Đánh giá toàn diện trạm trung chuyển rác hiện đại

.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cùng các đơn vị, địa phương liên quan vừa hoàn thành đánh giá toàn diện các trạm trung chuyển rác theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

Các phương tiện phục vụ vận chuyển rác tại hai trạm trung chuyển bảo đảm các điều kiện môi trường. Ảnh: DIỆP NHƯ
Các phương tiện phục vụ vận chuyển rác tại hai trạm trung chuyển bảo đảm các điều kiện môi trường. Ảnh: DIỆP NHƯ

Từ ngày 15-11 đến nay, Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) triển khai vận chuyển rác về trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị để nâng lên 100% công suất vận hành trạm này. Mỗi ngày có 9-10 chuyến xe vận chuyển trọng tải 5 tấn đưa về trạm với tổng cộng 45-50 tấn rác thu gom được trên các tuyến đường chính: Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Hải Phòng... (quận Thanh Khê). Hiệu quả của công tác thu gom rác tăng lên so với việc vận hành xe vận chuyển có trọng tải 7 tấn trước đó, do rút ngắn thời gian và lộ trình vận chuyển rác so với đưa lên bãi rác Khánh Sơn, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các tuyến đường nói trên.

Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê Nguyễn Việt Hùng nhìn nhận, lộ trình thu gom rác đưa về trạm trung chuyển ở đường Lê Thanh Nghị có nhiều tuyến đường, khu vực yêu cầu cao về mỹ quan, vệ sinh đô thị. Sau 1 tháng thu gom, vận chuyển rác ở lộ trình này đã ổn định; thời gian quay vòng xe được rút ngắn nên chất lượng vệ sinh đô thị tăng lên.

Cụ thể, xe xuất phát từ 6 giờ sáng nên công nhân thu gom rác sớm, hạn chế tồn đọng rác ở trên đường vào giờ cao điểm. Xe vận chuyển rác quay đầu về điểm thu gom rác nhanh nên công nhân không phải chờ lâu; dễ dàng bố trí 3 chuyến xe thu gom rác vào ban đêm nên đường phố sạch hơn và giảm thiểu rác tồn đọng đến sáng sớm hôm sau...

Ông Hoàng Văn Tùng, đại diện Liên danh nhà thầu SEEN - SAMCO (thi công và vận hành 2 trạm trung chuyển rác) cho rằng, thành phố đưa 2 trạm trung chuyển rác vào hoạt động đã góp phần làm tăng tính chuyên nghiệp, cải thiện rõ rệt công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn quận Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ và Thanh Khê. Việc đầu tư, vận hành các trạm trung chuyển cùng Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư đồng bộ hơn 20 xe ép rác loại nhỏ thuận lợi thu gom, vận chuyển rác trên các tuyến đường nhỏ trong đô thị cũng như lưu hành bên trong trạm trung chuyển... không chỉ nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị mà còn bảo đảm môi trường, giao thông trên các tuyến phố và sức khỏe, điều kiện sống của người dân so với trước đây.

Việc đầu tư, vận hành các trạm trung chuyển rác là giải pháp đồng bộ với chủ trương của thành phố về xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện hoặc nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại do nước rỉ rác đã được tách ra, xử lý tại trạm trung chuyển và các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, làm giảm 40-50% chi phí so với đưa về trạm xử lý nước rỉ rác tập trung. Đồng thời, giảm chi phí xử lý rác do khối lượng rác giảm nhưng lại tăng nhiệt trị, tăng hiệu suất đốt rác để phát điện, mà lại làm giảm độ ăn mòn vật liệu lò đốt, giảm khí thải...

Theo kết quả đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng (đơn vị được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư 2 trạm), qua thời gian vận hành 2 trạm trung chuyển rác, chất lượng nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép; mùi hôi không phát tán ra ngoài và giảm tiếng ồn phát sinh. Quá trình duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị ép thuận lợi do được sản xuất trong nước; các dây chuyền ép rác được lắp đặt riêng biệt nên 2 trạm được vận hành liên tục, không bị gián đoạn khi duy tu, bảo dưỡng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua tổng hợp ý kiến đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc đưa các trạm trung chuyển rác vào hoạt động đã góp phần cải thiện rõ rệt công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn các quận và góp phần cải thiện môi trường, mỹ quan đô thị.

Thời gian thu gom rác trên đường phố, khu dân cư bảo đảm theo khung giờ cố định; thời gian quay vòng xe thu gom rác được rút ngắn từ 45 phút (lên bãi rác Khánh Sơn) giảm xuống còn 10 phút (đưa về trạm trung chuyển) giúp công tác thu gom, vận chuyển được ổn định, giải phóng nhanh và không gây ùn ứ rác trong khu dân cư. Số điểm tập kết, tập kết tạm thùng rác đã giảm; khối lượng rác vận chuyển từ trạm trung chuyển rác khu vực quận Sơn Trà lên bãi rác Khánh Sơn giảm 9,8% và từ trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị giảm 7,9%, giúp chi phí vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn và chi phí xử lý rác giảm từ 7,9-9,8%...

Các trạm trung chuyển rác còn gián tiếp mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc cải thiện mỹ quan đô thị, điều kiện sống của người dân và hỗ trợ tăng trưởng khối ngành dịch vụ, du lịch, các ngành công nghiệp khác. Kể từ khi các trạm trung chuyển rác đi vào vận hành đến nay, chưa có ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề môi trường; hoạt động bảo đảm hiệu quả so với mục tiêu đầu tư thành phố đã phê duyệt.

Để tăng cường hiệu quả vận hành các trạm trung chuyển rác, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư các trạm trung chuyển rác theo quy định, báo cáo UBND thành phố. Đồng thời, xây dựng phương án, quy trình và triển khai vận hành trạm trung chuyển vào các ngày có khối lượng rác tăng đột biến (dịp cuối tuần, lễ, lễ hội, tết...) và khi có sự cố để bảo đảm hiệu quả, an toàn, vệ sinh môi trường.

UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng rà soát, điều chỉnh phương án thu gom, vận chuyển rác phù hợp, gồm cả rác cồng kềnh bảo đảm phạm vi phục vụ của các trạm trung chuyển rác, đề án thu gom rác theo giờ và tình hình thực tế.

DIỆP NHƯ

;
;
.
.
.
.
.