Giải bài toán ngập lụt đô thị

.

Hệ thống cống thoát nước hiện trạng tại khu vực đô thị Đà Nẵng dài gần 1.800km (có khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994), gần 30km kênh mương hở và 6 trạm bơm chống ngập. Sau trận ngập lụt đô thị trên diện rộng vừa qua, các đơn vị, địa phương đang tổ chức khơi thông, nạo vét, khắc phục các bất cập của hệ thống thoát nước để chống ngập úng trong thời gian trước mắt và rà soát, nghiên cứu giải pháp xử lý căn cơ, lâu dài.

Các lực lượng của quận Thanh Khê ra quân khơi thông để thoát nước trên các tuyến đường ngày 22-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các lực lượng của quận Thanh Khê ra quân khơi thông để thoát nước trên các tuyến đường ngày 22-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bài 1: Thường xuyên khơi thông thoát nước

Từ đầu tháng 9-2023, các địa phương, đơn vị ra quân khơi thông các mương thu, cửa thu nước mưa mặt đường và nạo vét mương, cống trên nhiều tuyến đường. Nhưng đến nay, nhiều cửa thu nước mưa vẫn còn bị trám, lấp, bịt, che chắn. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị tiếp tục khơi thông hệ thống thoát nước để chủ động công tác phòng, chống ngập úng đô thị.

Nhiều cửa thu nước mưa bị trám, bịt kín, che chắn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng khi trời mưa vào ngày 23-10, trên các tuyến đường thường hay xảy ra ngập úng, vẫn còn nhiều cửa thu nước bị đất, rác bồi lấp và nhiều cửa thu vẫn bị trám, lấp, che chắn, bịt kín. Cụ thể, trên đường Ngô Quyền đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến cầu Sông Hàn, có nhiều cửa thu nước mưa lớn trên mặt đường bị người dân dùng các tấm nhựa, ni-lông... che kín nên nước mưa không chảy xuống cống của đường Ngô Quyền mà chảy tràn xuống các đường nhánh thấp trũng. Trên đường Hùng Vương đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến Hoàng Hoa Thám, không khó nhận ra số lượng cửa thu nước mưa có thể nhìn thấy được ít hơn các đoạn đường khác do nhiều vị trí đã bị người dân trám, lấp; nhiều cửa thu bị trám chỉ còn để lại một lỗ nhỏ; một số cửa bị người dân dùng đá, tấm ni-lông che chắn, bịt kín...

Tại đường Hàm Nghi, Tản Đà, Văn Cao, Quang Dũng... ở xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Trên đường Ông Ích Khiêm đoạn từ đường Lê Duẩn đến Hải Phòng, hầu hết các cửa thu nước mưa đều đã bị trám, chỉ để lại một lổ nhỏ. Các công nhân của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đang túc trực ở giếng thăm tại ngã ba đường Ông Ích Khiêm - Nguyễn Tất Thành cho biết, tuyến cống hộp dẫn về trạm bơm chống ngập ở cuối đường Ông Ích Khiêm có khẩu độ rất lớn để bảo đảm khả năng vận hành tối đa 4 máy bơm. Nhưng nhiều đoạn đường vẫn ngập vì các cửa thu nước mưa vừa ít, vừa bị bít hoặc che chắn nên nước chậm thoát xuống cống. Cùng với đó, có nhiều đoạn ống cấp nước, đường dây cáp quang ngầm băng qua hệ thống thoát nước và có cây, rác... mắc lại, gây cản trở thoát nước.  

Theo UBND quận Thanh Khê, quận đã lưu ý UBND 10 phường trên địa bàn về tình trạng nhiều cửa thu nước mưa trên các tuyến đường vẫn còn bị bịt, che chắn, chưa được nạo vét, khơi thông và đã yêu cầu các phường huy động lực lượng, nhân dân ra quân kiểm tra, khơi thông các cửa thu nước mưa trên các tuyến đường, đặc biệt là các ngày 14-10, 22-10-2023. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà Cao Hoàng Thắng thông tin, trước khi xảy ra đợt ngập lụt vào giữa tháng 10-2023, quận đã hoàn thành khắc phục 2.875 cửa thu nước mưa bị trám, vùi lấp, bịt, che chắn... trên các tuyến đường rộng 5,5m, 7,5m do quận quản lý theo phân cấp. Đồng thời, các đơn vị, địa phương kiểm tra 2.600 cửa thu nước mưa khác để tiến hành nạo vét, khơi thông...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh, sở đã tiến hành kiểm tra thực tế một số hố ga, đan cống, cửa thu nước... và tại một số vị trí bị lá cây, rác thải, tấm bạt, ván... che phủ. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi xả rác nói chung và xả rác tại các miệng hố ga, đan cống và cửa thu nước nói riêng cũng như các hành vi quét rác, lá cây xuống các vị trí nói trên. UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và người dân nâng cao ý thức bảo vệ hạ tầng thoát nước.

Tích cực nạo vét, khơi thông thoát nước

Trước tình trạng nhiều cửa thu nước, không chỉ ngập, kẹt đầy cát, rác, bao ni-lông..., UBND phường Hải Châu 2 và Nam Dương (quận Hải Châu) đã chế tạo và phân phát cho các lực lượng những cây sắt dài khoảng 1m hình chữ T với thanh ngang phía trên để dễ cầm và kéo, đẩy; còn phía dưới có hàn cứng 2 thanh sắt ngắn tạo góc nhọn hoặc uốn cong tạo thành móc để dễ dàng đẩy hoặc móc các loại rác, nhất là bao ni-lông mắc kẹt nhằm khơi thông thoát nước.

Trên nhiều tuyến đường có mương thu nước từ cửa thu nước mưa trên mặt đường vào hố ga của cống, nhất là trên đường Lê Văn Hiến, Vân Đồn, Lê Thanh Nghị..., các lực lượng nạo vét phải lật các tấm đan lên để xúc hết đất, đá, rác, bao ni-lông mắc kẹt. Đặc biệt, có nhiều đan cửa thu nước mưa bị ô-tô tham gia lưu thông làm sập nên các lực lượng mất nhiều thời gian để xúc hết đất, cát, đá, rác... với khối lượng lớn và lắp đặt lại đan mới.

Trong các đợt mưa lớn, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng bố trí công nhân túc trực khơi thông thoát nước tại các điểm ngập. Khi ngớt mưa hoặc mưa nhỏ không có khả năng ngập, lực lượng công nhân tranh thủ nạo vét bùn đất, rác tại các cửa thu nước mưa để bảo đảm thoát nước. Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết: “Thời gian qua, công ty đã huy động nhiều công nhân và phương tiện ra quân nạo vét nhiều bùn, đất, rác..., làm thông thoáng 1.500 cửa thu nước mưa trên các tuyến đường thường hay ngập úng. Bên cạnh lực lượng túc trực vận hành các trạm bơm chống ngập, các hồ điều tiết, cửa phai..., khi mưa lớn, công ty huy động 150 công nhân túc trực ở các điểm thường hay ngập để khơi thông thoát nước. Công ty cũng chuẩn bị các máy bơm lưu động và phương tiện để đưa ngay đến các điểm ngập úng sâu để bơm giảm ngập theo yêu cầu của thành phố”.

Lực lượng quân đội vớt bèo, cành cây, rác mắc kẹt ở cầu Đa Cô để giảm ngập cho khu vực dân cư đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái... vào ngày 17-10-2023. Ảnh: PV
Lực lượng quân đội vớt bèo, cành cây, rác mắc kẹt ở cầu Đa Cô để giảm ngập cho khu vực dân cư đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái... vào ngày 17-10-2023. Ảnh: PV

Theo UBND quận Hải Châu, qua thống kê, trên địa bàn quận có hơn 7.000 cửa thu nước mưa, trong đó có gần 4.700 cửa thu trên các tuyến đường phân cấp cho quận quản lý. Thời gian qua, quận đã triển khai công tác vệ sinh, khơi thông được gần 4.200 cửa thu nước, còn gần 500 cửa thu không phát huy hiệu quả thoát nước. UBND quận chỉ đạo các phường duy trì hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp” kết hợp nạo vét, khơi thông, vệ sinh... các cửa thu nước mưa trên các tuyến đường để chống ngập úng. Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh cho hay, các lực lượng chức năng phối hợp đã khơi thông 7.324 cửa thu nước mưa trên chiều dài 216,9km đường. Hiện nay, hoạt động ra quân nạo vét, khơi thông các cửa thu nước mưa đang được các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai.

Cùng với việc khơi thông các cửa thu, mương thu nước mưa, công tác nạo vét cống đang được các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện, nhất là ở các điểm thường hay xảy ra ngập úng. Các gói thầu nạo vét có thời gian thi công theo hợp đồng 90 ngày, nhưng các đơn vị, địa phương đang đôn đốc các nhà thầu tập trung phương tiện, nhân lực thi công hoàn thành cơ bản các gói thầu trong tháng 10-2023, rút ngắn 30 ngày so với hợp đồng. Giám đốc Công ty TNHH Đà Thành Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ: “Gói thầu nạo vét cống thoát nước tại quận Thanh Khê mà công ty đang thực hiện có thời hạn hoàn thành vào giữa tháng 12-2023. Nhưng quận yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 10-2023 nên chúng tôi đang tập trung nhân lực, phương tiện... nỗ lực thực hiện”. Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cũng cho biết, việc nạo vét các tuyến cống thoát nước sẽ hoàn thành trong tháng 10-2023.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng, những năm qua, việc nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước đã được thành phố chỉ đạo thường xuyên. Hệ thống thoát nước của thành phố hiện chỉ chịu được cường độ mưa khoảng 40mm/giờ. Với tình hình biến đổi khí hậu gây mưa tập trung, cường độ lớn, để chống ngập úng đô thị, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước. Trước mắt, tập trung khơi thông các cửa thu nước mưa trên mặt đường, nhất là khôi phục các cửa thu nước bị trám, lấp, bịt, che chắn. Các địa phương cần tuyên truyền về trách nhiệm ý thức của người dân, tổ dân phố, khu dân cư bảo vệ, khơi thông hệ thống thoát nước; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi trám, lấp, che chắn, đổ rác, chất thải... vào các cửa thu nước mưa.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.