Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt đô thị, gió mạnh trên biển

.

ĐNO - Sáng 11-11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ tiếp tục phát tin cảnh báo gió mùa đông bắc, mưa lớn trên diện rộng, lũ trên các sông... ở khu vực Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi).

Các chuyên viên ở Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (IOC) thường xuyên túc trực, theo dõi và báo cáo kịp thời thông tin thiên tai, ngập lụt, tìm kiếm cứu nạn... trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các chuyên viên ở Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (IOC) thường xuyên túc trực, theo dõi và báo cáo kịp thời thông tin thiên tai, ngập lụt, tìm kiếm cứu nạn... trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, khoảng đêm 12-11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía bắc khu vực Trung Trung Bộ; gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Từ đêm 13-11, vùng núi ở phía bắc khu vực Trung Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18-20oC, vùng núi cao có nơi dưới 18oC.

Vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3,5m, biển động.

Do ảnh hưởng kết hợp giữa không khi lạnh với nhiễu động gió đông nên từ ngày 13 đến 17-11, tại khu vực Trung Trung Bộ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với tổng lượng mưa tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị phổ biến 150-350mm, có nơi trên 400mm; các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi phổ biển 250-500mm, có nơi trên 700mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đài cũng dự báo đợt mưa lớn diện rộng còn diễn biến phức tạp, còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày; các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp và các khu đô thị.

Từ ngày 13 đến 18-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ở mức báo động (BĐ)1 đến BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2 đến BĐ3, có sông trên BĐ3.

Riêng đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức dưới BĐ3 đến trên BĐ3, các sông thuộc Đà Nẵng ở mức BĐ1 đến trên BĐ2.

* Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng vừa ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị triển khai ứng phó với gió mùa đông bắc, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đề nghị UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, ngập đô thị, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân, lưu ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ ngập lụt, ngập đô thị, sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và các khu vực ngập sâu.

Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do thiên tai có thể gây ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin gió mùa đông bắc để chủ động phòng tránh; chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước; chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho công trình và các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, bảo đảm an toàn và thông suốt các tuyến giao thông chính; khẩn trương rà soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất, đá, triển khai ngay các giải pháp an toàn và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm; tham gia điều tiết giao thông tại các khu vực xảy ra ngập úng, sạt lở đất đá; xử lý, bảo đảm không để ngập úng tại các hầm chui giao thông.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa Hòa Trung và Đồng Nghệ; Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ; vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và hạ du tràn xả lũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp,… theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để quyết định kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên, nhất là các vùng trũng thấp, ngập lũ.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên cập nhật tình hình, thông tin về mưa lũ để chính quyền các cấp và nhân dân biết, chủ động ứng phó bảo đảm an toàn cho người và tài sản, phương tiện đi lại.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ thường xuyên, kịp thời cung cấp, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến chính quyền các cấp và nhân dân, trong đó tập trung dự báo cụ thể thời điểm, khu vực, phạm vi, cấp độ thiên tai, cường độ mưa, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn biến nhanh và sức tàn phá lớn như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá.

Các sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa, lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
.