Công tác chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố có vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối vận động nguồn tài trợ, cũng như trực tiếp chăm lo cho các nạn nhân. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Tô Năm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, để tìm hiểu về những việc làm thầm lặng, thấm đẫm tình người này.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố. |
* Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội, thời gian qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được Hội thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Toàn thành phố hiện có trên 5.000 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có gần 1.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 2, 3. Nhiều gia đình có 2-3 nạn nhân bị ảnh hưởng do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra. Hầu hết các gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn phải đối mặt với bệnh tật, sự hành hạ về thể xác và tinh thần.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, Thành ủy, UBND thành phố và sự ủng hộ tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ Hội đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố tổ chức để làm tốt công tác chăm lo cho nạn nhân.
Trong 5 năm qua, Hội vận động Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố có nguồn thu ổn định để duy trì tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở thuộc trung tâm do Hội quản lý. Tổng kinh phí vận động được trong 5 năm là gần 48 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các quận, huyện hội có nhiều cố gắng trong công tác vận động xã hội nhằm tạo nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, tổng giá trị trên 7 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại cộng đồng được Thành Hội, quận, huyện hội quan tâm và đã hỗ trợ cho 39.295 lượt nạn nhân chất độc da cam/dioxin, với tổng trị giá hơn 19,4 tỷ đồng. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bán trú hơn 110 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố (gọi tắt Trung tâm) được duy trì tốt tại 2 cơ sở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang. Hội liên kết với Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo thuộc Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cá nhân bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) mở 2 lớp đào tạo sơ cấp nghề may cho 45 nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tổng trị giá 350 triệu đồng.
* Cùng với việc chăm sóc, hỗ trợ về vật chất, công tác hỗ trợ phục hồi chức năng, giải độc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được Hội triển khai như thế nào, hiệu quả ra sao?
- Nhờ sự tài trợ của Quỹ Harris Freeman Foundation (Hoa Kỳ), tháng 1-2014, Hội thành lập Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng thành phố, nhằm cải thiện và tăng cường sức khỏe, giải độc đối với nhiều loại độc tố trong cơ thể con người do môi trường sống đem lại hoặc do tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Đến nay, Trung tâm đã tổ chức xông hơi, giải độc 58 đợt cho hơn 755 nạn nhân da cam, thương binh, cựu chiến binh, các đối tượng chính sách và người có nhu cầu trên địa bàn thành phố. Ngoài ra Trung tâm đón hàng trăm khách đến các tỉnh thành: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Gia Lai… đến xông tẩy độc. Sau khi xông, sức khỏe của các nạn nhân tiến triển khá tốt, nhiều nạn nhân có biểu hiện giảm bệnh đối với một số bệnh như đau khớp, huyết áp, mỡ trong máu, bệnh mất ngủ, đau đầu kinh niên và nhiều bệnh ngoài da khác.
* Hội tham gia và tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực trong nước và nước ngoài để đòi công lý cho các nạn nhân như thế nào, thưa ông?
- Trong nhiệm kỳ qua, Thành Hội làm việc với hơn 160 tổ chức và gần 1.200 cá nhân người nước ngoài đến thăm, tìm hiểu và hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố (tăng 60 tổ chức và 300 cá nhân so với nhiệm kỳ trước). Trong đó có một số đoàn tiêu biểu như: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada, Tây Ban Nha, Nhật Bản tại Việt Nam; Đại sứ quán Hoa Kỳ; Đoàn trợ lý Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ, Hạ viện Nhật Bản; các đoàn thủy thủ tàu Sân bay Hoa Kỳ, tàu Hải quân Hoàng gia Canada...
Các hãng truyền thông nước ngoài đến tìm hiểu và viết bài về Hội và Trung tâm. Thông qua các cuộc gặp gỡ, Hội gửi thông điệp về sự nỗ lực, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ rải trong chiến tranh ở Việt Nam, kêu gọi nhân dân thế giới hãy nói không với chiến tranh, nói không với chất độc hóa học.
Năm 2022, Hội xây dựng phòng truyền thống nhằm tuyên truyền trực quan đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về thảm họa da cam và công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ rải trong chiến tranh ở Việt Nam và ở thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (thứ hai, hàng sau, bên trái sang) thăm, tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin dịp Tết Trung thu. Ảnh: P.C |
* Thời gian tới, công tác xây dựng, phát triển Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp như thế nào để phát huy tốt hơn nữa việc chăm sóc, hỗ trợ cho các nạn nhân?
- Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tập trung xây dựng tập thể vững mạnh, có tâm huyết, nhiệt tình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam với phương châm “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam”. Các quận, huyện hội rà soát nắm chắc các số liệu, quản lý tốt nạn nhân chất độc da cam ở địa phương để có kế hoạch toàn diện hỗ trợ chăm sóc cho nạn nhân.
Tổ chức kết nạp hội viên và thành lập các CLB tình nguyện viên tham gia các hoạt động của Hội nhằm góp phần hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tại các cơ sở thuộc Trung tâm và cộng đồng. Tập trung triển khai các dự án “Thành phố thân thiện với trẻ em” khuyết tật tại Trung tâm, do Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc tài trợ; dự án do tổ chức Chữ Thập Xanh Thụy sĩ và các dự án phát sinh khác. Ổn định bộ máy tổ chức các cấp hội, đặc biệt là xã, phường để từng bước chủ động hơn trong công tác xây dựng quỹ và giúp đỡ nạn nhân. Phấn đấu mỗi quận, huyện ít nhất một CLB có từ 40 đến 60 tình nguyện viên.
Tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng thành phố. Phấn đấu 100% quận, huyện hội và 30% chi hội xã, phường có quỹ hoạt động để chủ động tổ chức các hoạt động giúp đỡ tại địa phương. Trong nhiệm kỳ đến, phấn đấu công tác vận động quỹ đạt 30-35 tỷ đồng, gồm cả hiện vật, trang thiết bị và tiền mặt.
Các Trung tâm chủ động tạo nguồn, tự trang trải kinh phí hoạt động từ 30 - 50% bằng các hoạt động tăng gia sản xuất, dịch vụ xông hơi, giải độc để từng bước tự chủ hoạt động. Đẩy mạnh vận động thêm nhiều đơn vị và cá nhân nhận trợ dưỡng thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phấn đấu nâng tổng số được trợ cấp thường xuyên tăng hơn 15% so với hiện tại, đồng thời phấn đấu vận động đạt mức trợ dưỡng từ 250.000 đồng - 300.000 đồng/người/tháng.
PHƯƠNG CHI