Chung tay xây dựng Thanh Khê - quận môi trường

.

Nhiều mô hình về môi trường trên địa bàn quận Thanh Khê như khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, khu dân cư thân thiện môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa… đã từng bước tác động đến ý thức, trách nhiệm người dân trong bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả đề án xây dựng Thanh Khê - quận môi trường.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải (thứ 4, bên trái sang) khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong 3 năm phối hợp triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.  Ảnh: NGỌC HÀ
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải (thứ 4, bên trái sang) khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong 3 năm phối hợp triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: NGỌC HÀ

Năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chủ trì triển khai tổ chức ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận với Phòng Tài nguyên và Môi trường, 5 tổ chức chính trị - xã hội và 4 tổ chức tôn giáo trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trên cơ sở phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận hướng dẫn và đôn đốc Mặt trận các phường tăng cường phối hợp UBND, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và các cơ sở tôn giáo tại địa phương tổ chức các hoạt động phù hợp thực tiễn của mỗi địa phương.

Khu dân cư (KDC) Tân sinh B2(phường Chính Gián) có đường sắt Bắc - Nam đi ngang, một vài hộ dân thường đem rác và các vật dụng hư hỏng vứt tại đây, gây ô nhiễm môi trường. Bà Hà Thị Liên, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Tân sinh B2, cho biết tình trạng này diễn ra lâu nay nhưng để ra quân tổng dọn vệ sinh, nếu chỉ Ban công tác Mặt trận thì khá khó khăn. Vì vậy, bà Liên tham mưu cấp ủy chi bộ đề nghị lấy Chi hội Cựu chiến binh KDC làm nòng cốt, thành lập CLB môi trường. CLB phối hợp tổ trưởng dân phố vận động nhân dân cùng tham gia dọn vệ sinh dọc tuyến đường sắt vào sáng Chủ nhật. Đến nay, tại khu vực này, người dân tự giác bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả mô hình “ KDC thân thiện môi trường”, Ban công tác Mặt trận phối hợp tổ dân phố phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho từng hộ gia đình. “Dần dần, người dân tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn của Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc tự thu gom rác tái sử dụng gồm vỏ lon các loại chai thức uống, giấy… bỏ vào các nơi tập kết bố trí tại các tổ dân phố. Số tiền bán rác tái chế được dùng hỗ trợ tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn đột xuất…”, bà Liên chia sẻ.

Đến nay, công tác phối hợp của Mặt trận  với UBND, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần lan tỏa các mô hình về môi trường trên khắp địa bàn 10 phường. Tại phường Thạc Gián, nổi bật có các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như: Ngôi nhà xanh, Hành trình thứ hai của lốp xe, Ngôi nhà 200 đồng, Phân loại rác thải nguy hại, Thu gom pin đã qua sử dụng bằng vỏ chai nhựa, Thùng rác môi trường. Phường Tân Chính có mô hình: Kiệt văn minh - sạch đẹp - an toàn, Thùng rác có nắp đậy, Thu gom rác tài nguyên, Chống rác thải nhựa. Phường Thanh Khê Tây xây dựng mô hình Khu dân cư phát triển bền vững, Ngư dân bảo vệ sông nước, Mỗi hộ dân, đơn vị - một đoạn đường, Cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn nước và cải tạo cảnh quan sông Phú Lộc…

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải, thực hiện chương trình phối hợp, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chủ động phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận cụ thể hóa các nội dung, thống nhất xây dựng, ban hành kế hoạch phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động thực hiện có hiệu quả đề án Xây dựng Thanh Khê - quận môi trường.

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ Mặt trận từ phường đến KDC; hướng dẫn, giám sát, xây dựng điểm và nhân rộng các mô hình khu dân cư thân thiện môi trường, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số phường thành lập ban vận động, CLB, tổ tự quản với các thành viên trong cấp ủy, mặt trận và các tổ chức thành viên… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng phường đạt chuẩn văn hóa văn minh đô thị gắn với các tiêu chí về môi trường, xây dựng phường thân thiện môi trường theo các đề án về môi trường của thành phố, của quận. “Sau 3 năm thực hiện chương trình phối hợp, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đạt những kết quả tích cực, sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng rõ nét”, ông Hải chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.