Thời gian qua, một số phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê-tông cốt thép, cọc thép… đã xảy ra tình trạng đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Đội CSGT Nam Sài Gòn kiểm tra xe đầu kéo chở hàng lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7). Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức |
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện quy định về xếp hàng hóa trên ô-tô khi tham gia giao thông trên đường bộ được thực hiện theo Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21-10-2013 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xếp hàng hóa trên ô-tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép, cọc thép… đã xảy ra tình trạng đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Nhiều trường hợp, các cọc ống bê tông cốt thép hoặc cọc thép dài xếp trên thùng xe, khi xe phanh gấp dẫn đến bị xô về phía trước, hất đổ cabin đã gây nguy hiểm cho người lái xe. Thậm chí đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trong xảy ra có nguyên nhân từ việc chằng buộc những mặt hàng trên không chắc chắn…
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 13-3-2023 khi một xe container chở theo ba cuộn thép trên tỉnh lộ 419 thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bất ngờ bị đứt cáp. Một cuộn thép rơi xuống, lăn trúng chiếc ô-tô 5 chỗ đang đỗ trên vỉa hè. Vụ việc khiến ô-tô con bị đè nát, ùn tắc giao thông kéo dài.
Hay vào cuối tháng 11-2022, xe đầu kéo BKS 50LD - 197.01 kéo theo rơ-moóc chở 2 cuộn thép, chạy trên Quốc lộ 1 đến khu vực cầu Bình Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh), tài xế phanh gấp khiến dây xích chằng 2 cuộn thép trên xe bị đứt, làm 2 cuộn thép nặng hàng chục tấn văng khỏi rơ-moóc.
Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, nguyên nhân xảy ra những vụ tại nạn này chủ yếu do đơn vị vận tải, lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hoá trên phương tiện, việc xếp, chèn lót hàng trên xe chưa đảm bảo an toàn, dây sử dụng để chằng buộc không đủ lực để giữ cố định hàng hoá dẫn đến khi xảy ra sự cố hoặc xe phanh gấp làm đứt cáp khiến hàng hóa rơi xuống đường.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc các quy định về xếp hàng hoá trên phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp hàng hóa trên ô-tô tải theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên ô-tô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo dự thảo Thông tư, đơn vị vận tải phải lựa chọn phương tiện phù hợp với loại hàng hóa và khối lượng hàng hóa cần vận chuyển.
Theo đó, đơn vị vận tải, người xếp hàng và lái xe phải thực hiện việc xếp hàng lên xe để vận chuyển không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, không xếp lệch về một phía và chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch, rơi vãi không gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của xe hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển xe; không được che khuất đèn, biển số đăng ký của xe.
Các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Các loại hàng hóa là thành phẩm (không phải hàng hóa ở dạng thô) đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối, việc xếp hàng hóa trên phương tiện ưu tiên thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đơn vị vận tải và lái xe sử dụng ô-tô chở hàng chuyên dùng (ô-tô tải chuyên dùng hoặc ô-tô chuyên dùng), sơ-mi rơ-moóc chuyên dùng, rơ-moóc chuyên dùng phải chở đúng loại hàng hoá theo thiết kế phương tiện của nhà sản xuất.
Dự thảo cũng quy định rõ phụ lục hướng dẫn quy trình, cách thức, các trang thiết bị để gia cố hàng hoá để đơn vị vận tải và lái xe dễ dàng hình dung, thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa của việc chằng buộc, xếp hàng hoá trên ô-tô, đảm bảo an toàn giao thông. Đối với hàng rời, khi vận chuyển, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng ô-tô tải/rơ-moóc/sơ-mi rơ-moóc có thùng.
Trường hợp vận chuyển hàng rời trên phương tiện không có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để đóng gói hoặc che kín hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Dự thảo cũng quy định về xếp hàng bao kiện, hàng dạng trụ...
Tại dự thảo quy định xếp hàng vào container và xếp container trên phương tiện yêu cầu container phải phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa để xếp hàng; chèn, lót để hàng hóa trong container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển…
Theo baotintuc.vn