Ủng hộ Đà Nẵng tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị

.

Ngày 10-11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tổ về nhiều nội dung quan trọng. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh và Sơn La.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận.  Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG

Nhiều ưu điểm trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Thảo luận báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng triển khai trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển địa phương cũng như trong tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố.

Đặc biệt, trong đợt Covid-19 cho thấy việc thực hiện mô hình đã tạo sự thông suốt trong chỉ đạo điều hành từ thành phố đến cấp phường trong công tác phòng, chống dịch, triển khai nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, quyết định của thành phố; bảo đảm sự thống nhất, tập trung trong quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế được sự manh mún, phân tán ở cấp quận, phường…

Dẫu vậy, vẫn có một số vấn đề phát sinh, đó là cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện đối với HĐND cấp thành phố chưa có thay đổi nhiều theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cạnh đó, về mặt quản lý tài chính cũng gặp nhiều lúng túng, chưa triển khai đồng bộ…

Theo đại biểu Trần Chí Cường, mặt ưu việt của mô hình vẫn nổi bật, do đó, Trung ương cần quan tâm, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách, ủng hộ Đà Nẵng tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị thời gian tới…

Cần chỉnh sửa tên gọi dự thảo Luật Đường bộ

Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Chí Cường thống nhất sự cần thiết khi tách Luật Giao thông đường bộ (hiện hành) thành hai luật này nhằm bảo đảm sự thống nhất, hoạt động hiệu quả lĩnh vực giao thông đường bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có sự rà soát để cân đối lại các nội dung phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, phạm vi đặt ra đối với hai luật này; rà soát với các luật khác nhằm tránh độ vênh, sự chồng chéo. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật Đường bộ, về khái niệm, phạm vi, giải thích từ ngữ gần như chỉ nhấn mạnh vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật mà chưa bao hàm hết lĩnh vực đường bộ. Do đó, nghiên cứu, sửa lại tên luật thành Luật Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đường bộ để rõ và đúng phạm vi.

Đại biểu Trần Đình Chung, Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đồng tình việc tách Luật Giao thông đường bộ (hiện hành) thành hai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong Luật Đường bộ, cần điều chỉnh, bổ sung từ ngữ để bao quát hết các vấn đề liên quan, nâng tầm của luật.

Theo đại biểu, cần bổ sung khái niệm về “hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường phố, lòng đường, hè phố, nút giao thông, giải phân cách, làn đường, biển báo hiệu đường bộ, tải trọng, kinh doanh trọng tải hành khách”; đồng thời nên sử dụng từ ngữ mang tính phổ thông, tránh từ ngữ vùng miền. Bên cạnh đó, vấn đề đặt tên đường, số hiệu đường, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lựa chọn, mở rộng đối tượng để đặt tên; bổ sung vào dự thảo luật quy định “do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc đặt trên đường” để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Đại biểu Trần Đình Chung cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Công an có trách nhiệm đưa pháp luật và trật tự an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa để giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học và cấp học” vào khoản 5, Điều 6 dự thảo Luật An toàn giao thông đường bộ. Qua đó, tạo sự thống nhất chương trình giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đối với các cấp học, tránh tình trạng mỗi địa phương làm theo một kiểu.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.