Cần dành nguồn lực đầu tư hướng thoát nước mới ra sông, vịnh

.

ĐNO - Sáng 13-12, trong phiên thảo luận kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố, đại biểu Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Đô thị HĐND đề nghị thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí như đầu tư một số hướng thoát nước mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát nước hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển.

Đại biểu Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh PV
Đại biểu Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh PV

Đại biểu (ĐB) Lê Văn Dũng cho biết, qua các đợt mưa lớn cho thấy tình trạng ngập nước một số khu vực trên địa bàn thành phố có xu hướng phức tạp. Theo thống kê các đợt mưa năm 2022 và 2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 50 điểm ngập nước, một số khu vực ngập nặng như Mẹ Suốt, Cầu Đa Cô, Yên Thế - Bắc Sơn - Tôn Đức Thắng; Khe cạn; Hồ Tương (Kênh Phần Lăng); Hà Huy Tập -Trần Xuân Lê; Kiệt 96 Điện Biên Phủ;  CMT8 - cống Quỳnh.

Theo ĐB, có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết đã có tình trạng quá tải; đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, giảm diện tích ao hồ, khu vực thấp trũng điều tiết nước. 

Một số dự án thoát nước chính chưa thi công hoàn thành, chưa khớp nối hoàn chỉnh dẫn đến thoát nước kém hiệu quả; nạo vét, khơi thông chưa đồng bộ.

Tuy nhiên, theo ĐB, nguyên nhân quan trọng là tình trạng thời tiết biến đổi cực đoan; mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên, sớm thoát nước ra sông, ra vịnh; các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng lẫn nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước.

Từ thực trạng và nguyên nhân trên, ĐB đề xuất giải pháp, trước mắt, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên như nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí như đầu tư một số hướng thoát mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển.

Cụ thể, mở mới tuyến cống dọc theo đường Hà Huy Tập, Hà Khê ra vịnh Đà Nẵng: giải quyết thoát nước cho khu vực sân bay từ hồ Đầm Sen ra vịnh; mở mới tuyến cống dọc theo đường Phùng Hưng ra vịnh: giải quyết thoát nước cho lưu vực Kênh Đa Cô để giảm lượng nước tập trung về kênh Phú Lộc.

ĐB đề nghị phải làm việc với lãnh đạo sân bay Đà Nẵng để thống nhất phương án cải tạo lắp đặt các cửa phay điều tiết lượng nước thoát từ sân bay ra khu vực Phần Lăng, Hà Huy Tập, Kiệt 96 Điện Biên Phủ, Hồ 3 Sen Vàng, cống Lê Kim Lăng nhằm hạn chế tình trạng ngập nước các khu vực dân cư; đồng thời, đề nghị sân bay có kế hoạch khẩn trương nạo vét các hồ sân bay để tăng khả năng điều tiết nước...

Đi đôi với đó, cần bổ sung đưa vào kế hoạch chuẩn bị đầu tư năm 2024; tiếp tục tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các dự án chống ngập nước. Trong đó, cần nghiên cứu các kiến nghị đề xuất về thoát nước đô thị của Ban Đô thị đã được Thường trực Thành ủy cho ý kiến; xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai từng bước các giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề ngập nước đô thị trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong trả lời các vấn đề liên quan đến ngập úng đô thị. Ảnh PV
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong trả lời các vấn đề liên quan đến ngập úng đô thị. Ảnh PV

Trả lời vấn đề ngập nước đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong nêu nguyên nhân, thực trạng thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng trong thời gian tới của ngành và thành phố.

Đối với giải pháp trước mắt, tiến hành cập nhật, khảo sát, đo đạc toàn bộ hệ thống thoát nước hiện trạng trên địa bàn thành phố và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ để phục vụ công tác quản lý; đánh giá cụ thể các bất cập hiện nay về hệ thống thoát nước, trước mắt ưu tiên tại khu vực đô thị cũ thuộc các quận Hải Châu, Thanh Khê và đề xuất phương án cải tạo phù hợp.

Khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả cửa thu nước hiện trạng (bao gồm cửa thu nước ngăn mùi và không ngăn mùi); đề xuất phương án cải tạo phù hợp theo hướng bảo đảm nâng cao khả năng thu nước mặt đường và giảm tác động đến người dân do mùi hôi phát sinh từ các cửa thu.

Đặc biệt, sở sẽ xây dựng kịch bản ứng phó ngập úng đô thị nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố. ..

Đối với khu vực đường Mẹ Suốt và vùng lân cận, sở giao Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao khẩn trương nghiên cứu đề xuất đầu tư tuyến công thoát nước chính trên đường Phùng Hưng (đoạn từ kênh Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng) để giảm tải lưu lượng cho kênh Phú Lộc và sẽ hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt trong quý 1-2024. 

Về giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, ông Phùng Phú Phong cho biết, khẩn trương tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị. Đây là cơ sở đề xuất các dự án thoát nước có quy mô lớn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, bảo đảm giải quyết triệt để vấn đề ngập úng đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Sở rà soát, đề xuất mua sắm bổ sung các trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thuộc tỉnh Quảng Nam trong việc vận hành các hồ, đập đầu nguồn để điều tiết lũ cho khu vực huyện Hòa Vang.

Cùng với đó, ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết; lựa chọn phương án chia cắt, điều tiết lũ trên sông Vu Gia và Thu Bồn tại Giao Thủy (Quảng Huế)...

Lực lượng Thanh tra giao thông hướng dẫn các phương tiện lưu thông tại quận Thanh Khê ngày 13-10. Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng Thanh tra giao thông hướng dẫn các phương tiện lưu thông do mưa lớn tại quận Thanh Khê ngày 13-10. Ảnh: THÀNH LÂN

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

;
;
.
.
.
.
.
.