đó là hình ảnh của người đứng đầu Hội Khuyến học xã, cần mẫn tiếp cận các mạnh thường quân ở khắp nơi để kết nối, hỗ trợ học sinh trên địa bàn có điều kiện vươn lên trong học tập và cuộc sống; động viên các em kịp thời bằng cả vật chất lẫn tinh thần, để xã hội ngày một tiến bộ hơn thông qua nâng cao dân trí.

Bằng sự tâm huyết và nhiệt tình, không quản ngại vất vả, tận tình với những cảnh đời mình tiếp cận và chia sẻ, gần 10 năm qua, bà Lộc đã có mặt và hỗ trợ nhiều người khó khăn, giúp họ vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Hỏi bà bí quyết là gì, bà cười thiệt hiền, chia sẻ: “khi đi giúp đỡ người khác, mình phải chân tình, tế nhị, giúp làm sao để vừa xoa dịu người được giúp vừa khích lệ họ vượt qua những thử thách trong đời. Với những việc được giao, mình luôn tâm niệm phải làm hết sức, vì vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, nếu được gọi là học theo gương Bác thì đó cũng là vinh dự”.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.